Wednesday, January 21, 2015

Giá xăng giảm 1.450 đồng từ 15h

Mỗi lít xăng RON 92 được doanh nghiệp bán ra với giá 16.120 đồng từ chiều nay.
Theo yêu cầu của cơ quan điều hành, dầu diezen sẽ giảm giá tối thiểu là 982 đồng một lít, từ 16.630 đồng xuống chỉ còn 15.640 đồng. Dầu hoả từ mức 17.110 đồng xuống chỉ còn 16.100 đồng, tương đương mức giảm 1.011 đồng. Dầu madút giảm xuống mức 12.210 đồng mỗi kg, giảm 720 đồng.
Trước đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giảm giá tối thiếu 1.444 đồng đối với xăng RON 92 trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm.
Theo cơ quan điều hành, trong chu kỳ từ ngày 6/1 đến 21/1, bình quân giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore là 64 USD một thùng giảm khoảng 4 USD so với chu kỳ tính giá lần trước. Đặc biệt, trong một số phiên mức giá giảm xuống còn xấp xỉ 50 USD một thùng.Đây là lần điều chỉnh thứ 2 của giá xăng dầu từ đầu năm 2015. Trước đó vào ngày 6/1, xăng RON 92 được giảm giá 310 đồng xuống còn 17.570 đồng. Trong năm 2014, riêng nửa cuối năm, giá xăng giảm 12 lần với tổng cộng 7.769 đồng. Nếu tính chung mặt hàng xăng dầu năm 2014 có 24 lần điều chỉnh. 
Trong chu kỳ 15 ngày tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, trên thị trường Singapore, mỗi thùng dầu dao động quanh mức 54 USD, giảm gần 10 USD so với trước đó.
Trong một chỉ đạo về điều hành xăng dầu vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi chiều qua 20/1, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu hai Bộ Tài chính, Công Thương tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động giá dầu thô trên thế giới để kịp thời có biện pháp xử lý về thuế nhập khẩu và giá bán lẻ xăng dầu cho phù hợp, để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, đồng thời góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Thursday, January 15, 2015

Bằng tiến sĩ giá 9 triệu rao bán khắp cả nước


Các đối tượng khai nhận, ngoài sản xuất bằng cao đẳng, đại học giả, nhóm này còn sản xuất bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả để bán cho khách ở khắp các tỉnh thành Bắc – Trung – Nam với giá chỉ 9 triệu đồng/bằng.
Phòng cảnh sát hình sự, công an TP.HCM xác nhận vừa bắt giữ 13 đối tượng trong đường dây sản xuất bằng giả với quy mô cực lớn.
Trong số 13 đối tượng, hiện công an đang tạm giữ 9 đối tượng để điều tra, xử lý về hành vi “làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; 4 đối tượng khác công an đang làm rõ, xử lý sau.
Các đối tượng bị bắt giữ tại cơ quan công an
Theo hồ sơ điều tra, 19h đêm 12/1 trinh sát của ban chuyên án phối hợp cùng với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chia thành nhiều tổ bất ngờ đột kích, khám xét nhiều địa điểm ở P.6, P.8 thuộc Q.Gò Vấp, TP.HCM và TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
13 đối tượng đã bị bắt giữ cùng với trăm bằng cấp, phôi bằng, bảng điểm…của hàng loạt trường ĐH, Cao đẳng trong cả nước và nhiều máy móc phục vụ công nghệ sản xuất bằng giả.
Cơ quan điều tra xác định, cầm đầu đường dây này là đối tượng Phạm Đăng Thành (tự Long chùa, SN 1990, quê Quảng Ngãi, tạm trú Q.1).
Đầu năm 2014, khi mới hoạt động, Thành đăng thông tin tìm kiếm khách hàng trên trang facebook cá nhân. Khi khách có nhu cầu, mọi giao dịch tiến hành trên mạng Internet, thông qua tài khoản ngân hàng.
Nếu khách hàng ở các tỉnh thành lân cận TP.HCM, đồng bọn như: Nguyễn Ngọc Thiệu (tự Ấn, SN 1995), Lê Văn Tượng (SN 1977), Nguyễn Hiệu (SN 1990, cùng quê Quảng Ngãi, tạm trú Q.Gò Vấp) hẹn gặp ở quán cà phê để lấy thông tin, nhận tiền đặt cọc.
Giai đoạn từ tháng 8/2014 đến nay, đồng bọn của Thành như: Thiệu, Tượng, Hiệu…cũng đăng thông tin tìm kiếm khách hàng trên trang facebook.
Sau khi nhận thông tin của khách hàng, Thành và đồng bọn chuyển giao cho vợ chồng Chu Ngọc Trung (SN 1983) - Nguyễn Kiều Vang (SN 1986, cùng quê Đồng Nai) dùng máy móc tại nhà trên đường Bùi Hữu Nghĩa, P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa sản xuất ra bằng cấp giả. Vợ chồng Trung – Vang còn có đám tay chân chuyên nghiệp thường xuyên liên lạc, giao nhận hàng.
Bằng thạc sĩ giả
Được biết từ tháng 9/2014, Trung bị công an TP.Biên Hòa ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra, xử lý về hành vi “làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Nhưng đối tượng này vẫn ẩn náu tinh vi để hành nghề làm giả giấy tờ, bằng cấp…
Theo đó, bằng cấp giả mà vợ chồng Trung – Vang nhận làm cho Thành và đồng bọn chỉ với giá 2 – 4 triệu đồng. Nhưng Thành và đồng bọn bán cho khách có nhu cầu giá 5 – 9 triệu đồng/bằng, tùy từng loại bằng cấp.
Bằng cao đẳng, đại học giả được đường dây của Thành bán chừng 5 triệu đồng/bằng. Còn bằng thạc sĩ, tiến sĩ được làm giả, chúng bán 7 – 9 triệu đồng/bằng.
Các đối tượng khai nhận, gần 1 năm hoạt động chúng đã sản xuất, bán ra thị trường khoảng 500 – 600 bằng cấp các loại. Theo các đối tượng này thừa nhận, thì khách mua bằng để sử dụng ở khắp các tỉnh thành từ miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Hiện ban chuyên án đang mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng có liên quan.

Trung tá Nguyễn Thanh Huyền – Đội trưởng Đội 4, Phòng cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM (là đơn vị chính trong ban chuyên án) cho biết: Khách mua bằng cấp giả trong đường dây của đối tượng Phạm Đăng Thành rộng khắp các tỉnh thành. Họ dùng để cung cấp cho nơi làm việc, nâng ngạch bậc lương…
Cơ quan công an đề nghị những ai mua bằng cấp giả của đường dây nói trên thì hãy đến công an trình báo, giao nộp. Nếu không, cơ quan công an sẽ điều tra, xử lý theo các quy định pháp luật.


Đàm Đệ

Wednesday, January 14, 2015

Kiều nữ cầm đầu đường dây mại dâm ở trung tâm Sài Gòn

Với khách trả hóa đơn trên 5 triệu đồng, quản lý nhà hàng KTV cho phép các nữ tiếp viên dụ họ "tới bến" với giá 3 triệu đồng một lượt mua dâm.
Đêm 13/1, trinh sát Công an quận 1 (TP HCM) phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hành chính nhà hàng KTV trên đường Nam Quốc Cang (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Ngoài các lỗi vi phạm như kinh doanh karaoke và rượu mạnh không phép, cảnh sát còn tìm thấy một số ma túy tổng hợp.
Hồng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Quốc Thắng.

Cùng thời điểm, một mũi trinh sát khác ập vào khách sạn 190 trên đường Cống Quỳnh (phường Phạm Ngũ Lão) bắt quả tang 3 đôi nam nữ đang "mây mưa". Các cô gái đôi mươi có ngoại hình bắt mắt thừa nhận là tiếp viên của nhà hàng KTV.
Theo cơ quan điều tra, KTV đã hoạt động được một thời gian dài dưới sự quản lý của Đỗ Thị Hồng (27 tuổi, ngụ Hải Phòng). Gần đây, nguồn tin trinh sát cho biết tụ điểm này có dịch vụ “vui vẻ” cho khách đến ăn nhậu. Với khách có hóa đơn trên 5 triệu đồng, Hồng sẽ chỉ đạo các nữ tiếp viên trẻ đẹp mời sử dụng dịch vụ "tới bến". Nếu đồng ý, khách phải chi một triệu đồng trước khi Hồng điều tiếp viên đến phục vụ với giá 3 triệu đồng một lượt tại các khách sạn gần đó.
Nhà hàng KTV. Ảnh: Quốc Thắng. 
Liên quan vụ việc, Công an quận 1 đã tạm giữ Hồng và tiếp tân khách sạn 190 là Trần Thị Diễm Thúy (29 tuổi) để điều tra về hành vi Môi giới mại dâm và Chứa mại dâm. Nhà hàng KTV còn bị xử lý thêm về hành vi thiếu trách nhiệm quản lý để khách sử dụng ma túy.

Quốc Thắng

Cục trưởng Hàng không: '117 phi công báo ốm đã uy hiếp đến an toàn bay'

Lãnh đạo Cục cho rằng chỉ trong 5 ngày mà có 117 phi công xin nghỉ việc, báo ốm là bất thường, uy hiếp đến an toàn bay và việc ngăn chặn là đúng pháp luật.
Trao đổi với báo chí ngày 13/1 về việc hàng trăm phi công của Vietnam Airlines báo ốm, xin nghỉ việc, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh nhận định trong thời gian ngắn có hàng trăm phi công cáo ốm và xin nghỉ là rất bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có biện pháp xử lý hành chính.
Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh. Ảnh: Thanh Bình.

Ông Thanh cho biết việc lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải có chỉ đạo ngăn chặn phi công xin nghỉ là đúng quy định. Chính phủ xác định Vietnam Airlines là lực lượng dự bị của quốc phòng, trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp cấp bách.
“Việc 117 phi công báo ốm, xin nghỉ là bất thường, cấp bách, uy hiếp đến hoạt động tức thời của hãng, đến an ninh kinh tế quốc gia nên nhà nước phải có biện pháp hành chính tức thời”, Cục trưởng Hàng không lý giải.
Trước ý kiến cho rằng phi công xin nghỉ không chỉ do tiền lương thấp mà còn do quá tải về công việc, người đứng đầu Cục Hàng không thông tin, các quy định an toàn bay rất ngặt nghèo, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi của phi công.
"Nói phi công bị vắt kiệt sức là không chính xác", ông nói.
Ông cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu hãng xây dựng cơ chế tuyển dụng, chuyển nhượng rõ ràng, minh bạch đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp. Việc xây dựng quy định chậm nhất đến tháng 7/2015 phải hoàn thành .
Trước đó, ngày 12/1, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - Phạm Ngọc Minh cho biết từ 5/1 có tổng cộng 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Sau đó, 9 người có đơn xin nghỉ việc. Trong số phi công báo ốm chỉ có 10 trường hợp có chứng nhận cơ quan y tế. Cao điểm có những ngày ghi nhận 7-8 chuyến bay có phi công báo ốm. Vietnam Airlines đã huy động lực lượng dự bị có sẵn để đáp ứng yêu cầu.
Ông Minh cũng cho rằng đây không phải việc làm cá nhân mà là hiện tượng lãn công tập thể, thông qua báo ốm, nếu không xử lý sẽ tái diễn vào các dịp cao điểm khác. Ông cam kết tăng lương từ tháng này theo lộ trình. Theo đó, tiền lương cơ trưởng lái Boeing 777 sẽ từ 163 triệu đồng đến 203 triệu đồng; máy bay A321 từ 142 triệu đến 183 triệu đồng mỗi tháng. Nửa cuối năm, mức lương tương ứng là 217 và 158-198 triệu đồng. Lương phi công nước ngoài của Vietnam Airlines tương ứng là 10.000-12.000 USD mỗi tháng.

Thông tin tại buổi họp trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông năm 2014 diễn ra ngày 13/1, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, năm 2014, tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không Việt Nam là 17,3%, tăng 0,9 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2013, tỷ lệ hủy chuyến là 2,0%, giảm 0,8 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2013.
Về tai nạn hàng không, trong năm 2014 không xảy ra tai nạn hàng không, tuy nhiên tổng số sự cố và các vụ việc có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không là 401 vụ, trong đó có 91 sự có an toàn hàng không (tăng 177% so với năm 2013).
Các sự cố mức B, D tăng mạnh lần lượt ở mức 200% và 207% làm ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số sự cố bắt buộc phải báo cáo/1000 lần chuyến, chỉ số sự cố uy hiếp an toàn bay mức C/10000 lần chuyến và chỉ số sự cố nghiêm trọng/10000 lần chuyến bay đều tăng.
Một số sự cố điển hình như vụ vận chuyển nhầm hành khách đi Cam Ranh; vụ cấp nhầm huấn lệnh tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; vụ mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất.
Võ Hải

Chiến lược cải tổ lãnh đạo cấp cao của Tập Cận Bình

Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiến hành cải tổ nhân sự cấp cao trên quy mô lớn, từ trung ương đến địa phương và trong quân đội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Năm 2014 được đánh giá là năm cao điểm trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với việc điều tra hàng loạt quan chức cấp cao nhất như cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Lệnh Kế Hoạch.
Song song với chống tham nhũng, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cũng đang tiến hành một đợt cải tổ nhân sự trên quy mô lớn, từ trung ương đến địa phương và trong quân đội.
Chỉ riêng trong tháng 11/2014, lãnh đạo cao cấp của 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc và Thanh Hải, được luân chuyển công tác. Trước đó, biến động nhân sự tại địa phương được chú ý nhất là việc Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm Vương Nho Lâm thay thế ông Viên Thuần Thanh đảm nhiệm chức bí thư tỉnh ủy Sơn Tây. Sơn Tây được coi là tỉnh trọng điểm trong chiến dịch chống tham nhũng, với việc hơn một nửa ban lãnh đạo tại đây bị điều tra, trong đó có ông Lệnh Chính Sách, anh trai của Lệnh Kế Hoạch.
Trong quân đội, hơn 40 tướng lĩnh của nước này đã bị điều chuyển vào những tháng cuối năm. Giáo sư Nê Lạc Hùng thuộc Đại học Sư phạm Thượng Hải nhận định rằng, động thái trên cũng giống như các quyết định điều động nhân sự tại địa phương, là nhằm tránh để một người giữ một vị trí trong quá lâu, từ đó có thể thiết lập phe cánh.
"Về bản chất, những nhóm nhỏ của một số cán bộ là một dạng nhóm lợi ích dùng quyền lực công để mưu lợi tư", People's Daily viết trong một bài xã luận hôm 5/1. "Hậu quả của việc này sẽ nguy hại đến quốc gia, dân tộc".
Tuy nhiên, biến động nhân sự được giới phân tích đặc biệt chú ý là việc ngày 31/12/2014, ủy viên Bộ Chính trị Tôn Xuân Lan, được điều động giữ chức trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, chức vụ vốn để trống sau khi ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra.
Một ngày trước đó, People's Daily ra thông cáo cho biết bà Tôn thôi đảm nhiệm chức bí thư thành ủy Thiên Tân. Chức vụ này do thị trưởng thành phố Hoàng Hưng Quốc tạm thời kiêm nhiệm.
"Đây là lần biến động nhân sự cấp Bộ Chính trị đầu tiên từ sau Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc", bình luận viên Cary Huang của South China Morning Post nhận định. "Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang có những bước đi chuẩn bị cho nhân sự cấp cao tại kỳ Đại hội 19".

Chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới


Năm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến sẽ về hưu sau Đại hội 19 vì lý do tuổi tác là (từ trái sang phải): Vương Kỳ Sơn, Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang và Du Chính Thanh. Ảnh: SCMP
Bà Tôn Xuân Lan hiện nay là một trong những nữ chính trị gia cấp cao nhất của Trung Quốc. Theo Caixin, trước khi được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội 18 năm 2012, bà từng là bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến, địa phương mà Chủ tịch Tập từng công tác hơn 10 năm. Tuy nhiên, đường thăng tiến của nữ chính khách này bắt đầu từ tỉnh Liêu Ninh, miền đông bắc Trung Quốc. Tại đây, Tôn Xuân Lan là cấp dưới trực tiếp của Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi đó là bí thư tỉnh ủy (2004-2007).
Ông Hoàng Hưng Quốc giữ chức thị trưởng Thiên Tân từ năm 2007, dưới quyền ông Trương Cao Lệ, người nay là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Trước đó, ông Hoàng từng có thời gian dài công tác tại tỉnh Chiết Giang, là cấp dưới trực tiếp của ông Tập Cận Bình.
Giới phân tích cho rằng việc ông Hoàng Hưng Quốc được đề bạt làm người đứng đầu thành phố cửa ngõ của thủ đô Bắc Kinh, cũng như mối quan hệ gần gũi của ông với giới lãnh đạo cao nhất nước, cho thấy chính khách này là ứng viên tiềm năng của Bộ Chính trị nhiệm kỳ sắp tới.
Theo quy định hiện hành, các ủy viên Bộ Chính trị không được phép tái cử nếu tuổi đời từ 68 trở lên. Vì vậy, 5 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và 6 ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ về hưu sau Đại hội 19 dự kiến diễn ra vào năm 2017.
Giáo sư Steve Tsang từ Đại học Nottingham cho biết bố trí nhân sự cấp cao trong nhiệm kỳ mới chịu sự ràng buộc chặt chẽ từ các quy định được thiết lập từ thời cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. "Ông Tập Cận Bình biết rõ hơn ai hết về những điều này", chuyên gia này nói.
Chủ tịch Tập được cho là nhà lãnh đạo tập trung nhiều quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc kể từ sau thời đại Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Sự kiện Chu Vĩnh Khang cho thấy mức độ tập trung quyền lực của ông Tập trong kết cấu quyền lực của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc hiện nay. Lãnh đạo này được cho là đang thay đổi luật chơi trong giới chính trị thượng tầng của Trung Quốc.
Giáo sư Trương Minh thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định rằng Đại hội 19 là thời điểm quan trọng để Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố hơn nữa nền tảng quyền lực của mình. "Các thay đổi nhân sự sẽ tiếp tục diễn ra trong hai năm sắp tới, đặc biệt là tại các hội nghị trung ương nhóm họp định kỳ mỗi năm một lần", ông kết luận.

Bà Tôn Xuân Lan. Ảnh: Baidu

Công ty in cuốn sách có bìa hình Công Lý bị đình chỉ hoạt động

In cuốn "Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành" khi không có giấy phép hoạt động, Công ty Mỹ Quyên bị phạt hành chính và đình chỉ hoạt động.
Cục Xuất bản, In và Phát hành mới đây ra quyết định xử phạt công ty trách nhiệm hữu hạn In bao bì Mỹ Quyên (85/992C Lê Đức Thọ, Phường 6, Quận Gò Vấp, TP HCM). Quyết định, được Cục trưởng Chu Văn Hòa ký ngày 9/1, nêu rõ đơn vị này đã in hai cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 và Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 khi không có giấy phép hoạt động in. Với tình tiết giảm nhẹ: "Đã nghiêm túc nhận lỗi, tích cực giúp cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm hành chính", công ty Mỹ Quyên bị phạt 140 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động trong 9 tháng.
Bìa sách luật in hình diễn viên Công Lý gây phản cảm và bất bình.
Cũng liên quan tới việc thực hiện, phát hành cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014, đại diện đơn vị phát hành sách bị xử phạt hành chính. Ngày 13/1, Cục Xuất bản ra quyết định phạt ông Nguyễn Lý Văn Dương - đại diện hộ kinh doanh cá thể - Nhà sách Lao Động - 25 triệu đồng. Theo đó, ông Nguyễn Lý Văn Dương bị phạt vì phát hành xuất bản phẩm liên kết Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 và Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 của NXB Lao động - Xã hội khi chưa có quyết định phát hành.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2014, cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội gây bất bình trong dư luận. Ảnh bìa của sách in hình diễn viên hài Công Lý, hai tay cầm hai cán cân và đứng trên một quả cầu lửa, trên người chỉ mặc chiếc quần lót. Đơn vị xuất bản này còn mắc những lỗi tương tự với cuốn Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014. Không chỉ sai sót trong khâu biên tập, NXB Lao động - Xã hội còn cho phát hành hai cuốn sách không tuân thủ đúng nội dung đăng ký với Cục; tự ý thu hồi xuất bản phẩm. Cục Xuất bản đã phạt NXB Lao động - Xã hội số tiền 250 triệu đồng.

Lam Thu

Tuesday, January 6, 2015

[HOT] - Giá xăng tiếp tục giảm 310 đồng một lít

Đây là lần giảm đầu tiên của giá xăng dầu trong năm 2015.
Các doanh nghiệp xăng dầu vừa cho biết sẽ điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu từ 16h30. Theo đó, xăng RON92 sẽ giảm giá 310 đồng, xuống còn 17.570 đồng một lít.
Các doanh nghiệp xăng dầu vừa cho biết sẽ điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu từ 16h30. Theo đó, xăng RON92 sẽ giảm giá 310 đồng, xuống còn 17.570 đồng một lít. Mặt hàng dầu diezen cũng giảm 360 đồng còn 16.630 đồng. Dầu hỏa và dầu madút 3,5%S giảm lần lượt 290 đồng và 200 đồng còn 17.110 đồng và 13.300 đồng.
Bảng giá được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng từ 16h30 ngày 6/1.
Đây là lần giảm đầu tiên của giá xăng trong năm 2015. Trước đó, năm 2014 mặt hàng này liên tục được điều chỉnh với 5 lần tăng và 12 lần giảm giá. Mức giảm tông tổng cộng là 7.769 đồng.
Lần điều chỉnh gần đây nhất của giá xăng dầu diễn ra ngày 22/12/2014 với mức giảm kỷ lục 2.050 đồng mỗi lít. Đây cũng là mức điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng 2/2011.
Trước đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giảm giá mặt hàng này trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm. Trên thị trường Singapore, bình quân trong 15 ngày qua, giá xăng RON 92 vào khoảng 65 USD một thùng, giảm 5 USD so với chu kỳ điều chỉnh giá lần trước. Trong phiên 5/1, giá mặt hàng này chỉ còn 60,26 USD một thùng.
Cơ quan quản lý cũng cho biết thuế đối với mặt hàng này sẽ được điều chỉnh tăng. Trong đó, thuế nhập khẩu xăng tăng thêm 8% lên 35%. Dầu diezen tăng thêm 7% lên 30%. Đặc biệt, thuế suất với dầu hoả tăng mạnh từ 26% lên mức 35%.
Trước đó, để đối phó với nguy cơ ngân sách hụt thu hàng chục nghìn tỷ đồng do giá dầu thế giới giảm, cách đây một tháng, Bộ Tài chính đã điều chỉnh barem (thang) tính thuế nhập khẩu xăng dầu. Theo barem này, nếu dầu thô dưới 60 USD thùng thì cả 4 mặt hàng xăng dầu đều được quyền tăng thuế kịch trần là 40%.

Lục quân Nga bổ sung hàng loạt xe chiến đấu hạng nặng

Đến năm 2020, Lục quân Nga sẽ nhận tổng cộng khoảng 11.000 đơn vị xe chiến đấu hạng nặng, bao gồm hàng ngàn thiết giáp mới và hiện đại hóa cũng như tăng chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3
Hãng RIA Novosti ngày 4/1/ dẫn lời Tư lệnh Lục quân Nga, Thượng tướng Oleg Salyukov, khẳng định, đến năm 2020, Lục quân Nga sẽ tiếp nhận hơn 5.000 mẫu vũ khí trang bị thiết giáp mới, gần 6.000 mẫu hiện đại hóa.
Ngoài ra, Nga cũng sẽ nối lại việc mua sắm xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và xe bọc thép chở quân mới BTR-90.
“Việc mua sắm BMP-3 được nối lại cho các đơn vị Lục quân Nga. Hiện tại, chúng tôi đang mua BTR-82А, trong đó có tính đến tất cả những thành quả nghiên cứu về hệ thống vũ khí, hệ thống điều khiển hỏa lực, vỏ giáp bảo vệ, khả năng cơ động và khả năng chỉ huy-điều khiển”, Thượng tướng Salyukov nói.
Tư lệnh Lục quân Nga Oleg Salyukov cho biết thêm, Nga hiện đang tiếp tục công tác thiết kế-thử nghiệm nhằm chế tạo các mẫu thiết giáp tương lai, trong đó có xe tăng và xe chiến đấu bộ binh Armata, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 và xe bọc thép chở quân Bumerang.

Theo RIA Novosti

Hai 'hổ lớn' đứng sau nạn phe phái ở Trung Quốc

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đã có sự thừa nhận hiếm hoi về tình trạng phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và chỉ đích danh những thành viên chủ chốt có quan hệ với hai “hổ lớn” vừa bị hạ bệ Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch.
 
Năm 2014, Trung Quốc chính thức điều tra đối với Chu Vĩnh Khang.
Báo chí đại lục mới đây xác định những thành viên trụ cột của “Sơn Tây hội”, “phe thư ký” và “phe dầu khí”, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 5/1 đưa tin.
Tuy nhiên, theo Xinhua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cân nhắc nguy cơ trong việc đánh đổ những “con hổ lớn” như vậy. Báo chí đại lục gần đây nêu tên nhiều quan chức cấp cao ngã ngựa có dính líu những cái gọi là “Sơn Tây hội”, “phe thư ký” và “phe dầu khí”. Tuần qua, 25 ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất kỳ quan chức nào kết bè kéo cánh, tạo lập phe nhóm chính trị để trục lợi cá nhân.
Năm 2014, Trung Quốc chính thức điều tra đối với Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an, cựu Bí thư Ủy ban Chính Pháp; cựu Chánh văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch; cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Phó Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Tô Vinh. Trong một bài báo, Xinhua cho rằng, chỉ có dũng cảm đương đầu các nguy cơ và thách thức mới có thể tuyên chiến với các nhóm lợi ích và giải quyết những vấn đề gốc rễ ăn sâu trong đảng.
Theo bài báo, những cuộc điều tra đối với các quan chức bị hạ bệ đã thuyết phục công chúng rằng, chính quyền cương quyết diệt trừ tham nhũng. Ông Tập Cận Bình “đả hổ” không thể không cân nhắc hậu quả. “Nhưng chúng ta đã xác định các nhiệm vụ và mục đích của đảng, cũng như những gì mọi người đang trông đợi chúng ta”, Xinhua trích thuật lời ông Tập nhưng không nói rõ ông phát biểu nội dung này bao giờ và trong trường hợp nào.
Theo báo chí đại lục, “phe thư ký” gồm nhiều trợ lý hàng đầu và thư ký riêng của Chu Vĩnh Khang, trong đó có cựu Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, cựu Chủ tịch Chính Hiệp Tứ Xuyên Lý Sùng Hy, cựu Phó Tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm. “Phe dầu khí” có Tưởng Khiết Mẫn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nguyên là trợ lý của Chu Vĩnh Khang; Phó Chủ tịch CNPC Vương Vĩnh Xuân; cựu Phó Tổng giám đốc CNPC Lý Hoa Lâm. Lệnh Kế Hoạch thuộc “Sơn Tây hội” gồm hàng loạt quan chức ngã ngựa, trong đó có Phó Chủ tịch Chính Hiệp Sơn Tây Lệnh Chính Sách là anh ruột của Lệnh Kế Hoạch.
Theo Xinhua, thường xuất hiện các phe phái công khai hoặc mờ ám đằng sau những “con hổ” bị đánh đổ và thực tế này đặt ra một nguy cơ lớn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Zhang Ming, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Nhân Dân, cho biết, truyền thông Trung Quốc từ lâu đã đề cập sự tồn tại của 3 phe phái, nhưng bài báo Xinhua đăng tải hàm nghĩa Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý muốn thừa nhận thực tế này. “Ít nhất nó có nghĩa tồn tại các phe phái và nhóm lợi ích khác nhau trong nội bộ đảng”, ông Zhang nhận xét. Tuy nhiên, Xinhua không hề nhắc đến sự tồn tại của các phe nhóm khác như “phe thái tử đảng”, “Đoàn phái” vốn là những thế lực đằng sau hậu trường, giáo sư Zhang nói.

Ngày 5/1, cựu lãnh đạo Đài Loan, ông Trần Thủy Biển, được phóng thích khỏi nhà tù vì lý do sức khỏe, sau khi thụ án 6 năm vì tội tham nhũng, nhận hối lộ, biển thủ công quỹ trong thời gian đương nhiệm. Ông Trần Thủy Biển, 64 tuổi, lãnh đạo Đài Loan từ năm 2000 đến 2008, được trả tự do từ một bệnh viện trong nhà tù vào chiều 5/1 do “vấn đề về sức khỏe”, theo cơ quan tư pháp Đài Loan. Ông này sẽ phải khám sức khỏe định kỳ hằng tháng.
VietnamPlus
SCMP, Want China Times

Monday, January 5, 2015

Bí mật vụ Công Phượng chuyển băng đội trưởng cho Xuân Trường

Ngay trước khi khai mạc V-League 2015, HLV Guillaume Graechen quyết định trao băng thủ quân đội HAGL cho Xuân Trường, thay vì Công Phượng.

HLV Guillaume Graechen đã có một chiến dịch thử thách Xuân Trường trong việc mang băng đội trưởng của CLB HAGL. Ảnh: Đức Đồng.

“Trong mắt tôi, Xuân Trường luôn là một thủ lĩnh và là người thích hợp nhất để mang băng đội trưởng. Còn lý do vì sao đến bây giờ cậu ta mới mang nó, tôi có rất nhiều lý do để chia sẻ”, HLV người Pháp chia sẻ vớiVnExpress, một ngày sau chiến thắng 4-2 của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trước Khánh Hòa ở vòng một V-League 2015.
“Xuân Trường là tiền vệ trung tâm nên bao quát trận đấu tốt hơn. Ở vị trí của mình, cậu ấy có thể thúc giục các đồng đội tuyến dưới và san sẻ công việc ở tuyến giữa. Bên cạnh đó, Xuân Trường cũng là người có khả năng gây đột biến với những đường chuyền sắc sảo và cả những bàn thắng nữa. Ở cậu ấy hội đủ yếu tố của một thủ lĩnh thực sự”.
Lương Xuân Trường trước đây từng mang băng đội trưởng đội U19 Việt Nam thi đấu tại giải U19 Đông Nam Á năm 2013 và vòng loại giải U19 châu Á 2013. Vì chấn thương tay và phải nghỉ thi đấu một tháng của anh nên chiếc băng thủ quân có thời điểm được HLV Graechen trao cho tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Sau đó, Xuân Trường trở lại và mang băng đội trưởng ở giải U21 quốc tế.

Trong ngày mang băng đội trưởng của HAGL thi đấu ở V-Laegue, Xuân Trường bùng nổ với một bàn thắng đẹp. Ảnh: Đức Đồng.
Tuy nhiên, trong đợt tập huấn tại châu Âu hồi tháng 6/2014, tiền vệ trẻ người Tuyên Quang bất ngờ bị "cách chức". Công Phượng mang băng đội trưởng của đội U19 Việt Nam thi đấu các giải quốc tế lẫn trong nước, kể từ đó. Sát ngày khai mạc V-Laegue 2015, Xuân Trường mới được "phục chức".
“Tôi tước băng đội trưởng của Xuân Trường là muốn cậu ấy xem lại bản thân, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với trọng trách được trao", HLV Graechen chia sẻ thêm. "Có thể nói, tôi đã thành công với quyết định này. Khi được trao lại chức thủ quân Xuân Trường đã thi đấu tốt, có trách nhiệm và bùng nổ”.
Hôm qua 4/1, trong ngày mang băng thủ quân dẫn dắt các đồng đội ra mắt V-Laegue, tiền vệ mang áo số 6 của HAGL đã có một trận đấu hoàn hảo. Anh là tác giả của bàn nâng tỷ số lên 3-1, với cú sút từ ngoài cấm địa đưa bóng vào góc cao.

Bầu Đức ra tay nghĩa hiệp khi sân Pleiku quá tải

Trong ngày sân Pleiku quá tải, ông chủ đội Hoàng Anh Gia Lai đã xuống tận nơi tìm kiếm những khán giả lớn tuổi và trẻ em, đưa lên khán đài VIP.

Chiều 4/1, sân Pleiku bị quá tải khi các khán giả chen chúc đến chủ nhà Hoàng Anh Gia Lai, với nòng cốt là các cầu thủ trưởng thành từ Học viện HAGL Arsenal JMG, tiếp đón Khánh Hòa ở vòng một V-League 2015. Ban tổ chức phải mở cổng số 3 để khán giả tràn xuống đường biên, giảm tải cho khán đài tránh nguy cơ xô lấn, mất an toàn.

Ngược lại, trên khán đài VIP còn khá nhiều chỗ trống.

Kết thúc hiệp một, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai - xuống khu vực có khán giả đang đứng dưới sân để tìm kiếm những người lớn tuổi và trẻ em.

Trao đổi với VnExpress, bầu Đức nói: "Trên khu VIP của tôi còn chỗ trống nên tôi xuống đây, mời các cụ cao niên và trẻ em lên đó ngồi xem. Tội người ta, đều có vé cả nhưng vì đến trễ nên phải đứng thế này".

Trước hành động đẹp của phó Chủ tịch VFF, nhiều khán giả níu kéo ông lại cám ơn và xin chụp ảnh.

Lực lượng an ninh sợ hành động của bầu Đức sẽ khiến nhiều khán giả khác cũng kéo lên khu VIP...

... nhưng ông vẫn kiên quyết và tiếp tục đi tìm những khán giả lớn tuổi.

Trước trận đấu, bầu Đức cũng đã đến sân rất sớm để chỉ đạo công tác bảo vệ trận đấu. Ông nói: "Chưa bao giờ V-Laegue lại sốt vé như thế này. Dù sao cũng phải để khán giả có vé vào sân không thì tội lỗi với họ".

Những cụ già và các gia đình có trẻ con vui mừng khi được ông chủ của HAGL mời lên khu VIP thưởng thức bóng đá.
Đức Đồng

Cáp quang AAG lại đứt ngay đầu năm mới

Thời điểm xảy ra sự cố là 8h04 phút sáng 5/1. Đơn vị điều hành chưa xác định được thời gian khắc phục sự cố.
Sáng 5/1, một số nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đã nhận được thông báo từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang Internet từ châu Á đi Mỹ (AAG) về vụ đứt cáp xảy ra lúc 8h04 phút. Đoạn đứt nằm trên phân đoạn S1H, tức là đoạn rẽ từ đường truyền quốc tế vào Vũng Tàu (VTU). Hiện trạm VTU đang tiến hành các thao tác để xác định vị trí cụ thể.
Chưa thể cho biết thời gian cụ thể để khắc phục, song đơn vị điều hành cho biết việc này sẽ ảnh hưởng tới dung lượng băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam.
cap-quang-JPG-2583-1420429108.jpg
Cáp quang biển AAG tiếp tục đứt ngay những ngày đầu năm mới 2015.
Trước đó, trong năm 2014, đã có 2 lần tuyến cáp quang này bị đứt vào tháng 7 và tháng 9. Trong sự cố tháng 7/2014, sau gần 2 tuần, sự cố mới được khắc phục.
AAG là một trong 4 tuyến cáp quang biển của Việt Nam hiện nay và là tuyến lớn nhất. Nguyên nhân đứt cáp khá đa dạng, như cá mập cắn, tàu bè qua lại...
Thanh Bình

Bộ trưởng Thăng cảnh cáo Tổng thầu Trung Quốc vì vụ sập giàn giáo

Cho rằng nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án không tốt nên gây nhiều sự cố, khiến người dân bức xúc, Bộ trưởng cảnh cáo và yêu cầu thay thế Tổng chỉ huy công trường, tư vấn giám sát dự án...
Chiều 4/1, tại cuộc họp Bộ Giao thông với Tổng thầu EPC dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) về sự cố sập giàn giáo, ông Trịnh Xuân Cường, chuyên gia Tổ tư vấn Bộ Giao thông cho biết tai nạn xảy ra do cấu tạo đà giáo không phù hợp, thi công không đúng bản vẽ thiết kế được duyệt. Ông Cường kiến nghị điều chỉnh thiết kế đà giáo.
Đồng quan điểm này, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đà giáo kém ổn định, kém liên kết, khả năng cấu tạo không thống nhất. Hệ đà giáo có khả năng chịu tác động ngang kém nên lệch tâm. Trong khi đó, tư vấn và nhà thầu đã không giám sát chặt chẽ, dẫn đến sự cố.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tổng thầu EPC đã thực hiện dự án không tốt nên đã xảy ra nhiều sự cố thời gian qua, gây bức xúc và cả phẫn nộ trong nhân dân, khiến người dân đi qua hạng mục của dự án thấy lo sợ và ám ảnh. Trong khi Bộ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía Tổng thầu không chịu thực hiện.

Nhiều lỗi thiết kế và thi công khiến hệ đà giáo bị sập ngày 28/12. Ảnh: Quý Đoàn
Bộ trưởng Thăng đã cảnh cáo Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc trong việc triển khai dự án vì những lý do để mất an toàn giao thông, mất an toàn thi công. Ông yêu cầu Tập đoàn Cục 6 phải thay thế ngay Tổng chỉ huy công trường và tăng cường các kỹ sư, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm, lương tâm sang làm việc.
Hợp đồng với tư vấn giám sát cũng phải chấm dứt và thay mới bằng một đơn vị do Bộ Giao thông Vận tải chỉ định. Bộ yêu cầu chấm dứt toàn bộ các nhà thầu phụ hiện nay và ký hợp đồng trực tiếp với các Tổng công ty Xây dựng Giao thông (CIENCO) của phía Việt Nam.
Tập đoàn Cục 6 phải rà soát lại toàn bộ dự án, thống nhất lại toàn bộ quy trình thi công, giám sát, nghiệm thu và thanh toán trong tháng 1/2015.
Bộ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để thẩm tra đánh giá lại toàn bộ chất lượng, tiến độ dự án này. Tổ công tác này sẽ mời các chuyên gia hàng đầu về giao thông vận tải dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẩn trương làm việc với Tổng thầu để lựa chọn tư vấn giám sát, đồng thời rà soát lại toàn bộ tiến độ, chất lượng cũng như quy trình thi công.
“Nếu Tập đoàn Cục 6 không chấp nhận phương án đó, tôi sẽ báo cáo Chính phủ chấm dứt hợp đồng và kiến nghị thay Tổng thầu khác. Đây là cơ hội cuối cùng để Tập đoàn Cục 6 khắc phục và sửa sai", Bộ trưởng Thăng nói. Ông cũng khẳng định không chấp nhận bất cứ trường hợp sự cố hay tai nạn nào xảy ra nữa.
Tại cuộc họp, ông Chu Hằng Vũ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 cho biết, ông tôn trọng ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Bản thân tập đoàn đã họp gấp để xử lý toàn bộ các việc ở dự án. Lãnh đạo Tập đoàn Cục 6 cũng cam kết sẽ làm lại quy trình, kiểm tra tư cách và năng lực nhà thầu phụ. Các nhà thầu phụ không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị thay thế.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 cũng xin lỗi người dân Việt Nam sau khi xảy ra các sự cố trên công trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thời gian qua.

Đoàn Loan