Showing posts with label thoi-trang. Show all posts
Showing posts with label thoi-trang. Show all posts

Wednesday, January 6, 2016

Tú Anh, Ngọc Hân vẫn mặc gợi cảm dù trời rét

Gặp nhau ở 1 sự kiện tại Hà Nội, Hoa hậu Ngọc Hân và Á hậu Tú Anh vô tư trò chuyện, vui đùa. Họ thể hiện nhiều hành động ngộ nghĩnh, nhắng nhít trước ống kính phóng viên.
Chiều 20/12, Hoa hậu Ngọc Hân xuất hiện ở 1 sự kiện sinh nhật nhãn hàng tại Hà Nội với tư cách khách mời. Cô diện 1 chiếc đầm lệch vai màu hồng phấn khá nữ tính.
Á hậu Tú Anh cũng có mặt trong sự kiện này. Cô diện chiếc đầm quây với họa tiết hoa hồng rất gợi cảm, bắt mắt.
Gặp nhau, 2 người đẹp tỏ ra rất thân thiết. Tú Anh không ngần ngại đặt 1 nụ hôn phớt lên má Hoa hậu Ngọc Hân. Trong khi đó, Ngọc Hân thoải mái ôm eo Á hậu.
Hai người đẹp trò chuyện khá rôm rả. Họ thích thú với những món đồ trang trí lạ mắt có trong buổi tiệc.
Mặc dù biết ống kính phóng viên đang hướng về phía mình, 2 người đẹp vẫn vô tư thể hiện những hành động thân mật, nhí nhố.
Thời gian gần đây, Ngọc Hân được biết tới với vai trò 1 NTK thời trang. Trong khi đó, Á hậu Tú Anh cũng trở thành 1 trong số những người đẹp khá đắt show sự kiện.

Wednesday, October 7, 2015

Điều gì làm nên chai nước hoa cao cấp 5 tỷ đồng

Chai nước hoa đắt nhất thế giới No 1 Passant Guardant chứa công thức lưu hương dai dẳng, độc đáo mà không một đối thủ nào có được.

Clive Christian - hãng nước hoa và thiết kế nội thất cao cấp của Anh - nổi danh toàn cầu với những chai nước hoa chất lượng thượng hạng và chế tác tinh xảo. Trong số đó có mùi hương No 1 Passant Guardant nằm trong danh sách đắt giá nhất thế giới - là phiên bản giới hạn của dòng nước hoa cao cấp No 1 Perfume. Mỗi "tác phẩm nghệ thuật" 30 ml này có giá lên đến 143.000 bảng (khoảng 5 tỷ đồng).
Chi tiết tinh xảo trên chai nước hoa đắt nhất thế giới "No 1 Passant Guardant".

Trong tình trạng thị trường nước hoa bão hòa như hiện nay, các thương hiệu ngày càng gặp khó khăn khi cạnh tranh hoặc tìm cách vượt trội hẳn. Ngoài những dòng nước hoa kinh điển của các nhà mốt như Chanel và Dior, hay dòng nước hoa của người nổi tiếng đang là trào lưu như Rihanna, Christina Aguilera, Kim Kardashian... thương hiệu Clive Christian bình lặng tìm được chỗ đứng riêng, vững chắc ở một đẳng cấp khác biệt. 

Theo Victoria Christian - con gái của nhà thiết kế Clive Christian - "bản thân No 1 đã là một di sản bền vững qua 80 năm". Các chai nước hoa đánh số No 5 là dòng nước hoa cao cấp, nhưng điều này chỉ đúng đối với thị trường đại chúng. Còn với số ít giới thượng lưu đích thực, dòng nước hoa No 1 Perfume của Clive Christian mới thực sự là đẳng cấp và được gọi bằng cụm từ "haute parfum".

No 1 Passant Guardant khác biệt không phải vì loại hương nó mang tới mà là do thời gian lưu giữ mùi thơm này nhờ một công thức bí mật.

Bất kể bạn tắm bao nhiêu lần, mùi hương của No 1 Perfume một khi đã chạm vào da thì vẫn luôn ở đó, dai dẳng đầy tinh tế dù đó chỉ là hương trái cây. Nhiều người cho rằng vì tính chất đặc biệt này, nữ diễn viên Katie Holmes đã chọn loại nước hoa này trong ngày cưới trọng đại với tài tử Tom Cruise trước đây.

No 1 Passant Guardant càng nổi tiếng hơn khi Clive Christian tuyên bố với chai nước hoa này, họ không quan tâm đến tính thương mại hay lợi nhuận. Những giọt nước hoa là phức hợp của những nguyên liệu nguyên chất, thượng hạng nhất mà con người có thể tinh chế được. Trong cả hai phiên bản dành cho nam và nữ, dòng nước hoa này đều có 3 lớp mùi hương giống nhau. Mùi hương cuối là tinh dầu gỗ tuyết tùng, gỗ đàn hương và vanilla lừng danh của đảo Tahiti (Pháp). Lớp hương giữa có tinh dầu cây orris Florentine hiếm có, tiêu Jamaica cay nồng, hoa ngọc lan tây quý phái. Còn lớp hương đầu là tinh dầu đậu tonka kinh điển. 
No 1 Passant Guardant được đựng trong hộp gỗ sơn mài đắt giá.

Phiên bản cho nữ với chủ đề "khu vườn tình yêu và sắc đẹp nữ thần Aphrodite" được bổ sung thêm tinh dầu mận trắng, cam ngọt bergamot, bạch đậu khấu, lan, cẩm chướng... tạo nên một mùi hương phức tạp, có chiều sâu nhưng quyến rũ. Trong khi đó, phiên bản cho nam mang chủ đề "rừng phương Đông" lại thêm những nguyên liệu như bột xạ hương, tinh dầu bưởi hồng, nhục đậu khấu, cỏ xạ hương, cỏ hương lau, ngải tây, linh lan, vòi voi... Tất cả nhằm thể hiện nét hiện đại của cánh đàn ông.

Không chỉ độc đáo nhờ phương thức lưu hương bí truyền, No 1 Passant Guardant đắt giá bởi vẻ bề ngoài hào nhoáng, phô trương. 

Để tương xứng với đẳng cấp, lọ nước hoa No 1 Passant Guardant được làm bằng pha lê Baccarat (thương hiệu pha lê danh tiếng của Pháp từ năm 1764). Nắp lọ có hình vương miện hoàng gia. Cổ lọ gắn thêm chiếc vòng vàng 18 carat. Toàn lọ nước hoa còn được bọc thêm bên ngoài một lớp lưới làm thủ công bằng vàng 24 carat.

Thân hộp khảm biểu tượng sư tử bằng kim cương trắng từ phù hiệu Royal College of Arms mà nữ hoàng Elizabeth II trao tặng nhà thiết kế Clive Christian năm 1999, nhân sự kiện ông được giao phụ trách xưởng nước hoa Hoàng gia.

Nhà Clive Christian cũng là nơi duy nhất được phép sử dụng hình ảnh vương miện của nữ hoàng Victoia. Riêng đôi mắt và lưỡi của sư tử được khảm thêm kim cương màu vàng và hồng hiếm có. Tổng số kim cương cần cho việc chế tác một lọ nước hoa lên đến 2.000 viên. Cuối cùng, ngay cả hộp đựng lọ nước hoa cũng làm từ gỗ sơn mài quý và lót lụa bên trong.
Không gian cửa hàng bán No 1 Passant Guardant ở Anh.

Vì mức độ xa xỉ bậc nhất, No 1 Passant Guardant chỉ được bán duy nhất tại cửa hàng Salon de Parfum của Clive Christian nằm trong trung tâm thương mại Harrods danh tiếng ở Anh. Giới siêu giàu khắp địa cầu có thể đến cửa hàng này tận hưởng cảm giác của một thành viên trong hoàng gia, yên tĩnh và thân mật khi dạo quanh tìm hiểu và thưởng thức mọi mùi hương.

Đích thân con gái của nhà sáng chế nước hoa sẽ giới thiệu và tư vấn vềNo 1 Passant Guardant cho khách hàng. Và khi khách đã quyết định móc hầu bao, món hàng quý giá này sẽ được giao về tận nhà bằng một phương thức có một không hai, đó là trên một chiếc Bentley sang trọng. 

Sao Mai

Vì sao kính phi công được yêu thích trên toàn thế giới

Từ mục đích ban đầu phục vụ quân đội, với nhiều ưu điểm vượt trội, kính phi công trở thành biểu tượng của thời trang.

Trong lịch sử, kính aviator (hay còn gọi là kính phi công, kính chuồn chuồn...) được làng mốt tôn vinh như một huyền thoại trong tất cả dòng kính mát. Hiếm có một phụ kiện thời trang nào trường tồn qua nhiều thập kỷ và không thay đổi nhiều về hình dáng mà vẫn khiến tín đồ thời trang phát cuồng như kính aviator.

Nguồn gốc ra đời chiếc kính biểu tượng này bắt nguồn từ chuyến bay thử của Trung úy John Arthur Macready thuộc lực lượng không quân Mỹ. Trong cả hành trình bay, Macready thấy mắt mình rất khó chịu vì bị phơi quá lâu dưới ánh nắng mặt trời. Trở về, ông đã liên lạc với Bausch & Lomb - công ty chuyển sản xuất mắt kính ở Mỹ (sau này "ông trùm sản xuất kính" - tập đoàn Luxottica - thâu tóm công ty này) để thiết kế một mẫu kính mát vừa thanh lịch nhưng đảm bảo chức năng bảo vệ tốt cho mắt.

Theo lời yêu cầu của John Arthur Macready, ngày 7/5/1937, Bausch & Lomb giới thiệu cho đội phi công thuộc không quân Mỹ mẫu kính chuồn chuồn đầu tiên mang tên Anti-Glare dưới sự bảo hộ của thương hiệu Ray-Ban. Nhưng phải tới Thế chiến II, kính aviator mới thực sự nổi tiếng khi các phi công lái máy bay chiến đấu sử dụng thường xuyên.

Năm 1942, hình ảnh Tướng Douglas MacArthur của quân đội Mỹ đeo kính phi công hạ cánh xuống bãi biển ở Philippines xuất hiện rầm rộ trên các bìa báo khắp thế giới, biến chiếc kính này trở thành hiện tượng trên bản đồ thời trang.
Kính aviator dùng cho phi công thuở trước.

Kính phi công được ưa chuộng vượt thời gian nhờ khả năng bảo vệ mắt vượt trội, phù hợp nhiều người dùng, phom dáng không bao giờ lỗi mốt.

Tính năng chống lóa kinh điển đã biến kính phi công dần trở thành món đồ yêu thích của mọi tầng lớp xã hội khi họ tham gia các hoạt động ngoài trời, từ giai cấp lao động như các ngư dân, thợ săn cho tới giới nhà giàu trên những sân golf.

Chiếc kính Ray-Ban Shooter năm 1938 với hai phiên bản mắt màu xanh lục và vàng nhạt, thiết kế sắc sảo cùng chức năng lọc riêng ánh sáng xanh, là lựa chọn hoàn hảo trong điều kiện thời tiết sương mù, bụi bặm và được các tay súng đặc biệt ưa chuộng. Tiếp sau đó, chiếc kính Ray-Ban Outdoorsman ra đời năm 1939 nhắm đến các khách hàng là thợ săn và ngư dân... với bộ lọc ánh sáng được nâng cấp. Những năm 1940, phiên bản ưu việt hơn với lớp phủ màu bảo vệ tròng kính trên tiếp tục được trình làng. Phần tròng dưới giữ nguyên màu nhạt để các phi công khi nhìn xuống vẫn thấy rõ bảng điều khiển máy bay.

Gọng thiết kế với kim loại mạ vàng, mảnh và siêu nhẹ, chỉ nặng 150 g. Phần khấc đỡ mũi có 2-3 mảnh kim loại uốn cong gọi là "lỗ đạn". Tròng kính hình giọt nước với độ rộng bao phủ được hết vùng mắt. Mắt kính chế tác từ thủy tinh cường lực màu xanh lá đậm (mã số G-15), với bề mặt cong lồi phủ nhiều lớp bảo vệ, chỉ cho 15% ánh sáng đi qua. Nhờ vậy kính phi công có khả năng chống tia cực tím và tia hồng ngoại từ ánh nắng mặt trời hữu hiệu.

So với loại kính bảo hộ trước đây, trong giai đoạn giữa thế kỷ 20, kính aviator là lựa chọn hoàn hảo của mọi đối tượng người dùng, giúp bảo vệ đôi mắt khỏi tác động của tia tử ngoại, tránh đau đầu và giảm sự cố mất tầm nhìn do lóa sáng.
Tướng Douglas MacArthur với chiếc kính phi công trở thành hình ảnh đáng nhớ trong lịch sử thời trang thế giới.

Không chỉ có chức năng vượt trội, kính phi công được lòng nhiều người bởi kiểu dáng phù hợp với mọi khuôn mặt, trang phục, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Thiết kế gọng rộng với hai tròng mắt lớn của kính giúp người đeo trở nên sành điệu hơn. Chúng tạo nên vẻ lạnh lùng thời thượng cho các cô gái khi đi dạo phố, sự lãng tử và bí ẩn của các chàng trai trong mọi bộ đồ. 

Sự lăng xê và yêu chuộng của những ngôi sao cũng giúp loại kính này trở thành phụ kiện thời trang kinh điển.

Nhờ sự phát triển như vũ bão của âm nhạc, điện ảnh những năm 1960, mẫu kính phi công một thời nhanh chóng vượt biên giới Mỹ để đến với thị trường châu Âu và châu Á.

Năm 1956, khi thương hiệu Ray-Ban cho chạy quảng cáo mẫu kính, một loạt sao Hollywood phát cuồng vì món đồ này. Cặp kính phi công xuất hiện trên gương mặt của hàng loạt nhạc sĩ và ngôi sao ca nhạc lừng danh từ Jim Morrison, Lou Reed, Iggy Pop cho đến Paul McCartney, Ringo Starr... Không chỉ cánh mày râu mà ngay cả nữ giới cũng mạnh dạn gắn bó với phụ kiện này.

Nếu chọn một đại diện xuất sắc trong việc lăng xê mẫu kính phi công, đó không ai khác ngoài Michael Jackson. Chiếc kính đã cùng "ông hoàng nhạc Pop" tạo nên phong cách thời trang tiêu biểu trong suốt hai thập niên 1980 và 1990. Hình ảnh cố nghệ sĩ khoe cặp kính aviator bóng loáng ngay tại lễ trao giải Grammy 1984 cũng là một trong những khoảnh khắc khó quên của làng thời trang thế giới. 
Hình ảnh Michael Jackson tại Grammy 1984 (trên) với chiếc kính phi công gắn liền với phong cách thời trang của ông và Tom Cruise trong "Top Gun".

Chưa hết, bộ phim Top Gun và Cobra (1986) của tài tử Tom Cruise và Sylvester Stallone như một dấu son cho thời kỳ nổi dậy của dòng kính. Đến nay, hàng chục siêu phẩm điện ảnh toàn cầu có sự góp mặt của dòng kính phi công như: The Hangover (2009), Drive (2011), Quantum of Solace(2008) và Skyfall (2012)...

Theo chân các ngôi sao và người nổi tiếng, kính phi công giữ vững vị trí là món phụ kiện thời trang sành điệu không thể thiếu trong gần 80 năm qua. Hiện tại, tuy không còn sử dụng trong chiến đấu vì đã có kính chuyên dụng thay thế cho phi công, kính aviator cũng vẫn là một biểu tượng thời trang của không quân Mỹ, thường xuất hiện trong mỗi dịp kỷ niệm quân đội.

Ngày nay, kính phi công được nâng cấp với nhiều phiên bản màu sắc, tròng kính nhưng vẫn giữ nguyên dáng dấp cổ điển ban đầu. Thậm chí, nhiều thương hiệu đối thủ từ bình dân như Polo, Maui Jim, Serengeti, Persol đến cao cấp như Gucci, Burberry, Dolce & Gabbana cũng "học lỏm" về phom dáng thiết kế của aviator. Năm 2013, loại kính này ra mắt phiên bản gọng vàng 18 carat.

Monday, September 7, 2015

Kính hàng hiệu có chất lượng thế nào so với đồ bình dân

Những cặp kính giá vài chục tới vài trăm triệu đồng thực chất được sản xuất cùng một "lò" với hàng bình dân, khả năng chống tia UV không vượt trội hơn là bao.

Kính mắt trong nhiều thập kỷ qua vẫn được xem là món phụ kiện không thể thiếu với cả đàn ông lẫn phụ nữ khi xuống phố. Mỗi mùa mốt trôi qua, các quý ông, quý cô lại "lùng sục" để sở hữu những kiểu kính râm hợp mốt, từ Prada, Tom Ford, Ray Ban, Oakley, Dolce & Gabbana cho đến Salvatore Ferragamo, Chanel, Celine, Chopard... Giá của món phụ kiện nhỏ bé này dao động từ vài trăm đô đến vài trăm nghìn đô tùy vào độ cầu kỳ, tinh xảo và nguyên liệu của sản phẩm. Vậy điểm khác biệt giữa kính hàng hiệu cao cấp với những sản phẩm bình dân do các thương hiệu nhỏ sản xuất là gì?

Những cặp kính thời trang giá hàng trăm đô thậm chí lên tới vài trăm nghìn đô la khiến không ít người đặt câu hỏi chúng có gì đặc biệt hơn so với đồ bình dân. Ảnh: Dolcegabbana. 


Trên thực tế, các thương hiệu kính cao cấp nhất và các sản phẩm của hãng bình dân đều chung nguồn gốc. 

Luxottica - công ty sản xuất kính có trụ sở chính tại Milan, Italy - được coi là "ông trùm" trong ngành sản xuất kính thế giới. Mỗi năm, hãng này lại cho ra lò ra hàng triệu cặp kính thời trang để đưa về các hãng, từ Burberry, Chanel, Paul Smith, Tiffany & Co., Versace, Vogue, Person, Miu Miu, Tory Burch, Paul Smith Donna Karan... cho đến những thương hiệu nhỏ hơn. Bên cạnh đó, Luxottica cũng sở hữu một loạt các nhãn hiệu kính nổi tiếng như Ray Ban, Oakley, Oliver Peoples và REVO.

Luca Biondolillo - đại diện hãng cho biết: "70% kính mắt của các hãng đều được chúng tôi sản xuất tại nhà máy ở Italy, phần còn lại là Mỹ và Trung Quốc. Luxottica không chỉ phụ trách sản xuất mà còn cả tạo mẫu và marketing". Người này cho biết mỗi nhà mốt sẽ làm việc với đội thiết kế của hãng để đưa ra mẫu số chung rồi thỏa thuận cấp phép và sản xuất đại trà hay giới hạn. Mỗi thỏa thuận cấp phép giúp cho thiết kế kính của từng hãng được bảo hộ độc quyền trong vòng 3-10 năm.

Ngoài Luxottica, thị trường kính mắt thế giới còn bị "thao túng" bởi một "ông lớn" khác là Safilo. Công ty Italy này sản xuất kính cho những hãng như Alexander McQueen, A/X Armani Exchange, Balenciaga, Banana Republic, Bottega Veneta, Dior, Emporio Armani, Fossil, Giorgio Armani, Gucci,Yves Saint Laurent, Marc Jacobs... Safilo cũng sở hữu thương hiệu của riêng mình như Carrera, Polaroid, Smith Optics, Oxydo hay Blue Bay.

Theo tính toán của các chuyên gia, cứ mỗi một đô la (hơn 20.000 đồng) có trong các cặp kính bán ra, những công ty như Luxottica hay Sofila sẽ thu về khoảng 64 cent (khoảng hơn 12.000 đồng). Cả khi đã trừ các khấu hao liên quan đến bán hàng và marketing, số tiền họ kiếm được trên mỗi sản phẩm vẫn chiếm hơn một nửa giá bán ra.


Những mẫu kính hàng hiệu và bình dân trên thế giới hiện nay hầu hết được sản xuất bởi một số nhà cung cấp từ Italy. Ảnh: Blogspot. 


Đeo kính hàng hiệu cũng không tốt hơn cho mắt so với kính bình dân bởi khả năng chống tia UV - công dụng chính của kính - là như nhau. "Một cặp kính 300 USD (hơn 6 triệu đồng) thực chất chẳng khác nhiều so với hàng 100 USD (hơn 2 triệu đồng) về khả năng bảo vệ mắt, ngoại trừ việc trông chúng đẹp hơn và có tên thương hiệu nổi tiếng đi kèm", Jay Duker - chủ tịch của trung tâm nhãn khoa Tufts Medical Center (Mỹ) cho biết. Theo chuyên gia, chỉ cần bỏ ra 40-70 USD, các "thượng đế" đã sở hữu được một cặp kính có khả năng chống tia cực tím (UV) tối đa cùng nhiều lợi ích khác.

Tiến sĩ Reza Dana, Giám đốc phụ trách mảng phẫu thuật giác mạc và các tật khúc xạ về mắt ở bệnh viện tai-mắt Massachusetts (Mỹ) khẳng định: "Những cặp mắt kính có khả năng chống tia UV sử dụng công nghệ không mấy đắt đỏ".

Vì thế, số tiền đắt đỏ mà khách hàng phải chi cho các cặp kính hiệu phần nhiều vì các yếu tố ngoài chất lượng. 

Giá trị thương hiệu là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng nhất đến giá bán. Để có được lợi nhuận cao, các thương hiệu lớn phải chi bộn tiền cho quảng cáo. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu các khoản phí về bán hàng, quản lý hay thuế. Việc đẩy giá các mặt hàng lên cao để đảm bảo được cả hai yếu tố quảng bá thương hiệu lẫn lợi nhuận là điều cần thiết.

Will Wister, một chuyên gia đầu tư, cho biết nếu coi số lượng hàng hóa sản xuất không thay đổi, việc mở rộng thiết kế sẽ khiến các nhà mốt mất nhiều chi phí hơn cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Các khoản chi tăng lên cũng đồng nghĩa với việc giá bán của sản phẩm phải "đội" lên thì mới đem lại được lợi nhuận về cho người sản xuất.

Phụ kiện hàng hiệu vẫn có được chỗ đứng trong lòng người yêu thời trang bởi danh tiếng của thương hiệu. 

Tuy nhiên, việc khoác lên mình món đồ xa xỉ, có sẵn danh tiếng vẫn được xem như một cách khẳng định đẳng cấp. Hầu hết thương hiệu lớn đều đăng ký một thiết kế độc quyền, đồng nghĩa với việc ai sở hữu những cặp kính thời thượng đắt đỏ cũng sẽ là người đi đầu về phong cách. Một số nhà sản xuất còn tìm cách đưa các loại trang sức, đá quý cũng như vật liệu chống nước, chịu lực, chống sương... để những món phụ kiện thêm phần độc đáo.

Nếu so sánh về giá trị sử dụng (khả năng che chắn nắng, bụi), khoảng cách giữa các cặp kính hàng hiệu với bình dân không lớn. Nhưng xét về mặt thẩm mỹ và sáng tạo, những món phụ kiện phù phiếm vẫn vượt trội hơn nhiều so với các đối thủ giá rẻ. Bởi vậy, câu trả lời cho thắc mắc "kính hàng hiệu có đáng tiền không?" phù thuộc phần nhiều vào khả năng kinh tế cũng như quan niệm về cán cân thẩm mỹ - túi tiền của từng người.
Lưu ý khi sử dụng kính
1. Không đeo kính trong nhà hoặc vào buổi tối.
2. Chọn kích thước phù hợp với khuôn mặt và phong cách.
3. Luôn đảm bảo mắt kính không bị mờ.
4. Không nên đeo kính mắt gương khi nói chuyện với người khác bởi nó khiến người đối diện bị bối rối vì chỉ thấy bóng mình trước mặt.
5. Không nên gài kính lên đỉnh đầu. Nó chỉ phù hợp khi bạn không có túi áo để cất kính.
6. Không vứt kính nếu không bị hỏng. Thời trang luôn tuần hoàn nên phụ kiện không còn hợp mốt sẽ có thể trở lại thành xu hướng vào những năm sau. 

Thursday, September 11, 2014

Tú Anh ngọt ngào với váy cưới xuyên thấu

Á hậu Việt Nam 2012 mặc thử những bộ váy cưới để chuẩn bị cho show diễn vào cuối tuần này. 
 Hôm 10/9, Tú Anh khoe vẻ trẻ trung, rạng rỡ khi thử các bộ váy cưới chuẩn bị cho buổi trình diễn thời trang vào 14/9 tới.