Tuesday, December 30, 2014

Những trường không dạy thêm, khi đến lớp, thầy làm gì với trẻ?

Điều mà chúng ta cần không phải là thành tích, danh hiệu trong quá trình học mà quan trọng hơn là nền tảng, là hướng đi cho học sinh sau này... 
Chương trình giáo dục thay đổi sẽ giảm được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan? Hãy cùng nghe một số chia sẻ của thầy cô giáo về chương trình mà các thầy cô đang dạy cho học sinh của mình và xem điều gì là quan trọng đối với sự phát triển của thế hệ trẻ này....
Học sinh cần có đủ thời gian tự học
Theo ông Trương Văn Diện – Chủ tịch HĐQT Trường THCS Pascal (Hà Nội), học thêm hiện nay đang là một vấn đề được xã hội quan tâm và còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, tại Trường THCS Pascal, chương trình giáo dục được thiết kế để học sinh không phải đi học thêm.
Chương trình giáo dục của Trường Pascal là chương trình giáo dục trọng tâm. Nghĩa là ngoài chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường THCS Pascal tập trung học tăng cường 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để học sinh đạt được những mục tiêu như: đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào THPT, phát triển tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết Tiếng Anh.
Thầy Trương Văn Diện trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Trường THCS Pascal
Cũng theo ông Trương Văn Diện, thời gian và sức khỏe của học sinh có hạn, nên cần xác định được mục tiêu, giải pháp phù hợp để các em đạt hiệu quả học tập cao nhất. Học sinh sau khi học ở trường cần có nền tảng kiến thức vững vàng, sau này học tốt chương trình THPT và trở thành sinh viên đại học vững chuyên môn và giỏi ngoại ngữ - những hành trang quan trọng để các em thành đạt trong cuộc đời.
Điều mà chúng ta cần không phải là thành tích, danh hiệu trong quá trình học THCS mà quan trọng hơn đó là nền tảng, là hướng đi để các em thuận lợi trong quá trình học tập và thành đạt sau này.
 

Việc dạy thêm học thêm là do nhu cầu của người học, cũng xuất phát từ chương trình học quá tải, nặng nề... như thế thì có cấm được dạy thêm học thêm không?
Với những môn không phải là Văn, Toán, Ngoại ngữ, ông Diện cũng cho biết trường dạy theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh được các thầy cô giáo giỏi giảng dạy để nắm vững kiến thức cơ bản, nếu các em giỏi các môn đó thì là một điều đáng khích lệ.
Học sinh chỉ cần học tập nghiêm túc trên lớp, hoàn thiện đầy đủ bài tập về nhà thì các em không cần phải đi học thêm. Với phụ huynh có ý định cho con đi học thêm, ông Diện có lời khuyên cho phụ huynh là cần cân đối để học sinh có đủ thời gian tự học, nếu mất nhiều thời gian đi học thêm mà thời gian tự học của học sinh không được đảm bảo thì hiệu quả sẽ không cao.
Tạo tâm lý thoải mái quan trọng hơn
Trong khi đó, cô Thanh Huyền – giáo viên trường tiểu học song ngữ ở quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ rằng, tại trường mình, học sinh sẽ được học song song giữa chương trình bằng Tiếng Việt và chương trình bằng Tiếng Anh. Đối với chương trình Tiếng Việt, tập trung theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nâng cao nhưng chỉ ở mức độ thấp.
Nói rõ hơn về việc học trên lớp, cô Huyền chia sẻ, vào cuối tuần học, giáo viên sẽ giao phiếu bài tập về nhà cho mỗi học sinh, nhưng không bắt buộc mà chỉ khuyến khích các em nên làm. Tuy nhiên, việc này cũng cho thấy mức độ tự giác học tập của các em đến đâu. Bởi có những học sinh chăm chỉ, tự giác thường hoàn thành các phiếu bài tập đầy đủ.
Dạy thêm học thêm, cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẽ với nhau, lợi ích đan xen đang làm phá hỏng giải pháp đổi mới giáo dục.
Với những học sinh sau 3 tuần liên tiếp không làm bài, giáo viên sẽ trực tiếp trao đổi với phụ huynh để phụ huynh biết được tình hình, việc tự học ở nhà của con ra sao. Việc này không ghi vào thành tích hay đánh giá gì nhưng là sự theo dõi, trao đổi thường xuyên giữa giáo viên và phụ huynh để có thể nắm bắt được chuyển biến của con.
Trước đây, trước kì thi cuối kì, ở các trường khác có thể giáo viên vẫn giới hạn phạm vi ôn tập cho học sinh, nhưng tại trường này, giáo viên không bao giờ giới hạn phạm vi ôn tập. Các em sẽ phải ôn tập tất cả những gì đã học theo chương trình. Sẽ có nhiều người lo lắng lượng kiến thức sẽ ôm đồm, dàn trải, nhưng thực ra trong khi dạy, giáo viên đã tập trung nhấn mạnh vào điểm cần lưu ý của bài học.
Cấu trúc đề kiểm tra không có gì khác, chỉ có nội dung là thay đổi, nên học sinh vẫn làm được bài, thậm chí là làm tốt hơn khi học tủ hay giải trước bài ở nhà.
Với chương trình học trên lớp như vậy, nên đa phần học sinh không cần đi học thêm. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn cho con đi học thêm tại trung tâm hoặc thuê gia sư tại nhà bởi nhiều lí do. Cô Huyền chia sẻ, một phụ huynh từng tâm sự thật rằng họ bận công việc, không có thời gian nên thuê gia sư về nhà chủ yếu để giám sát con, chứ cũng không muốn cho con đi học ở trung tâm.
Theo cô Huyền, học sinh tiểu học chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trên lớp thì không cần phải đi học thêm. Với học sinh tiểu học, học giỏi hay không không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng là ở lứa tuổi này, cần tạo cho các em tâm lý học thoải mái, hứng thú với việc học và có tính tự học. Tuy nhiên, nếu phụ huynh vẫn muốn cho con đến trung tâm dạy thêm, thuê gia sư riêng thì cần đảm bảo thời gian để các con vui chơi, tránh tâm lý áp lực học hành.
Đó chỉ là hai trong số nhiều thí dụ khác về cách mà thầy cô đang ngày ngày truyền tải kiến thức đến học trò của mình. Có thể ở những ngôi trường khác nhau sẽ có những định hướng phát triển riêng, cách dạy cách học mang đặc điểm riêng nhưng tất cả đều vì sự phát triển của học sinh. Thiết nghĩ, một chương trình học được thiết kế phù hợp với đối tượng học, với định hướng phát triển của học sinh, cách thức và cái tâm của người giáo viên khi truyền tải kiến thức đến học trò cũng vô cùng quan trọng, như một cách để có thể hạn chế việc dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay.

Nga biên chế Su-34 chậm chạp, Su-24 vẫn làm nhiệm vụ lớn

Từ năm 2000 đến nay, Nga đã tổn thất 16 máy bay chiến đấu ném bom hạng nhẹ Su-24. Cùng với máy bay lão hóa, việc điều khiển nó trở nên rất nguy hiểm. 

Máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga
Trang mạng "Strategy Page" Mỹ ngày 24 tháng 12 đăng bài viết "Máy bay quân dụng: Su-24 hoàn toàn không 'già đi'", cho rằng, Không quân Nga gần đây lại tiếp nhận 6 máy bay ném bom hạng nhẹ Su-34 mới.
Từ khi bay thử lần đầu tiên vào năm 1990 đến nay, máy bay ném bom này đã sản xuất khoảng 60 chiếc. Su-34 là sản phẩm thay thế máy bay ném bom hạng nhẹ Su-24 thời kỳ Chiến tranh Lạnh kéo dài đã lâu.
Nhiều quốc gia sử dụng Su-24 trong 10 năm qua đã cho loại máy bay này nghỉ hưu, do họ không thể gánh được chi phí hoạt động và bảo trì đắt đỏ, chỉ có Nga còn đang sửa chữa lại một số máy bay Su-24 còn thừa của nước này, làm cho tiến độ dùng Su-34 mới thay thế Su-24 bị chậm lại.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Su-24 là phản ứng của Liên Xô đối với việc Mỹ nghiên cứu chế tạo F-111 và châu Âu trang bị máy bay chiến đấu ném bom Tornado. Loại máy bay này được đưa ra từ giữa thập niên 1970, có 2 chỗ ngồi, có cánh cụp, nặng 43 tấn, hành trình khá ngắn (chỉ khoảng 600 km).
Su-24 sớm nhất có thể mang theo 8 tấn bom, có năng lực điều khiển hỏa lực và thiết bị điện tử tốt khi đó. Trước khi dừng sản xuất vào năm 1993, loại máy bay này chế tạo tổng cộng khoảng 1.400 chiếc. Sau đó, nhiều chiếc Su-24 đã cho nghỉ hưu do cũ kỹ và không được nâng cấp.
Máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga
Từ năm 2000 đến nay, chỉ Nga đã tổn thất 16 chiếc Su-24 trong sự cố. Cùng với thân máy bay lão hóa, điều khiển những chiếc Su-24 còn đang hoạt động trở nên rất nguy hiểm, xu thế nghỉ hưu khó tránh khỏi. Hơn nữa, đây chính là một trong những nguyên nhân Nga vội vã sử dụng Su-34 thay thế Su-24.
Su-34 bắt đầu được nghiên cứu chế tạo từ thập niên 80 của thế kỷ trước, phiên bản máy bay ném bom của Su-27 hai chỗ ngồi sớm hơn được gọi là Su-32. Nhưng, Nga muốn một loại máy bay mới, năng lực mạnh để thay thế Su-24, Su-27 cùng với sự thành công của phiên bản nâng cấp Su-30 có năng lực mạnh hơn đã đem đến Su-34.
Su-34 có thiết bị dò tìm và tác chiến điện tử đồng bộ kiêm phòng thủ-tấn công, đồng thời có thể mang theo 8 tấn tên lửa và "bom thông minh". Năm 2008, Nga bắt đầu chế tạo lô máy bay chiến đấu ném bom Su-34 đầu tiên, chi phí chế tạo 24 chiếc Su-34 ban đầu là 36 triệu USD/chiếc.
Su-34 45 tấn là một phiên bản cải tiến khác của Su-27 33 tấn, rất giống với F-15E 36 tấn (một loại máy bay chiến đấu ném bom hai chỗ ngồi của máy bay F-15C 31 tấn) của Mỹ. Nhưng, mãi đến nay, Nga vẫn có trên 300 máy bay Su-24 vẫn đang hoạt động, trong khi đó Su-34 chỉ có khoảng 60 chiếc.
Tốc độ đưa máy bay Su-34 mới vào sử dụng hầu như không đủ để thay thế nhiều máy bay Su-24 cũ. Nga đang mua 100 máy bay Su-34 để thay thế 300 máy bay Su-24 cũ hơn. Đồng thời, một số Su-24 chế tạo khá muộn được nâng cấp thành Su-24M2.
Máy bay chiến đấu ném bom Su-34 Nga

Indonesia phủ nhận có tín hiệu khẩn cấp từ máy bay QZ8501 mất tích

Công ty tìm kiếm cứu nạn Basarnas, Indonesia đã phủ nhận nguồn tin có hai tín hiệu khẩn cấp phát ra từ máy bay QZ8501 mất tích.
Lực lượng hải quân Indonesia tìm kiếm chuyến bay QZ8501 mất tích trên biển Java.
“Chúng tôi có mã số (ID) Thiết bị định vị khẩn cấp ELT của AirAsia. Tôi đảm bảo rằng hai tín hiệu khẩn cấp gửi về không phải là của máy bay QZ8501 mất tích mà chúng ta đang tìm kiếm”, ông Bambang Soelistyo, người đứng đầu Công ty tìm kiếm cứu nạn Basarnas cho biết.
Hãng tin Kompas cho biết, Basarnas đã nhận được hai tín hiệu khẩn cấp yếu vào ngày thứ Hai (29/12). Cả hai tín hiệu này đều phát ra từ dưới nước, gần Quần đảo Thái Bình Dương, khu vực được cho là nơi cuối cùng nhận được liên lạc giữa máy bay QZ8501 với tháp kiểm soát không lưu (ATC).
Ông Soelistyo cũng nói rằng họ sẽ còn nhận được thêm tiếp viện trong cuộc tìm kiếm đa quốc gia. Trước đó, Mỹ đã triển khai tàu USS Sampson tham gia giúp đỡ trên biển Java cùng với Singapore, Malaysia, Indonesia, Pháp và Australia.
Tàu khu trục lớp Formidable RSS Supreme của Hải quân Singapore tham gia hỗ trợ tìm kiếm máy bay mất tích.
Chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia cất cánh từ Surabaya, Indonesia đến Singapore đã mất liên lạc với trạm không lưu Indonesia khi đang bay qua khu vực giữa đảo Belitung và Kalimantan sáng Chủ nhật (28/12).
Việc tìm kiếm trên biển Java bắt đầu từ Pangkal Pinang, đảo Bangka, Indonesia và đến ngày 30/12 đã mở rộng ở thêm nhiều vùng khác trên bờ.
5h36 sáng (theo giờ Indonesia), QZ8501 bắt đầu cất cánh từ sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya.
Surabaya - thủ phủ tỉnh East Java, là thành phố lớn thứ hai ở Indonesia sau Jakarta, có tốc độ tăng trưởng trên 7% một năm kể từ khi nữ thị trưởng Tri Rismaharini lên tiếp quản năm 2010.
QZ8501 mất liên lạc vào 6h18 sáng (giờ Indonesia) trên biển Java, ở khu vực giữa hai đảo Belitung và Đông Kalimantan.
Theo truyền thông Indonesia, ngư dân trên đảo Belitung cho biết đã nghe thấy một tiếng nổ lớn, có thể là của chiếc máy bay này.
Belitung là hòn đảo nằm ở phía đông đảo lớn Sumatra, nổi tiếng với các mỏ thiếc và các vườn hồ tiêu. Nơi đây cũng có các bãi biển cát trắng và là điểm đến thu hút khách du lịch.
Đông Kalimantan thuộc đảo Borneo, tiếp giáp vùng Sarawak và Trung Kalimantan. Vùng lãnh thổ này có lịch sử lâu đời, là nơi Cộng hòa Lan Phương được thành lập (1777-1884). Đây có thể xem là chính thể cộng hòa hiện đại đầu tiên tại châu Á.
Pangkal Pinang - thủ phủ của tỉnh Bangka-Belitung, là đô thị lớn nhất trên đảo Bangka, và là tỉnh sản xuất thiếc lớn nhất Indonesia.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tìn từ tờ Straitstime của Singapore, tờ báo được xuất bản vào năm 1845. Là tờ báo lâu đời nhất và có doanh thu cao nhất Singapore.
Huỳnh Linh (lược dịch)

Friday, December 26, 2014

Cháy cơ sở sản xuất kẹo cu đơ lớn nhất Hà Tĩnh

Sạng sáng 25/12, lửa bao trùm khu vực sản xuất kẹo cu đơ Thư Viện, đóng ở Thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) khiến cho một số hạng mục của kho bị hư hỏng.
5h sáng nay, khói từ cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Thư Viện ở đường Hà Huy Tập (Thành phố Hà Tĩnh) bốc lên nghi ngút. Ngọn lửa được cho là đã âm ỉ từ kho sản xuất, bùng lên và có nguy cơ lan ra ngoài.
Đám cháy được ghi nhận khoảng 5h sáng nay. Ảnh: Đ.H
Phát hiện hỏa hoạn, gia chủ đã hô hoán và cố gắng dập lửa, đồng thời thông báo với lực lượng chức năng.
Ba xe chữa cháy cùng 18 cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an Hà Tĩnh đã tới hiện trường, dùng bình xịt và vòi rồng để ngăn lửa lây lan sang những khu vực khác. 30 phút sau, đám cháy được khống chế.
Trưa nay, trong lúc thiệt hại do vụ cháy vẫn chưa được thống kê cụ thể thì người nhà và nhân viên của cơ sở sản xuất kẹo đã tiến hành dọn dẹp, di chuyển nhiều vật liệu, thùng chứa kẹo cu đơ bị cháy ra ngoài.
Dọn dẹp hiện trường vụ cháy. Ảnh: Đ.H
Một cán bộ chữa cháy cho hay, rất may khu vực xảy ra hỏa hoạn gần với nơi đóng quân của đơn vị nên việc cứu hỏa được triển khai nhanh chóng. Nguyên nhân của vụ cháy đang được điều tra làm rõ.
Thư Viện là một trong những cơ sở sản xuất cu đơ nổi tiếng và lớn nhất ở Hà Tĩnh.

Chuyến bay đầu tiên ở nhà ga T2 Nội Bài

Những vị khách đáp chuyến bay đi Singapore sáng nay lần đầu tiên làm thủ tục tại nhà ga T2. Sau 3 năm xây dựng, ga hàng không hiện đại nhất Việt Nam, có sức chứa 15 triệu lượt khách/năm, chính thức hoạt động.
Khoảng 9h sáng, những hành khách đầu tiên bước chân đến nhà ga T2 của sân bay Nội Bài để đi chuyến Hà Nội - Singapore lúc 10h45 cùng ngày.
Ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cho biết, từ ngày 31/12, tất cả các chuyến bay quốc tế đi, đến sân bay quốc tế Nội Bài sẽ chính thức khai thác tại nhà ga mới T2.
Khu vực khai thác của Vietnam Airlines được bố trí tại đầu Đông của nhà ga T2 gần nhà ga T1. Nơi nhận hành lý của chuyến bay đến và quầy thông tin hành lý thất lạc được đặt ở vị trí dễ tìm, khá thuận tiện cho khách.
Hệ thống thang bộ tự động vận hành trơn tru giúp hành khách di chuyển tiện lợi. T2, có tổng vốn đầu tư 75,5 tỷ Yen, được coi là ga hàng không lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Phòng chờ hạng C của VNA tại nhà ga T2 với thiết kế hoàn toàn mới, lấy cảm hứng từ nhiều phương diện của văn hoá Việt. “Cảng hàng không Nội Bài cần lưu ý thực hiện tốt “4 xin, 4 luôn”. Đây là cửa ngõ khách quốc tế đến Việt Nam, nên thái độ đón tiếp của nhân viên sân bay phải niềm nở, ân tình, làm sao để hành khách thực sự cảm thấy hài lòng”, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng phát biểu trong chuyến thị sát trước giờ khai trương nhà ga.
Phòng thư giãn được trang bị 3 ghế massage, tạo nên một không gian thoải mái cho khách.
Bảng thông báo xuất hiện thông tin những chuyến bay quốc tế đầu tiên của các hãng đi Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Nhà ga T2 được xây dựng nhằm giải quyết tình trạng quá tải của nhà ga T1, tạo diện mạo mới cho sân bay quốc tế Nội Bài. Công suất nhà ga mới đạt 10-15 triệu hành khách/năm.
Nhà ga mới được nâng cấp toàn diện, đồng bộ chất lượng dịch vụ từ điều kiện đón tiếp hành khách, làm thủ tục chuyến bay, phòng chờ và khu vực ra máy bay.
Tất cả các biển chỉ dẫn đều rõ ràng giúp hành khách dễ tìm những khu vực, cổng ra máy bay.
Nhà ga có 96 quầy làm thủ tục và 10 kios check-in tự động cho khách, các dịch vụ thu đổi ngoại tệ, thông tin du lịch, bưu điện, bách hóa, lưu niệm, ăn uống giải khát, quầy vé giờ chót, dịch vụ khách thương gia, phòng y tế được bố trí đầy đủ.

Giang Huy

Đổi mới giáo dục đang bị chống phá, ngăn cản bởi dạy thêm – học thêm

Dạy thêm học thêm, cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẽ với nhau, lợi ích đan xen đang làm phá hỏng giải pháp đổi mới giáo dục. 
Tiếp tục chuyên đề dạy thêm, học thêm, VNTimes24h trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của thầy giáo Tạ Quang Sum. Ông là cử nhân khoa học, Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo; Phó hiệu trưởng trường THPT Thăng Long, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa. 
Thầy Sum có quan điểm rất thẳng thắn: Dạy thêm, học thêm đang đối đầu, thách thức và phá hỏng sự nghiệp đổi mới giáo dục mà toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện. 
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 
Để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, hệ thống quản lý vĩ mô đang khẩn trương xác lập các thiết chế về: Triết lý giáo dục, Mục tiêu giáo dục, Nội dung giáo dục, Phương pháp giáo dục. 
Một công trình đồ sộ với nhiều công đoạn phức tạp và vô cùng bức thiết đã được thiết kế kèm theo lộ trình thực hiện, đó là công tác chuẩn bị cho những trận đánh lớn như Bộ trưởng GD & ĐT đã minh họa. 
Tuy vậy, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là mọi chuyện hình như chỉ mới có sự khởi động ở cấp cao. Còn tại mặt trận là các cơ sở trường học thì cảm nhận về đổi mới giáo dục rất mơ hồ với tâm lý bàng quan, thậm chí cái mà nhiều người quan tâm và ưu tư nhất hiện nay chỉ là : Đổi mới thì có dạy thêm học thêm được nữa không? 
Dạy thêm học thêm đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây do nhu cầu thực tế của học sinh cần học thêm để nâng cao năng lực học tập, thầy cô giáo cần tổ chức dạy thêm để cải thiện đời sống. Theo thời gian dạy thêm, học thêm đã phát triển đều khắp toàn xã hội và hiện nay có nhiều biến tướng vượt khỏi mọi tầm kiểm soát của ngành giáo dục. 
Tại các cấp học, trường học dạy thêm, học thêm đang tồn tại và phát triển với quy mô lớn sôi động hơn cả hoạt động chính khóa, nhiều lớp dạy thêm diễn ra tràn lan trong và ngoài nhà trường từ 5 giờ sáng, 1 giờ trưa, 8 giờ đêm, trong các ngày nghỉ lễ, trong các tháng hè, bộ môn nào cũng có thể được tạo nhu cầu học thêm để diễn ra tổ chức dạy thêm. 
Học sinh ăn vội ngay trong trường để học thêm ca tối - Ảnh: Trường Giang 
Hình ảnh rất nhiều cha mẹ mang thức ăn đến trường bón cho con ăn ngay cổng, để chuẩn bị tiễn con vào ca đêm không còn là chuyện lạ. Người học luôn được dán nhãn mác tự nguyện, người dạy tiếp thị bất chấp tiền đề và hậu quả, tác dụng tích cực của nó đang bị lấn át bởi nhiều mục đích tiêu cực của cả thầy và trò. 
Thiên chức nhà giáo và đạo đức người thầy dễ dàng được đặt qua một bên, bởi số thu tài chính từ dạy thêm đang là nguồn thu nhập chính làm giàu cho các nhà trường và một bộ phận không nhỏ giáo viên cả nước. 
Phần lớn nhiều chủ trương về quản lý dạy thêm, học thêm dừng ngang ở văn bản hành chính với phương châm vận động và kêu gọi tự giác là chính. Việc kết nối giữa tuân thủ quy định về dạy thêm, học thêm với xếp loại thi đua không có hiệu lực. 
Ở các địa phương cũng có đầy đủ ban bệ, quyết định này chỉ thị kia, nhưng việc thực hiện quy định quản lý về dạy thêm, học thêm có khi là cực đoan tạm thời hoặc nặng tính đối phó qua loa. 
Đã có nơi chặn bắt người dạy thêm như bắt buôn lậu, nhưng rất nhiều nơi chỉ hô cho có và thả lỏng. Còn cán bộ quản lý trường học thì gần như thỏa hiệp chuyển hóa qua các hình thức rèn luyện tăng cường nào đó, nhằm chia sẻ lợi ích và đối phó với cấp trên, kết quả là đâu vẫn hoàn đó. 
Do bùng phát dạy thêm, học thêm, bộ mặt sư phạm của trường học đã bị biến dạng rất nhiều: Cấu trúc chương trình nhiều bộ môn đều bị phân khúc để dạy thêm, việc dạy trước chương trình cấp học kiểu nhồi nhét kiến thức vào học sinh bất chấp tâm lý và độ tuổi đang trở nên phổ biến, phát sinh làn sóng chạy đua vũ trang cho con cái giữa các bậc phụ huynh đã tạo ra tình trạng quá tải chủ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ. 
Chương trình sinh hoạt thanh thiếu niên hầu như chỉ còn là hình thức đối phó, trống rỗng về nội dung, mục tiêu giáo dục tư tưởng chính trị mờ nhạt hẳn. Thầy cô giáo dạy những bộ môn dạy thêm được, sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc sơ đẳng của giáo học pháp, luôn tìm cách và sử dụng thủ thuật lôi kéo học sinh đi học với mình. Thầy cô giáo dạy những bộ môn không dạy thêm không được, không còn mặn mà với thiên chức nhà giáo. Số đông học sinh xem học thêm như là kênh thoát để lơ là việc học chính khóa, tập trung vào học lệch, học tủ chạy theo điểm số và thành tích ảo. 
Dạy thêm đã vượt lằn ranh đỏ thực hiện chức năng bổ sung cho hoạt động chính khóa, trở nên là chủ thể kinh tế của trường học và cá nhân, chính nó đã đang và sẽ làm phá sản nhiều chiến lược cải cách giáo dục, tạo ra nguồn phản động lực kìm hãm nhiều giải pháp nhằm đổi mới giáo dục. Không thể xóa bỏ dạy thêm, học thêm vì nó là một thực thể tồn tại chủ quan mà khách quan trong tổng thể hoạt động giáo dục. Cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẽ với nhau, lợi ích đan xen là thế và lực tồn tại của nó. 
Trước tình hình như thế, Bộ GD&ĐT cần thực sự quan tâm chấn chỉnh dòng chảy này, đó là phần quan trọng nhằm thiết lập mặt bằng, phát quang vật cản để đổ quân phục vụ trận đánh lớn. 
Định hướng giải pháp khả thi để sống chung với nó nhưng khống chế được nó trong phạm vi nhất định, một mặt phát huy tác dụng bổ sung kiến thức cho những đối tượng cần phụ đạo, mặt khác tạo điều kiện cho thầy cô giáo làm thêm ngoài giờ như nhiều ngành nghề khác. 
Đặc biệt, trả lại không gian thân thiện, không khí yên bình sân chơi trường học tích cực cho giới trẻ, họ phải được trang bị đầy đủ chuẩn mực về kiến thức khoa học và tâm thế văn hóa để vào đời… Phải là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc gia.
Nguồn: Báo GDVN

Cuộc sống hạnh phúc của người đàn ông và “vợ nhặt”

45 năm chung sống với nhau hạnh phúc, chuyện tình của ông Nguyễn Văn Thành (78 tuổi) và người “vợ nhặt” Nguyễn Thị Thủy (76 tuổi) trên một con thuyền nhỏ ở ven sông Hồng khiến nhiều người xúc động và ngưỡng mộ.
Ông Nguyễn Văn Thành (78 tuổi) sinh ra trong gia đình nghèo đông anh em ở xứ Mường thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Còn vợ là bà Nguyễn Thị Thủy (76 tuổi) quê Thái Bình. Ông Thành kể, bà Thủy là người mà ông gặp trên đường rồi bảo về sống cùng. “Hôm đó, khi tôi trên đường đi bán ốc về thì tôi gặp bà ấy. Sau khi hỏi han thì biết người đó tên là Thủy, quê ở Thái Bình và cũng có hoàn cảnh như tôi. Chẳng kịp suy nghĩ, tôi nhìn thẳng vào mắt Thủy và bảo: “Hay là bà về ở cùng với tôi”. Nghe thấy tôi “tỏ tình”, bà ấy đứng đơ người một lúc rồi bật khóc. Từ đó chúng tôi thành vợ thành chồng…”.
Bà Thủy bảo: “Chúng tôi ở với nhau 45 năm rồi, ngày nào cũng vui, cũng cười ha hả".“Con cái không có, người thân không có, ruộng vườn, nghề nghiệp không có nên chúng tôi phải dựa vào nhau mà sống. Lúc trẻ thì mò cua, bắt ốc, giờ già rồi, cua ốc cũng hết nên mấy chục năm nay, chúng tôi đi nhặt vỏ chai rồi bán tiền đong gạo”, ông Thành nói.
Hai vợ chồng ông Thành và bà Thủy sống với nhau trên chiếc thuyền nhỏ ở ven sông Hồng, cách chân cầu Long Biên mấy chục mét. Cuộc sống tuy nghèo khổ, nhưng hai ông bà rất yêu thương yêu nhau.
Chúng tôi sợ có chửa lắm nên tôi ngủ dưới thuyền, ông ấy ngủ trên bờ, bà Thủy cười nói."Chúng tôi sợ có chửa lắm nên tôi ngủ dưới thuyền, còn ông ấy ngủ trên bờ", bà Thủy cười bảo.

Để ghi nhớ ngày gặp và lấy vợ ông Thành xăm lên cánh tay trái ngày 26-9-69 - Là ngày mà ông bà gặp nhau, nên vợ, nên chồng.
Mấy năm qua, bà Thủy bị bệnh khớp, không đi lại được nên mọi thứ trông cậy vào mỗi ông Thành. “Mấy chục năm ở đây, tôi cũng vớt bao nhiêu xác chết rồi báo cho chính quyền. Cách đây mấy hôm, có một trường hợp nhảy cầu tự tử, tôi cũng bơi ra cứu đưa vào bờ rồi hô hấp nhân tạo cho sống lại. Chúng tôi nghèo nhưng chưa trộm cắp, lấy vặt ai cái gì".
Trong nhà cái gì quý giá nhất cũng do người khác cho mà có. Từ con chó cho đến chiếc xe đạp...
Đây là những bài thơ mà ông Thành làm tặng bà Thủy ngày xưa. Chúng được ông treo lên vách của chiếc thuyền.
Bà Thủy nghiện thuốc lào và thích uống bia. "Giờ tôi không ăn được mấy, có thì ngày làm vài chai bia thôi"
Khóm rau bà trồng ở ven sông để "Tết bán lấy ít tiền đong gạo"
Sắp tới khu vực này giải phóng để làm cầu Long Biên nên ông bà cất tạm cái lều trên bãi bồi. Nhưng do chưa có tiền nên mới được cái sàn. "Giờ xong cái lều cũng mất mấy triệu, nhưng mà chưa kiếm đâu ra", ông Thành than thở.
Theo Quang Khánh (Giadinh.net.vn)

Ukraine: Say rượu, mò vào vườn thú ôm… hổ

Rơi vào chuồng hổ trong vườn thú, người đàn ông say rượu ôm ấp chú hổ Malysh, 6 tuổi. Sự việc xảy ra sau đó đã khiến chú hổ bị sốc nặng!
Vụ việc xảy ra hồi đầu tuần tại một vườn thú ở thủ đô Kiev – Ukraine.
Bất ngờ bị “người lạ” ôm, chú hổ quay ra ghì chặt lấy anh ta và chỉ chịu buông tay khi người đàn ông lôi súng ra bắn chỉ thiên.
Chú hổ tội nghiệp dường như bị sốc sau sự cố (Ảnh minh họa: The Moscow Times)
Kẻ đột nhập sau đó bị bắt giữ và đưa tới bệnh viện để kiểm tra y tế nhưng tình trạng của con hổ mới thực sự đáng lo ngại.
Con hổ có vẻ lo lắng hơn cả người đàn ông đó” – một nhân viên vườn thú cho hay.
Chú hổ tội nghiệp dường như bị sốc sau sự cố. "Nó nằm buồn rầu, cụp đuôi trong chuồng sau sự việc" - một nhân viên sở thú khác cho hay.
Theo báo giới địa phương, trước khi vào chuồng của Malysh, người đàn ông nêu trên cũng tìm cách đột nhập một chiếc chuồng khác và la lớn: “Tôi yêu những con hổ”.
Giới chức vườn thú cho rằng người này đã rất may mắn mới thoát được khỏi chuồng hổ an toàn. Do Malysh thường được các nhân viên vườn thú cho uống sữa nên chú hổ này vẫn “coi con người là bạn”.

Theo Đỗ Quyên (Người lao động/Moscow Times)

Ngược dòng vô địch sau Noel: Lịch sử chống lại MU

Thầy trò Louis Van Gaal đang ở vào thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh ngôi vô địch giải Ngoại hạng Anh mùa này khi bước vào lễ Giáng sinh với vị trí thứ 3 và đang kém đội đầu bảng Chelsea đến 10 điểm. Họ sẽ phải rất cố gắng ở giai đoạn còn lại của mùa giải nếu muốn quay trở lại ngôi vương Premier League.
Trận hòa tai hại 1-1 với Aston Villa diễn ra cuối tuần trước đã khiến cho các cầu thủ MU bước vào Giáng sinh kém vui khi chỉ giành được 32 điểm sau 17 vòng đấu và hiện kém 2 đội dẫn đầu Premier League là Chelsea và Man City lần lượt là 10 và 7 điểm.
Quả thật, lịch sử đang không ủng hộ “Quỷ đỏ” khi họ chỉ mới duy nhất một lần lật ngược tình thế để cán đích ở ngôi vô địch sau khi đã kém đội đầu bảng trong dịp Giáng sinh một khoảng cách về điểm số khá lớn (hơn 3 trận thắng).
Falcao bật cao đánh đầu gỡ hòa cho MU trên sân của Aston Villa
Đó là vào mùa giải 1995-1996, MU khi đó vẫn còn được dẫn dắt bởi HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson trước khi bước vào “Lễ tặng quà” (Boxing Day – 26/12) đã bị thất thế rõ rệt so với đội đầu bảng khi đó là Newcastle United của nhà cầm quân trẻ Kevin Keegan với khoảng cách 10 điểm.
Tuy nhiên, đội chủ sân Old Trafford đã làm nên điều kỳ diệu khi vượt mặt “Chim chích chòe” ở những vòng đấu cuối cùng để cán đích mùa giải đó với vị trí quán quân (thắng 25 trận, hòa 7, thua 6) giành được 82 điểm, nhiều hơn Newcastle đúng 1 trận thắng và tổng cộng trên 4 điểm.
MU đăng quang chức vô địch Premier League mùa giải 1995-1996 đầy ngoạn mục
Câu hỏi đặt ra là: MU dưới thời Louis Van Gaal mùa này có thể tái lập lịch sử để tìm lại vị thế bá vương đã bị đánh mất khi tình thế và khoảng cách điểm số hiện tại của họ thậm chí còn khó khăn hơn 18 năm trước?
Mùa giải này, đối thủ cạnh tranh ngôi vô địch với MU là một Chelsea mới chỉ thua duy nhất 1 trận sau 17 vòng và đang cho thấy khát khao lớn nâng cao chiếc cúp vô địch Premier League ở triều đại thứ 2 của Jose Mourinho tại “The Blues”.
Bên cạnh một HLV tài năng và đầy kinh nghiệm như “Người đặc biệt”, Chelsea còn sở hữu một đội hình chất lượng với những ngôi sao cả cũ và mới trải đều trên cả 3 tuyến như Courtois, Terry, Matic, Fabregas hay Diego Costa…
Chelsea (áo xanh) vẫn đang vững vàng ở ngôi đầu bảng giải Ngoại hạng Anh
Mặt khác, MU cũng phải hết sức dè chừng với nhà ĐKVĐ giải Ngoại hạng đồng thời là “gã hàng xóm khó chịu” Manchester City khi “The Citizens” sau những khởi đầu chệch choạng đã trở lại mạnh mẽ ở cả 2 đấu trường Champions League và Premier League.
Hiện Man xanh cũng đã có được 39 điểm sau 17 vòng đấu, hơn Man đỏ đến 7 điểm và đang phả hơi nóng rõ rệt vào gáy của đội đầu bảng Chelsea khi khoảng cách giữa 2 đội giờ chỉ bằng 1 trận thắng.
Vốn nổi tiếng là một HLV lạc quan nhưng chính Louis Van Gaal đã phải thừa nhận sau trận hòa 1-1 của MU trên sân Villa Park cuối tuần trước rằng đội bóng của ông đang ở vào thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh ngôi vô địch.
Chiến lược gia người Hà Lan chia sẻ trên tờ Daily Mail: “Nếu bạn muốn trở thành một phần của cuộc đua giành danh hiệu, bạn phải chiến thắng những trận đấu ở giai đoạn căng thẳng này.
Tôi đã theo dõi hiệp 1 trận đấu giữa Manchester City và Crystal Palace, họ cũng đã phải chiến đấu khó khăn nhưng vẫn giành chiến thắng chung cuộc 3-0. Đó là điểm khác biệt.”
Tuy vậy, Van Gaal cũng rất biết cách lên dây cót tinh thần cho các học trò khi phát biểu: “Chẳng có danh hiệu nào được trao chỉ trong tháng 12 cả! Tất cả sẽ chỉ được quyết định khi mùa giải kết thúc vào tháng 5 năm sau. Vì vậy, cơ hội để chúng tôi trở lại vẫn còn rất nhiều.”
Giải Ngoại hạng Anh vẫn còn đến 21 vòng đấu và hãy cùng chờ đợi vào những tình tiết hấp dẫn trong cuộc đua tam mã Chelsea - Man City - MU sắp tới.

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014

Cuộc tìm kiếm máy bay MH370 vừa lắng xuống, bất ổn lại nổi lên do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, chứng khoán rơi điểm kỷ lục, ngân sách nguy cơ thất thu vì giá dầu giảm một nửa... Cuộc giải cứu kỳ diệu 12 công nhân hầm Đạ Dâng trước thềm Giáng sinh đã phần nào làm dịu đi một năm 2014 đầy sóng gió.
Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế - xã hội trong năm.

1. Thềm lục địa Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm
Giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: China News.

Ngày 1/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa Việt Nam, đẩy mối quan hệ hai bên lên đỉnh điểm căng thẳng nhất 20 năm qua. Suốt hai tháng rưỡi, Trung Quốc huy động 140 tàu, trong đó có tàu quân sự mang vũ khí cùng máy bay tiêm kích hộ tống giàn khoan, dùng vòi rồng phun nước và tàu to đâm thẳng vào các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền hợp pháp. Ngày 26/5, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngăn cản việc cứu 10 ngư dân chới với dưới biển.
Nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam đồng lòng phản đối hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền này, thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa khắp cả nước. "Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm mạnh mẽ về vấn đề này trên diễn đàn quốc tế.
Một số cuộc biểu tình bị kẻ xấu kích động biến thành gây rối, đập phá vào giữa tháng 5 tại Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Hà Tĩnh, ảnh hưởng tới nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư hàng chục năm qua của Việt Nam. Gần 930 doanh nghiệp bị đốt phá nhà xưởng và gián đoạn sản xuất, thiệt hại hơn 3.120 tỷ đồng và 8,88 triệu USD. FDI vào 4 tỉnh trên sụt giảm. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 10% trong tháng 5 và tiếp tục giảm 20% trong tháng 6, xuống mức thấp nhất từ đầu năm.
Đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi thềm lục địa Việt Nam ngày 16/7, nhưng hơn bao giờ hết Trung Quốc bị suy giảm lòng tin về trách nhiệm gìn giữ hòa bình ở Biển Đông.

2. Chứng khoán giảm mạnh nhất 13 năm

Sự hoang mang của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế nước nhà trước diễn biến Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan là tác nhân chính dẫn tới cú rơi điểm kỷ lục trên thị trường chứng khoán. Ngày 8/5, Vn-Index rớt gần 33 điểm, 70% blue-chip giảm hết biên độ trong đó có nhiều mã dầu khí, nhà đầu tư theo nhau tháo chạy, không ít người mất 20-30% giá trị tài khoản trong phiên. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng phải lên tiếng trấn an. Thị trường đi lên sau đó vài phiên rồi lại rung lắc mạnh khi nổ ra các cuộc biểu tình quá khích phản đối Trung Quốc, khiến cả tháng 5 sàn TP HCM mất 90 điểm, mất gần hết những gì tích lũy từ đầu năm.
Đà hồi phục chỉ thực sự được củng cố kể từ quý III khi dòng tiền từ các quỹ đổ về với kỳ vọng nới room cho khối ngoại, theo sau đó là việc hạ lãi suất và các công ty chứng khoán rộng tay hơn cho dịch vụ margin. Sau khi đạt đỉnh cao mới (Vn-Index lên 640,75 điểm) vào ngày 3/9, thị trường giai đoạn cuối năm lại tiếp tục bị thử thách bởi việc nới room bị trì hoãn và những lo ngại về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xăng dầu khi giá giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/12, Vn-Index đạt 528,45 điểm, chỉ còn cao hơn ngày mở cửa đầu năm 14 điểm.
3. Giá dầu giảm một nửa

Giá dầu thô giảm từ mức 110 USD đầu tháng 7 xuống sát 50 USD một thùng vào cuối năm, khiến nhiều người nghĩ tới kịch bản tương tự của năm 2008, khi giá dầu đang ở trên 140 USD rồi xuống gần 40 USD trong vòng nửa năm sau đó, dù lý do của hai chu kỳ biến động này không giống nhau.
Trong nước, giá xăng trải qua 12 lần giảm liên tiếp, từ kỷ lục 25.640 đồng một lít vào cuối tháng 7, xuống còn 17.880 đồng vào ngày 22/12, tương đương mức giảm gần 30%. Mặt bằng giá xăng hiện nay đang thấp nhất hơn 3 năm qua, giúp chỉ số giá tiêu dùng giảm đáng kể, nhờ đó, các doanh nghiệp ngoài ngành dầu khí có cơ hội hạ giá thành và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Việt Nam đứng trước nguy cơ thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng, khi mà khai thác và xuất khẩu dầu thô đang đóng góp tới 30% ngân sách. Chính phủ tính toán, ở dưới ngưỡng 100 USD, giá dầu cứ giảm 1 USD một thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh, nếu giá bán xuống thấp hơn giá thành khai thác, việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô có thể khiến GDP giảm 0,8-1,2%. Giá thành khai thác một thùng dầu tại Việt Nam hiện dao động 30-70 USD. Các doanh nghiệp ngành dầu khí có thể phải đổi chiến lược khai thác nếu giá xuống dưới 50 USD một thùng.

4. Hàng loạt công trình trọng yếu hoàn thành
Tòa nhà Quốc hội - công sở hiện đại nhất Việt Nam từ sau ngày giải phóng. Ảnh:Giang Huy.
Tòa nhà Quốc hội mới, tọa lạc trong khu chính trị lịch sử Ba Đình và Hoàng thành Thăng Long, chính thức hoạt động vào phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII cuối tháng 10. Được xây dựng trong 5 năm với kinh phí 6.800 tỷ đồng, đây là công sở đầu tiên quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước, có tính mỹ thuật, công nghệ hiện đại; cũng là công trình lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay được các nhà thầu Việt Nam xây dựng.
Cầu Nhật Tân - cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng, có tổng vốn đầu tư 13.600 tỷ đồng, được hoàn thành vào tháng 10. Dài 8,3 km với 4 làn xe, cầu được nối với đường Võ Nguyên Giáp để trở thành tuyến cao tốc đô thị đẹp nhất phía Bắc. Cây cầu cũng được coi biểu tượng của tình đoàn kết hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.
Cách cầu Nhật Tân không xa, cao tốc dài nhất Việt Nam mang tên Nội Bài - Lào Cai được thông xe ngày 21/9, giúp rút ngắn một nửa thời gian cho phương tiện di chuyển từ Hà Nội đến Lào Cai so với trước đây. Xây dựng trong 7 năm với mức đầu tư gần 1,5 tỷ USD, tuyến đường 245 km này được kỳ vọng sẽ xóa khoảng cách chênh lệch kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bằng sông Hồng và vùng cao Tây Bắc.

5. Một kỳ thi quốc gia chung, nhiều bộ sách giáo khoaĐầu tháng 9, Bộ GD&ĐT công bố phương án đổi mới thi cử, trong đó quan trọng nhất là tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để tuyển sinh đại học, thay vì tổ chức hai kỳ thi riêng rẽ như trước đây.
Từ mùa tuyển sinh năm 2015, thí sinh phải dự thi 4 môn. Kết quả của 4 môn thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Cuối tháng 11, dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình và sách giáo khoađược Quốc hội thông qua. Theo đó, Việt Nam sẽ thống nhất một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa. Thay vì Bộ Giáo dục độc quyền, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia viết sách. Bộ sách giáo khoa được lựa chọn trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia độc lập. Nhà trường, phụ huynh và học sinh được tham gia lựa chọn sách giáo khoa.
Từ năm học 2018-2019, ngành giáo dục áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

6. Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới
Trong làn sóng gia tăng đầu tư của hàng loạt tập đoàn công nghệ đa quốc gia năm qua, đáng chú ý là sự kiện Microsoft chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang Việt Nam ngay sau khi hãng này sáp nhập đại gia điện thoại Phần Lan Nokia. Samsung với tham vọng biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu, cũng mở thêm nhà máy sản xuất màn hình điện thoại quy mô một tỷ đôla ở Bắc Ninh, đầu tư 1,4 tỷ USD vào khu công nghệ cao TP HCM, đồng thời tăng 3 tỷ USD cho tổ hợp công nghệ cao Thái Nguyên. Tổng vốn rót thêm vào các dự án Samsung đóng góp một phần ba FDI của cả nước trong năm.
Thị trường hàng tiêu dùng, đặc biệt đồ ăn nhanh, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại trong năm. McDonald's sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP HCM đã mở thêm 2 điểm kinh doanh nữa trong vòng nửa năm. Trong khi hạn chế phát triển tại Mỹ, Starbucks lại đặt chân tới TP HCM và đồng loạt mở thêm 3 cửa hàng tại Hà Nội. Sự góp mặt của các nhà đầu tư tỷ đôla đến từ Thái Lan cũng giúp lĩnh vực bán lẻ vốn là mảnh đất màu mỡ càng trở nên sôi động trong năm qua đặc biệt với các thương vụ mua lại Metro, Family Mart và rầm rộ đầu tư vào lĩnh vực bia rượu, nước giải khát.
Môi trường đầu tư ổn định và thị trường tiêu dùng với hơn 90 triệu dân trong thời kỳ dân số vàng là sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư lớn thứ 3, sau hai thời kỳ đỉnh cao là 1991-1997 và 2005-2008.

7. Doanh nghiệp Nhà nước cấp tập cổ phần hóa
Mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trước hạn chót 2015 của Chính phủ khiến năm 2014 trở thành giai đoạn tấp nập chuyển đổi mô hình hoạt động trong khối quốc doanh. Sau 11 tháng, cả nước có gần 80 doanh nghiệp được cổ phần hóa, vượt con số của cả năm trước.
Cùng với các cuộc chào bán cổ phần liên tiếp trong ngành giao thông, những thương vụ bán vốn đáng chú ý nhất phải kể đến Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Đạm Cà Mau hay Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khi đều thu về số tiền 1.100-1.500 tỷ đồng.
Sự kiện đáng chú ý trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2014 là việc tách Công ty Thông tin di động (Mobifone) khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Đây được xem là bước đầu tiên hết sức quan trọng để cổ phần hóa doanh nghiệp từng chiếm 60-70% lợi nhuận của VNPT, đồng thời giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường viễn thông - vấn đề đã gây nhiều tranh luận trong nhiều năm qua.
Tuy vậy, bên cạnh những tín hiệu tích cực về mặt số lượng, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm qua vẫn được đánh giá chưa đi vào thực chất, khi nhiều doanh nghiệp sau IPO vẫn hoạt động với mô hình quản trị cũ. Tỷ lệ bán vốn Nhà nước thấp cũng được coi là chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

8. MH370 - cuộc tìm kiếm chưa từng có
Một chiếc trực thăng Mi171 của trung đoàn 971 chuẩn bị bay ra biển tìm kiếm dấu vết máy bay MH370.
Ngày 8/3, chiếc Boeing 777-200 số hiệu MH370 của Malaysia Airlines trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) đột nhiên biến mất khi chuẩn bị vào vùng thông báo bay TP HCM.
Cùng nước chủ quản Malaysia, Việt Nam huy động phương tiện, nhân lực lớn nhất từ trước đến nay cho việc tìm kiếm cứu nạn trên không, trên biển và trên bộ, tích cực nhất trong các nước tham gia tìm kiếm là Philippines, Singapore, Mỹ, Trung Quốc.
Liên tục trong 8 ngày, 11 máy bay, 10 tàu hải quân, nhiều tàu đánh cá Việt Nam đã thực hiện 55 chuyến rà quét từng mét vuông trên diện tích 100.000 km2 mặt biển. Việt Nam cũng cấp phép cho tàu các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines vào tìm kiếm trong lãnh hải của mình, nhưng không thấy tung tích chiếc máy bay.
Nửa tháng sau đó, Hãng Hàng không Malaysia Airlines thông báo MH370 đã rơi ở Ấn Độ Dương và không ai trong 239 người trên khoang sống sót. Tuy vậy, không một chứng cứ thuyết phục nào được đưa ra, công việc tìm kiếm tiếp diễn đến nay mà chưa có kết quả.

9. Tai nạn hàng không thảm khốc nhất 20 năm qua
Sáng 7/7, chiếc trực thăng Mi171, thuộc Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân chở 21 chiến sĩ, sĩ quan trên đường huấn luyện nhảy dù đã rơi ở xã Bình Yên, Thạch Thất (Hà Nội). Chỉ một người trong 21 chiến sĩ qua khỏi, với thương tích nặng nề.
Trước khi hy sinh, phi công đã điều khiển máy bay lách qua nhà dân, tránh có thêm tổn thất, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội, cho biết tai nạn do "sự cố kỹ thuật, không phải phá hoại từ bên ngoài".
Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đánh giá, vụ tai nạn trực thăng Mi171 là rất thảm khốc, là tổn thất lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là vụ tai nạn hàng không làm nhiều người chết nhất trong hơn 20 năm qua.
21 chiến sĩ đã được truy tặng và tặng thưởng Huân chương chiến công, truy phong quân hàm lên một bậc.

10. Cuộc giải cứu công nhân trong hầm thủy điện
Sáng 16/12, hàng trăm m3 khối đất đá tại hầm thuỷ điện Đạ Dâng bất ngờ sập xuống, cắt đôi đoạn hầm có hơn 30 công nhân đang làm việc và chặn đường thoát của 12 người. Vị trí sập cách đỉnh đồi 70 m và được bao bọc bởi ngọn đồi rộng lớn toàn đá mồ côi. Theo Bộ Xây dựng, đây là sự cố đặc biệt nghiêm trong.
Nửa ngày nỗ lực sau sự cố, lực lượng cứu hộ mới khoan thủng một lỗ rộng khoảng 3 cm qua khối đất đá để truyền oxy, cháo, sữa vào duy trì sự sống cho12 công nhân bị kẹt bên trong.
Lực lượng công binh Quân khu 7, thợ mỏ Quảng Ninh, cảnh sát TP HCM thay phiên nhau suốt ngày đêm đào ngách hầm vào trong. Cuộc chiến giành giật sự sống cho các nạn nhân được tính bằng giây nhưng họ chỉ được đào bằng xẻng, tay vì hầm có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến hiện trường trực tiếp chỉ đạo cứu hộ. Lệnh đào thêm một ngách bên trái được cấp tập triển khai. Ngày thứ 4 sau sự cố, tại vị trí đào sau cùng này, điều kỳ diệu đã xảy ra khi các công binh phát hiện ánh sáng ở cuối đường hầm. Bỏ qua 5 mét sau cùng chưa gia cố, các chiến sĩ tiếp cận chỗ các nạn nhân và đưa toàn bộ ra ngoài an toàn trong sự vui mừng của hàng nghìn người có mặt.

Nguồn: VnExpress.net

Giá vàng nhích nhẹ từ đáy 3 tuần

Mỗi ounce sáng nay tăng thêm 2 USD lên 1.177 USD, nhưng vẫn hướng đến tuần giảm thứ 2 liên tiếp do chứng khoán và đồng đôla mạnh lên.
Giá này tương đương 30,37 triệu đồng một lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Giá trong nước đóng cửa hôm qua tại 34,97-35,13 triệu đồng.
Từ đầu tuần, giá đã mất 1,5%, do số liệu công bố vài ngày trước cho thấy Mỹ đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong quý III, với tốc độ mạnh nhất 11 năm. Các số liệu khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã giảm 4 tuần liên tiếp. Đây là dấu hiệu nền kinh tế đã vào đà khá ổn định
Giá vàng thế giới đã thoát đáy 3 tuần trong phiên giao dịch sau nghỉ lễ.
Những số liệu này đã làm giảm nhu cầu đầu tư trú ẩn tại vàng. Nó cũng giúp nâng giá USD, do việc này sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
USD mạnh sẽ khiến việc cầm giữ vàng đắt đỏ hơn các đồng tiền khác. Dollar Index – đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 tiền tệ lớn trên thế giới từng lên đỉnh 9 năm trong tuần này. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cũng sẽ gây áp lực lên các công cụ không trả lãi cố định, như kim loại quý.
Trên thị trường dầu thô, giá mỗi thùng Brent trên sàn ICE London hiện giao dịch tại 60,24 USD, giảm 2,35%. Trong khi đó, dầu WTI tại NYMEX tăng nhẹ 0,59% lên 56,17 USD một thùng. Ảrập Xêút hôm qua cũng tuyên bố ngân sách năm 2015 sẽ thâm hụt kỷ lục 38,6 tỷ USD vì giá dầu giảm.

Hà Thu

Sơn Tùng M-TP rạng rỡ trong vòng vây của fan

Dù thời tiết khá oi bức, nam ca sĩ và các diễn viên trong đoàn phim "Chàng trai năm ấy" vẫn nhiệt tình ký tặng và giao lưu với người hâm mộ.
Chiều 25/12 tại TP HCM, dàn diễn viên chính của bộ phim "Chàng trai năm ấy" tổ chức buổi ký tặng và giao lưu với những fan đăng ký mua combo gồm áo in poster phim và vé xem suất đặc biệt trước ngày công chiếu.
Buổi ký tặng diễn ra lúc 15 giờ nhưng rất đông người hâm mộ có mặt từ 13 giờ để xếp hàng giữ chỗ trước. 
Đáp lại tình cảm của khán giả, Sơn Tùng M-TP luôn vui vẻ cười nói với các fan trong lúc ký tặng và giao lưu.
Nam ca sĩ thân thiện chụp ảnh với từng người hâm mộ.
Các diễn viên đùa giỡn với nhau trong suốt buổi ký tặng để tạo không khí sôi nổi. Thậm chí họ còn từ chối nghỉ giải lao để tiết kiệm thời gian của các fan đang đợi hàng giờ.
Hari Won nữ tính với mái tóc xoăn sáng màu. Cô diện áo thun có in poster phim "Chàng trai năm ấy".
Trong phim, Hari và Sơn Tùng vào vai đôi tình nhân có tính cách hài hước và đáng yêu.
Ca sĩ Hứa Vĩ Văn.

Phạm Quỳnh Anh chụp ảnh lưu niệm cùng fanclub. Bộ phim "Chàng trai năm ấy" ra rạp vào ngày 31/12.