Showing posts with label tai-chinh. Show all posts
Showing posts with label tai-chinh. Show all posts

Friday, January 8, 2016

TS. Lê Đăng Doanh: Đề nghị thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam là vi phạm chủ quyền!

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tỏ rõ quan điểm đối với việc Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam chính là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một loại tiền là Việt Nam đồng.
Mới đây, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có báo cáo gửi Chính phủ, trong đó có ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam. Bởi theo hai đơn vị này thì nhu cầu giao dịch thanh toán bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam là khá lớn và tăng lên rõ rệt.
Trước kiến nghị này TS Lê Đăng Doanh cho rằng:

Đề nghị này của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một đồng tiền của Việt Nam là Việt Nam đồng, còn tất cả những đồng tiền khác đều phải chuyển đổi sang đồng tiền của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta không cho phép lưu hành song song một đồng tiền nào khác.

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, hiện nay NHNN đã dần dần thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng Đô la và đã nghiêm cấm việc sử dụng vàng, cho nên đề nghị này của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là không thể chấp nhận được.

Phía Trung Quốc lập luận rằng ở biên giới Việt – Trung đã sử dụng rộng rãi đồng Nhân dân tệ nên bây giờ kiến nghị Việt Nam cho phép thanh toán bằng đồng tiền này thì tôi cho rằng NHNN và các tỉnh biên giới cần phải có một câu trả lời rõ ràng là tại sao lại có thể có giao dịch lên đến 15 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ ở biên giới được? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?” – ông Doanh nhấn mạnh.

Một vấn đề khác mà chuyên gia cũng chỉ ra là hiện nay Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc rất nặng. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để trả cho Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất khẩu sang Mỹ, sang Nhật… Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ thì Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc.
Tức là ngoài nhập siêu, chúng ta còn phụ thuộc thêm về mặt tài chính đối với Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại, cần phải xem xét kỹ.” – ông Doanh nói
TS Lê Đăng Doanh cũng thẳng thắn chỉ rõ điều mà Trung Quốc muốn hiện nay là muốn xây dựng một nền kinh tế thật lớn mạnh, có dự trữ ngoại tệ dồi dào. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc luôn muốn bành trướng phạm vi ảnh hưởng và phạm vi sử dụng đồng Nhân dân tệ như một đồng tiền quốc tế. Trung Quốc cũng tham vọng thay thế đồng Đô la trên thế giới bằng đồng Nhân dân tệ.
Việt Nam luôn mong muốn có quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc trên cơ sở hai bên cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, cũng như tôn trọng luật pháp của mỗi nước. Vì vậy nên có một đề án nghiên cứu xem đồng Nhân dân tệ có thể thanh toán trên cơ sở quan hệ thương mại song phương đến mức độ nào, trên các kênh nào, và đối với những hàng hóa nào? 
Tức là phải có những điều kiện kiểm soát rất rõ ràng chứ không thể nào dùng đồng Nhân dân tệ lưu hành ở Việt Nam như một đồng tiền thứ hai, không một nước nào có thể cho phép như vậy. Đây chính vấn đề vi phạm chủ quyền lãnh thổ và chẳng khác gì việc cho phép đồng Nhân dân tệ thao túng đồng tiền của Việt Nam.
Tôi cho rằng kiến nghị này cần phải được xem xét một cách rất nghiêm túc, với một tinh thần nhìn vào sự thật và muốn có một hợp tác hai bên cùng có lợi, bình đẳng với Trung Quốc nhưng không thể nào vi phạm chủ quyền tài chính của Việt Nam” – ông Doanh nhận định.
Theo motthegioi.vn

Tuesday, April 14, 2015

Sáng mai, khai mạc hội chợ Vietnam Expo 2015

Với chủ đề “Hợp tác Hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN” ,Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 25 - VIETNAM EXPO 2015 - diễn ra trong vòng 4 ngày, từ ngày 15 - 18/ 4 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC).
Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 25 - VIETNAM EXPO 2015 là Hội chợ Quốc tế có truyền thống lâu đời nhất được tổ chức thường niên vào tháng 04 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Hội chợ được đánh giá là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng của ngành công thương Việt Nam, góp phần không nhỏ vào chuỗi các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại xuất nhập khẩu và đầu tư tại Việt Nam.
Với chủ đề “Hợp tác Hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN” Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 25 - VIETNAM EXPO 2015 do Bộ Công Thương chủ trì, Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam chỉ đạo và Công ty VINEXAD tổ chức sẽ được diễn ra trong vòng 4 ngày, từ ngày 15 – 18/4 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC). 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham quan hội chợ. 
Thông qua Hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội quảng bá sản phẩm, gặp gỡ các nhà mua nước ngoài, song song với việc mở rộng và củng cố thị trường nội địa. Cùng với đó, các quốc gia tham dự sẽ có dịp tiếp cận với số lượng lớn các doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu thị trường, trao đổi, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Hội chợ có quy mô 720 gian hàng của 600 doanh nghiệp đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Anh, Ấn Độ, Algeria, Úc, Bangladesh, Bỉ, Cuba, Cộng hòa Séc, Đức, Indonexia, Iran, Israel, Ý, Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc, Cộng hòa Latvia, Malaysia, Nepal, Balan, Triều Tiên, Singapore, Nam Phi, Thụy Sỹ, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Các mặt hàng được các quốc gia giới thiệu rất đa dạng, từ máy móc, thiết bị, điện – điện tử, linh phụ kiện cho đến mặt hàng thực phẩm – đồ uống, đồ gia dụng và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Khu gian hàng Việt Nam hàng năm vẫn là nơi thu hút đông đảo khách tới tham quan, nhờ các sản phẩm trưng bày phong phú, trong đó có nhiều các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam. Điểm đặc biệt trong năm nay có sự góp mặt các sản phẩm đạt Thương Hiệu Quốc Gia 2014 của những doanh nghiệp như: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro); Tổng Công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex); Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu Khí; Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina); Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi); Công ty Cp Sản xuất Nhựa Duy Tân; Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); Công ty CP Nhựa Bình Minh. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tiêu biểu khác của Việt Nam cũng tham gia như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrolimex), Tổng Cty Giấy Việt Nam, Tổng Cty Chè, Công ty CP Cao su Sao Vàng, Công ty CP Cao Su Hà Nội, Công ty Bóng Động Lực, Công ty Cơ khí Thăng Long, Công ty máy nén khí Hà Nội, Công ty Nhựa Sơn Hà, Goldsun, Vifon, Yến sào Khánh Hòa, Yến sào Nha Trang, …
Tiếp nối thành công của năm trước, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc (KIDP) để dàn dựng khu gian hàng thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc với mô hình hiện đại, ấn tượng. Tại đây sẽ trưng bày các sản phẩm mang giá trị thiết kế sáng tạo của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt các chuyên gia về thiết kế của Hàn Quốc sẽ tổ chức tư vấn thiết kế cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ.
Lần đầu tiên khu gian hàng ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại chủ trì nhằm giới thiệu cổng thông tin thương mại điện tử B2B buyvietnam.com.vn tới các doanh nghiệp/khách tham quan. Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến các đối tác, khách hàng tiềm năng trong khu vực cũng như quốc tế, buyvietnam.com.vn hiện đang hoạt động như một kênh thông tin quảng bá cũng như kết nối giao thương rất hiệu quả cho các doanh nghiệp thành viên.
Khu gian hàng Xúc tiến Đầu tư Công nghiệp “Invest in Vietnam” do Cục XTTM tổ chức với thiết kế ấn tượng, sẽ trưng bày và giới thiệu khu công nghiệp của các tỉnh như Vĩnh Phúc, Yên Bái, Kiên Giang và Hưng Yên có hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý bảo vệ môi trường hoàn chỉnh, dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư tốt, có thế mạnh trong thu hút đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, là điểm đến đầu tư đáng tin cậy trên bản đồ đầu tư cả nước.
Trong khuôn khổ Vietnam Expo 2015 sẽ có các hoạt động như Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu do Cục xúc tiến thương mại tổ chức, Các hội thảo chuyên đề, Tọa đàm xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế do Vinexad phối hợp với các Tổ chức Xúc tiến thương mại; Lễ ký kết hợp đồng tiêu biểu.
Vietnam Expo 2015 dự kiến đón tiếp khoảng 20.000 lượt khách tới làm việc và tham quan.

Monday, April 13, 2015

Giá xăng dầu chưa giảm

Giá cơ sở giảm không đáng kể nên cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên mức bán lẻ tối đa đối với xăng, song yêu cầu giảm sử dụng quỹ bình ổn.
Hiện giá bán lẻ tối đa đối với xăng RON 92 vẫn ở mức 17.286 đồng một lít, trong khi mức bán ra phổ biến của các doanh nghiệp là 17.280 đồng.
Theo tính toán của Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá cơ sở đối với xăng RON 92 hiện ở mức 18.277 đồng, giảm so với kỳ tính giá trước đó là 29 đồng. Tuy nhiên, các mặt hàng dầu lại cao hơn 129-217 đồng. Do diễn biến này, cơ quan điều hành yêu cầu giảm mức sử dụng quỹ Bình ổn giá đối với xăng các loại từ 1.020 đồng hiện tại xuống còn 991 đồng từ 15h ngày 13/4 và không thay đổi giá bán.
Ngược lại, mức sử dụng quỹ đối với các mặt hàng dầu được tăng từ mức 0-5 đồng mỗi lít hoặc kg, lên 134-217 đồng. Giá bán tối đa đối với các mặt hàng này cũng không đổi.
Trao đổi với VnExpress trước đó, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết, thị trường thế giới thời gian qua diễn biến phức tạp, song việc điều chỉnh giá bán lẻ vẫn được cơ quan điều hành theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất giảm tối đa chi phí đầu vào, cũng như đảm bảo đời sống của người dân.
Lần điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 26/3, giá xăng cũng được giữ nguyên, trong khi giá dầu hỏa và ma dút với mức 110-250 đồng mỗi lít. Nếu tính theo chu kỳ, việc điều chỉnh lẽ ra được thực hiện vào ngày 10/4, song do rơi vào ngày cuối tuần nên theo Nghị định 83, thời điểm này sẽ không tính vào chu kỳ 15 ngày.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 2 lần giảm và một tăng kỷ lục (1.600 đồng mỗi lít)

Wednesday, April 1, 2015

Ngân hàng ngoại khao khát thị trường Việt Nam

Nếu tính cả Public Bank Berhad, hiện Việt Nam mới có 6 ngân hàng 100% vốn ngoại, quá ít ỏi so với mong muốn ngày một lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
"Cứ 10 ngân hàng đến chúng tôi tư vấn để vào thị trường Việt Nam thì có 9 đơn vị tha thiết được mở nhà băng 100% vốn chứ không chỉ dừng lại ở chi nhánh hay văn phòng đại diện", đại diện một công ty quốc tế chuyên tư vấn và hỗ trợ lập đề án, xin giấy phép kể.
Hiện tại, Việt Nam có 5 ngân hàng 100% vốn, gồm ANZ (Australia), Hong Leong (Malaysia), HSBC (Anh), Shinhan Vietnam (Hàn Quốc) và Standard Chartered (Anh).
Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho phép thêm một ngân hàng ngoại 100% vốn hoạt động. Ảnh: Thanh Lan.
Sắp tới, số lượng sẽ tăng lên 6 nhờ sự tham gia của Public Bank Berhad - PBB (Malaysia). Theo đại diện Vụ Cấp phép các tổ chức tín dụng - Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước, PBB chỉ là trường hợp chuyển đổi từ ngân hàng liên doanh chứ không phải trường hợp được cấp phép mới. Hiện Ngân hàng Nhà nước mới đồng ý về chủ trương cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thoái toàn bộ vốn góp tại Ngân hàng Liên doanh VID Public. Số vốn thoái này sẽ bán cho PBB, mở đường cho việc PBB trở thành ngân hàng con 100% vốn ngoại.
Để một ngân hàng 100% vốn ngoại được cấp phép hoạt động không dễ dù nhu cầu rất lớn, đặc biệt là khi hàng chục ngân hàng đã mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có ngân hàng mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc (14 đơn vị - tính cả Đài Loan), kế đó là Hàn Quốc (11) và Nhật Bản (7). Trong tháng 3/2015, thị trường chào đón thêm 2 cái tên là Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan, Ngân hàng Quốc gia Qatar với các văn phòng đại diện tại TP HCM, Hà Nội, nâng tổng số ngân hàng có hiện diện ở Việt Nam lên 64.
Một nguồn tin của VnExpress cho biết, còn 2 ngân hàng nữa (của Hàn Quốc và Ấn Độ) muốn lập chi nhánh và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nhưng chưa công bố.
Ngân hàng Thái Lan Kasikorn là cái tên mới nhất từ ASEAN gia nhập thị trường Việt. 
Trong khối ASEAN, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào đã có mặt tại Việt Nam, riêng Malaysia góp 2 nhà băng 100% vốn (Hong Leong và PBB). Đa số các ngân hàng Việt vẫn coi Nhật Bản là đối thủ cạnh tranh chính, đặc biệt sau khi Mizuho, Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) và Sumitomo Mitsui Financial là đối tác chiến lược tại các ngân hàng lớn. Tiếp đến mới là các tổ chức tài chính đến từ châu Âu trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo ông Keith Pogson, lãnh đạo Ernst & Young phụ trách châu Á – Thái Bình Dương, các ngân hàng trong khối ASEAN mới là một đối thủ đáng lo ngại với nhà băng nội địa, nhất là khi ngày Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập không còn xa. "Việt Nam rất có tiềm năng về ngân hàng bán lẻ nhưng đây không phải là thế mạnh của Nhật Bản. Các bạn nên lo ngại hơn về đối thủ đến từ cộng đồng kinh tế ASEAN", vị này nói.
Ông Keith Pogson nhận định so với Việt Nam, các ngân hàng ngoại có những lợi thế riêng như công nghệ, quy trình, sản phẩm. Tất cả đều đã mang tính quốc tế và họ chỉ việc mang vào Việt Nam để áp dụng, miễn là được các cơ quan quản lý cho phép.
Đây cũng là những lợi thế mà tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - nhìn thấy từ các đối thủ ngoại. Theo ông sự đổ bộ của họ sẽ giúp thị trường thêm cạnh tranh chứ không chỉ làm miếng bánh thị phần của ngân hàng Việt thu hẹp. "Ngành ngân hàng còn tương đối lạc hậu so với thế giới. Mình đang thua họ về vốn, sản phẩm, công nghệ. Do đó, việc họ nhảy vào sẽ buộc các ngân hàng trong nước thay đổi. Riêng với những đơn vị đang phải tái cơ cấu, áp lực cạnh tranh sẽ càng phải lớn hơn nữa", ông nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần trụ sở ở Hà Nội cũng nhìn thấy những sức ép này. Ông lý giải, hiện các đối thủ ngoại không chỉ tìm kiếm doanh thu từ việc thu xếp tài chính cho doanh nghiệp của nước họ ở Việt Nam mà còn vươn mạnh tới các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam. "Điều này thực sự khiến mọi ngân hàng nội địa lo lắng", ông nói.
Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đến năm 2017 giảm số ngân hàng đang hoạt động từ hơn 40 hiện nay xuống 15-17. Nhiều chuyên gia cho rằng, đến lúc này bộ máy có thể gọn nhẹ hơn và rất có thể "quota" cho nhà đầu tư ngoại vào thị trường sẽ thoáng hơn.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, mở cửa cho các ngân hàng ngoại là xu hướng không thể tránh khỏi. "Nếu ký Hiệp định AEC thì phải chấp nhận để các nhà băng nước ngoài lập công ty con 100% vốn tại Việt Nam. Chưa kể, theo cam kết với WTO, đến năm 2020, thị trường ngân hàng cũng phải mở rộng không giới hạn cho nước ngoài", ông phân tích.
Việt Nam hiện có một ngân hàng thương mại quốc doanh, 37 ngân hàng cổ phần (trong đó 3 ngân hàng Nhà nước vẫn chiếm cổ phần chi phối là Vietcombank, BIDV và Vietinbank). Khối nước ngoài có 5 ngân hàng con 100% vốn ngoại, 43 chi nhánh và 49 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài.
Thanh Thanh Lan

Wednesday, January 21, 2015

Xăng A92 giảm "sốc", còn 15.677 đồng/lít

Chiều 21-1, Liên bộ Công thương - Tài chính đã có văn bản điều hành, yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối giảm giá mạnh xăng dầu.
Khách hàng đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu số 53 trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa 
Sau quyết định không tăng thuế của Bộ Tài chính, thay vì chỉ giảm 201-361 đồng/lít ngày 6-1, lần này, liên bộ đã quyết định giảm giá rất mạnh.
Cụ thể, liên bộ yêu cầu từ 16g, xăng A92 giảm tối thiểu 1.897 đồng/lít, dầu diesel 0,05S giảm tối thiểu 1459 đồng/lít; dầu hỏa giảm tối thiểu 1.494 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.078 đồng/kg.
Như vậy, từ 16g chiều nay, giá xăng A92 còn 15.677 đồng/lít, dầu diesel còn 15.179 đồng/lít, dầu hỏa còn 15.620 đồng/lít, dầu mazut còn 11.856 đồng/kg.
Theo Bộ Công thương, mức giảm giá trên là kết quả của giá thế giới giảm. Việc điều hành này phù hợp, đúng theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Nguồn tin tại Bộ Công thương cho biết quỹ bình ổn giá được Bộ Tài chính đề nghị tăng từ 500 đồng/lít lên 800 đồng/lít với các loại xăng dầu.
Thu hồi thông tư tăng thuế xăng lên 40%
Chiều 21-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định đã thu hồi thông tư 06 về tăng thuế nhập khẩu đối với xăng dầu.
Theo thông tư 06 do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký ngày 20-1, thuế xăng dầu sẽ tăng thêm 40%. Cụ thể, từ hôm nay, thuế nhập khẩu xăng, dầu hỏa, dầu mazut tăng từ 35% lên 40%, thuế nhập khẩu dầu diezen tăng lên 35%, thay cho mức cũ là 30%.
Một trong những căn cứ điều chỉnh thuế xăng dầu, trong thông tư 06 nêu rõ theo công văn 17728 năm 2014 của Bộ Tài chính. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng dầu được điều chỉnh tương ứng với các mức giá dầu thô. Cụ thể, giá dầu thô dưới 60 USD/ thùng thì thuế nhập khẩu xăng và các loại dầu là 40%.
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới bên lề cuộc gặp mặt cuối năm, bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu tiếp tục giữ ổn định mức 35% chứ không nâng lên kịch trần nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.
Ông cũng nói thêm việc giá dầu thô giảm mạnh khiến ngân sách giảm thu, song tác động rất tích cực cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Bởi xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Khi giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí.

Tuesday, January 6, 2015

[HOT] - Giá xăng tiếp tục giảm 310 đồng một lít

Đây là lần giảm đầu tiên của giá xăng dầu trong năm 2015.
Các doanh nghiệp xăng dầu vừa cho biết sẽ điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu từ 16h30. Theo đó, xăng RON92 sẽ giảm giá 310 đồng, xuống còn 17.570 đồng một lít.
Các doanh nghiệp xăng dầu vừa cho biết sẽ điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu từ 16h30. Theo đó, xăng RON92 sẽ giảm giá 310 đồng, xuống còn 17.570 đồng một lít. Mặt hàng dầu diezen cũng giảm 360 đồng còn 16.630 đồng. Dầu hỏa và dầu madút 3,5%S giảm lần lượt 290 đồng và 200 đồng còn 17.110 đồng và 13.300 đồng.
Bảng giá được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng từ 16h30 ngày 6/1.
Đây là lần giảm đầu tiên của giá xăng trong năm 2015. Trước đó, năm 2014 mặt hàng này liên tục được điều chỉnh với 5 lần tăng và 12 lần giảm giá. Mức giảm tông tổng cộng là 7.769 đồng.
Lần điều chỉnh gần đây nhất của giá xăng dầu diễn ra ngày 22/12/2014 với mức giảm kỷ lục 2.050 đồng mỗi lít. Đây cũng là mức điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng 2/2011.
Trước đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giảm giá mặt hàng này trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm. Trên thị trường Singapore, bình quân trong 15 ngày qua, giá xăng RON 92 vào khoảng 65 USD một thùng, giảm 5 USD so với chu kỳ điều chỉnh giá lần trước. Trong phiên 5/1, giá mặt hàng này chỉ còn 60,26 USD một thùng.
Cơ quan quản lý cũng cho biết thuế đối với mặt hàng này sẽ được điều chỉnh tăng. Trong đó, thuế nhập khẩu xăng tăng thêm 8% lên 35%. Dầu diezen tăng thêm 7% lên 30%. Đặc biệt, thuế suất với dầu hoả tăng mạnh từ 26% lên mức 35%.
Trước đó, để đối phó với nguy cơ ngân sách hụt thu hàng chục nghìn tỷ đồng do giá dầu thế giới giảm, cách đây một tháng, Bộ Tài chính đã điều chỉnh barem (thang) tính thuế nhập khẩu xăng dầu. Theo barem này, nếu dầu thô dưới 60 USD thùng thì cả 4 mặt hàng xăng dầu đều được quyền tăng thuế kịch trần là 40%.

Friday, December 26, 2014

Giá vàng nhích nhẹ từ đáy 3 tuần

Mỗi ounce sáng nay tăng thêm 2 USD lên 1.177 USD, nhưng vẫn hướng đến tuần giảm thứ 2 liên tiếp do chứng khoán và đồng đôla mạnh lên.
Giá này tương đương 30,37 triệu đồng một lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Giá trong nước đóng cửa hôm qua tại 34,97-35,13 triệu đồng.
Từ đầu tuần, giá đã mất 1,5%, do số liệu công bố vài ngày trước cho thấy Mỹ đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong quý III, với tốc độ mạnh nhất 11 năm. Các số liệu khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã giảm 4 tuần liên tiếp. Đây là dấu hiệu nền kinh tế đã vào đà khá ổn định
Giá vàng thế giới đã thoát đáy 3 tuần trong phiên giao dịch sau nghỉ lễ.
Những số liệu này đã làm giảm nhu cầu đầu tư trú ẩn tại vàng. Nó cũng giúp nâng giá USD, do việc này sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
USD mạnh sẽ khiến việc cầm giữ vàng đắt đỏ hơn các đồng tiền khác. Dollar Index – đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 tiền tệ lớn trên thế giới từng lên đỉnh 9 năm trong tuần này. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cũng sẽ gây áp lực lên các công cụ không trả lãi cố định, như kim loại quý.
Trên thị trường dầu thô, giá mỗi thùng Brent trên sàn ICE London hiện giao dịch tại 60,24 USD, giảm 2,35%. Trong khi đó, dầu WTI tại NYMEX tăng nhẹ 0,59% lên 56,17 USD một thùng. Ảrập Xêút hôm qua cũng tuyên bố ngân sách năm 2015 sẽ thâm hụt kỷ lục 38,6 tỷ USD vì giá dầu giảm.

Hà Thu

Wednesday, September 17, 2014

Ngân hàng phải trong tay người muốn làm ngân hàng

Vấn đề đang xảy ra với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và tập đoàn Thiên Thanh một lần nữa lại đặt ra câu hỏi về việc làm sao kiểm soát việc các ông chủ doanh nghiệp tìm cách mua các ngân hàng rồi dùng tiền của ngân hàng để làm chuyện sai trái, phục vụ lợi ích riêng.
Điều này tương tự việc các tập đoàn tư nhân ở nhiều nước tìm cách tạo ra các thị trường vốn nội bộ để phục vụ cho tập đoàn của mình.
TBKTSG xin giới thiệu ý kiến của ba chuyên gia kinh tế, lý giải vì sao những quy định, quy trình về đảm bảo an toàn cho vay hiện nay tuy “chặt” trên giấy nhưng lại “lỏng” trong thực tế, đồng thời đưa ra giải pháp để bịt lỗ hổng này.
Các ông chủ doanh nghiệp khi làm chủ ngân hàng thì sẽ bỏ qua lợi ích của cổ đông nhỏ và người gửi tiền trong ngân hàng đó, chỉ tập trung dùng nguồn lực của ngân hàng “nuôi” doanh nghiệp của mình. Kiểm soát vấn đề này ở nhiều nước thường xuất phát từ ba kênh.
Thứ nhất, là từ nội bộ ngân hàng. Nếu ngân hàng có thể xây dựng được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, cho phép cổ đông và hội đồng quản trị giám sát tốt, kịp thời phát hiện những vi phạm thì sẽ hạn chế những tổn thất cho ngân hàng. Nhưng sự tập trung sở hữu tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đôi khi lại quá lớn, một vài cổ đông và bên liên quan chiếm phần lớn cổ phần và có tiếng nói quyết định trong ngân hàng, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thì cổ đông nhỏ và người gửi tiền không thể phát huy khả năng kiểm soát này.
Kênh kiểm soát thứ hai đến từ phía thị trường tài chính và tư pháp. Khi cổ đông nhỏ thấy ngân hàng có vấn đề thì có thể bán cổ phiếu đi, hoặc đi kiện lãnh đạo công ty. Cơ chế kiện tụng ở ta thì không dễ dàng và phổ biến như các nước phát triển, cho nên rủi ro giới lãnh đạo bị kiện tụng (litigation risk) thấp, chi phí cao, hiệu quả... chưa biết. Trong khi đó, nếu công ty chưa niêm yết, hoặc thanh khoản thấp, bán cổ phiếu không phải là một lựa chọn hiệu quả. Vì vậy, kênh này chỉ hiệu quả đối với những ngân hàng niêm yết lớn, nơi có những cổ đông cũng đủ nguồn lực để “đấu” với ban lãnh đạo hiện tại.
Kênh kiểm soát cuối cùng đến từ phía các cơ quan giám sát. Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm tra, thanh tra hoạt động của ngân hàng để phát hiện kịp thời sai phạm. Cổ đông cũng có thể tố cáo hành vi mờ ám của lãnh đạo ngân hàng cho Ngân hàng Nhà nước và cơ quan liên quan. Đồng thời cơ quan giám sát cũng có thể yêu cầu những khoản cho vay nội bộ phải được thể hiện chi tiết trên các báo cáo thường niên hoặc báo cáo tài chính để cổ đông nhỏ và công chúng kịp thời phát hiện và cảnh báo. Như đã phân tích ở trên thì kênh giám sát hiệu quả còn lại hiện nay (ít ra là trên lý thuyết) là kênh này.
Trong tình huống của Việt Nam hiện nay, vấn đề khó là phải đảm bảo ngân hàng nằm trong tay người thật sự muốn kinh doanh ngân hàng.
Tuy nhiên, cách làm đó không thể bền vững vì cơ quan giám sát không thể có đủ nguồn lực để giám sát và xử lý hết (có bao nhiêu ngân hàng giống Ngân hàng Xây dựng chưa bị phát hiện và xử lý?). Để tới khi điều tra xong thì thiệt hại cũng đã rồi, người gánh chịu là cổ đông nhỏ và người gửi tiền (dù có đảm bảo ngân hàng vẫn tồn tại và có thanh khoản thì chi phí cho sự đảm bảo ấy cũng lấy từ ngân sách hoặc nguồn lực của hệ thống ngân hàng, gián tiếp làm thiệt hại cho toàn bộ người gửi tiền trong xã hội).
Vì vậy, cần phải thúc đẩy kênh giám sát nội bộ và giám sát của cổ đông không nắm quyền kiểm soát. Muốn vậy, cần hạn chế tập trung sở hữu, gia tăng cổ đông độc lập, gia tăng tính minh bạch của các ngân hàng.
Trong tình huống của Việt Nam hiện nay, vấn đề khó là phải đảm bảo ngân hàng nằm trong tay người thật sự muốn kinh doanh ngân hàng. Nói nôm na là ông chủ sở hữu muốn làm tốt ngân hàng thì tự nhiên họ sẽ thuê người “có nghề” điều hành và quản lý. Nếu khó biết được ông chủ nào muốn thực sự làm ngân hàng, thì hãy để nhiều ông chủ khác nhau cùng ngồi vào hội đồng quản trị. Cho nên bản chất việc hạn chế tập trung sở hữu và gia tăng cổ đông độc lập cũng chẳng qua là để hạn chế cái sự chuyên quyền để dễ bề làm bậy, đảm bảo ngân hàng nằm trong tay “ông chủ” đàng hoàng mà thôi.

Thursday, September 11, 2014

Gazpromneft sẽ mua 49% cổ phần Nhà máy lọc dầu Dung Quất

 Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đang có kế hoạch nâng cấp NMLD Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm, trong đó đối tác Nga Gazpromneft dự kiến mua 49% số cổ phần trong liên doanh.

Việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là phương án mang tính quyết định sự phát triển của nhà máy. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thành lập ban chỉ đạo nâng cấp, mở rộng nhà máy. Hiện Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đã hoàn thành báo cáo khả thi chi tiết dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu và dự kiến trong tháng 9, sẽ trình Chính phủ để phê duyệt quyết định đầu tư. 
Việc nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng được đàm phán ở cấp liên Chính phủ do Bộ Công Thương làm đầu mối chủ trì làm việc với Bộ Năng lượng Nga nhằm xem xét khả năng Công ty Gazpromneft mua cổ phần và tham gia dự án. Tỉ lệ mua cổ phần và phương án thực hiện vẫn đang được tích cực triển khai ở cấp liên Bộ. Nếu mọi việc tiến hành suôn sẻ thì tới năm 2021, dự án có thể sẽ hoàn thành.

Wednesday, September 10, 2014

Phó Tổng giám đốc 25 tuổi của VietinBank Capital bất ngờ từ nhiệm

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, Hội đồng quản trị nhà băng này đã đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với bà Phạm Vân Anh, Phó Tổng giám đốc Cty Quản lý quỹ VietinBank (VietinBank Capital) theo nguyện vọng cá nhân.
Sau gần một năm rưỡi giữ chức vụ trên, cô gái 25 tuổi này đã không còn có tên trong danh sách lãnh đạo của VietinBank Capital.

Muốn đuổi kịp Hàn Quốc, 20 năm tới Việt Nam phải làm gì?

Nếu Việt Nam muốn bắt kịp những nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thì cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/năm trong 20 năm tới. 
Ngày 9/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất về Báo cáo Việt Nam 2030.
Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Giám đốc WB tại Việt Nam và trên 50 chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.
Báo cáo “Việt Nam 2030” do WB phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm đưa ra những kiến nghị để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới đây.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được Chính phủ phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng báo cáo. Cuộc họp đã thống nhất những nội dung lớn, lịch trình và phương pháp xây dựng báo cáo.
Báo cáo đề dẫn của WB tại cuộc họp cho thấy 20 năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,7%/năm, cao thứ hai thế giới. Nếu Việt Nam muốn bắt kịp những nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thì cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/năm trong 20 năm tới. Trong trường hợp chỉ tăng trưởng trung bình 5-6%/năm, Việt Nam sẽ nằm trong bẫy thu nhập trung bình.
Câu hỏi lớn được đặt ra là Việt Nam có thể hay không và cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng trưởng nhanh hơn, phát triển bền vững và để người dân được thụ hưởng nhiều nhất kết quả phát triển?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được Chính phủ phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Báo cáo "Việt Nam 2030".
Đầu năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã được giao chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với WB, các tổ chức quốc tế xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đưa ra những tiêu chí, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cùng trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị quyết 19 đặt mục tiêu về những chỉ số tác động cực kỳ mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh, đó là: Nộp thuế, tiếp cận điện năng và giao dịch qua biên giới (xuất nhập khẩu).
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hàng tỷ USD, hàng nghìn tỷ đồng là những lợi ích kinh tế cụ thể mà Việt Nam sẽ có được nếu làm được như Nghị quyết 19 đề ra. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có bước tiến rõ rệt.
Một ví dụ, nếu giảm được 1 ngày trong thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu thì các DN Việt Nam giảm được khoản chi phí giao dịch tương đương 1% giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1 năm, khoảng 2,7 tỷ USD.
Hay nếu số giờ nộp thuế giảm từ 872 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm như mục tiêu của Nghị quyết 19, sẽ tiết kiệm chi phí tới 6,6 nghìn tỷ đồng.
Nghị quyết 19 được cộng đồng xã hội, các nhà khoa học, nhân dân đánh giá rất cao. Đồng thời được các bộ, ngành triển khai thực hiện hết sự quyết liệt dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ trưởng.
Và Báo cáo Việt Nam 2030, ở tầm rộng hơn, dài hơi hơn, sẽ kế thừa những đánh giá về quá trình phát triển của Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới; xác định cơ hội, thách thức mà Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt, từ đó nghiên cứu, định hình một kịch bản phát triển trong giai đoạn tới. Cuộc họp thống nhất thời gian nghiên cứu Báo cáo khoảng 20 năm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo cùng với việc huy động các chuyên gia do WB, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KHĐT giới thiệu, giao nhiệm vụ, cần thiết lập trang web ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước để có một báo cáo chất lượng, có tính khoa học cao và những kiến nghị hữu ích cho hoạch định chính sách phát triển trong những năm tới đây