Showing posts with label thoi-su. Show all posts
Showing posts with label thoi-su. Show all posts

Wednesday, January 6, 2016

Thực phẩm chức năng Omega - 3 Trung Quốc “ăn mòn” miếng xốp

Chi cục An toàn VSTP tỉnh Quảng Ngãi vừa tiếp nhận 2 hộp thực phẩm chức năng khi thử nghiệm trên miếng xốp thì có hiện tượng ăn mòn.
Thực phẩm chức năng Omega - 3 gây "ăn" miếng xốp
Đây là 2 hộp dầu cá Omega - 3 có nhãn mác xuất xứ từ Trung Quốc do người dân cung cấp. Cùng thử nghiệm với sản phẩm Omega - 3 được sản xuất từ Mỹ trên cùng một miếng xốp trắng thì trong vòng chưa tới 10 phút, sản phẩm Omega 3 có nhãn mác sản xuất từ Trung Quốc có hiện tượng ăn mòn và gây thủng miếng xốp. Trong khi đó, sản phẩm dầu cá từ Mỹ không có phản ứng như vậy.
Ông Nguyễn Văn Oai, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên bao bì 2 hộp Omega-3 này, có ghi là Thực phẩm chức năng viên dầu cá Omega - 3 được sản xuất tại Trung Quốc, do Công ty CP ĐT&PTTM Ngôi Sao Việt, tại Hà Nội nhập khẩu và phân phối.
"Chúng tôi đã liên hệ với Cục An toàn thực phẩm để tìm hiểu thông tin thì được biết, Công ty CP ĐT&PTTM Ngôi Sao Việt có đăng ký sản phẩm là thực phẩm chức năng Omega - 3. Tuy nhiên, số đăng ký trên 2 hộp Omega - 3 mà người dân cung cấp không khớp với số đăng ký của công ty với Cục An toàn thực phẩm. Chúng tôi đang tiếp tục làm rõ vấn đề này để thông tin cụ thể tới người dân" ông Oai nói.

Theo Báo Điện tử VTV

Monday, January 4, 2016

Hà Tĩnh đồng ý cho Formosa tiếp tục xây 'cọc biển hiệu'

Sau thời gian bị đình chỉ, công trình “cọc biển hiệu dạng ngang cổng chính” do Formosa làm chủ đầu tư đã được cấp phép tiếp tục xây dựng.
Ngày 3/1, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, công trình “cọc biển hiệu dạng ngang cổng chính” do Formosa làm chủ đầu tư đã được cấp phép và tiếp tục triển khai trở lại.
Sau khi bị đình chỉ xây dựng, Hà Tĩnh đã cấp phép xây dựng "tháp" cho Formosa.
Theo ông Tùng, diện tích đất xây dựng công trình này của Formosa là nằm ngoài diện tích dự án khu liên hợp gang thép. Ông Tùng khẳng định Formosa xây công trình này mang ý nghĩa là một cổng chào...
Vào tháng 10/2015, Formosa Hà Tĩnh tiến hành thi công dự án "tháp biểu tượng tinh thần". Tháp này có tổng đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, với chiều cao 32 m, bằng bê tông cốt thép.
Sau khi kiểm tra không có giấy phép, Sở Xây dựng Hà Tĩnh lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công công trình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội, cho biết việc xây dựng tòa tháp là để gắn logo của Formosa lên để cho mọi người biết.
Theo ông Phàm, tên “tháp biểu tượng tinh thần bão lũy” là cách nói của người Hoa.

Friday, October 9, 2015

Người Sài Gòn 'xẻ thịt' công viên để trồng rau

Công viên rộng 4.800 m2 ven sông Sài Gòn bị bỏ hoang nên người dân rủ nhau phân lô, rào chắn trồng rau gần 2 năm nay.

Sáng 9/10, gần chục người mang cuốc, thùng nước... ra công viên trên bán đảo Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) chăm chút những vườn rau xanh mơn mởn của mình. Cả công viên rộng lớn ven sông Sài Gòn lác đác vài người tập thể dục, chủ yếu là phụ nữ tưới nước, cuốc đất, hái rau. Có người qua khu đất đang giải tỏa gần đấy nhặt cành khô, mảnh gỗ về che chắn khoảnh vườn của mình.
Những vườn rau dày đặc trong công viên ven sông Sài Gòn. Ảnh: Sơn Hòa

Công viên ven sông Sài Gòn rộng 4.800 m2 vốn là nơi vui chơi cho cư dân trong khu vực, song gần 2 năm nay bị chiếm đất trồng rau. Ngoài phần đường nhựa làm lối đi, hiện toàn bộ đất còn lại được trưng dụng trồng cải, xà lách, mướp, bí, rau muống... khiến công viên nằm tại quận trung tâm TP HCM không khác cảnh miền quê.

"Công viên đầy rác, cỏ mọc dày, thấy phí quá nên bà con ra dọn dẹp rồi trồng rau sạch cải thiện bữa ăn gia đình", chị Liên (sống tại lô XI, cư xá Thanh Đa) lui cui tưới trên khoảnh vườn chừng 10 m2, nói.

Thấy việc "xẻ thịt" công viên trồng rau cả năm không bị nhắc nhở, thêm nhiều người đến "xí phần" để xới đất, gieo hạt. Phần đất trồng rau của nhà nào nhà đó rào lại thành những khu riêng biệt. Người nào ra trước sẽ chiếm được diện tích lớn hơn.

"Ở chung cư chẳng có tấc đất nào trong khi ngoài này đất để hoang hóa phí quá. Cứ trồng vầy, được ngày nào hay ngày nấy kiếm chút rau tươi cho sắp nhỏ", bà Bảy (65 tuổi), cho biết.
Nhiều người mượn đất công viên kiếm rau sạch cho gia đình. Ảnh: Sơn Hòa

Ngoài việc người dân chiếm đất trồng rau, những khu vực khuất trong công viên được người nghiện tận dụng làm nơi tập trung hút chích. Dọc theo bờ kè, các gốc cây, lẫn với rác là hàng loạt kim tiêm họ bỏ lại.

Vẫn thường xuyên đến công viên đọc sách, nghe nhạc, ông Hà (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết "cảm thấy lạ" trước việc công viên để hoang trong thời gian dài. "Dân thường tụi tui chẳng hiểu chuyện gì nhưng thấy công viên hồi xưa đàng hoàng lắm, giờ trông nham nhở thế này cũng thấy buồn", ông này nói.

Theo UBND quận Bình Thạnh, khi Sở Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện dự án rải đá chống sạt lở ở khu vực thì quận bàn giao công viên cho Sở quản lý để sau này hợp nhất với công trình bờ kè thực hiện chỉnh trang. Nhưng do vướng việc giải tỏa mặt bằng dự án chống sạt lở, tiến độ thi công đình trệ nên dự án chỉnh trang công viên chậm trễ, không có đơn vị quản lý.

Ông Trần Văn Giàu - Giám đốc khu quản lý đường thủy nội địa - cho rằng, dự án chống sạt lở chỉ triển khai ở mé sông trong khi công viên nằm sâu bên trong gần 8 m. Dự án chỉnh trang công viên ven sông và chống sạt lở là khác nhau nên chỉ khi hoàn thành việc chống sạt lở đơn vị này mới chỉnh trang được.
Không ai quản lý, công viên này còn là "bãi đáp" của người nghiện. Ảnh: Sơn Hòa

Mới đây, Sở GTVT cũng có văn bản cho biết, khi nào Sở hoàn thành việc xây dựng bờ kè tại khu vực vướng giải tỏa mới tiếp nhận chỉnh trang công viên.

Do không rõ đơn vị quản lý, từ năm 2014, Công ty dịch vụ chông ích Bìn Thạnh đã dừng việc duy tu, bảo dưỡng do không có kinh phí. Về vấn đề này, đại diện quận Bình Thạnh cho biết đã làm báo cáo gởi Sở Tài chính xin cấp 420 triệu đồng để tiếp tục quản lý công viên.

Wednesday, October 7, 2015

Kẻ được - người mất trong TPP

Chuyên gia thế giới nhìn nhận Việt Nam là người chiến thắng lớn nhất, trong đó hưởng lợi nhiều nhất là các ngành dệt may, thủy hải sản.

12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất thỏa thuận sau 5 năm đàm phán. Các nước TPP có tổng GDP chiếm 40% toàn cầu. Và khi hiệp định này được thực thi, kinh tế thế giới sẽ được bổ sung gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Nhà Trắng ước tính TPP sẽ xóa bỏ 18.000 loại thuế nhập khẩu cho các sản phẩm nước này, đồng thời cho phép mọi nhà sản xuất, từ Việt Nam đến New Zealand dễ dàng tiếp cận hàng loạt thị trường tại khu vực Thái Bình Dương. 

Trên CNBC, Deborah Elms – Giám đốc Asia Trade Centre cho biết: "Người chiến thắng lớn nhất là Việt Nam. Nhà đầu tư sẽ đổ tới nước này. Thứ hai có thể là Malaysia và thứ ba là Nhật Bản". Trong một báo cáo gần đây, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cũng có nhận xét tương tự, do Việt Nam sẽ có quyền tự do thâm nhập thị trường Mỹ với các sản phẩm dệt may và giày dép. Đây là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với mức thuế vào Mỹ hiện trong ngưỡng 17-32%.   

TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện tại. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng sẽ tăng mạnh, đổ về quốc gia có thu nhập bình quân thấp nhất TPP này.
Công nhân trong một nhà máy may ở Bình Dương. Ảnh: Bloomberg

PIIE cũng dự báo Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất, tính theo phần trăm, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Eurasia Group cũng có chung quan điểm này, khi cho rằng TPP có thể đẩy GDP Việt Nam lên thêm 11% cho đến năm 2025, với xuất khẩu tăng 28% trong thời kỳ này, khi các công ty nước ngoài đổ đến đây để tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ.

Các ngành được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may, thủy hải sản, do thuế nhập khẩu được giảm bớt. Tuy nhiên, giảm thuế nhập khẩu thuốc từ mức 2,5% hiện tại sẽ khiến cạnh tranh giữa các hãng dược phẩm trong nước và nước ngoài càng gay gắt. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ tăng cũng khiến các công ty Việt Nam bị hạn chế tiếp cận và sản xuất thuốc mới.

Malaysia chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Mỹ, Canada hay Mexico. Vì thế, họ cũng sẽ là đối tượng hưởng lợi chính từ TPP. "TPP sẽ giúp các hãng xuất khẩu Malaysia có cơ hội tiếp cận toàn bộ thị trường Bắc Mỹ, và sẽ tăng tính hấp dẫn của Malaysia trong vai trò trung tâm nhận đầu tư từ Bắc Mỹ", Rajiv Biswas - Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IHS cho biết.

Các ngành được lợi nhiều nhất là điện tử, hóa phẩm, dầu cọ và xuất khẩu cao su. Malaysia hiện là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và là một trong những nước trồng cao su lớn nhất toàn cầu. Dù vậy, các công ty quốc doanh nước này có thể phải chịu trận với các điều khoản công bằng về hoạt động cung cấp hàng cho Chính phủ.

Với Nhật Bản, ngành hưởng lợi lớn nhất là ôtô, khi được quyền tiếp cận Mỹ - thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất cho nước này - với mức thuế rẻ hơn. Việc TPP mở cửa thị trường dịch vụ của tất cả các nước thành viên với nhau cũng sẽ đem lại lợi thế lớn cho họ. Do lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tương đối kém cạnh tranh, họ sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển. Các ngành sẽ được hưởng lợi là logistics, lưu kho, phân phối, du lịch, thực phẩm – đồ uống. Hơn nữa, tác động cộng hưởng của cả TPP và một FTA khác với Liên minh châu Âu (EU) có thể nâng đáng kể tốc độ tăng trưởng trong dài hạn cho Nhật Bản, Biswas cho biết.

Nhưng mặt khác, nông nghiệp Nhật sẽ chịu ảnh hưởng mạnh khi Chính phủ phải dỡ bỏ một số biện pháp bảo hộ thị trường gạo, giảm thuế nhập khẩu thịt bò từ 38,5% xuống 9% trong vòng 16 năm, đồng thời thuế nhập khẩu thịt lợn cũng bị hạ thấp.

Với Australia, thỏa thuận sẽ giúp gỡ bỏ 9 tỷ đôla Australia thuế nhập khẩu cho nước này, Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết. Cơ hội tiếp cận thị trường đường tại Mỹ, thịt gia súc tại Nhật Bản và nhiều thị trường khác như thủy sản, ngũ cốc, gạo cũng sẽ rộng mở. Các công ty dược phẩm nước này sẽ rất hứng khởi khi thời hạn bảo hộ dược phẩm đã bị hạ xuống tối thiểu là 5 năm, thay vì 12 năm như Mỹ yêu cầu trước đây. Việc này có thể khiến giá thuốc rẻ hơn và cạnh tranh hơn.

Còn tại New Zealand, TPP sẽ giúp họ tiết kiệm 168 triệu USD tiền thuế mỗi năm, Bộ trưởng Thương mại - Tim Groser cho biết. Ngành sữa được hưởng lợi lớn nhất với khoản tiết kiệm gần 67 triệu USD thuế, nhờ quyền tiếp cận các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico. Những mặt hàng xuất khẩu khác như thịt bò, hoa quả, hải sản, rượu và thịt cừu cũng sẽ được hưởng lợi.

Trái lại, những nước không tham gia TPP sẽ cảm nhận được ảnh hưởng tiêu cực khi nằm ngoài hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này. "Tác động của việc chuyển hướng thương mại sẽ rơi chủ yếu vào Trung Quốc", PIEE cho biết. Xuất khẩu nước này sẽ giảm 1,2%. Xuất khẩu Trung Quốc có thể mất thị phần tại Mỹ và Nhật Bản vào tay các nước đang phát triển khác như Việt Nam, Fielding Chen - nhà kinh tế học tại Bloomberg cho biết.

Bên cạnh đó, vì Việt Nam hưởng lợi từ khả năng tiếp cận thị trường Bắc Mỹ, các nước xuất khẩu dệt may và trang phục khác có thể sẽ chịu tác động. "Bangladesh, Cambodia, Pakistan và Sri Lanka sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc chuyển hướng thương mại và đầu tư trong dệt may và da giày sang các thành viên TPP", Biswas dự báo.

Ấn Độ cũng có thể gánh hậu quả. Vì "Trong khi New Delhi có lĩnh vực xuất khẩu tương đối đa dạng, dệt may và trang phục vẫn đóng góp tới 13% tổng xuất khẩu của nước này trong tài khóa 2014", Biswas cho biết.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) được cho là sẽ không chịu ảnh hưởng lớn. Do khối này đã có rất nhiều FTA với các nền kinh tế châu Á và hiện đang đàm phán một FTA với Mỹ.

Monday, September 7, 2015

Ông Vũ Quốc Hùng: “Phải dẹp bỏ tư tưởng con quan rồi lại làm quan”

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, đua tranh quyền lực, dùng thủ đoạn hãm hại người khác thì trước sau gì cũng gặp quả báo.
LTS: Hướng tới đóng góp xây dựng cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vấn đề lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ trong Đảng. Theo ông Hùng, đối với bất kỳ vị trí nào cũng cần có sự giám sát chặt chẽ để cán bộ không thể và không dám lợi dụng chức vụ.

Theo quan điểm của ông, tại Đại hội lần thứ 12 tới đây, Đảng cần làm gì để chọn được những cán bộ có đủ năng lực phẩm chất lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước?

Ông Vũ Quốc Hùng: Theo tôi, Trung ương gương mẫu, quyết tâm thì mọi việc sẽ trôi chảy. Ra nghị quyết, ra quyết định thì phải làm cho ra kết quả đúng với định hướng, chứ ra định hướng cho có rồi làm không thành kết quả thì niềm tin ngày càng giảm sút.

Nhân nói tới lòng tin, gần đây nhiều người nói rằng dân mất lòng tin vào Đảng, nhưng theo tôi thì nói như vậy không đúng. Lòng tin trong nhân dân chưa mất mà chỉ bị suy giảm thôi.

Để niềm tin của nhân dân không tiếp tục suy giảm thì có rất nhiều việc phải triển khai làm cho thật tốt, theo tôi thì có ba vấn đề lớn rất cần chú ý:

Thứ nhất, phải siết chặt khâu tuyển chọn cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao. Nếu các đồng chí ở trên không đủ tài đức, thì không thể chỉ đạo được cấp dưới, không làm cho cấp dưới nể phục mà làm theo. Nếu cấp dưới không nể phục thực sự, họ chỉ làm theo mệnh lệnh hành chính, làm một cách đối phó thì dân vẫn khổ.

Thứ hai, dứt khoát phải giải quyết được nạn tham nhũng. Bất kỳ quốc gia nào cũng phải đối diện với tham nhũng trong quá trình phát triển, chỉ khác nhau là cách ứng xử thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất, nhanh nhất.

Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến quá nhiều những vụ việc sai phạm lớn gây thất thoát cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng – suy cho cùng đó cũng là tiền mồ hôi nước mắt của dân đấy chứ, cho nên phải chắt chiu từng đồng, từng hào.

Nhiều người lo ngại, không chỉ có tham nhũng lớn mà tham nhũng vặt cũng tràn lan khắp nơi, gây bức xúc trong nhân dân. Chuyện này sẽ chẳng bao giờ giải quyết hết được, nếu cấp trên không nghiêm túc, đấy lại là một bài toán khó về nhân sự.

Vấn đề thứ ba là kinh tế dù có tiến bộ nhưng sức phát triển không tương xứng với tiềm năng của đất nước.

Đồng lương của cán bộ thấp dẫn tới chuyện họ lợi dụng vị trí để thu lời bất chính (dù nhiều người không muốn cũng vẫn phải làm).

Vấn đề này, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, chứ không thể duy ý chí, không thể để cán bộ khổ cực rồi hô khẩu hiệu.

Đồng lương thấp cũng khiến cho đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, mà khi còn phải loay hoay với miếng cơm, manh áo thì thật khó để nói với họ những chuyện xa hơn.

Với những vấn đề tồn tại như trên, tôi mong Đại hội Đảng toàn quốc tới đây phải chọn được những người thực sự vì nước vì dân, không nghĩ đến cán nhân mình. Nhưng mà nước và dân cũng chẳng để cho họ thiệt đâu.

Tôi nghĩ rằng, làm cán bộ không nghèo, nhưng cũng không được hèn. Tôi nhớ, có lần một Đại biểu Quốc hội đã nói rằng, làm quan thì thời nào cũng có lộc, nhưng cái lộc ấy khác với chuyện ăn chặn của dân.

Ông Vũ Quốc Hùng: "Lịch sử luôn trung thực, không tha thứ cho bất kỳ ai". ảnh: Ngọc Quang.

Như vậy vấn đề ông đặt ra suy cho cùng vẫn phải là đột phá trong công tác nhân sự. Đây là vấn đề được quan tâm và đặt ra ở nhiều kỳ Đại hội, nhưng vì sao chúng ta vẫn còn những cán bộ yếu kém năng lực phẩm chất đạo đức?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi đặt niềm tin và gửi gắm niềm tin Đại hội Đảng 12 sẽ tạo ra một bước đột phá trong công tác nhân sự để đưa đất nước vượt lên nhanh hơn đúng với tiềm năng đang có.

Tôi cũng mong chúng ta sẽ soát xét lại nhiều việc, cho dù cương lĩnh chiến lược đã có, nhưng phải tổng kết thực tiễn một cách nghiêm khắc để có những bước đi mới .

Điều quan trọng là bầu được những đồng chí xứng đáng với dân. Bầu được những người như vậy thì dân mới được nhờ. Còn những người không xứng đáng, cho dù có được bầu lên bằng cách này hay cách khác thì trước sau gì cũng phải gánh nghiệp chướng, sẽ không sung sướng gì, vì lịch sử luôn trung thực, không tha thứ cho bất kỳ ai.


Quyền lợi, danh vọng chỉ là những thứ nhất thời, còn lịch sử muôn đời mới là vững bền. Liều mạng lao vào tranh giành, làm đủ mọi việc sai trái, khi đã tạo ra những vết nhơ thì có bao giờ gột rửa được?Vì vậy, tôi nghĩ rằng các đồng chí nào mà tham vọng danh lợi, tiền bạc, quyền lực… thì cũng nên tĩnh tâm nhìn lại toàn cục. Không nên tạo ra một cuộc đua tranh làm cho nội bộ rối ren. Đừng làm ra những việc xấu, hãm hại người khác để rồi sau này hối hận không kịp.

Ông cha ta nói rằng “Con hơn cha là nhà có phúc”. Nhưng liệu rằng trước quá nhiều việc làm sai trái của bố mẹ chúng thì rồi liệu chúng có nên người không? Tôi e rằng những cái nhà rắp tâm làm việc sai trái, hại cả người khác thì trước sau gì cũng vô phúc.

Bây giờ nhiều người đã hiểu sai cả câu nói “Hy sinh đời bố củng cố đời con”. Câu nói ấy khi hiểu đúng nghĩa thì rất tốt đẹp, còn hy sinh theo kiểu lao vào những việc sai trái để có đặc quyền, đặc lợi, rồi thì tù tội, rồi thì bị phế truất phải chịu điều tiếng nhưng để cho con cái được sung sướng thì có nghĩa lý gì.

Thưa ông, đã có những Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng công tác cán bộ thì có thứ tự “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”. Cũng có Đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, việc xử lý cán bộ nhiều lúc còn “trên nhẹ, dưới nặng”. Những yếu tố này gây ảnh hưởng thế nào tới công tác xây dựng Đảng, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi băn khoăn ở hai vấn đề: Thứ nhất là tính tự giác ở nhiều cơ sở chưa cao, làm chỉ có hình thức còn thực chất thì không có. Thứ hai là chuyện mất đoàn kết nội bộ và chạy chức chạy quyền mà dư luận xã hội đã nói rất nhiều năm gần đây.

Tôi nhớ là trong tổng kết việc thực hiện phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) của các cấp ủy, tổ chức Đảng từ năm 2000 đã chỉ rõ quyết tâm chỉnh đốn một bước những tư tưởng lệch lạc, những hành vi không cho phép trong đạo đức, lối sống của một số cán bộ Đảng viên.


Ở địa phương, cán bộ thuộc diện cấp tỉnh, thành ủy quản lý cũng đã có hàng trăm người bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều người bị khai trừ khỏi đảng, bị cách chức. Còn ở cấp huyện, số cán bộ bị khai trừ và bị cách chức thì đã lên tới vài trăm người.Việc kết hợp xử lý cán bộ vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của tập thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Chỉ trong 1 năm, Trung ương, Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật 39 người (trong đó khai trừ 3 người).

Việc xử lý cán bộ lãnh đạo Đảng viên, các tổ chức Đảng phải đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng, thấu tình đạt lý. Phải dứt khoát không còn xảy ra chuyện trên nhẹ, dưới nặng, khiến dư luận nhân dân không đồng tình.

Việc quán triệt nêu cao tinh thần nhận thức, trách nhiệm với công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa then chốt trong quá trình đổi mới xây dựng đất nước.

Trong đó không chỉ chú trọng tới vai trò của Đảng viên đang giữ cương vị lãnh đạo mà còn phải rất chú ý tới các Đảng viên trẻ mới được kết nạp, cần phải khơi gợi trong họ tinh thần của người chiến sĩ cộng sản, giữ vững được ý chí của một người Đảng viên làm việc gì cũng phải nghĩ tới lợi ích của dân.

Thời kỳ tôi còn công tác, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã có nhiều biểu hiện suy thoái phẩm chất, đạo đức, số thực dụng, cá nhân vị kỷ, cục bộ địa phương, quan liêu, lãng phí, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, chạy cả học vị…

Rồi có cả chuyện cán bộ vì kèn cựa, tranh giành địa vị nên đã làm rối nội bộ, dẫn tới mất đoàn kết. Khi đi sâu kiểm tra thì phát hiện nhiều lãnh đạo đã để cho người thân lợi dụng vị thế của mình để làm giàu, giàu nhanh bất thường.

Trong nhiều kỳ Đại hội đã qua, tôi thấy ấn tượng với Đại hội VI có khẩu hiệu “Nhìn thẳng vào sự thật” và tôi rất mong Đại hội Đảng 12 lần này cũng sẽ có được tinh thần quyết tâm như thế.

Chỉ khi chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, không sợ nói ra những điểm hạn chế, tồn tại, yếu kém thì mới đi đến phương châm trong hành động đúng; mới đặt ra chính xác những vấn đề đổi mới cấp bách trong xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Nói cho cùng, chúng ta vẫn phải trân trọng những người nông dân. Con em của họ đang canh gác ngoài đảo xa, nơi biên giới, nguy hiểm và gian khổ. Họ đã tin tưởng và đi theo Đảng từ trong kháng chiến gian khổ thì dứt khoát trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể làm mất đi niềm tin ấy.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cuộc sống của người tị nạn ở miền đất hứa

Khi chờ đợi chuyến tàu đến Đức, người tị nạn hô vang tên quốc gia này, nhưng họ đâu biết cuộc sống lâu dài tại đây chưa chắc đã dễ dàng như họ tưởng tượng.

Ghaith al Kalla, người tị nạn Syria đang sống ở Đức. Ảnh: WSJ
Hành trình 4 tháng của Ghaith al Kalla từ Syria kết thúc vào một ngày tháng hai lạnh lẽo, khi anh đứng trong một hàng dài với hàng trăm người di cư khác tại một trung tâm đăng ký tị nạn ở Berlin.
6 tháng sau đó, chàng kỹ sư hóa học 27 tuổi đến từ Damascus đã có việc làm và sống trong một căn hộ cùng với một người Đức tại Schöneberg, quận trung lưu ở thủ đô Đức.
"Tôi thậm chí chẳng quan tâm tôi kiếm được bao nhiêu tiền vì hiện tại tôi rất vui. Tất cả những gì tôi mong muốn bây giờ là gia đình tôi được an toàn", Kalla nói tiếng Anh trôi chảy khi đưa những suất cơm cho người đồng hương ở một trại tị nạn khẩn cấp, nơi anh bắt đầu làm việc vào tuần trước. Kalla là một trong những người tị nạn may mắn.
Đức trở thành "miền đất hứa" trong con mắt của hàng nghìn người đang tìm cách thoát khỏi Syria, đất nước bị chiến tranh tàn phá. Những người di cư cuối tuần trước mắc kẹt tại nhà ga trung tâm Budapest hy vọng sẽ bắt được tàu để rời khỏi Hungary. Họ hô vang "Đức, Đức…".
Người tị nạn đến được Đức sau những chuyến đi dài và nguy hiểm sẽ được xếp vào những trại tị nạn khẩn cấp và đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Berlin mong muốn sự trợ giúp như thế này sẽ được thực hiện trên toàn châu Âu.
Mục đích của những việc này là hướng tới hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, người di cư và các nhân viên cứu trợ cho biết cả hệ thống đang phải gồng mình để đáp ứng nhu cầu của người nhập cư, trong khi số người đến đang tăng lên nhanh chóng.
Ngay cả khi người tị nạn được chào đón ở nhiều nơi trên nước Đức, vẫn có sự phản đối từ một số nhóm người, đặc biệt là ở đông Đức. Những người tị nạn phải đối mặt với sự thù địch và các cuộc biểu tình đôi khi dẫn tới bạo lực. Nhiều vụ phóng hỏa xảy ra vào đêm trong mùa hè này, chủ yếu tại các tòa nhà được trưng dụng để chuyển thành nơi trú ẩn. Cảnh sát tuần trước cho biết có 5 người bị thương trong một vụ cháy tại toà nhà dành cho người tị nạn ở thị trấn Heppenheim, tây Đức.
"Chúng tôi đang đứng trước một thách thức quốc gia rất lớn", Thủ tướng Angela Merkel tuần trước nói. "Không chỉ vài ngày hoặc vài tháng, mà sẽ là một khoảng thời gian rất dài".
Đức nhận được khoảng 40% trong số 334.080 đơn xin tị nạn ở Liên minh châu Âu (EU) trong 5 tháng đầu tiên của năm. Có đến 800.000 người dự kiến sẽ xin tị nạn ở nước này năm nay, chiếm gần 1% dân số Đức.
Người tị nạn được chấp nhận đơn xin sẽ được sắp xếp chỗ ở trên khắp 16 tiểu bang, từ làng Alpine, Bavaria đến hòn đảo nghỉ mát sang trọng Sylt trên Biển Bắc. Việc sắp xếp dựa theo tiền thuế và dân số của từng bang, theo công thức đưa ra năm 1949. Berlin đang thúc đẩy EU áp dụng một hệ thống hạn ngạch tương tự.
Người tị nạn có đăng ký sẽ được cung cấp chỗ ở và thực phẩm. Trẻ em được chăm sóc hoặc đi học trong khi đơn xin việc của cha mẹ chúng được xem xét. Một người trưởng thành cần có 159 USD/tháng để tiêu vặt và khoảng 240 USD để trang trải nhu cầu cơ bản. Chi phí y tế được chính quyền trả.
Hệ thống này được áp dụng tại Munich vào tuần trước, khi chỉ trong hai ngày đã có gần 4.000 di dân đến đây bằng tàu, biến nhà ga trung tâm thành một trung tâm tị nạn tạm thời. Người dân địa phương đến ga tặng họ đồ ăn và đồ chơi, tuy nhiên, cảnh sát yêu cầu họ không làm vậy.

Khó khăn
Farhan Yassin, một người Somalia 18 tuổi, trùm kín chiếc áo của mình để tránh mưa bên ngoài một ngôi nhà tại Munich, nơi từng là doanh trại của Đức Quốc xã.
Sau khi gãy hai chân trong một tai nạn và suốt ba tháng trời ngủ trên đường phố ở Italy, Yassin đến Munich khoảng 6 tháng trước. Giới chức ngay lập tức đưa anh đến bệnh viện. Tại trại tị nạn, anh được phát thức ăn và vé xe buýt để có thể đi xung quanh thị trấn.
"Họ bó bột chân cho tôi và còn cho tôi một đôi nạng", anh nói. "Bây giờ, tôi lại có thể chơi bóng đá. Tôi thậm chí còn đang học tiếng Đức".
Tuy nhiên, ở những nơi khác, hệ thống hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn đang có dấu hiệu căng thẳng.
Một buổi tối trong tuần qua tại Trung tâm Đăng ký Tị nạn Berlin, hàng chục người đổ về đây khi trung tâm đóng cửa trong một ngày. Nhiều đàn ông và một số phụ nữ chen chúc trên mặt đất, che chở cho con em họ khỏi cơn mưa. Hy vọng có được vị trí đầu trong dòng người vào buổi sáng, họ quyết định chờ đợi trên đường phố.
"Tôi đã đợi ở đây 10 ngày, tôi đã kiệt sức", Mohamed Naus, 50 tuổi đến từ Aleppo, Syria, trả lời khi ông lấy điện thoại ra để xem ảnh con trai, bị thương trong một vụ đánh bom.
Những nơi khác ở Berlin, khoảng 250 người tị nạn đã tìm được nơi trú ẩn trong một trường học cũ của Pháp tại quận Reinickendorf. "Nơi này dưới chuẩn của trại tị nạn, nhưng khó có thể làm tốt hơn", Armin Wegner, người đứng đầu tổ chức giúp thiết lập trại tị nạn cho biết. "Chúng tôi cố gắng kiếm thêm giường tầng và vòi hoa sen nhưng nhu cầu hiện giờ quá cao. Các nhà cung cấp thậm chí không còn hàng".
Ông Wegner thuê Kalla có thể nói được tiếng Anh, Arab, và tiếng Đức khá trôi chảy, để làm việc tại trại. Ông Wegner hy vọng Kalla sẽ kiếm được việc trong ngành hóa chất, đúng với chuyên môn của anh.
Tìm việc làm cho người tị nạn là một thách thức rất lớn. Năm 2013, chỉ có khoảng 27% người di cư có thể tìm được công việc phù hợp, theo số liệu của Cơ quan Lao động Đức. Rào cản ngôn ngữ, không được đào tạo bài bản và hệ thống hành chính là những yếu tố khiến người tị nạn khó có thể kiếm được việc.
Đức đang cố gắng thích ứng, tăng tốc quá trình trục xuất những người di cư bị từ chối, tăng chi tiêu cho người tị nạn được chấp nhận và mở lớp học tiếng Đức phù hợp với các ngành nghề trên nước này.
Nhưng ngay cả đối với những người tị nạn thành công như Kalla, bắt đầu một cuộc sống mới không bao giờ là điều dễ dàng.
"Mọi người cứ nghĩ đến được đây là mọi thứ khắc tốt đẹp, sẽ được tôn trọng và khẳng định được giá trị bản thân", Kalla nói. "Nhưng đến khi sống tại nơi này, bạn mới biết cuộc sống ở đây cũng khó khăn như ở những nơi khác".

Trọng Nghĩa (theo WSJ)

Tuesday, August 4, 2015

Xăng giảm giá từ 15h

Mỗi lít xăng RON 92 và E5 giảm 816 đồng, trong khi các mặt hàng dầu giảm 562-819 đồng một lít, kg từ chiều nay.

Như vậy, giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 sẽ về khoảng 19.300 đồng một lít, E5 khoảng 18.800 đồng, trong khi dầu diesel 0,05S không cao hơn 13.862 đồng một lít. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua, giá bán lẻ xăng dầu xuống dưới 20.000 đồng một lít. Mức cụ thể như sau:

Mặt hàngGiá bán lẻ hiện hànhGiá tối đa mớiChênh lệch
Xăng RON 9220.12019.304816
Xăng sinh học E519.62518.809816
Dầu diesel14.68113.862819
Dầu hỏa13.75013.112638
Dầu madút11.43410.872562

Đơn vị: đồng / lít, kg
Để đưa ra quyết định nêu trên, tính toán của Liên bộ Công Thương - Tài chính cho thấy trong chu kỳ 15 ngày gần nhất, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm. Do đó, cơ quan điều hành yêu cấu tiếp tục không sử dụng quỹ bình ổn và giảm giá bán lẻ trong nước. Đây là lần giảm thứ 3 liên tiếp của giá xăng dầu và cũng là bước giảm lớn nhất.

Monday, June 8, 2015

Đề xuất các cặp vợ chồng được tự quyết số con

Thay vì quy định mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con, dự thảo luật Dân số đề xuất cho các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.
Phát biểu tại hội thảo về chính sách dân số diễn ra ở Hà Nội tuần qua, Phó tổng cục trưởng Dân số Nguyễn Văn Tân cho biết, đề xuất các cặp vợ chồng được tự quyết số con vẫn còn hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng phải tiếp tục sinh 1-2 con hoặc nới lỏng hơn nữa cho phép sinh 2 con để làm chuẩn mực cho mọi người thực hiện. Một bên lại muốn quay lại quy định như Pháp lệnh dân số 2003, các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh. 

"Quan điểm của chúng tôi là từng bước nới lỏng chính sách kiểm soát mức sinh giúp duy trì mức sinh ở mức thay thế như thời gian qua", ông Tân nói và cho rằng nới lỏng chính sách có thể khiến quy mô dân số tăng trong ngắn hạn nhưng dài hạn mức sinh sẽ không tăng nhiều. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trong 10 năm qua dù nới nhưng không tăng lên và duy trì khoảng 14-15%; có nơi tăng có nơi giảm nhưng tính trung bình cả nước thì vẫn ở mức này.

Nếu Việt Nam tiếp tục để mức sinh xuống thấp quá thì sẽ rất khó để vực lên. Bài học kinh nghiệm của nhiều nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... là ví dụ. Vì xử lý mức sinh thấp khó hơn nhiều đưa từ cao xuống thấp. Chưa có nước nào đủ sức thành công trong việc đưa mức sinh từ thấp lên cao.

Trong suốt 50 năm qua Việt Nam tập trung xử lý vấn đề về quy mô dân số do dân số tăng quá nhanh, làm thế nào để giảm mức sinh đang quá cao xuống thấp. Cũng như nhiều nước Việt Nam đã rất thành công, trong 20 năm tránh sinh được gần 20 triệu trẻ.

Theo ông Tân, dự kiến đến năm 2015, Việt Nam mới đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con cho một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên ngay từ năm 2006 đã đạt được mục tiêu này và duy trì suốt 10 năm qua. Vấn đề đặt ra là có tiếp tục giảm sinh mạnh như những năm vừa qua hay không, hay thay đổi chính sách, khuyến khích sinh thêm. "Chúng ta vẫn cần kiểm soát mức sinh nhưng kiểm soát như thế nào cho hợp lý”, ông Tân nói.

Có 3 phương án quy mô dân số Việt Nam được đưa ra. Thứ nhất nếu tiếp tục duy trì tốc độ giảm sinh như hiện nay thì dự báo đến năm 2049 quy mô dân Việt Nam là 99 triệu. Thứ hai phương án trung bình, tiếp tục duy trì mức sinh như hiện nay, dân số sẽ là 105-110 triệu. Thứ ba là phương án mức sinh cao, dân số tăng lên sau đó bắt đầu giảm xuống mức sinh thay thế và đạt 120 triệu vào năm 2049.

Theo ông Tân, Tổng cục tạm thời chọn phương án trung bình, quy mô dân số dao động 115-120 triệu.

Dự án luật dân số dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Năm 2014, dân số Việt Nam là 90,5 triệu; tổng tỷ suất sinh luôn dưới mức sinh thay thế kể từ năm 2006 - dưới 2,1 con cho một bà mẹ. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa các vùng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì mức sinh thấp trong 5-6 năm qua như TP HCM là 1,68; Cà Mau là 1,7. Ngược lại một số tỉnh như Hà Tĩnh tổng tỷ suất sinh lên đến 2,95; Quảng Trị là 2,75; Kon Tum là 2,7...

Pháp lệnh Dân số (ban hành năm 2003) có quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Tuy nhiên, nó khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con. Vì thế, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại. Năm 2009 quy định này được sửa lại thành "Mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con".

Thời gian gần đây do xu hướng giảm sinh tại một số tỉnh, thành; ngành dân số có thông điệp linh hoạt hơn thay đổi sang "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con".

Ông Nguyễn Sự từ chức Bí thư Hội An

Ông Nguyễn Sự, Bí thư thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa có đơn xin từ chức khi nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị người đứng đầu thành phố còn dang dở.
Trao đổi với VnExpress ngày 7/6, ông Nguyễn Sự cho biết đơn xin từ chức đã được Thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam đồng ý. Thứ 7 tuần tới, cuộc họp bầu Bí thư mới của thành phố Hội An sẽ được tiến hành.
Ông Nguyễn Sự có 21 năm kinh nghiệm làm lãnh đạo thành phố Hội An, từ chủ tịch rồi bí thư thành phố. "Năm 2013 tôi từng gửi đơn xin từ chức nhưng không được Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý", ông Sự nói.
Ông Nguyễn Sự, người vừa viết đơn từ chức Bí thư Thành ủy Hội An. Ảnh: Nguyễn Đông.

Theo ông Sự, năm nay ông đã 57 tuổi và muốn chủ động "từ quan". "Lần này, Thường vụ Tỉnh ủy động viên làm tiếp nhưng thấy tôi nhất quyết nên các anh ấy đã thuận theo", ông Sự nói thêm.

Ông Sự từng làm cán bộ đoàn, chủ tịch xã, trưởng phòng tài chính, trước khi được bầu làm Chủ tịch UBND thị xã Hội An (2 nhiệm kỳ), Bí thư Thành ủy Hội An (2 nhiệm kỳ).

Bí thư Sự được biết là người nhiệt tâm góp công sức đưa Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới (năm 1999), có nhiều quyết sách đưa nơi này thành điểm đến lý tưởng với du khách nước ngoài.

Năm 2005, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì nhiều thành tích trong việc giữ gìn và bảo tồn Hội An.

Saturday, May 9, 2015

Mánh lới phá xe kiếm tiền

Sau hơn một tháng thâm nhập, phóng viên Tuổi Trẻ đã làm rõ thủ đoạn phá xe để kiếm tiền của một số điểm sửa xe ở TP.HCM.
Thợ sửa xe “ra tay”, chiếc lốp không ruột đang lành lặn bị thủng ba lỗ, buộc khách hàng phải trả tiền để vá - Ảnh: Văn Bình

Xe chỉ bị non hơi, ghé tiệm sửa xe xong có khi xe không khởi động được. Tại sao? Sau hơn một tháng thâm nhập tìm hiểu, phóng viên Tuổi Trẻ đã vạch rõ thủ đoạn phá xe để kiếm tiền của một số điểm sửa xe ở TP.HCM.
Từ nhiều năm qua, dọc đường Điện Biên Phủ (khu vực Q.Bình Thạnh) xuất hiện hàng chục điểm vá xe. Trong đó, ba điểm liền kề ở giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Bộ Lĩnh là của bốn anh em Phong, Phú, Đông và Sơn.
Dù là điểm vá xe nhưng những nơi này không hề có chậu nước hoặc dụng cụ dò tìm điểm thủng của ruột xe. Hầu hết xe bị thủng ruột vào các tiệm này đều phải thay ruột với lý do “không thể vá được”.

Đánh tráo IC
Khoảng 17g ngày 1-4, một nam thanh niên mặc áo xanh chạy xe Honda Wave đến điểm sửa xe của Phong và Phú để kiểm tra bánh sau.
Thấy khách lơ đễnh, thay vì kiểm tra bánh xe sau như yêu cầu, Phong lại ngó nghiêng vào khu vực giữa xe để tìm IC. Thấy IC xịn, Phong nhanh chóng rút IC ra và thay vào một IC dỏm.
Đánh tráo IC xong Phong mới tháo ruột xe. Thấy ruột xe vẫn bình thường, Phong dùng một cây giũa cứa chân van nhưng không được, bèn lấy cây móc vỏ xe ấn mạnh ruột xe xuống vỉa hè, tạo thành một vết rách ở chân van.
Phong kêu khách lại chỉ vết rách. Khách hỏi: “Vá hết bao nhiêu tiền?", Phong trả lời: “Cái này phải thay ruột”. Phong báo giá 95.000 đồng. Khách chấp nhận thay ruột xe mà không biết xe bị phá.
Ngày 5 và 6-4, chúng tôi mang chiếc xe của người khách nêu trên tới tiệm của anh em Phong yêu cầu kiểm tra bánh sau và đều phải thay ruột với cùng một lý do “không vá được”.
Đặc biệt chiều 6-4 khi chúng tôi đem xe đến, Phong là người trực tiếp đứng ra sửa. Chiếc ruột xe vừa thay hôm trước lại được Phong báo rách ở chân van y như chiếc ruột cũ.
Lần này Phong cũng lén thò tay vào mò tìm IC nhưng thấy IC dỏm (bị chính Phong tháo trước đó), nên không tráo. Xong xuôi, Phong lấy giá thay ruột 100.000 đồng.
Tiếp theo chúng tôi là một người đàn ông chạy xe Honda Dream đến chỗ Phong vá xe. Tất nhiên, kết cục vẫn là phải thay ruột, đồng thời bị “luộc” luôn IC.
Tương tự, ngày 17-4 tại điểm vá xe của mình, Đông đánh tráo IC của khách trong lúc đang thay ruột một chiếc Honda Wave Alpha.
Tuy nhiên, sau khi trả tiền thay ruột xe xong thì xe không nổ máy. Biết lỗi do IC, Đông liền vờ phụ khách khởi động xe nhưng vẫn không được, nên phải dắt xe lên vỉa hè kiểm tra.
Đông lôi chiếc IC đã tráo ra gõ gõ mấy cái rồi gắn lại, xe khởi động được bình thường. Còn khách vẫn vô tư không biết IC xe mình bị tráo.
Các tiệm của anh em Phong rải đều cách nhau khoảng 400m trên đường Điện Biên Phủ. Theo tìm hiểu thì tiệm đầu tiên (tính theo chiều từ vòng xoay Hàng Xanh đến vòng xoay Điện Biên Phủ) do Phong và Phú quản lý, có một thiếu niên tên Tân phụ việc; tiệm thứ hai do Đông quản lý có Hiếu phụ việc; tiệm thứ ba do Sơn quản lý.
Phong, Phú, và Đông là anh em ruột, còn Sơn là em rể. Theo lời của Đông, Đông là người làm trước, các anh em còn lại thấy Đông ăn nên làm ra nên làm theo.
Mỗi khi thấy khách thuộc loại cẩn thận, để ý từng li từng tí, các anh em của Đông sẽ gọi điện cho nhau nhờ “chi viện” bằng các động tác đánh lạc hướng hoặc che mắt khách.
Phong dùng cây cạy ấn mạnh vào chân van ruột xe tạo ra vết rách, ép khách phải thay ruột (ảnh chụp chiều 1-4-2015 tại giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Đình Khánh


Truyền nghề
Đông tiết lộ phải mất 5 triệu đồng để học các chiêu phá xe. Sau ba năm “hành nghề”, kỹ năng của Đông giờ đạt độ thuần thục.
Trưa 27-4, Đông tới một nhà trọ ở Q.Bình Thạnh chỉ chiêu thức phá xe cho Tuấn. Tại đây, Đông tận tình chỉ chiêu thức cạy vỏ làm sao để tạo vết hư hỏng cố ý trong ruột xe.
Đông vừa làm mẫu vừa chỉ: “Đầu tiên, quay bánh xe thật nhanh để khách không để ý. Tiếp đến, dùng một cây cạy cạy thật nhanh, ấn thật mạnh cây cạy vào ruột phía dưới chân van. Nếu cạy mạnh thì lỗ rách to, nhẹ thì tạo thành lỗ nhỏ, rồi lấy vòi bơm ấn nhẹ vào để bơm sẽ nghe xè xè (âm thanh phát ra từ lỗ thủng mới tạo), đây là cớ để nói với khách bánh xe để xẹp lâu quá, khi chạy hoặc dắt đi nó bị đứt chân van”.
Đông còn nói cách lấy IC cũng không khó khăn gì, chủ yếu phải nhanh và quan sát kỹ. “IC nằm phía trong lớp mủ, thò tay vào bóp cảm thấy mềm là IC “zin”, thấy cứng là IC “lô”. Nếu là IC xịn thì giật ra rồi gắn IC dỏm vào. Khách đã đi khỏi thì không nói được gì” - Đông nói.
Với những xe sử dụng bánh xe không ruột, Đông cũng có chiêu buộc khách phải mất tiền oan. Khoảng 19g20, một khách hàng đi xe SYM Attila màu trắng ghé vào bơm bánh xe, Đông nói bơm không vào hơi, báo với khách phải vá với giá mỗi miếng 20.000 đồng.
Đông dùng dùi đâm vào lốp để đưa miếng cao su vá xe vào, sau đó quay bánh xe và dùng kìm gắp ra hai miếng kim loại.
Khi khách đi khỏi, Đông nói: “Cái xe hồi nãy đâu có thủng, mình dùng chiêu bơm không lên để được vá bánh”.
Còn hai miếng kim loại, Đông cho biết đó chỉ là chiêu, thật ra hai miếng kim loại đó không đủ độ dày để làm thủng vỏ. Nhờ vậy Đông nhanh chóng kiếm được 60.000 đồng trong khi đáng ra vị khách này chỉ phải trả vài ngàn đồng tiền bơm xe.
Đông tiết lộ mỗi khi chơi hàng đá hoặc đi chơi game về khuya thì làm rất “hăng”, hầu như xe nào cũng phá.
“Về trễ là xe nào tui cũng bụp hết. Mà phải nhìn mặt nữa, những người ở gần đây thì đừng chơi, chơi là chết. Khách vãng lai, người nào vô cũng luộc hết, miễn là đừng cho họ bắt được cái tẩy của mình. Hồi trước nếu hai anh em làm mỗi ngày kiếm được khoảng 2 triệu đồng. Còn bây giờ (chủ yếu một mình Đông làm) bèo cũng kiếm được 5 xị (500.000 đồng). Ngày nào xe nhiều mà siêng làm là kiếm khoảng 2 triệu đồng”.
Theo Đông, bằng những thủ đoạn phá xe, Đông có thu nhập “hơn cả lương giám đốc”. Đông cho biết IC xịn sau khi lấy được của khách bán lại với giá khoảng 200.000 đồng/cái. Trong khi đó, loại IC dỏm dùng để đánh tráo được mua với giá 20.000 đồng. Còn ruột xe, anh em Đông lấy của mối chỉ 25.000 đồng/cái, thay cho khách giá 95.000-110.000 đồng.

Biến cũ thành mới
Nhóm của Đông còn dùng chiêu tân trang những chiếc ruột cũ để bán lại cho khách. Để chứng minh chiêu này, Đông lấy một ruột đã bị bấm thủng lỗ ở chân van ra để “biểu diễn” cách biến vết rách trở nên lành lặn mà không cần miếng vá. “Muốn làm cho ruột ngon lành hơn nữa thì lấy nhớt bôi lên ruột rồi lau lại toàn bộ, lúc này ruột sẽ bóng loáng như ruột mới” - Đông bật mí.
Chiều 28-4, Đông mang một ruột xe cũ lấy từ xe đã thay trước đó về chỗ mình và “hô biến” thành ruột mới. Do van đã cũ và gỉ sét, Đông dùng một miếng nhám chà cho sáng bóng và sửa lại ốc như mới. Đông lấy một túi nilông bao bì hiệu Casumina lau kỹ và cho ruột xe vào. Vài phút sau, có hai khách đi xe máy hiệu Yamaha Sirius đến bơm xe. Đông dùng chiêu càng bơm càng xẹp và nói với khách phải vá.
Lần này Đông không vá mà đưa cho Hiếu (người phụ việc cho Đông) làm. Hiếu cũng báo với khách ruột xe bị rách đầu van. Không tin ruột bị rách, một trong hai vị khách yêu cầu bơm lên để xem. Nhưng đã quá muộn, hai vị khách đành phải chấp nhận thay ruột mới. Đông ra giá 95.000 đồng. Lúc này Hiếu đi lại phía giỏ xách, lấy từ đó ra cái ruột mà Đông vừa tân trang rồi quay lưng về phía khách, nhanh chóng thay vào.
Khoảng 19g ngày 28-4, một sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải chạy đến tiệm Đông bơm xe. Đông cũng dùng chiêu càng bơm càng xẹp và yêu cầu sinh viên này dẫn xe lên lề để vá. Như những lần trước, Đông làm chỗ đầu van rách một mảng lớn rồi nói với sinh viên này phải thay ruột với giá 95.000 đồng. Thay xong, do chỉ còn hơn 20.000 đồng nên sinh viên này phải để lại giấy tờ xe và chạy đi mượn tiền ở gần đó. Sinh viên này vừa đi, Đông bảo: “Anh thấy chưa, tôi muốn làm là làm. Chiếc xe vừa rồi đâu có bị gì đâu, tôi hủy luôn đấy!”. “Hủy là sao?". “Là tôi đâm cho nó bể luôn, không thể lấy lại, hủy cho nó banh xác luôn”.
Mánh lới phá xe kiếm tiền - nguồn: TVO

Tuesday, April 14, 2015

Camera trên mũ CSGT đối phó người vi phạm ở Sài Gòn

Máy ghi hình loại nhỏ gắn bên hông mũ CSGT ghi lại toàn bộ vi phạm của người đi đường vừa được đội CSGT quận 7 (TP HCM) triển khai áp dụng.Tổ tuần tra đội CSGT quận 7 (TP HCM) làm nhiệm vụ trên đường Hoàng Quốc Việt chiều 13/4. Bước nhanh ra vệ đường, thiếu uý Phạm Minh Nghĩa ra hiệu lệnh dừng xe máy cô gái vừa vượt qua giao lộ khi đèn giao thông chuyển sang đỏ. Nghe cảnh sát thông báo về lỗi không chấp hành tín hiệu đèn, cô gái kéo khẩu trang, nhăn nhó: “Lúc em đi qua đèn vẫn xanh mà”.
Chỉ vào chiếc camera nhỏ gắn một bên mũ, thiếu uý Nghĩa cho hay đã ghi được hình ảnh cô vi phạm và đề nghị hợp tác. Vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy thiết bị trên mũ và tay của anh cảnh sát trẻ, cô gái phân bua “em tưởng lúc băng qua đèn còn vàng” rồi ký vào biên bản vi phạm.
CSGT quận 7 được trang bị "mắt thần" khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Quốc Thắng.
Có ít nhất 5 trường hợp vi phạm luật giao thông bị cảnh sát "tuýt còi" xử lý trong buổi tuần tra. Cũng như cô gái, sau khi được cảnh sát thông báo camera đã ghi được hình ảnh vi phạm, họ đều tỏ ra vui vẻ, ký biên bản xử phạt.
Hệ thống camera gắn trên mũ CSGT vừa được Đội CSGT quận 7 triển khai được ví như “mắt thần” phục vụ công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Mỗi ca trực, tổ CSGT sẽ được cấp một camera và một màn hình nhỏ đeo ở tay như chiếc đồng hồ. Màn hình này thể hiện tầm ghi hình của camera và cũng là nơi tắt, mở bộ phận.
Khi làm nhiệm vụ, CSGT sẽ bật camera ghi lại những tình huống vi phạm trên đường như xe không bật đèn tín hiệu khi chuyển hướng, vượt đèn đỏ… Thiết bị này có độ phân giải cao và tầm quan sát xa nên CSGT có thể ghi nhận từ khoảng cách hàng chục mét. “Từ khi sử dụng nó trong các ca tuần, chúng tôi chỉ cần giải thích lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chứ không gặp phải tranh luận gay gắt từ phía họ. Bởi trước đây chúng tôi khó có những bằng chứng hình ảnh khi người vi phạm cố tình phủ nhận lỗi", thiếu uý Nghĩa cho biết.
Trao đổi với VnExpress, thiếu tá Phạm Hồng Nam - Đội phó CSGT quận 7 - cho biết, ý tưởng gắn camera trên mũ cảnh sát đã có từ lâu khi nhiều người vi phạm không hợp tác, bắt chứng minh lỗi vi phạm bằng hình ảnh. Từ khi luật xử lý hành chính có hiệu lực, đơn vị đã đề xuất triển khai gắn camera cho lực lượng tuần tra.
Lúc đầu, CSGT quận 7 thử loại camera cài áo nhưng thời lượng pin của thiết bị kém và không ghi hình được ở khoảng cách xa. Sau khi tìm hiểu, đơn vị đã tìm được thiết bị phù hợp với mục đích sử dụng như hiện tại. Bộ “mắt thần” này được lãnh đạo quận 7 duyệt chi khoảng 10 triệu đồng một bộ, sau đó đơn vị “chế” thêm khung để gắn chặt vào mũ CSGT.
Về nguyên tắc hoạt động, thiếu tá Nam cho hay, trước khi ra đường làm nhiệm vụ tổ CSGT phải ký nhận thiết bị như một công cụ hỗ trợ. Khi hết ca trực, hình ảnh sẽ được trích xuất ra máy tính, lưu giữ. Ngoài việc ghi hình người vi phạm trên đường, camera có hiệu quả cao trong việc xử lý những người vi phạm nồng độ cồn.
Chiếc mũ được gắn camera dành cho các CSGT quận 7. Ảnh: Quốc Thắng.
Thiếu tá Nam dẫn chứng, mới đây, một người đàn ông chạy xe máy có biểu hiện say rượu đã bị tổ kiểm tra chuyên đề về nồng độ cồn dừng xe. Kết quả thử nhanh cho thấy đã vi phạm quy định, song ông một mực phủ nhận. Dù người này la lối, chống đối không chịu ký biên bản nhưng cảnh sát vẫn tạm giữ xe. Đến hôm sau lên làm việc, ông không nhớ bất kỳ tình tiết nào về việc bất hợp tác với cảnh sát cho đến khi được xem những hình ảnh camera ghi lại.
"Trước đây, với các trường hợp tương tự chúng tôi phải mời người làm chứng ký vào biên bản. Còn bây giờ những hình ảnh camera ghi lại là những chứng cứ khách quan nhất nên người vi phạm không còn gay gắt tranh luận nữa", thiếu tá Nam nói.
Từ ngày trang bị camera, đội CSGT quận 7 cũng quản lý có hiệu quả hơn với các cán bộ, chiến sĩ. Đội phó Nam cho biết, các CSGT được phân công làm nhiệm vụ ở các tuyến đường và thời gian khác nhau, qua hình ảnh camera ghi lại chỉ huy sẽ biết có hay không việc tuân thủ chấp hành nhiệm vụ. "Thiết bị này còn là mong muốn của chỉ huy đội trong việc chống tiêu cực khi buộc các CSGT làm nhiệm vụ ở những chuyên đề hay lập chốt phải mở máy liên tục. Các trường hợp ra hiệu dừng xe nhưng không lập biên bản xử lý hay các vi phạm khác sẽ bị phát hiện”, thiếu tá Nam cho hay.
Tuy nhiên, theo đội phó CSGT quận 7, bên cạnh những ưu điểm, camera vẫn còn hạn chế khi không cho phép xem lại tại chỗ; chỉ hoạt động liên tục được 2 tiếng trong khi ca trực của tổ CSGT có thời gian gấp đôi. "Do vậy thiết bị này không thể lúc nào cũng bật, mà tuỳ thuộc vào sự linh động của tổ công tác. Sắp tới, nhược điểm này sẽ được khắc phục với hướng nâng thời lượng pin để có thể đạt được hết những mục đích mong muốn”, thiếu tá Nam nói.

Khói bốc nghi ngút tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân hoảng loạn sơ tán

Hàng trăm bệnh nhân đang điều trị tại khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội) đã hoảng loạn sơ tán ra ngoài khi khoa này bất ngờ mất điện và khói bốc lên nghi ngút…
Rất đông bệnh nhân và người nhà đã phải sơ tán ra ngoài... 
Sự việc xảy ra vào khoảng 21h50 ngày 13/4, tại khoa điều trị trên. Một số bệnh nhân tại đây cho biết, vào thời điểm đó, họ thấy điện trong phòng bất ngờ bị mất, sau đó ngửi thấy mùi khét và phát hiện khói bốc lên nghi ngút từ tầng hầm của tòa nhà. Mọi người đã vội vã hô hoán nhau ôm đồ đạc tư trang cá nhân tháo chạy ra ngoài. 
Ông Lê Văn Thọ (60, quê Nam Định) cho biết: “Lúc đó khói và nóng không chịu đượ. Hơn nữa lại mất điện nên mọi người vội vã hô hoán nhau chạy ra ngoài. Chắc là có sự cố chập điện dưới tầng hầm của tòa nhà này. Một lúc sau xe cứu hỏa đến nhưng chưa phải phun nước. Họ đã đập tường ở chân móng ra để thông khói từ tầng hầm ra ngoài”.

Tòa nhà - nơi xảy ra sự việc...

Lực lượng chức năng đã phải phá 1 lỗ trên tường cho thông khói ra ngoài... 
Anh Phương Chí Nguyện (31 tuổi, quê ở Cao Bằng) chia sẻ thêm: “Tôi lúc đó đang nằm trong phòng trên tầng 2. Thấy khói bốc lên từ phía dưới và mất điện nên cùng mọi người ôm đồ xuống đây lánh nạn. Chỉ thấy khói thôi, chứ chưa nhìn thấy lửa phát ra”.
3 xe cứu hỏa đã đến hiện trường, nhưng chưa phải tổ chức dập lửa... 
Ghi nhận tại hiện trường, đến 22h40 cùng ngày, khói không còn bốc ra từ hầm của tòa nhà. Mặc dù đã điều 3 xe cứu hỏa đến hiện trường nhưng xét thấy đám cháy không còn khả năng cháy tiếp nên lực lượng cứu hỏa đã không tiến hành phun nước và nhanh chóng rút khỏi hiện trường ngay sau đó.
Đến 23h đêm, bệnh nhân và người nhà vẫn còn vạ vật... 

Đến 23h cùng ngày, rất đông bệnh nhân và người nhà của họ vẫn phải vạ vật ngoài sân và hành lang của bệnh viện vì theo quan sát, tòa nhà vẫn chưa có điện trở lại, sự an toàn chưa được đảm bảo nên lực lượng chức năng chưa dám cho bệnh nhân quay trở lại phòng. 
Nguyên nhân sự cố đang được làm rõ.

Monday, April 13, 2015

Bệnh viện 50 triệu USD bỏ hoang giữa lòng Hà Nội

Với tổng vốn 50 triệu USD, Dự án xây dựng Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ tại quận Cầy Giấy (Hà Nội) từng được giới thiệu là bệnh viện tiêu chuẩn đạt khách sạn 5 sao. Nhưng sau 18 năm, dù đã xây thô xong nhưng bệnh viện vẫn bỏ hoang chưa đi vào sử dụng.
Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ (Hà Nội) được cấp phép vào năm 1997, với tổng vốn 50 triệu USD, do Tập đoàn Keystone Development Management SA (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên sau 9 năm - tức năm 2006, chủ đầu tư mới khởi công dự án, ì ạch mãi mới có tòa nhà mọc lên, nhưng rồi lại bỏ hoang trong 5 năm nay.
“Bệnh viện bỏ hoang nhiều năm nay, làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người dân xung quanh khu vực này. Chẳng hạn vào mùa mưa nước không thoát được, hay cỏ mọc um tùm rất nhiều muỗi” - bà Trịnh Thị Hoạt (75 tuổi, phòng 308 tập thể D3, đối diện Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ) bày tỏ.
Ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, công trình Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do dự án của nước ngoài liên doanh với cơ quan thẩm quyền cấp bộ, nên chính quyền sở tại không nắm rõ được khi nào tiếp tục triển khai công trình. Việc triển khai dự án do chủ đầu tư.
Theo quyết định của UBND TP.Hà Nội, Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ được thuê đất trong vòng 40 năm, với giá 1,68USD/m2/năm.

Những hình ảnh phóng viên ghi nhận tại công trình "bệnh viện 50 triệu đô":
Dự án nằm ở khu đất vàng trung tâm quận Cầu Giấy, mặt trước nhìn ra hồ Nghĩa Tân, xung quanh là khu dân cư sầm uất. Tổng diện tích xây dựng bệnh viện là 27.000m2, với 300 giường, chuyên điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, não, tim mạch...
Từng được kỳ vọng là bệnh viện quốc tế 5 sao, với trang thiết bị hiện đại, phục vụ nhu cầu khám - chữa bệnh của người dân Hà Nội, giúp giảm tải cho các bệnh viện lớn, nhưng đến nay dự án vẫn "đắp chiếu" sau 18 năm nhận giấy phép đầu tư.
Những tưởng một bệnh viện hiện đại với 300 giường bệnh đi vào hoạt động giúp giảm bớt một phần nào cho các bệnh viện ở Thủ đô đang phải gồng mình vì quá tải, tuy nhiên hiện nay bệnh viện vẫn “đắp chiếu”.
Hàng rào sắt và tôn bao quanh, không cho người lạ vào.
Phía trên nóc của bệnh viện này có bãi đỗ trực thăng, nhưng đang trong thời gian chờ giấy phép và sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng.
Sắt thép, vật liệu xây dựng ngổn ngay và hoen gỉ bên trong bệnh viện.
Khu vực bãi đỗ xe và vườn hoa trong khuôn viên bệnh viện cỏ mọc um tùm, các hạng mục bị rêu mốc bám đầy.
Mặt sau tòa nhà giáp với khu dân cư Nghĩa Tân (Cầu Giấy) đang xây dựng dang dở.
Phía trước cổng bệnh viện cỏ mọc um tùm, ngăn cách với đường bên ngoài là một hàng rào sắt đã hoen gỉ. Bà Trịnh Thị Hoạt cũng như nhiều hộ dân sống quanh khu vực này mong công trình sớm hoàn thiện để phục vụ nhân dân.
Hệ thống camera và đèn sát hàng rào của bệnh viện cũng đang xuống cấp.
Bên trong bệnh viện ngổn ngang vật liệu xây dựng, nhiều tầng chưa hoàn thiện, hệ thống nước, điện chưa hoạt động.
Do vướng khâu giải phóng mặt bằng, đến năm 2006 dự án mới được khởi công xây dựng, đến nay mới hoàn thiện phần thô sau 18 năm nhận giấy phép.
Năm 2011, phần lắp đặt cơ điện bị gián đoạn, do nhà thầu cung cấp hệ thống điều hòa không đảm bảo chất lượng so với hợp đồng nên công trình không được hoàn thiện, đến nay "bệnh viện 50 triệu đô" như một tòa nhà bỏ hoang.

Wednesday, April 1, 2015

Công nhân Pouyen Việt Nam không đồng tình quy định bảo hiểm mới

Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TP HCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua khiến giao thông tắc nghẽn.
Vụ đình công bắt đầu từ sáng 26/3 khi hàng nghìn công nhân diễu hành trong khuôn viên của Công ty Pou Yuen (Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) bày tỏ không đồng tình các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2015 về việc không cho người tham gia Bảo hiểm xã hội được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều này có nghĩa, công nhân không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau nghỉ việc như trước đây mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu.
Đến sáng 30/3, công nhân vẫn vào công ty, nhưng không mở điện, không làm việc. Đại diện ngành lao động quận Bình Tân gặp gỡ, giải thích nhưng không được công nhân chấp nhận.
Sau khi diễu hành trong khuôn viên, các công nhân đã kéo ra khu vực cầu vượt trước công ty để tiếp tục tuần hành, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở khu vực này. Cảnh sát 113, CSGT được huy động để giữ trật tự. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, hàng nghìn công nhân vẫn tuần hành trên các tuyến đường. Sự việc khiến một số công ty khác trong Khu công nghiệp Tân Tạo cho công nhân nghỉ làm.
Cảnh sát được huy động để đảm bảo trật tự. Ảnh: An Nhơn.
Tại cuộc họp báo chiều nay, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, các công nhân đình công là do chưa hiểu rõ Điều 60 trong luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.
Theo ông Diệp, điều luật này có sự chuyển biến tích cực đối với quyền lợi người lao động, khuyến khích họ tích luỹ thời gian tham gia BHXH để có đủ điều kiện, được hưởng lương hưu... ổn định đời sống khi về già. "Thu nhập thường xuyên này tốt hơn rất nhiều lần so với chỉ nhận một lần sau khi hết tuổi làm việc", Thứ trưởng Diệp nói.
Quy định này cho phép người lao động được cộng dồn thời gian tham gia BHXH. Khác với trước đây, khi nghỉ việc gián đoạn và nhận bảo hiểm một lần, đến khi người này đi làm muốn đóng lại để tính cho đủ năm thì không được phép.
Mặt khác, trong luật mới, người lao động khi chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp sẽ được hưởng chế độ thất nghiệp, được tư vấn việc làm. “Đến khi người này làm việc, tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn. Như vậy, người lao động hoàn toàn có thể tích luỹ được thời gian để đủ diều kiện nhận lương hưu”, ông Diệp giải thích.
Thứ trưởng còn cho biết, trong luật BHXH năm 2014, Điều 87 quy định, trường hợp muốn tích luỹ thời gian đóng bảo hiểm theo hướng tự nguyện mà quá khó khăn thì chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng, về thời gian đóng để đảm bảo họ được hưởng lương hưu.
Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết chính quyền sẽ lắng nghe ý kiến người lao động. Ảnh: Quốc Thắng.
Trường hợp người lao động không may qua đời trong thời gian chờ nhận trợ cấp một lần, theo Điều 66, BHXH sẽ hỗ trợ tiền mai táng phí là 10 tháng lương tối thiểu. Bên cạnh đó, nếu người này đóng đủ BHXH 15 năm trở lên thì thân nhân người này sẽ nhận được trợ cấp tuất hàng tháng. Nếu người đã mất không đóng đủ thời hạn này thì gia đình sẽ được nhận tiền tuất một lần.
"Số tiền này bằng với mức nhận trợ cấp một lần tại địa phương”, Thứ trưởng Diệp nói và cho hay trong thời gian Bộ luật BHXH 2014 chính thức có hiệu lực vào 1/1/2016 sẽ tổ chức nhiều cuộc tham vấn, ghi nhận các ý kiến.
Cùng với sự giải thích, trấn an của chính quyền địa phương, Thứ trưởng Diệp cũng kêu gọi người lao động quay trở lại làm việc. Lãnh đạo UBND TP HCM đang làm việc với Công ty Pouyuen để có buổi tiếp xúc giữa ông Diệp với các công nhân.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang, những ngày qua, chính quyền cũng lắng nghe người lao động bày tỏ nguyện vọng. Những ý kiến này sẽ được ghi nhận để làm sao quyền lợi người lao động được đảm bảo nhất.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam có 100 % vốn của Đài Loan, chuyên sản xuất giày thể thao, may mặc xuất khẩu, với trên 90.000 công nhân. Nơi đây từng xảy ra nhiều vụ cháy nhà xưởng. Năm 2014, công nhân PouYuen cũng xuống đường phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Quốc Thắng - An Nhơn

Có dấu hiệu phạm tội trong vụ sập giàn giáo ở Formosa

Cảnh sát Hà Tĩnh xác định có dấu hiệu phạm tội trong vụ sập giàn giáo tại Formosa Hà Tĩnh và quyết định khởi tố vụ án để điều tra.
Chiều 31/3, đại tá Bùi Đình Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra các dấu hiệu vi phạm quy định an toàn lao động theo điều 227 - Bộ luật Hình sự.
"Đây không phải là một vụ tai nạn đơn thuần, do đó công an sẽ điều tra cụ thể. Quá trình điều tra, phát hiện cá nhân nào có hành vi phạm tội, sẽ xử lý cá nhân đó theo quy định của pháp luật”, đại tá Quang nói.

Một số ốc vít của giàn giáo bị sập đã bị hoen rỉ. Ảnh: Đức Hùng
Hiện công an tỉnh đã cấm xuất cảnh đối với một số nhân viên công ty Samsung C&T làm việc tại công trường Formosa để lấy lời khai. Qua thu thập, phân tích các chứng cứ, lời khai của các nạn nhân, nhân chứng, lãnh đạo thanh tra liên ngành Hà Tĩnh nhận định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự.
Cũng trong chiều nay, đoàn thanh tra liên ngành Hà Tĩnh đã cơ bản xác định nguyên nhân sập giàn giáo. Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Tĩnh, qua kiểm đếm tại hiện trường, có 2/3 số pit tông thủy lực nằm ở phía bên phải bị hỏng dẫn tới hệ thống cốt pha bị trượt nghiêng và sập giàn giáo.
"Để tìm hiểm lý do vì sao hệ thống này bị hỏng, cần phải báo cáo bộ Xây dựng cử các đơn vị vào giám định, hoặc có thể nhờ chuyên gia nước ngoài", vị này cho hay.
Các lực lượng tham gia cứu hộ tại vụ sập giàn giáo. Ảnh: Đức Hùng
Khoảng 20h tối 25/3, giàn giáo đúc bê tông giếng chìm tại công trường Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp, Formosa bị sập khiến 13 người chết, 29 người bị thương.
Sáng 27/3, Trưởng đại diện Formosa tại Hà Tĩnh cùng đại diện nhà thầu Samsung C&T và Samku (đơn vị lắp đặt hệ thống kết cấu thép của giàn giáo) đã xin lỗi các nạn nhân và toàn thể người dân Việt Nam.
Đây là vụ tan nạn lao động nghiêm trọng nhất xảy ra tại Hà Tĩnh trong nhiều năm trở lại đây.

Đức Hùng

Thursday, January 22, 2015

Cục trưởng Đường sắt chết tại phòng làm việc

Chiều 22/1, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng được phát hiện chết tại phòng làm việc. Cơ quan công an đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân.
Theo một nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Hữu Thắng được một nhân viên của Bộ Giao thông Vận tải phát hiện đã chết tại phòng riêng chiều 22/1. Sáng cùng ngày, ông Thắng vẫn làm việc tại cơ quan và tham gia họp về đề án thu hút nguồn lực xã hội hóa và hạ tầng ngành đường sắt.
Theo một đại biểu dự họp buổi sáng, ông Thắng không có biểu hiện bất bình thường vào thời điểm này.
Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng đã từng bị Bộ trưởng Giao thông Vận tải đình chỉ chức vụ vì những phát ngôn liên quan dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào tháng 3/2014. Ông Thắng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc phát ngôn và giải trình trước ngày 7/5.
Những phát ngôn của ông Thắng bị cho là không đúng và thiếu trách nhiệm về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông gây bức xúc nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án, ảnh hưởng uy tín của ngành giao thông vận tải.
Trước đó, trả lời Tiền Phong về việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội giá hơn 300 triệu USD, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng nói: "Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên".
Đề cập trách nhiệm của mình, ông Thắng từng chia sẻ, sự việc này Bộ có kỷ luật, cảnh cáo cá nhân ông, ông cũng đồng ý.
Đoàn LoanVNExpress

Wednesday, January 14, 2015

Cục trưởng Hàng không: '117 phi công báo ốm đã uy hiếp đến an toàn bay'

Lãnh đạo Cục cho rằng chỉ trong 5 ngày mà có 117 phi công xin nghỉ việc, báo ốm là bất thường, uy hiếp đến an toàn bay và việc ngăn chặn là đúng pháp luật.
Trao đổi với báo chí ngày 13/1 về việc hàng trăm phi công của Vietnam Airlines báo ốm, xin nghỉ việc, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh nhận định trong thời gian ngắn có hàng trăm phi công cáo ốm và xin nghỉ là rất bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có biện pháp xử lý hành chính.
Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh. Ảnh: Thanh Bình.

Ông Thanh cho biết việc lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải có chỉ đạo ngăn chặn phi công xin nghỉ là đúng quy định. Chính phủ xác định Vietnam Airlines là lực lượng dự bị của quốc phòng, trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp cấp bách.
“Việc 117 phi công báo ốm, xin nghỉ là bất thường, cấp bách, uy hiếp đến hoạt động tức thời của hãng, đến an ninh kinh tế quốc gia nên nhà nước phải có biện pháp hành chính tức thời”, Cục trưởng Hàng không lý giải.
Trước ý kiến cho rằng phi công xin nghỉ không chỉ do tiền lương thấp mà còn do quá tải về công việc, người đứng đầu Cục Hàng không thông tin, các quy định an toàn bay rất ngặt nghèo, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi của phi công.
"Nói phi công bị vắt kiệt sức là không chính xác", ông nói.
Ông cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu hãng xây dựng cơ chế tuyển dụng, chuyển nhượng rõ ràng, minh bạch đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp. Việc xây dựng quy định chậm nhất đến tháng 7/2015 phải hoàn thành .
Trước đó, ngày 12/1, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - Phạm Ngọc Minh cho biết từ 5/1 có tổng cộng 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Sau đó, 9 người có đơn xin nghỉ việc. Trong số phi công báo ốm chỉ có 10 trường hợp có chứng nhận cơ quan y tế. Cao điểm có những ngày ghi nhận 7-8 chuyến bay có phi công báo ốm. Vietnam Airlines đã huy động lực lượng dự bị có sẵn để đáp ứng yêu cầu.
Ông Minh cũng cho rằng đây không phải việc làm cá nhân mà là hiện tượng lãn công tập thể, thông qua báo ốm, nếu không xử lý sẽ tái diễn vào các dịp cao điểm khác. Ông cam kết tăng lương từ tháng này theo lộ trình. Theo đó, tiền lương cơ trưởng lái Boeing 777 sẽ từ 163 triệu đồng đến 203 triệu đồng; máy bay A321 từ 142 triệu đến 183 triệu đồng mỗi tháng. Nửa cuối năm, mức lương tương ứng là 217 và 158-198 triệu đồng. Lương phi công nước ngoài của Vietnam Airlines tương ứng là 10.000-12.000 USD mỗi tháng.

Thông tin tại buổi họp trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông năm 2014 diễn ra ngày 13/1, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, năm 2014, tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không Việt Nam là 17,3%, tăng 0,9 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2013, tỷ lệ hủy chuyến là 2,0%, giảm 0,8 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2013.
Về tai nạn hàng không, trong năm 2014 không xảy ra tai nạn hàng không, tuy nhiên tổng số sự cố và các vụ việc có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không là 401 vụ, trong đó có 91 sự có an toàn hàng không (tăng 177% so với năm 2013).
Các sự cố mức B, D tăng mạnh lần lượt ở mức 200% và 207% làm ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số sự cố bắt buộc phải báo cáo/1000 lần chuyến, chỉ số sự cố uy hiếp an toàn bay mức C/10000 lần chuyến và chỉ số sự cố nghiêm trọng/10000 lần chuyến bay đều tăng.
Một số sự cố điển hình như vụ vận chuyển nhầm hành khách đi Cam Ranh; vụ cấp nhầm huấn lệnh tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; vụ mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất.
Võ Hải

Công ty in cuốn sách có bìa hình Công Lý bị đình chỉ hoạt động

In cuốn "Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành" khi không có giấy phép hoạt động, Công ty Mỹ Quyên bị phạt hành chính và đình chỉ hoạt động.
Cục Xuất bản, In và Phát hành mới đây ra quyết định xử phạt công ty trách nhiệm hữu hạn In bao bì Mỹ Quyên (85/992C Lê Đức Thọ, Phường 6, Quận Gò Vấp, TP HCM). Quyết định, được Cục trưởng Chu Văn Hòa ký ngày 9/1, nêu rõ đơn vị này đã in hai cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 và Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 khi không có giấy phép hoạt động in. Với tình tiết giảm nhẹ: "Đã nghiêm túc nhận lỗi, tích cực giúp cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm hành chính", công ty Mỹ Quyên bị phạt 140 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động trong 9 tháng.
Bìa sách luật in hình diễn viên Công Lý gây phản cảm và bất bình.
Cũng liên quan tới việc thực hiện, phát hành cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014, đại diện đơn vị phát hành sách bị xử phạt hành chính. Ngày 13/1, Cục Xuất bản ra quyết định phạt ông Nguyễn Lý Văn Dương - đại diện hộ kinh doanh cá thể - Nhà sách Lao Động - 25 triệu đồng. Theo đó, ông Nguyễn Lý Văn Dương bị phạt vì phát hành xuất bản phẩm liên kết Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 và Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 của NXB Lao động - Xã hội khi chưa có quyết định phát hành.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2014, cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội gây bất bình trong dư luận. Ảnh bìa của sách in hình diễn viên hài Công Lý, hai tay cầm hai cán cân và đứng trên một quả cầu lửa, trên người chỉ mặc chiếc quần lót. Đơn vị xuất bản này còn mắc những lỗi tương tự với cuốn Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014. Không chỉ sai sót trong khâu biên tập, NXB Lao động - Xã hội còn cho phát hành hai cuốn sách không tuân thủ đúng nội dung đăng ký với Cục; tự ý thu hồi xuất bản phẩm. Cục Xuất bản đã phạt NXB Lao động - Xã hội số tiền 250 triệu đồng.

Lam Thu

Monday, January 5, 2015

Bộ trưởng Thăng cảnh cáo Tổng thầu Trung Quốc vì vụ sập giàn giáo

Cho rằng nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án không tốt nên gây nhiều sự cố, khiến người dân bức xúc, Bộ trưởng cảnh cáo và yêu cầu thay thế Tổng chỉ huy công trường, tư vấn giám sát dự án...
Chiều 4/1, tại cuộc họp Bộ Giao thông với Tổng thầu EPC dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) về sự cố sập giàn giáo, ông Trịnh Xuân Cường, chuyên gia Tổ tư vấn Bộ Giao thông cho biết tai nạn xảy ra do cấu tạo đà giáo không phù hợp, thi công không đúng bản vẽ thiết kế được duyệt. Ông Cường kiến nghị điều chỉnh thiết kế đà giáo.
Đồng quan điểm này, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đà giáo kém ổn định, kém liên kết, khả năng cấu tạo không thống nhất. Hệ đà giáo có khả năng chịu tác động ngang kém nên lệch tâm. Trong khi đó, tư vấn và nhà thầu đã không giám sát chặt chẽ, dẫn đến sự cố.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tổng thầu EPC đã thực hiện dự án không tốt nên đã xảy ra nhiều sự cố thời gian qua, gây bức xúc và cả phẫn nộ trong nhân dân, khiến người dân đi qua hạng mục của dự án thấy lo sợ và ám ảnh. Trong khi Bộ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía Tổng thầu không chịu thực hiện.

Nhiều lỗi thiết kế và thi công khiến hệ đà giáo bị sập ngày 28/12. Ảnh: Quý Đoàn
Bộ trưởng Thăng đã cảnh cáo Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc trong việc triển khai dự án vì những lý do để mất an toàn giao thông, mất an toàn thi công. Ông yêu cầu Tập đoàn Cục 6 phải thay thế ngay Tổng chỉ huy công trường và tăng cường các kỹ sư, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm, lương tâm sang làm việc.
Hợp đồng với tư vấn giám sát cũng phải chấm dứt và thay mới bằng một đơn vị do Bộ Giao thông Vận tải chỉ định. Bộ yêu cầu chấm dứt toàn bộ các nhà thầu phụ hiện nay và ký hợp đồng trực tiếp với các Tổng công ty Xây dựng Giao thông (CIENCO) của phía Việt Nam.
Tập đoàn Cục 6 phải rà soát lại toàn bộ dự án, thống nhất lại toàn bộ quy trình thi công, giám sát, nghiệm thu và thanh toán trong tháng 1/2015.
Bộ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để thẩm tra đánh giá lại toàn bộ chất lượng, tiến độ dự án này. Tổ công tác này sẽ mời các chuyên gia hàng đầu về giao thông vận tải dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẩn trương làm việc với Tổng thầu để lựa chọn tư vấn giám sát, đồng thời rà soát lại toàn bộ tiến độ, chất lượng cũng như quy trình thi công.
“Nếu Tập đoàn Cục 6 không chấp nhận phương án đó, tôi sẽ báo cáo Chính phủ chấm dứt hợp đồng và kiến nghị thay Tổng thầu khác. Đây là cơ hội cuối cùng để Tập đoàn Cục 6 khắc phục và sửa sai", Bộ trưởng Thăng nói. Ông cũng khẳng định không chấp nhận bất cứ trường hợp sự cố hay tai nạn nào xảy ra nữa.
Tại cuộc họp, ông Chu Hằng Vũ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 cho biết, ông tôn trọng ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Bản thân tập đoàn đã họp gấp để xử lý toàn bộ các việc ở dự án. Lãnh đạo Tập đoàn Cục 6 cũng cam kết sẽ làm lại quy trình, kiểm tra tư cách và năng lực nhà thầu phụ. Các nhà thầu phụ không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị thay thế.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 cũng xin lỗi người dân Việt Nam sau khi xảy ra các sự cố trên công trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thời gian qua.

Đoàn Loan

Friday, December 26, 2014

Cháy cơ sở sản xuất kẹo cu đơ lớn nhất Hà Tĩnh

Sạng sáng 25/12, lửa bao trùm khu vực sản xuất kẹo cu đơ Thư Viện, đóng ở Thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) khiến cho một số hạng mục của kho bị hư hỏng.
5h sáng nay, khói từ cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Thư Viện ở đường Hà Huy Tập (Thành phố Hà Tĩnh) bốc lên nghi ngút. Ngọn lửa được cho là đã âm ỉ từ kho sản xuất, bùng lên và có nguy cơ lan ra ngoài.
Đám cháy được ghi nhận khoảng 5h sáng nay. Ảnh: Đ.H
Phát hiện hỏa hoạn, gia chủ đã hô hoán và cố gắng dập lửa, đồng thời thông báo với lực lượng chức năng.
Ba xe chữa cháy cùng 18 cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an Hà Tĩnh đã tới hiện trường, dùng bình xịt và vòi rồng để ngăn lửa lây lan sang những khu vực khác. 30 phút sau, đám cháy được khống chế.
Trưa nay, trong lúc thiệt hại do vụ cháy vẫn chưa được thống kê cụ thể thì người nhà và nhân viên của cơ sở sản xuất kẹo đã tiến hành dọn dẹp, di chuyển nhiều vật liệu, thùng chứa kẹo cu đơ bị cháy ra ngoài.
Dọn dẹp hiện trường vụ cháy. Ảnh: Đ.H
Một cán bộ chữa cháy cho hay, rất may khu vực xảy ra hỏa hoạn gần với nơi đóng quân của đơn vị nên việc cứu hỏa được triển khai nhanh chóng. Nguyên nhân của vụ cháy đang được điều tra làm rõ.
Thư Viện là một trong những cơ sở sản xuất cu đơ nổi tiếng và lớn nhất ở Hà Tĩnh.