Wednesday, September 17, 2014

Ngân hàng phải trong tay người muốn làm ngân hàng

Vấn đề đang xảy ra với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và tập đoàn Thiên Thanh một lần nữa lại đặt ra câu hỏi về việc làm sao kiểm soát việc các ông chủ doanh nghiệp tìm cách mua các ngân hàng rồi dùng tiền của ngân hàng để làm chuyện sai trái, phục vụ lợi ích riêng.
Điều này tương tự việc các tập đoàn tư nhân ở nhiều nước tìm cách tạo ra các thị trường vốn nội bộ để phục vụ cho tập đoàn của mình.
TBKTSG xin giới thiệu ý kiến của ba chuyên gia kinh tế, lý giải vì sao những quy định, quy trình về đảm bảo an toàn cho vay hiện nay tuy “chặt” trên giấy nhưng lại “lỏng” trong thực tế, đồng thời đưa ra giải pháp để bịt lỗ hổng này.
Các ông chủ doanh nghiệp khi làm chủ ngân hàng thì sẽ bỏ qua lợi ích của cổ đông nhỏ và người gửi tiền trong ngân hàng đó, chỉ tập trung dùng nguồn lực của ngân hàng “nuôi” doanh nghiệp của mình. Kiểm soát vấn đề này ở nhiều nước thường xuất phát từ ba kênh.
Thứ nhất, là từ nội bộ ngân hàng. Nếu ngân hàng có thể xây dựng được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, cho phép cổ đông và hội đồng quản trị giám sát tốt, kịp thời phát hiện những vi phạm thì sẽ hạn chế những tổn thất cho ngân hàng. Nhưng sự tập trung sở hữu tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đôi khi lại quá lớn, một vài cổ đông và bên liên quan chiếm phần lớn cổ phần và có tiếng nói quyết định trong ngân hàng, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thì cổ đông nhỏ và người gửi tiền không thể phát huy khả năng kiểm soát này.
Kênh kiểm soát thứ hai đến từ phía thị trường tài chính và tư pháp. Khi cổ đông nhỏ thấy ngân hàng có vấn đề thì có thể bán cổ phiếu đi, hoặc đi kiện lãnh đạo công ty. Cơ chế kiện tụng ở ta thì không dễ dàng và phổ biến như các nước phát triển, cho nên rủi ro giới lãnh đạo bị kiện tụng (litigation risk) thấp, chi phí cao, hiệu quả... chưa biết. Trong khi đó, nếu công ty chưa niêm yết, hoặc thanh khoản thấp, bán cổ phiếu không phải là một lựa chọn hiệu quả. Vì vậy, kênh này chỉ hiệu quả đối với những ngân hàng niêm yết lớn, nơi có những cổ đông cũng đủ nguồn lực để “đấu” với ban lãnh đạo hiện tại.
Kênh kiểm soát cuối cùng đến từ phía các cơ quan giám sát. Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm tra, thanh tra hoạt động của ngân hàng để phát hiện kịp thời sai phạm. Cổ đông cũng có thể tố cáo hành vi mờ ám của lãnh đạo ngân hàng cho Ngân hàng Nhà nước và cơ quan liên quan. Đồng thời cơ quan giám sát cũng có thể yêu cầu những khoản cho vay nội bộ phải được thể hiện chi tiết trên các báo cáo thường niên hoặc báo cáo tài chính để cổ đông nhỏ và công chúng kịp thời phát hiện và cảnh báo. Như đã phân tích ở trên thì kênh giám sát hiệu quả còn lại hiện nay (ít ra là trên lý thuyết) là kênh này.
Trong tình huống của Việt Nam hiện nay, vấn đề khó là phải đảm bảo ngân hàng nằm trong tay người thật sự muốn kinh doanh ngân hàng.
Tuy nhiên, cách làm đó không thể bền vững vì cơ quan giám sát không thể có đủ nguồn lực để giám sát và xử lý hết (có bao nhiêu ngân hàng giống Ngân hàng Xây dựng chưa bị phát hiện và xử lý?). Để tới khi điều tra xong thì thiệt hại cũng đã rồi, người gánh chịu là cổ đông nhỏ và người gửi tiền (dù có đảm bảo ngân hàng vẫn tồn tại và có thanh khoản thì chi phí cho sự đảm bảo ấy cũng lấy từ ngân sách hoặc nguồn lực của hệ thống ngân hàng, gián tiếp làm thiệt hại cho toàn bộ người gửi tiền trong xã hội).
Vì vậy, cần phải thúc đẩy kênh giám sát nội bộ và giám sát của cổ đông không nắm quyền kiểm soát. Muốn vậy, cần hạn chế tập trung sở hữu, gia tăng cổ đông độc lập, gia tăng tính minh bạch của các ngân hàng.
Trong tình huống của Việt Nam hiện nay, vấn đề khó là phải đảm bảo ngân hàng nằm trong tay người thật sự muốn kinh doanh ngân hàng. Nói nôm na là ông chủ sở hữu muốn làm tốt ngân hàng thì tự nhiên họ sẽ thuê người “có nghề” điều hành và quản lý. Nếu khó biết được ông chủ nào muốn thực sự làm ngân hàng, thì hãy để nhiều ông chủ khác nhau cùng ngồi vào hội đồng quản trị. Cho nên bản chất việc hạn chế tập trung sở hữu và gia tăng cổ đông độc lập cũng chẳng qua là để hạn chế cái sự chuyên quyền để dễ bề làm bậy, đảm bảo ngân hàng nằm trong tay “ông chủ” đàng hoàng mà thôi.

No comments:

Post a Comment