Showing posts with label trung-quoc. Show all posts
Showing posts with label trung-quoc. Show all posts

Friday, January 8, 2016

TS. Lê Đăng Doanh: Đề nghị thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam là vi phạm chủ quyền!

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tỏ rõ quan điểm đối với việc Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam chính là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một loại tiền là Việt Nam đồng.
Mới đây, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có báo cáo gửi Chính phủ, trong đó có ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam. Bởi theo hai đơn vị này thì nhu cầu giao dịch thanh toán bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam là khá lớn và tăng lên rõ rệt.
Trước kiến nghị này TS Lê Đăng Doanh cho rằng:

Đề nghị này của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một đồng tiền của Việt Nam là Việt Nam đồng, còn tất cả những đồng tiền khác đều phải chuyển đổi sang đồng tiền của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta không cho phép lưu hành song song một đồng tiền nào khác.

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, hiện nay NHNN đã dần dần thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng Đô la và đã nghiêm cấm việc sử dụng vàng, cho nên đề nghị này của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là không thể chấp nhận được.

Phía Trung Quốc lập luận rằng ở biên giới Việt – Trung đã sử dụng rộng rãi đồng Nhân dân tệ nên bây giờ kiến nghị Việt Nam cho phép thanh toán bằng đồng tiền này thì tôi cho rằng NHNN và các tỉnh biên giới cần phải có một câu trả lời rõ ràng là tại sao lại có thể có giao dịch lên đến 15 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ ở biên giới được? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?” – ông Doanh nhấn mạnh.

Một vấn đề khác mà chuyên gia cũng chỉ ra là hiện nay Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc rất nặng. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để trả cho Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất khẩu sang Mỹ, sang Nhật… Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ thì Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc.
Tức là ngoài nhập siêu, chúng ta còn phụ thuộc thêm về mặt tài chính đối với Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại, cần phải xem xét kỹ.” – ông Doanh nói
TS Lê Đăng Doanh cũng thẳng thắn chỉ rõ điều mà Trung Quốc muốn hiện nay là muốn xây dựng một nền kinh tế thật lớn mạnh, có dự trữ ngoại tệ dồi dào. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc luôn muốn bành trướng phạm vi ảnh hưởng và phạm vi sử dụng đồng Nhân dân tệ như một đồng tiền quốc tế. Trung Quốc cũng tham vọng thay thế đồng Đô la trên thế giới bằng đồng Nhân dân tệ.
Việt Nam luôn mong muốn có quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc trên cơ sở hai bên cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, cũng như tôn trọng luật pháp của mỗi nước. Vì vậy nên có một đề án nghiên cứu xem đồng Nhân dân tệ có thể thanh toán trên cơ sở quan hệ thương mại song phương đến mức độ nào, trên các kênh nào, và đối với những hàng hóa nào? 
Tức là phải có những điều kiện kiểm soát rất rõ ràng chứ không thể nào dùng đồng Nhân dân tệ lưu hành ở Việt Nam như một đồng tiền thứ hai, không một nước nào có thể cho phép như vậy. Đây chính vấn đề vi phạm chủ quyền lãnh thổ và chẳng khác gì việc cho phép đồng Nhân dân tệ thao túng đồng tiền của Việt Nam.
Tôi cho rằng kiến nghị này cần phải được xem xét một cách rất nghiêm túc, với một tinh thần nhìn vào sự thật và muốn có một hợp tác hai bên cùng có lợi, bình đẳng với Trung Quốc nhưng không thể nào vi phạm chủ quyền tài chính của Việt Nam” – ông Doanh nhận định.
Theo motthegioi.vn

Wednesday, January 6, 2016

Thực phẩm chức năng Omega - 3 Trung Quốc “ăn mòn” miếng xốp

Chi cục An toàn VSTP tỉnh Quảng Ngãi vừa tiếp nhận 2 hộp thực phẩm chức năng khi thử nghiệm trên miếng xốp thì có hiện tượng ăn mòn.
Thực phẩm chức năng Omega - 3 gây "ăn" miếng xốp
Đây là 2 hộp dầu cá Omega - 3 có nhãn mác xuất xứ từ Trung Quốc do người dân cung cấp. Cùng thử nghiệm với sản phẩm Omega - 3 được sản xuất từ Mỹ trên cùng một miếng xốp trắng thì trong vòng chưa tới 10 phút, sản phẩm Omega 3 có nhãn mác sản xuất từ Trung Quốc có hiện tượng ăn mòn và gây thủng miếng xốp. Trong khi đó, sản phẩm dầu cá từ Mỹ không có phản ứng như vậy.
Ông Nguyễn Văn Oai, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên bao bì 2 hộp Omega-3 này, có ghi là Thực phẩm chức năng viên dầu cá Omega - 3 được sản xuất tại Trung Quốc, do Công ty CP ĐT&PTTM Ngôi Sao Việt, tại Hà Nội nhập khẩu và phân phối.
"Chúng tôi đã liên hệ với Cục An toàn thực phẩm để tìm hiểu thông tin thì được biết, Công ty CP ĐT&PTTM Ngôi Sao Việt có đăng ký sản phẩm là thực phẩm chức năng Omega - 3. Tuy nhiên, số đăng ký trên 2 hộp Omega - 3 mà người dân cung cấp không khớp với số đăng ký của công ty với Cục An toàn thực phẩm. Chúng tôi đang tiếp tục làm rõ vấn đề này để thông tin cụ thể tới người dân" ông Oai nói.

Theo Báo Điện tử VTV

Monday, January 4, 2016

Hà Tĩnh đồng ý cho Formosa tiếp tục xây 'cọc biển hiệu'

Sau thời gian bị đình chỉ, công trình “cọc biển hiệu dạng ngang cổng chính” do Formosa làm chủ đầu tư đã được cấp phép tiếp tục xây dựng.
Ngày 3/1, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, công trình “cọc biển hiệu dạng ngang cổng chính” do Formosa làm chủ đầu tư đã được cấp phép và tiếp tục triển khai trở lại.
Sau khi bị đình chỉ xây dựng, Hà Tĩnh đã cấp phép xây dựng "tháp" cho Formosa.
Theo ông Tùng, diện tích đất xây dựng công trình này của Formosa là nằm ngoài diện tích dự án khu liên hợp gang thép. Ông Tùng khẳng định Formosa xây công trình này mang ý nghĩa là một cổng chào...
Vào tháng 10/2015, Formosa Hà Tĩnh tiến hành thi công dự án "tháp biểu tượng tinh thần". Tháp này có tổng đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, với chiều cao 32 m, bằng bê tông cốt thép.
Sau khi kiểm tra không có giấy phép, Sở Xây dựng Hà Tĩnh lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công công trình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội, cho biết việc xây dựng tòa tháp là để gắn logo của Formosa lên để cho mọi người biết.
Theo ông Phàm, tên “tháp biểu tượng tinh thần bão lũy” là cách nói của người Hoa.

Monday, September 7, 2015

Nếu Mỹ không trở lại Biển Đông với sức mạnh, chớ ngạc nhiên với Trung Quốc

Hoa Kỳ đã quá nhút nhát trong việc đảm bảo những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc đều phải trả giá.

Patrick M. Cronin, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia tại Đại học Quốc phòng quốc gia, nguyên Trợ lý Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ ngày 5/9 bình luận trên The National Interes, nếu Mỹ không chuẩn bị sẵn sàng trở lại Biển Đông với sức mạnh và nguyên tắc thì đừng ngạc nhiên khi Trung Quốc có cơ hội tận dụng nhảy vào thế chỗ do khoảng trống quyền lực.
Hải quân Hoa Kỳ, hình minh họa. Ảnh: The National Interest.

Trung Quốc thay đổi tối đa hiện trạng trước phiên tòa xử đường lưỡi bò

Biển Đông với căng thẳng và nguy cơ xung đột tiềm ẩn sẽ đòi hỏi một chính sách đối ngoại của Mỹ thực tế hơn với sức mạnh toàn diện, sự tham gia sâu sắc và các nguyên tắc lâu dài. Bởi lẽ Biển Đông đã là trung tâm sân khấu cạnh tranh hàng hải ở châu Á. Trung Quốc đang theo đuổi yêu sách chủ quyền - hàng hải (vô lý, phi pháp) của họ một cách từng bước nhưng "không thể lay chuyển".

Ngay từ năm 2010 Trung Quốc độc đoán đã bóng gió rằng Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của họ làm dấy lên những mối lo ngại chính đáng về chủ quyền, hàng hải và an ninh của các nước Đông Nam Á ven Biển Đông. Với khoảng 90% khối lượng thương mại toàn cầu đi qua đường biển và hơn 1/3 trong số đó đi qua Biển Đông, vùng biển này đang trở thành trung tâm tích tụ quân sự của Trung Quốc.

Niềm tin mới của Trung Quốc về sự giàu có và quyền lực của họ kết hợp với một tư thế ngày càng hung hăng ở hải ngoại đã được thể hiện sống động trong hoạt động (lao vào) tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc không phải bên duy nhất "thay đổi nguyên trạng" ở Biển Đông, nhưng rõ ràng hành động thay đổi nguyên trạng của Bắc Kinh có quy mô, tốc độ, diện tích và mức nghiêm trọng lớn nhất.

Bắc Kinh đang phải dùng đến thủ đoạn cưỡng chế để thay đổi các sự kiện ngoài thực địa để chiếm ưu thế thực tế. Họ trộn lẫn giữa áp lực quân sự với áp lực từ lực lượng thực thi pháp luật, có sự hỗ trợ mạnh mẽ trên các mặt kinh tế, thông tin, luật pháp và chiến tranh tâm lý. Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp 3000 mẫu Anh đảo nhân tạo ở Biển Đông, nhiều hơn 17 lần so với tổng diện tích cải tạo của tất cả các bên yêu sách còn lại suốt 40 năm qua, chiếm 95% diện tích bồi lấp nhân tạo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Trong quá trình bồi lấp vội vàng, cỗ máy nạo vét khổng lồ của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại đáng kể cho hệ sinh thái biển mong manh. Đáng buồn hơn là mục đích hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp này là để chứng minh yêu cầu pháp lý mong manh (vô căn cứ), đó là đường lưỡi bò bao trùm hầu hết Biển Đông. Bắc Kinh chắc chắn muốn củng cố vị thế của mình trước năm tới, khi Tòa Trọng tài thường trực xét xử vụ kiện đường lưỡi bò do Philippines khởi xướng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Washington Times.

Chiến lược xoay trục của Tổng thống Obama vẫn "nửa vời"

Thông qua việc gia tăng các hoạt động bành trướng và thủ đoạn cắt lát xúc xích, Trung Quốc đang mở ra những vùng ảnh hưởng trên Biển Đông. Điều này gây ra sự lo lắng của các nước láng giềng. Đồng thời dư luận khu vực cũng hoài nghi khả năng Hoa Kỳ sẽ trở thành trung gian trung thực và đối trọng hiệu quả trước hoạt động bành trướng của Trung Quốc.

Một đường băng hơn 3000 mét trên đá Chữ Thập có thể trở thành bệ phóng cho bất kỳ máy bay quân sự nào của Trung Quốc. Gần đây Bắc Kinh đã tiến hành tập trận quy mô lớn trên Biển Đông với 100 tàu chiến và bắn 100 tên lửa. Hành vi phô diễn sức mạnh quân sự này có mục đích đe dọa láng giềng. Trước sự huênh hoang của Trung Quốc trên biển, các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á quan ngại họ bị "bỏ rơi" hơn là cạm bẫy.

Các nước này muốn Hoa Kỳ hiện diện khẳng định cam kết ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Không giống như Hoa Đông nơi Mỹ cam kết bảo vệ Senkaku nếu bị Trung Quốc tấn công, Biển Đông đã có nhiều cơ hội hơn cho chủ nghĩa phiêu lưu của giới lãnh đạo Trung Quốc. Tổ chức khu vực duy nhất - ASEAN có thể cung cấp sự hỗ trợ về chính trị và kinh tế hữu ích, nhưng sự đồng thuận lại quá mong manh mỗi khi đối mặt với các thách thức an ninh.

Trong khi chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Obama có ý nghĩa địa chiến lược ưu việt thì trên thực tế nó đang được triển khai một cách nửa vời do sự khan hiếm nguồn lực. Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn chưa hoàn thành. Những nỗ lực ngoại giao như yêu cầu lặp đi lặp lại của ASEAN về ngăn chặn hành vi bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông hay kêu gọi đàm phán ký kết COC dận chân tại chỗ và ít cơ hội đạt được.

Ngay cả sức mạnh cốt lõi của Hoa Kỳ, sức mạnh quân sự vẫn được cảm nhận bởi nhiều đối tác như một tài sản hao mòn. Điệp khúc triển khai 60% tài sản quân sự hải quân Hoa Kỳ sang châu A - Thái Bình Dương vẫn lặp đi lặp lại do suy giảm kích thước các hạm đội, sự xói mòn ổn định của quyền lực biển của Hoa Kỳ mà không có bất kỳ con số chính xác nào về các tàu.

Một số người Mỹ thậm chí còn cô gắng coi thường vấn đề này bằng cách tuyên bố, Mỹ không nên đi đến chiến tranh ở một nhóm bãi đá xa xôi. Chắc chắn là không ai muốn chiến tranh, nhưng đe dọa ở Biển Đông ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định khu vực trong tương lai cũng như trật tự quốc tế, luật pháp trên biển.
Chiến hạm USS Fort Worth Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông. Ảnh: Bloomberg.

Giải pháp nào cho chiến lược xoay trục của Mỹ, chống Trung Quốc bành trướng thôn tính Biển Đông?

Hoa Kỳ có thể bù đắp cho sự suy giảm kích thước các hạm đội thông qua sự hiện diện liên tục và cam kết hoạt động. Về lâu dài, Washington cần làm việc với các đối tác về cách thức chống lại sự cưỡng ép và khả năng chống truy cập ngày càng tăng của Trung Quốc. Để làm được điều này, những động thái quân sự sẽ cần phải được tích hợp trong một chiến lược kinh tế - chính trị lớn hơn.

Trung Quốc sẽ chẳng ấn tượng gì với những nước nói nhiều hơn làm. Trong khi đó Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa (bất hợp pháp) Biển Đông, các đồng minh và đối tác của Mỹ thì muốn biết rằng chính sách của Washington dựa trên nền tảng sức mạnh nào.

Singapore đã cung cấp chỗ đứng chân quan trọng cho hải quân Mỹ mà hiện tại bao gồm một số tàu Littoral Combat. Mỹ đang chờ Tòa án Tối cao Philippines kết luận Hiệp định Hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines mở rộng là phù hợp với hiến pháp.

Văn bản này được thông qua sẽ mở đường cho Thủy quân lục chiến, máy bay và tàu chiến Mỹ quay lại Philippines hỗ trợ đào tạo, xây dựng năng lực và khả năng phòng thủ trên biển. Truy cập các căn cứ và tham gia tích cực có thể bù đắp việc thiếu các căn cứ quân sự thường trú ở Biển Đông cũng như quy mô lực lượng. Đây là nguồn lực rất cần thiết với Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Quốc hội Mỹ cũng đã giúp đỡ Nhà Trắng với năm tài khóa mới dành 425 triệu USD để phát triển năng lực tuần tra phòng thủ trên biển cho các nước ven Biển Đông. Đây là một bước đi đúng hướng nhằm ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu. Chia sẻ thông tin để tạo ra nhận thức chung về hàng hải và minh bạch hơn là ưu tiên quan trọng hàng đầu trong việc củng cố năng lực của khu vực chống các hành vi cưỡng chế.

Trong cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012 Hoa Kỳ đã quá nhút nhát trong việc đảm bảo những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc đều phải trả giá. Tương tự như vậy, tháng 7 năm nay máy bay P-8 của hải quân Mỹ vẫn né tránh không bay vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên 7 bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988, 1995 đến nay).

Về mặt pháp lý quốc tế, các bãi đá mà Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp chỉ có tối đa 500 mét vùng an toàn, ngoài ra là không phận - vùng biển quốc tế mà tàu, máy bay các nước có quyền qua lại tự do không ai được ngăn cản. Hoa Kỳ cần khắc phục điều này càng sớm càng tốt, dù chắc chắn rằng Trung Quốc trang bị đầy đủ vũ khí cho các đảo nhân tạo.

Mục đích của các hoạt động tuần tra hàng hải, hàng không này của Mỹ không phải để khiêu khích Trung Quốc, mà là nhấn mạnh tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ không quan tâm đến chiến tranh mà quan tâm đến ổn định, luật pháp, trật tự và tự do. Nhưng nếu Mỹ không sẵn sàng quay lại Biển Đông với sức mạnh thì không nên ngạc nhiên khi Trung Quốc nhảy vào thế khoảng trống quyền lực. Chấp nhận một Trung Quốc trỗi dậy không nên bao gồm chấp nhận những nỗ lực đảo lộn trật tự khu vực thông qua ức hiếp nước nhỏ.

Monday, June 8, 2015

Trung Quốc lộ quy hoạch trái phép ở đá Vành Khăn

Nhiều diễn đàn quân sự Trung Quốc gần đây đăng tải những hình ảnh được cho là bản đồ quy hoạch 10 km vuông đá Vành Khăn, với nhiều hạng mục như casino, điểm du lịch.
Quy hoạch đá Vành Khăn của Trung Quốc. Ảnh: Tianya
Thông tin trên được các diễn đàn Tianya, Tiexue đồng loạt đăng tải hồi cuối tháng 5. Đá Vành Khăn được quy hoạch xây dựng như một hình trái tim khổng lồ. Trên vành đai trái tim, là các công trình xây dựng như casino, khu vui chơi giải trí. Tổng diện tích quy hoạch là 9,53 km2, trong đó, diện tích xây dựng là 6,29 km2, quy hoạch dân số là 70.000 người.

Trong bản quy hoạch ghi rõ, đá Vành Khăn có vị trí địa lý quan trọng, có vị trí quân sự chiến lược, đồng thời là trung tâm cảng biển khu vực, chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh.

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1995 và chiếm giữ từ đó đến nay.

Trung Quốc đẩy nhanh bồi đắp đá Vành Khăn từ đầu năm nay. Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Mỹ mới đây công bố hình ảnh chụp hôm 16/3 cho thấy, một dải đất nhân tạo nhỏ cũng như các công trình mới, đê biển kiên cố và thiết bị xây dựng dọc đá Vành Khăn. Nhiều tàu hút bùn, tàu hải quân vận tải đổ bộ cũng xuất hiện gần đá.

Đây là hoạt động bồi đắp mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bên cạnh 6 rạn san hô khác, bất chấp sự phản đối của nhiều nước.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông và đang bồi đắp các đá để biến thành đảo nhân tạo với tốc độ lớn. Hồi tháng hai, Philippines từng cảnh báo rằng các tàu hút bùn của Trung Quốc đã bắt đầu công việc tại đây. Manila cũng tuyên bố chủ quyền với đá này.

Wednesday, January 14, 2015

Chiến lược cải tổ lãnh đạo cấp cao của Tập Cận Bình

Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiến hành cải tổ nhân sự cấp cao trên quy mô lớn, từ trung ương đến địa phương và trong quân đội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Năm 2014 được đánh giá là năm cao điểm trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với việc điều tra hàng loạt quan chức cấp cao nhất như cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Lệnh Kế Hoạch.
Song song với chống tham nhũng, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cũng đang tiến hành một đợt cải tổ nhân sự trên quy mô lớn, từ trung ương đến địa phương và trong quân đội.
Chỉ riêng trong tháng 11/2014, lãnh đạo cao cấp của 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc và Thanh Hải, được luân chuyển công tác. Trước đó, biến động nhân sự tại địa phương được chú ý nhất là việc Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm Vương Nho Lâm thay thế ông Viên Thuần Thanh đảm nhiệm chức bí thư tỉnh ủy Sơn Tây. Sơn Tây được coi là tỉnh trọng điểm trong chiến dịch chống tham nhũng, với việc hơn một nửa ban lãnh đạo tại đây bị điều tra, trong đó có ông Lệnh Chính Sách, anh trai của Lệnh Kế Hoạch.
Trong quân đội, hơn 40 tướng lĩnh của nước này đã bị điều chuyển vào những tháng cuối năm. Giáo sư Nê Lạc Hùng thuộc Đại học Sư phạm Thượng Hải nhận định rằng, động thái trên cũng giống như các quyết định điều động nhân sự tại địa phương, là nhằm tránh để một người giữ một vị trí trong quá lâu, từ đó có thể thiết lập phe cánh.
"Về bản chất, những nhóm nhỏ của một số cán bộ là một dạng nhóm lợi ích dùng quyền lực công để mưu lợi tư", People's Daily viết trong một bài xã luận hôm 5/1. "Hậu quả của việc này sẽ nguy hại đến quốc gia, dân tộc".
Tuy nhiên, biến động nhân sự được giới phân tích đặc biệt chú ý là việc ngày 31/12/2014, ủy viên Bộ Chính trị Tôn Xuân Lan, được điều động giữ chức trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, chức vụ vốn để trống sau khi ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra.
Một ngày trước đó, People's Daily ra thông cáo cho biết bà Tôn thôi đảm nhiệm chức bí thư thành ủy Thiên Tân. Chức vụ này do thị trưởng thành phố Hoàng Hưng Quốc tạm thời kiêm nhiệm.
"Đây là lần biến động nhân sự cấp Bộ Chính trị đầu tiên từ sau Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc", bình luận viên Cary Huang của South China Morning Post nhận định. "Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang có những bước đi chuẩn bị cho nhân sự cấp cao tại kỳ Đại hội 19".

Chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới


Năm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến sẽ về hưu sau Đại hội 19 vì lý do tuổi tác là (từ trái sang phải): Vương Kỳ Sơn, Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang và Du Chính Thanh. Ảnh: SCMP
Bà Tôn Xuân Lan hiện nay là một trong những nữ chính trị gia cấp cao nhất của Trung Quốc. Theo Caixin, trước khi được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội 18 năm 2012, bà từng là bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến, địa phương mà Chủ tịch Tập từng công tác hơn 10 năm. Tuy nhiên, đường thăng tiến của nữ chính khách này bắt đầu từ tỉnh Liêu Ninh, miền đông bắc Trung Quốc. Tại đây, Tôn Xuân Lan là cấp dưới trực tiếp của Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi đó là bí thư tỉnh ủy (2004-2007).
Ông Hoàng Hưng Quốc giữ chức thị trưởng Thiên Tân từ năm 2007, dưới quyền ông Trương Cao Lệ, người nay là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Trước đó, ông Hoàng từng có thời gian dài công tác tại tỉnh Chiết Giang, là cấp dưới trực tiếp của ông Tập Cận Bình.
Giới phân tích cho rằng việc ông Hoàng Hưng Quốc được đề bạt làm người đứng đầu thành phố cửa ngõ của thủ đô Bắc Kinh, cũng như mối quan hệ gần gũi của ông với giới lãnh đạo cao nhất nước, cho thấy chính khách này là ứng viên tiềm năng của Bộ Chính trị nhiệm kỳ sắp tới.
Theo quy định hiện hành, các ủy viên Bộ Chính trị không được phép tái cử nếu tuổi đời từ 68 trở lên. Vì vậy, 5 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và 6 ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ về hưu sau Đại hội 19 dự kiến diễn ra vào năm 2017.
Giáo sư Steve Tsang từ Đại học Nottingham cho biết bố trí nhân sự cấp cao trong nhiệm kỳ mới chịu sự ràng buộc chặt chẽ từ các quy định được thiết lập từ thời cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. "Ông Tập Cận Bình biết rõ hơn ai hết về những điều này", chuyên gia này nói.
Chủ tịch Tập được cho là nhà lãnh đạo tập trung nhiều quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc kể từ sau thời đại Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Sự kiện Chu Vĩnh Khang cho thấy mức độ tập trung quyền lực của ông Tập trong kết cấu quyền lực của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc hiện nay. Lãnh đạo này được cho là đang thay đổi luật chơi trong giới chính trị thượng tầng của Trung Quốc.
Giáo sư Trương Minh thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định rằng Đại hội 19 là thời điểm quan trọng để Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố hơn nữa nền tảng quyền lực của mình. "Các thay đổi nhân sự sẽ tiếp tục diễn ra trong hai năm sắp tới, đặc biệt là tại các hội nghị trung ương nhóm họp định kỳ mỗi năm một lần", ông kết luận.

Bà Tôn Xuân Lan. Ảnh: Baidu

Tuesday, January 6, 2015

Hai 'hổ lớn' đứng sau nạn phe phái ở Trung Quốc

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đã có sự thừa nhận hiếm hoi về tình trạng phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và chỉ đích danh những thành viên chủ chốt có quan hệ với hai “hổ lớn” vừa bị hạ bệ Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch.
 
Năm 2014, Trung Quốc chính thức điều tra đối với Chu Vĩnh Khang.
Báo chí đại lục mới đây xác định những thành viên trụ cột của “Sơn Tây hội”, “phe thư ký” và “phe dầu khí”, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 5/1 đưa tin.
Tuy nhiên, theo Xinhua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cân nhắc nguy cơ trong việc đánh đổ những “con hổ lớn” như vậy. Báo chí đại lục gần đây nêu tên nhiều quan chức cấp cao ngã ngựa có dính líu những cái gọi là “Sơn Tây hội”, “phe thư ký” và “phe dầu khí”. Tuần qua, 25 ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất kỳ quan chức nào kết bè kéo cánh, tạo lập phe nhóm chính trị để trục lợi cá nhân.
Năm 2014, Trung Quốc chính thức điều tra đối với Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an, cựu Bí thư Ủy ban Chính Pháp; cựu Chánh văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch; cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Phó Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Tô Vinh. Trong một bài báo, Xinhua cho rằng, chỉ có dũng cảm đương đầu các nguy cơ và thách thức mới có thể tuyên chiến với các nhóm lợi ích và giải quyết những vấn đề gốc rễ ăn sâu trong đảng.
Theo bài báo, những cuộc điều tra đối với các quan chức bị hạ bệ đã thuyết phục công chúng rằng, chính quyền cương quyết diệt trừ tham nhũng. Ông Tập Cận Bình “đả hổ” không thể không cân nhắc hậu quả. “Nhưng chúng ta đã xác định các nhiệm vụ và mục đích của đảng, cũng như những gì mọi người đang trông đợi chúng ta”, Xinhua trích thuật lời ông Tập nhưng không nói rõ ông phát biểu nội dung này bao giờ và trong trường hợp nào.
Theo báo chí đại lục, “phe thư ký” gồm nhiều trợ lý hàng đầu và thư ký riêng của Chu Vĩnh Khang, trong đó có cựu Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, cựu Chủ tịch Chính Hiệp Tứ Xuyên Lý Sùng Hy, cựu Phó Tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm. “Phe dầu khí” có Tưởng Khiết Mẫn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nguyên là trợ lý của Chu Vĩnh Khang; Phó Chủ tịch CNPC Vương Vĩnh Xuân; cựu Phó Tổng giám đốc CNPC Lý Hoa Lâm. Lệnh Kế Hoạch thuộc “Sơn Tây hội” gồm hàng loạt quan chức ngã ngựa, trong đó có Phó Chủ tịch Chính Hiệp Sơn Tây Lệnh Chính Sách là anh ruột của Lệnh Kế Hoạch.
Theo Xinhua, thường xuất hiện các phe phái công khai hoặc mờ ám đằng sau những “con hổ” bị đánh đổ và thực tế này đặt ra một nguy cơ lớn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Zhang Ming, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Nhân Dân, cho biết, truyền thông Trung Quốc từ lâu đã đề cập sự tồn tại của 3 phe phái, nhưng bài báo Xinhua đăng tải hàm nghĩa Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý muốn thừa nhận thực tế này. “Ít nhất nó có nghĩa tồn tại các phe phái và nhóm lợi ích khác nhau trong nội bộ đảng”, ông Zhang nhận xét. Tuy nhiên, Xinhua không hề nhắc đến sự tồn tại của các phe nhóm khác như “phe thái tử đảng”, “Đoàn phái” vốn là những thế lực đằng sau hậu trường, giáo sư Zhang nói.

Ngày 5/1, cựu lãnh đạo Đài Loan, ông Trần Thủy Biển, được phóng thích khỏi nhà tù vì lý do sức khỏe, sau khi thụ án 6 năm vì tội tham nhũng, nhận hối lộ, biển thủ công quỹ trong thời gian đương nhiệm. Ông Trần Thủy Biển, 64 tuổi, lãnh đạo Đài Loan từ năm 2000 đến 2008, được trả tự do từ một bệnh viện trong nhà tù vào chiều 5/1 do “vấn đề về sức khỏe”, theo cơ quan tư pháp Đài Loan. Ông này sẽ phải khám sức khỏe định kỳ hằng tháng.
VietnamPlus
SCMP, Want China Times