Showing posts with label phap-dinh. Show all posts
Showing posts with label phap-dinh. Show all posts

Monday, June 8, 2015

Hành trình thương lượng tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng của ông Chấn

"Có ai dám để cho chồng đi tù oan 10 năm để nhận lấy chục tỷ đồng hay không? Tiền nhiều cũng đâu bù đắp được nỗi oan khuất, tủi nhục suốt 10 năm của gia đình 4 thế hệ chúng tôi", vợ ông Nguyễn Thanh Chấn nói.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết 7,2 tỷ đồng tiền được bồi thường dù chưa phải là con số mong muốn nhưng ông tạm vừa lòng. "Tôi chấp nhận mức bồi thường này và hy vọng sớm nhận được số tiền trên để gia đình trang trải khó khăn đang chồng chất hiện nay, nhất là chữa bệnh cho cả hai vợ chồng", ông nói.

Từ ngày được giải oan, sức khỏe ông sa sút, hiện chỉ còn hơn 50 kg. Cánh tay trái bị gẫy khi ở trong tù luôn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Ông không làm được việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà giúp vợ chăm con gà, con lợn.
Từ ngày được minh oan, ông Chấn chỉ ở nhà giúp việc vặt cho vợ. Ảnh: Hoàng Phương.

Ông Thân Ngọc Hoạt, đại diện gia đình và cũng là người đồng hành với vợ chồng ông Chấn suốt một thập kỷ từ khi kêu oan cho biết, trải qua 3 lần gặp mặt và thương lượng, gia đình mới đạt được thoả thuận bồi thường với TAND Tối cao số tiền trên.

"Gia đình không gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là phải xoay xở hơn 100 loại giấy tờ có liên quan và đòi số tiền phù hợp với từng khoản yêu cầu được bồi thường", ông Hoạt cho biết.

Lần gặp đầu tiên giữa gia đình ông Chấn và TAND Tối cao diễn ra vào sáng 15/8/2014, kéo dài khoảng 2 tiếng, chủ yếu bàn về các thủ tục, chưa xét đến nội dung cụ thể yêu cầu đòi bồi thường oan sai. Cuộc gặp lần thứ hai vào ngày 17/3/2015, gia đình ông Chấn được yêu cầu nộp hơn 100 loại giấy tờ như chứng từ thuê xe, hóa đơn chuyển phát nhanh… Trong gần một năm từ khi bắt đầu đòi bồi thường, gia đình ông đã 4 lần nộp bổ sung tài liệu để hoàn tất hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường.

Tháng 5 vừa qua, trong cuộc gặp mặt lần thứ ba, gia đình đạt được thỏa thuận với TAND Tối cao số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng. Ông Hoạt cho rằng đó là con số gia đình ông Chấn xứng đáng được nhận dù chưa thỏa đáng với mất mát mà họ phải chịu đựng trong suốt 10 năm.

Theo ông Hoạt, trong tổng tiền được bồi thường có những khoản phải bàn đi bàn lại. Chẳng hạn, gia đình yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần cho ông Chấn 2 tỷ đồng nhưng tòa không đồng ý. Qua những lần thương lượng, số tiền trên được gia đình ông Chấn rút xuống còn 1,5 tỷ đồng. Con số cuối cùng được toà chốt lại là gần 600 triệu đồng.

Tiền bồi thường mất thu nhập thực tế trong 10 năm của ông Chấn được tòa bồi thường hơn 1,5 tỷ đồng. Căn cứ xác minh thực tế, số tiền này được tính bằng 3.699 ngày (10 năm) x 410.000 đồng cho ngày thu nhập.

Tiền bồi thường thăm nuôi 10 năm trong trại giam, gia đình ông Chấn yêu cầu bồi thường hơn 500 triệu đồng. Nhưng trại giam Vĩnh Quang cung cấp tổng số tiền thăm nuôi trong 10 năm là 13 triệu đồng. Đối chiếu với con số do trại giam cung cấp, tòa bồi thường thêm 30 triệu chi phí đi thăm nuôi cho gia đình ông Chấn.

"Số tiền trên không hề thỏa đáng. Gia đình rất muốn lên tận trại giam yêu cầu được xem chứng từ, sổ sách ghi chép trong suốt 10 năm đi thăm nuôi. Chắc chắn là hồ sơ của trại vẫn còn giữ. Nhưng mệt mỏi quá rồi, gia đình chấp nhận", ông Hoạt nói.
Ông Thân Ngọc Hoạt, người đồng hành cùng gia đình ông Chấn suốt 10 năm giải oan đến khi yêu cầu được bồi thường. Ảnh: Hoàng Phương

Theo ông Hoạt, gia đình ông Chấn mừng vì "yêu cầu của gia đình đã được ghi nhận", nhưng giá như cơ quan chức năng "đi trước một bước" chủ động bồi thường thì gia đình sẽ thấy được sự quan tâm đúng lúc. "Như thế tình người trong vụ án oan sai này sẽ đẹp đẽ hơn, chứ không phải kéo dài khiến các bên đều mệt mỏi và khó xử", ông nói.

Nhớ lại 10 năm cay đắng đã trải qua, bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn, buồn bã bảo số tiền chi phí để đi tìm sự thật, minh oan cho chồng được bà chắt chiu từ tiền bán gạch xây nhà, tiền cầm cố 3 sổ đỏ của ông Hoạt, tiền các con đi làm thuê gửi về, tiền đi vay họ hàng. Bà bảo sẽ không bao giờ quên được ánh mắt rẻ rúng, coi thường của người đời với mình suốt 10 năm đó.

Để chứng minh ông Chấn vô tội, bà đi hết từ Bắc Giang lên Lạng Sơn rồi lại về Vĩnh Phúc, vào tận Đăk Lăk đi tìm hung thủ. “Có lúc chỉ dám ăn bánh mì, uống nước lọc, thèm bát phở nhưng nghĩ đến chồng đang ở trong trại giam lại không dám nữa”, bà kể.

Trong 10 năm đó, đã có lúc bà Chiến cạn kiệt hy vọng minh oan cho chồng, khi bao nhiêu tai vạ ập đến. Cháu trai bị tai biến phải chữa mấy tháng trời, mẹ chồng bị ngã gãy tay, các con phải bỏ học đi làm thuê kiếm tiền minh oan cho bố, bản thân bà cũng bị tai biến nằm một chỗ vào năm 2012. Nhưng khi sức khỏe ổn định trở lại, bà tiếp tục đi tìm chứng cứ chứng minh ông Chấn vô tội.

Bà Chiến bảo khi nào nhận được tiền thì mới có thể tin đó là sự thật. Khi nhiều người đến chia vui, nói đùa rằng "đi tù 10 năm nhận được số tiền bồi thường thật lớn", bà thấy buồn da diết.

"Có ai dám để cho chồng đi tù oan 10 năm để nhận lấy chục tỷ đồng hay không? Tôi nghĩ rằng đến một ngày họ cũng không dám. Tôi càng không dám. Tiền nhiều cũng đâu bù đắp được với nỗi oan khuất, tủi nhục suốt 10 năm của gia đình 4 thế hệ chúng tôi", bà nói.


Ông Chấn vướng lao lý từ tháng 8/2003 khi Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang cho rằng ông là thủ phạm giết cô hàng xóm Nguyễn Thị Hoan tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên. Qua các cấp xét xử, tòa án xác định ông phạm tội giết người, tuyên án tù chung thân. Suốt quá trình bị bắt, xét xử và khi bị kết án, ông liên tục kêu oan.

Vợ ông cũng ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền kêu oan cho chồng. Tháng 7/2013, trong đơn gửi VKSND Tối cao, bà cho hay đã tự xác minh được thủ phạm của vụ án là Lý Nguyễn Chung. Xem xét đơn, Cục điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc.

Ngày 4/11/2013, ông Chấn được VKSND Tối cao tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt. Hai hôm sau, TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người. Vụ án được điều tra lại. Trước đó ít ngày, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng.

Liên quan trách nhiệm trong vụ án oan này, VKSND Tối cao đã khởi tố, tạm giam ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá, phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi), cựu thẩm phán Toà phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn, cũng bị điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.


Hoàng Phương

Ai trả tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Chấn?

Do cả điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đều bị khởi tố nên việc xác định ai có trách nhiệm hoàn trả phải đợi phán quyết của tòa án. Nếu bản án tuyên những người này không phạm tội hoặc có tội nhưng phạm tội do lỗi vô ý thì họ sẽ không phải hoàn trả.
TAND Tối cao vừa đạt được thỏa thuận bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn - người mang án tù oan suốt gần một thẩp kỷ. Dưới đây là bài viết của thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình về khía cạnh pháp lý của việc bồi thường.

Trên diễn đàn Quốc hội, Chánh án Tòa án tối cao công bố ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang - người bị ngồi tù oan hơn 10 năm - được bồi thường hơn 7,2 tỷ đồng. Ông Chánh án cho biết trong 3 năm (2012-2014), Tòa án các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường oan, sai, trừ đi 3 đơn bị trả lại do không đúng thẩm quyền, không đủ điều kiện thụ lý và 6 trường hợp đang được xử lý thì trong số 13/19 đơn đã được giải quyết, số tiền Nhà nước phải bồi thường cho người bị oan, sai ước tính nhiều tỷ đồng.

Khoản tiền được bồi thường dù lớn đến đâu cũng khó có thể bù đắp lại được những mất mát, tổn hại về nhiều mặt mà những người bị oan, sai và gia đình họ phải gánh chịu, song vẫn cứ thấy có điều gì đó không ổn khi Nhà nước phải bỏ ra ngần ấy tiền để “trả thay” cho cán bộ gây ra oan sai trong khi “thi hành công vụ”.
Thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình.
Một nghịch lý đang tồn tại là Nhà nước đã phải bồi thường cho một số trường hợp bị oan sai với khoản tiền không nhỏ nhưng kết quả giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực hình sự cho thấy qua 3 năm vẫn chưa có trường hợp nào phải bồi hoàn lại cho Nhà nước.

Không thể phủ nhận Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra, nhưng ở một giác độ khác thì việc Nhà nước gánh lấy trách nhiệm “bồi thường trước” rồi thu lại “một phần” khoản tiền đã bỏ ra không đủ để răn đe, làm cho những người thi hành công vụ thấy sợ…

Điều 56 Luật này quy định: “Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.

Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng quy định việc xác định mức hoàn trả được thực hiện theo nguyên tắc: Nếu người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì họ phải hoàn trả một khoản tiền tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Nếu họ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự…

Ngoài ra, khoản 2 Điều 56 Luật này còn quy định: Người thi hành công vụ có "lỗi vô ý" gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả!

Vậy là trong trường hợp cố ý gây ra oan, sai, nếu không bị truy tố ra tòa thì những người thi hành công vụ chỉ phải bồi thường lại cho Nhà nước tối đa không quá 36 tháng lương của người đó - một khoản tiền “không hề lớn”. Họ còn được trả dần, trừ dần vào lương hàng tháng với mức tối đa mỗi tháng không quá 30%.

Sẽ là không công bằng nếu dùng tiền thuế thu được của những người phải nộp thuế để bù đắp cho hành vi gây thiệt hại của một số người, còn Nhà nước chỉ thu lại được một phần rất nhỏ khoản tiền đã bỏ ra… Do vậy cần có sự nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung Luật này cho phù hợp để buộc những người gây ra oan sai, bất kể do vô ý hay cố ý, phải hoàn trả lại toàn bộ kinh phí cho Ngân sách Nhà nước.

Trở lại vụ ông Chấn ở Bắc Giang, đến nay đã có ba người bị khởi tố để điều tra về hành vi gây ra oan, sai. Chiếu theo luật thì ba người này sẽ phải bồi thường toàn bộ khoản tiền đã được Nhà nước đứng ra bồi thường trước cho ông Chấn - nếu họ bị kết tội. Song vấn đề đặt ra là liệu họ có khả năng bồi thường toàn bộ khoản tiền 7,2 tỷ đồng cho Nhà nước không và liệu có công bằng không khi chỉ có ba người phải chịu trách nhiệm - cả hình sự lần dân sự - trong vụ án oan này?

Cũng theo Luật, khoản tiền 7,2 tỷ đồng này sẽ được cấp từ ngân sách Trung ương ra để chi trả cho ông Chấn, sau đó các cơ quan có thẩm quyền sẽ thành lập Hội đồng để xem xét, xác định ai là người chịu trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước số tiền này.

Tuy nhiên, do cả điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đều đã bị khởi tố nên việc xác định ai có trách nhiệm hoàn trả vẫn sẽ phải đợi phán quyết của Tòa án. Nếu tòa án tuyên các vị này không phạm tội hoặc có tội nhưng phạm tội do lỗi vô ý, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Khi đó, Nhà nước coi như “mất trắng” khoản tiền 7,2 tỷ đồng này. Trong trường hợp họ bị kết tội (do lỗi cố ý) thì chắc họ cũng sẽ không phải đền đủ cả 7,2 tỷ đồng, tựa như việc bác sĩ lỡ tay hoặc do tay nghề kém làm chết bệnh nhân thì cũng chưa có ai bị buộc phải đền mạng cả.

Từ chuyện khoản tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường trong vụ án ông Chấn mới thấy rằng, vẫn còn đó những quy định chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa phù hợp với thực tế cuộc sống và nếu không sớm có những thay đổi, sớm khắc phục tình trạng bức cung, dùng nhục hình tạo nên oan sai thì số tiền bồi thường mà Nhà nước phải bỏ ra chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng nhiều nhiều hơn nữa. Ngân sách sẽ tiếp tục bị “thâm thủng”.

Luật nên sớm chấm dứt tình trạng “quít làm, cam chịu”. Điều đó không chỉ trả lại công bằng cho những người bị oan sai mà còn công bằng cho cả những người dân khác, khi một khoản tiền thuế không nhỏ của họ đã phải dùng để bồi thường cho những án oan sai
.

Thursday, September 18, 2014

Chánh án bị tố “làm tiền” bị cáo ngay tại tòa

Hành vi “làm tiền” bị cáo của Chánh án được thể hiện rõ trong những đoạn ghi âm mà bị cáo cung cấp cho cơ quan chức năng. Chánh án, thẩm phán và thư ký TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã bị đình chỉ công tác để điều tra vụ việc.


Ngày 17/9, ông Nguyễn Thành Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra các quyết định đình chỉ công tác từ ngày 17/9 đối với ông Lê Ngọc Hiệp - Thẩm phán trung cấp, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn, ông Lê Sỹ Thuần - Thư ký Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn và bà Lê Thị Thu - Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn, để xem xét hình thức kỷ luật.
Trước đó, các cán bộ này có liên quan đến đơn tố cáo của ông Lê Bá Quý - nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông (Triệu Sơn) về việc “làm tiền”, chạy án của các cán bộ tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn.
Theo đó, vào tháng 7/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn có kết luận điều tra ông Nguyễn Bá Quý phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Ông Quý cho rằng ông bị kết tội oan, các đối tượng đã bày mưu đưa ông vào bẫy.
Quyết định đình chỉ công tác đối với ông Hiệp- Chánh án TAND huyện Triệu Sơn

Theo kế hoạch, đầu tháng 9/2014, vụ án sẽ được đưa ra xét xử. Trước khi xét xử, ông Quý nhờ bà Nguyễn Thị Niên - Kiểm sát viên Viện KSND huyện Triệu Sơn, là người họ hàng - giúp đỡ để chạy án.
 
Chánh án Lê Ngọc Hiệp đặt vấn đề phải đưa tiền mới giúp, sau đó việc đưa và nhận tiền đã xảy ra tại trụ sở TAND huyện Triệu Sơn. Bên cạnh đó, ông Hiệp cùng thẩm phán, thư ký còn có thái độ ngăn mời luật sư bào chữa. Cuộc trò chuyện, thương lượng số tiền chạy án được ông Qúy ghi âm và cung cấp cho cơ quan chức năng.
Để điều tra rõ vấn đề trên, TAND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đình chỉ công tác trong thời gian 3 tháng đối với những cán bộ nêu trên.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Bộ, cùng ngày, theo chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao, một tổ công tác của TAND tối cao đã có mặt tại Thanh Hóa để điều tra vụ việc.
Nguyễn Thùy

Thursday, September 11, 2014

Ngất xỉu giữa tòa khi chồng bị đề nghị án tử hình

Bị kết tội chung thân vì tham gia buôn bán ma túy, bị cáo Ất còn ngất xỉu giữa tòa khi chồng bị đề nghị mức án tử hình khiến phiên xử phải gián đoạn.

Wednesday, September 10, 2014

Án oan Sóc Trăng: Bỏ lọt một nữ sát thủ?

Cơ quan tố tụng xác định khi gây án, Lê Thị Mỹ Duyên chưa đủ 14 tuổi nên không xử lý hình sự nhưng hai kết quả giám định lại xác định hung thủ này đã hơn 17 tuổi.
Liên quan vụ án người xe ôm ở Sóc Trăng bị giết hại, khi hai nữ hung thủ Lê Thị Mỹ Duyên và Phan Thị Kim Xuyến ra đầu thú, bảy thanh niên đã được chứng minh vô tội. Sau đó các cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng đã truy tố, xét xử Xuyến, một trong hai hung thủ giết hại nạn nhân. Hung thủ còn lại (tên Duyên), cơ quan tố tụng xác định khi gây án chưa đủ 14 tuổi nên không truy tố, xét xử mà chỉ đưa vào trường giáo dưỡng.
Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu khác, phóng viên phát hiện khi gây án có thể Duyên đã hơn 17 tuổi.
Không bị xử hình sự vì chưa đủ 14 tuổi
Duyên và Xuyến là hai người đồng tính chung sống với nhau. Ngày 5/7/2013, cả hai thủ sẵn dao trong người rồi ra lề đường ở thị trấn Trần Đề đón xe ôm của ông Dũng. Sau khi đi vòng vòng đến đoạn đường vắng, Xuyến và Duyên kêu ông Dũng dừng xe. Trong lúc người đàn ông mất cảnh giác, hai bị can dùng dao đâm nhiều nhát làm nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, thấy đoạn đường khó chạy nên cả hai không lấy xe mà cùng bỏ trốn lên TP.HCM.
Sau khi hai hung thủ ra đầu thú, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Sóc Trăng căn cứ vào giấy tờ hộ tịch để xác định khi gây án Duyên chưa đủ 14 tuổi nên không truy cứu trách nhiệm hình sự mà lập hồ sơ để đưa Duyên vào trường giáo dưỡng. Còn hung thủ Xuyến, cơ quan tố tụng xác định khi gây án bị can này đã 15 tuổi nên đề nghị truy tố.
Trên cơ sở truy tố của VKSND tỉnh, ngày 19/8 vừa qua, TAND tỉnh đã xét xử và tuyên phạt Xuyến 12 năm tù về tội Giết người, bốn năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù (mức án cao nhất cho người chưa đủ 16 tuổi).
Bị cáo Phan Thị Kim Xuyến (trái) và hung thủ Lê Thị Mỹ Duyên tại phiên tòa sơ thẩm.
Ra tòa với tư cách là người liên quan, Duyên khai Xuyến chỉ đâm nạn nhân một nhát, những nhát còn lại do mình đâm. Lời khai của Duyên về cách thức gây án cộng với hình thể bên ngoài làm không ít người tỏ ra nghi ngờ về độ tuổi của Duyên.
Kết quả giám định: Hung thủ Duyên hơn 17 tuổi
Trước khi phiên tòa nói trên diễn ra, từng có bài phản ánh về độ tuổi của Duyên. Bài báo dẫn lời một giám định viên của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho rằng quá trình xử lý vụ án, CQĐT tỉnh Sóc Trăng đã trưng cầu giám định độ tuổi của Duyên. “Qua tiếp xúc với Duyên, nghiên cứu hành vi phạm tội, kể cả việc quan hệ tình ái giữa Duyên và Xuyến (Duyên đóng vai chồng, Xuyến đóng vai vợ) thấy rằng tuổi của Duyên lớn hơn 13 rất nhiều. Qua chụp toàn bộ hệ thống xương, cùng dựa vào các số đo, sự phát triển thể chất của Duyên, kết quả giám định xác định Duyên khoảng 18 tuổi” - người này cho hay.
Tuy nhiên, những gì diễn ra tại phiên xử nói trên cho thấy tình tiết này đã không được tòa ghi nhận.
Quá trình tìm hiểu, phóng viên được biết việc trưng cầu giám định nói trên của CQĐT tỉnh Sóc Trăng là có thật và kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định Duyên (khi gây án) khoảng 18 tuổi cũng có thật. Kết quả giám định này được lưu trong hồ sơ vụ án và được đánh dấu bút lục hẳn hoi.
Không chỉ thế, hồ sơ vụ án còn lưu một kết quả giám định khác của Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang (do CQĐT Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang trưng cầu). Kết quả giám định này cũng khẳng định thời điểm tháng 4/2012, tuổi Duyên khoảng từ 16 tuổi ba tháng đến 16 tuổi sáu tháng. (Từ kết quả giám định này, cơ quan tố tụng TP Rạch Giá đã không xử lý hình sự anh L. tội hiếp dâm trẻ em hoặc giao cấu với trẻ em.
Trước đó L. và Duyên có quan hệ tình dục với nhau và gia đình Duyên đã tố cáo lên công an Duyên bị hiếp dâm. Theo kết quả giám định này, suy ra tại thời điểm Duyên giết người tại Sóc Trăng (tháng 7/2013), hung thủ này đã gần 18 tuổi.
Vậy tại sao cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng đã không căn cứ vào hai kết quả giám định này?
“Chúng tôi căn cứ vào giấy tờ hộ tịch”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giấy khai sinh của Duyên thể hiện tại thời điểm gây án, Duyên chỉ mới hơn 13 tuổi nhưng chưa đủ 14 tuổi. Cụ thể: Giấy khai sinh của Duyên do UBND phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá cấp (thuộc diện khai sinh trễ hạn) xác định Duyên sinh ngày 28/4/2000. Ngoài ra, sổ hộ khẩu mang tên Lê Thị Tám (bà ngoại Duyên) ghi Duyên sinh năm 2000; học bạ của Trường THCS Nguyễn Du (TP Rạch Giá) ghi Duyên sinh năm 2000.
Như vậy phải chăng cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng đã căn cứ vào các giấy tờ nói trên để xác định Duyên chưa đủ 14 tuổi?
Kiểm sát viên (KSV) điều tra và giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm xác nhận đúng là trong hồ sơ vụ án có hai kết quả giám định nhưng không có gì phủ nhận được giá trị của các giấy tờ mà chúng tôi vừa đề cập. “Chỉ khi giấy tờ hộ tịch mâu thuẫn nhau hoặc khi người thân của Duyên đều khai không nhớ, không biết sinh năm nào thì mới cần căn cứ vào giám định khoa học. Trong khi đó, lời khai của người trực tiếp nuôi dưỡng Duyên (bà ngoại) và nhân chứng (những người hàng xóm có con sinh cùng thời điểm đó) cũng khẳng định độ tuổi của Duyên phù hợp với giấy tờ hộ tịch. Trong bối cảnh kết quả giám định mâu thuẫn với giấy tờ hộ tịch, chúng tôi phải căn cứ vào giấy tờ hộ tịch” - KSV này cho hay.
Vị KSV cho biết thêm, điều tra viên đã xác định Duyên không sinh ra ở cơ sở y tế mà do một bà mụ nào đó đỡ đẻ nên không có giấy chứng sinh hay sổ lưu của nơi sinh. “Tại tòa, tôi hỏi bà ngoại Duyên và những nhân chứng khá nhiều và thấy họ trả lời phù hợp với giấy tờ thu thập được. Vì vậy tôi thấy kết quả xử lý của CQĐT là phù hợp nên không kiến nghị gì với tòa”.
Cách giải thích của cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng không phải là không có lý. Nhưng như vậy thì sự thật về độ tuổi của Duyên nằm ở đâu? Phải chăng do có nghi ngờ độ tuổi của Duyên nên CQĐT Công an TP Rạch Giá và CQĐT tỉnh Sóc Trăng mới phải trưng cầu giám định, dù giấy tờ hộ tịch đã rõ ràng? Và tại sao cơ quan tố tụng TP Rạch Giá lại chấp nhận kết quả giám định (thay vì chấp nhận giấy tờ hộ tịch), còn cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng thì lại làm ngược lại.

Cần phải tranh luận
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hùng Dũng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, nói: Trong vụ này, nếu thận trọng hơn thì HĐXX cần trả hồ sơ yêu cầu trưng cầu giám định lại tuổi của Duyên (ở một tổ chức giám định cao hơn). Bởi dựa vào hai nguồn tài liệu trên thì ít nhiều thực tế cũng có sự nghi ngờ về tuổi, do đó cần sự vững chắc trước khi kết luận. Tuy nhiên, diễn biến tại tòa và kết quả xét xử hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của thẩm phán, việc đánh giá chứng cứ và quan điểm của HĐXX. Vụ này có khi HĐXX cũng nghi ngờ nhưng vì không lý giải được nên chấp nhận tài liệu pháp lý về hộ tịch.
- Như ông nói, nếu đã có nghi ngờ về tuổi thì sao cả ba cơ quan tố tụng đều thống nhất một cách hiểu?
- Có lẽ cả CQĐT, VKS và HĐXX đều có suy nghĩ là đi theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo nên đã chấp nhận theo hồ sơ hộ tịch.
- Áp dụng có lợi nhưng không có nghĩa là để bỏ lọt tội phạm?
- Quan điểm của chúng tôi là không làm oan nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Vụ này có cái khó là giới hạn xét xử, VKS truy tố một bị cáo thì tòa chỉ xử một bị cáo. Đành rằng nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm thì tòa phải đề nghị VKS điều tra bổ sung nhưng như đã nói, đáng ra tòa phải thận trọng hơn…
- Theo ông, vụ này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm không?
- Tôi không thể khẳng định nhưng rõ ràng phải thận trọng. Ngay từ đầu nếu không nghi ngờ thì CQĐT đã không trưng cầu giám định… Giữa hai vấn đề mâu thuẫn nhau nên chọn cái nào, tài liệu hộ tịch hay căn cứ khoa học, tôi nghĩ cần phải tranh luận cho ra.
Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can
Tại tòa, tôi đã thẩm vấn những người liên quan và nhận định rằng việc dựa vào giấy tờ hộ tịch để xác định tuổi của Duyên là hợp lý. Trong các văn bản, TAND Tối cao cũng hướng dẫn chỉ căn cứ vào kết quả giám định khi có mâu thuẫn về độ tuổi trong các giấy tờ hộ tịch. Trong vụ này, các loại giấy tờ không mâu thuẫn nhau nên kết quả giám định không thể phủ nhận hoặc loại trừ giá trị của chúng. Khi giấy tờ không mâu thuẫn nhau và phù hợp với nhiều lời khai khác thì không thể dựa vào giám định. Hơn nữa, chúng tôi cũng áp dụng nguyên tắc hình sự là nếu có mâu thuẫn giữa giám định và giấy tờ thì áp dụng kết quả nào có lợi cho bị can, bị cáo.
Thẩm phán Tăng Thị Thúy Nga, Phó Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Sóc Trăng, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm

Bé gái cho ông già quan hệ vì lời hứa 'cho đi làm cave'

Bị cáo Trương Văn Cùng tại tòa.
Cùng bước lại giường nói với cháu Ng. “cho ông quan hệ, rồi ông cho đi làm cave”. Vì cháu Ng. còn ít tuổi chỉ hiểu đi làm “cave” là làm việc gì đó bình thường giúp mẹ, cha bớt khó khăn, nên cho Cùng quan hệ tình dục.