Wednesday, October 15, 2014

Mỹ không kích dữ dội chưa từng thấy ở Kobani

Hai ngày qua Mỹ và đồng minh thực hiện 21 cuộc không kích nhắm vào các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) gần thành phố Kobani. Tuy nhiên chiến dịch này mới chỉ giúp đẩy lui IS "chút ít".
Obama họp với chỉ huy quân đội 20 nước chống IS  /  Phiến quân Hồi giáo chỉ cách sân bay Baghdad 13 km
Khói bốc lên cuồn cuộn tại Kobani, khi nhìn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Tần suất không kích của Mỹ và các nước đồng minh trong hai ngày qua vào thị trấn Kobani là đợt lớn nhất từ khi chiến dịch bắt đầu tháng trước, Reuters dẫn tin từ Lầu Năm Góc cho biết. Các cuộc không kích có vẻ như làm chậm bước tiến của các phiến quân ở thành phố này nhưng quân đội Mỹ cũng cảnh báo tình hình rất dễ thay đổi.

Lực lượng người Kurd bên trong Kobani lại cho biết các hoạt động này của Mỹ giúp ích rất nhiều. Asya Abdullah, đồng chủ tịch của đảng Thống nhất Dân chủ người Kurd và Syria (PYD) nói các cuộc không kích mới đây "cực kỳ hữu ích". "Họ đánh trúng các mục tiêu của IS và nhờ đó chúng tôi có thể đẩy lui chúng một chút. Chúng vẫn nã pháo ở trung tâm thị trấn", Abdullah nói.

Abdulrahman Gok, một phóng viên của tờ báo địa phương đang có mặt trong thị trấn, miêu tả với Reuters qua điện thoại: "Các cuộc không kích liên miên cả ngày (hôm qua). Thỉnh thoảng chúng tôi thấy một chiếc máy bay thả hai quả bom". Phóng viên Reuters cũng nghe thấy những tiếng nổ gần đó.

Chiều qua, các phiến quân IS tăng cường bắn pháo vào Kobani. "Chúng không đánh giáp lá cà, mà chúng nã pháo từ khoảng cách xa, điều đó chứng tỏ chúng đã bị đẩy lui một quãng", Gok cho biết thêm.


Trong khi đó, người thân của các chiến binh người Kurd lại nhìn nhận tình hình tiêu cực hơn. Sehahmed, 42 tuổi, người vừa đưa tang con trai là chiến binh của Đơn vị Phòng vệ Nhân dân (YPG), lực lượng chính ở Syria chống lại IS, đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ không can thiệp kịp thời để cứu Kobani.

"Họ chỉ đứng nhìn mọi người bị giết hại trong nhiều ngày. Ông Obama cũng đến muộn. IS đang ở trong thị trấn, chúng đang ở trên các con phố. Các cuộc không kích không giúp ích gì, chúng chỉ làm chậm lại bước tiến của IS. Quá muộn với chúng tôi. Chúng tôi phải đối diện với thảm kịch liên tiếp".

Sau gần một tháng giao tranh ở Kobani, các chiến binh người Kurd hôm 13/10 giành được quyền kiểm soát ở phía tây thị trấn. Hai ngày qua, từ làng Mursitpinar thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, người dân Syria đến lánh nạn vẫn nghe rõ những tiếng súng, pháo nã và không kích từ Kobani.

Lực lượng của người Kurd từ Iraq cho biết đã gửi đạn dược cho người Syria chống lại IS ở Kobani. Nhưng người Kurd ở Syria nói họ không thể nhận được nếu Thổ Nhĩ Kỳ không mở đường. Washington cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Mỹ dùng căn cứ không quân của nước này để thực hiện các cuộc không kích. Tuy nhiên Ankara cho biết họ chỉ đang thảo luận.

Tại Iraq, lực lượng người Kurd và quân đội chính phủ đẩy lui IS ở một số khu vực phía bắc trong vài tuần gần đây, nhưng IS lại tiến lên ở phía tây, chiếm thung lũng Euphrates, tiến gần tới thủ đô Baghdad. Hôm qua Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông quan ngại sâu sắc tình hình ở Kobani và khẳng định liên minh sẽ tiếp tục tăng cường các cuộc không kích cả thị trấn này và Anbar, Iraq.

Khánh Lynh - vnexpress
Biên soạn lại bởi VNTimes24h

Dịch sởi “tái xuất” tại nhiều địa phương

Sau một thời gian tạm yên ắng, dịch sởi lại đang có dấu hiệu trở lại, nhất là các địa bàn có tỷ lệ tiêm vét rất thấp. Đã ghi nhận những ca bệnh tại Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và gần đây nhất là Nghệ An.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo mà Cục nhận được từ Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An, thì dịch sởi đang xảy ra tại  bản Piêng Cooc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Theo đó tại địa phương này đã ghi nhận 49 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi; chủ yếu 1-12 tuổi.

“Đây là bản của đồng bào dân tộc H’Mông và Thái, là khu vực này giáp với một bản của Lào đang có dịch sởi. Điều kiện giao thông đi lại ở đây rất khó khăn, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi các năm trước đây thấp nên có nguy cơ bùng phát dịch sởi”, TS Phu nói.

Trước diễn biến dịch sởi tại đây, để kịp thời khống chế, không để lan rộng dịch, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đề nghị cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm để tiến hành cách ly, xử lý ổ dịch một cách triệt để; tập trung các nguồn lực tổ chức, khám, điều trị chăm sóc và cách ly các bệnh không để xảy ra các trường hợp tử vong cũng như lây chéo trong cơ sở y tế. Đồng thời, cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động xuống địa bàn để hỗ trợ địa phương cứu bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu địa phương tổ chức tiêm chủng vắc xin ngay đối với các huyện, xã thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có nguy cơ xảy ra dịch.

Đáng nói, trước khi dịch sởi xảy ra tại nhiều địa phương, con số tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vắc xin được báo cáo “rất đẹp”, đến 90% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đúng lịch. Thế nhưng dịch vẫn xảy ra, và phần 10% xót lại thường rơi vào các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, điều kiện đi lại khó khăn.

“Như Nghệ An báo cáo tỷ lệ tiêm chủng của cả tỉnh đạt rất cao trên 96% nhưng có xã lại rất thấp. Và đây là lý do dù tỷ lệ tiêm chủng chung rất cao nhưng dịch sởi vẫn xảy ra tại các vùng “lõm tiêm”. Và đây là trách nhiệm của các địa phương, các địa phương cần tìm các phương án để tăng tỷ lệ tiêm chủng tại các xã vùng sâu, vùng xa này”, ông Phu nói.

Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi – rubella cho 23 triệu trẻ em trong độ tuổi 1 – 14 tuổi cũng đang diễn ra trên toàn quốc. “Bộ Y tế yêu cầu tỷ lệ tiêm mũi sởi-rubella phải đạt 95-100%, không phải trên quy mô tỉnh mà xã. Nếu không cứ để một xã cao, xã bên cạnh thấp thì bệnh sẽ rất dễ lây lan. Các tỉnh phải thống kê từ xã, huyện, tỉnh; sau này điều tra địa phương không tiêm được 95% thì nơi đó phải chịu trách nhiệm. Bộ có kiểm tra giám sát, nhưng chính quyền địa phương vẫn là chính”, cục trưởng Phu nói.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng rất lo ngại những khó khăn trong chiến dịch tại các vùng sâu, vùng xa này. Vì thế, để chuẩn bị tốt cho chiến dịch, tại các vùng khó khăn, Bộ Y tế đã có sự phối hợp với chính quyền, với bộ đội biên phòng, quyết tâm triển khai tiêm vắc xin tới những địa phương dù khó khăn nhất. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương cần tổ chức tiêm vét hợp lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ trẻ bị bỏ sót tiêm chủng sau hoãn tiêm.

Hồng Hải (Dân trí)
Biên soạn bởi VNTimes24h

Giáo sư Mỹ lấy ví dụ Việt Nam để gợi ý lối thoát cho tình hình Trung Đông

Giáo sư nổi tiếng Noam Chomsky phát biểu, Palestine cần đẩy mạnh sự ủng hộ của dân chúng Mỹ để tạo áp lực thay đổi chính sách của nước này đối với khu vực Trung Đông, giống như phong trào phản chiến của người Mỹ trước đây đã góp phần giúp kết thúc cuộc chiến tại Việt Nam.
Giáo sư Noam Chomsky
Noam Chomsky là nhà hoạt động cũng như nghiên cứu về chính trị rất nổi tiếng tại Mỹ. Ngày 14/10, ông đã có cuộc trao đổi với báo giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, về vấn đề Trung Đông.
GS. Chomsky phát biểu, bên cạnh những hoạt động ngoại giao ở tầm quốc tế để đưa đến một giải pháp cho tình hình Trung Đông, chính quyền Palestine cần tập trung vào việc huy động sự ủng hộ của người dân Mỹ cũng như của các nước Châu Âu, nhằm tạo áp lực để chính quyền các nước này thay đổi chính sách đối với khu vực Trung Đông.
Ông Chomsky nhớ lại, đầu thập niên 1960 khi sống ở Boston, ông đã bắt đầu các cuộc nói chuyện tại các phòng khách, các nhà thờ, nhằm vận động cho việc phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam. Tới ngày 16/10/1965, thanh niên Boston đã cùng người dân nhiều nước đồng loạt tổ chức “Ngày Biểu tình Quốc tế phản đối cuộc chiến tại Việt Nam”. Cuộc biểu tình trở thành bạo loạn, và chính giới cũng như cả báo chí Mỹ lúc đó đã chỉ trích gay gắt sự kiện này.
Kết quả là tới tháng 3/1966, trong khi nhiều nước tiếp tục tổ chức “Ngày Biểu tình Quốc tế” lần thứ hai, thì tại Boston các nhà hoạt động không thể tổ chức biểu tình công khai được nữa mà chỉ tụ họp các nhóm nhỏ ở các nhà thờ. Tuy nhiên, theo ông Chomsky, chỉ một thời gian ngắn sau đó khi cuộc chiến leo thang, phong trào phản chiến trở nên ngày càng rầm rộ tới mức không lực cản nào chống lại được, và cuối cùng đã góp phần quan trọng khiến Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam.
Ông Chomsky nhấn mạnh, việc vận động người dân hiện nay cần đặc biệt chú trọng vào tăng cường đối thoại, tranh luận lành mạnh, với mục đích cung cấp thông tin để người dân Mỹ hiểu đúng về tình hình Trung Đông, tránh dẫn tới những động thái cực đoan, bạo lực.
“Người Việt Nam, Nicaragua, Timor đều đã hiểu tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự đoàn kết và ủng hộ từ người dân Mỹ tới mức họ có thể tác động tới sự điều chỉnh của chính sách”, ông Chomsky nói.
Theo chuyên gia này, mặc dù hiện nay thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vẫn đang duy trì và tạo ra rất nhiều rào cản cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông, nhưng đã bắt đầu có một số tín hiệu tích cực. Trong đó, ông Chomsky đánh giá cao việc ngày 13/10 vừa qua Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua nghị quyết không bắt buộc về việc nước này công nhận Nhà nước Palestine.
Mặc dù nghị quyết không có tính bắt buộc, nhưng báo chí đã chỉ ra rằng nó có tính biểu tượng. Theo ông Chomsky: “Điều này có tác động tới chính sách của Anh. Điều này hàm ý rằng người dân Châu Âu, và ở một mức độ nào đó là cả ở Mỹ, muốn cách biệt mình ra khỏi những hành động của Israel”.
Trước đó, chính quyền Thụy Điển đã tuyên bố họ đang chuẩn bị cho việc công nhận nhà nước Palestine, và như vậy nước này sẽ trở thành quốc gia Tây Âu quan trọng đầu tiên làm việc này. Pháp cũng đã hé lộ rằng họ đang xem xét hành động tương tự, nhưng chưa có dự kiến cụ thể.
Ông Chomsky nhận định: “Việc có nhiều động thái hơn theo hướng này từ phía Châu Âu sẽ củng cố những nỗ lực tại Mỹ nhằm tạo áp lực để chính quyền Mỹ phải thuận theo thế giới trong vấn đề này”.
GS Noam Chomsky hiện công tác tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông sinh năm 1928, được biết đến với nhiều vai trò như nhà khoa học, triết gia, nhà ngôn ngữ học, nhà văn hóa, nhà hoạt động và nghiên cứu chính trị. Ông đã xuất bản hơn 100 cuốn sách, và được đánh giá là một trong những nhân vật kiệt xuất, có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Tuấn Anh (Dân trí)
Biên soạn lại bởi VNTimes24h

Tuesday, October 14, 2014

Nghịch cảnh người lớn thất nghiệp và 1,75 triệu lao động trẻ em

Mới đây, báo cáo của bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết có tới 1,75 triệu lao động trẻ em đang phải làm việc để mưu sinh, nuôi sống những người khác. Đây là con số khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.
Trên thực tế, lao động trẻ em đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Làm sao để ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động trẻ em, làm sao để trẻ em có được cuộc sống mà đáng ra các em phải được hưởng? Vì sao hàng triệu trẻ em phải còng lưng kiếm sống cho bản thân và ngược đời là lại kiếm sống nuôi cả những người đáng ra phải nuôi nấng và chăm lo cho các em. Dường như bài toán khó được đặt ra, còn câu trả lời vẫn là một dấu hỏi treo lơ lửng...
Thực tế nhức nhối lòng người
Theo ghi nhận của nhóm PV báo Đời Sống và Pháp Luật, hầu hết các tỉnh thành đều có tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Một thực tế đáng báo động, tại nhiều vùng quê, ngoài việc không được đến trường, trẻ còn phải lao động hầu như cả ngày. Tại chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ), có hàng chục đứa trẻ phải theo cha mẹ buôn bán, bốc vác hàng hóa hay làm các công việc nặng nhọc khác. Giải thích cho những điều này, nhiều bậc cha mẹ cho biết vì hoàn cảnh nghèo nên không còn cách nào khác là phải cho con em lao động.
Nhiều trẻ em phải theo cha mẹ mưu sinh ngày đêm ở chợ nổi Cái Răng.
Như tin tức báo báo Đời Sống và Pháp Luật đã phản ánh trước đây, dư luận tại TP. HCM bức xúc bởi việc hai cơ sở may mặc trên đường Trần Tấn (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) do ông Nguyễn Văn Túy (36 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) và ông Hoàng Văn Việt (52 tuổi, quê ở tỉnh Bắc Giang) làm chủ, hai cơ sở này bắt gần 20 trẻ (12 - 16 tuổi) phải lao động 12 - 14 giờ/ngày, không được đi ra ngoài chơi, không được nghỉ ngày lễ và không được sử dụng điện thoại. Số lao động này sau đó được nhà chức trách phát hiện, giải cứu và đưa các em về gia đình của mình. Từ vụ việc gây bức xúc đó, các cơ sở có sử dụng lao động trẻ em trở nên cảnh giác hơn, nên các cơ quan chức năng cũng rất khó phát hiện.
Với giá nhân công rẻ mạt, điều kiện lao động không đảm bảo, người lao động ngoài được hưởng tiền lương, thì không được hưởng bất kỳ một quyền lợi nào theo Luật Lao động. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thực tế có đến hàng trăm lao động chưa thành niên (từ 12 – 15 tuổi) đang bị vắt kiệt sức tại các cơ sở sản xuất tại TP. HCM. Hơn 22h trên các con đường Huỳnh Văn Nghệ (quận Tân Bình), đường Trần Tấn (quận Tân Phú)... hàng chục cơ sở may vẫn sáng đèn. Rất đông lao động trẻ em ngồi bên máy may miệt mài làm việc. Rất khó để tiếp cận được những cơ sở này nếu không phải là người quen. Theo phản ánh của một người dân cạnh một cơ sở may trên đường Trần Tấn, chủ các cơ sở này hầu như không cho ai tiếp cận, nếu không có lý do chính đáng.
Theo tìm hiểu, đa phần những lao động trẻ em bị bóc lột sức lao động tại các cơ sở ở TP. HCM đều là những em thuộc các vùng quê nghèo. Vì cuộc sống khó khăn, được nhiều cò lao động lôi kéo, hứa hẹn trả lương cao khi làm việc, nên gia đình các em đồng ý. Em T.N.L (14 tuổi, ngụ xã Hòa Tiến, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Em và nhiều người trong xã được một phụ nữ đưa xuống TP. HCM và được dẫn vào cơ sở may C.P (đường số 4, P. Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) làm việc. Tụi em phải làm từ 6h sáng đến 19h hằng ngày và không được trả lương theo tháng. Chủ nói sẽ trả theo năm, nếu ai nghỉ ngang sẽ không được trả lương”.
Xử lý không triệt để sẽ gia tăng nạn bóc lột lao động trẻ em
Nếu như năm 2010, thống kê của cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em (bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cả nước có tới 28.910 trẻ em làm việc trong điều kiện độc hại, 21.230 trẻ em đường phố. Thì đến tháng 9/2014, số lao động trẻ em đã lên gần hai triệu người. Số lao động trẻ em đang tăng lên từng ngày và hình thức sử dụng lao động trẻ em cũng rất tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng. Tại TP. HCM, người dân có thể chứng kiến nhan nhản hình ảnh những đứa trẻ còn chỉ mới độ tuổi tiểu học đã phải bán vé số, kẹo bánh, hoa tươi, xin ăn... Thậm chí, những đứa trẻ trong độ tuổi từ 1-10 tuổi đã bị những tên “cai ăn mày” đánh đập, dọa nạt, bắt phải đi ăn xin rồi mang tiền về cống nạp cho chúng.
Ngoài việc trẻ em phải lao động cực nhọc, có sự quản lý và dọa nạt của người lớn, thì nhiều trẻ tại thành thị đang phải sống lang thang, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và nuôi sống người khác. Theo sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM, công tác thanh kiểm tra được các phòng liên quan của Sở phối hợp kiểm tra xử phạt nên tình trạng lao động trẻ em có phần giảm so với thời gian trước. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở khi bị kiểm tra phát hiện lao động trẻ em lại chống chế rằng đó là người nhà, người đến học việc. Những trẻ em lang thang hoặc nhà nghèo bị cha mẹ đưa ra đường để mưu sinh thì rất khó xử lý. Chỉ dừng lại ở việc động viên, tuyên truyền cho các bậc cha mẹ hạn chế bắt trẻ phải lao động chứ không thể theo dõi thường xuyên được.
Hiện, Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về lao động trẻ em và trẻ em làm việc. Theo quy định, nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi thì thời gian làm việc khoảng 1 giờ/ngày được gọi là trẻ em làm việc chứ không phải là lao động trẻ em. Tương tự với nhóm tuổi 12-14 thì thời gian làm việc phải dưới 4 giờ/ngày, độ tuổi 15-17 không được làm việc quá 7 giờ/ngày được gọi là trẻ em làm việc. Nếu trẻ em làm quá số giờ trên hoặc làm các công việc nguy hiểm, độc hại, công việc cấm trẻ em tham gia thì sẽ trở thành lao động trẻ em. Chính sự nhập nhằng trong việc phân biệt này nên nhiều vụ việc sau khi bị phát hiện đã không thể xử lý một cách triệt để.
Ví dụ đường dây chăn dắt ăn xin của vợ chồng Nguyễn Trọng Quế (SN 1964, quê tại thôn 6, Quảng Lộc, Quảng Xương, Thanh Hóa) cùng vợ là Nguyễn Thị Hồng (SN 1966, cùng quê như trên, tạm trú quận 12, TP.HCM) đã từng được báo ĐS&PL phanh phui và báo với chính quyền địa phương nơi họ tạm trú để xử lý. Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt, vợ chồng Hồng – Quế lại chuyển chỗ trọ của những người trong đường dây này và hoạt động một cách tinh vi hơn. Gần đây, PV lại được bạn đọc phản ánh đường dây ăn xin sử dụng trẻ em này tái hoạt động tại quận 12.
Việc xử phạt hành chính hay yêu cầu cặp vợ chồng này về quê lại không mang lại hiệu quả. Những đứa trẻ trong đường dây này lại phải nai lưng kiếm tiền cho chúng. Xử phạt không nghiêm, lại ít có kiểm tra sau khi xử phạt, nên tình trạng các cơ sở lao động trẻ em, các đường dây chăn dắt trẻ em ăn xin vẫn ngang nhiên, tìm chỗ mới tiếp tục hoạt động. Nhiều chủ cơ sở sử dụng lao động trẻ em tiết lộ rằng, trẻ em có thể tăng năng suất và làm việc hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm hơn người trong độ tuổi lao động, nhưng các chủ cơ sở chỉ phải trả tiền lương ít hơn. Chính sự mất cân bằng đó, đang khiến “thị trường lao động” là trẻ em hấp dẫn hơn với các chủ cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong ngành may mặc.
Bà Nguyễn Lý Ngọc Thu, Phó Chánh Thanh tra sở Lao động –Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết: “Trẻ em thường ít kháng cự và hầu như không có yêu sách cụ thể nên dễ sai khiến, ép buộc, bắt nạt. Chúng tôi kiểm tra và xử lý nhiều cơ sở có sử dụng lao động trẻ em, nhưng các chủ cơ sở chống chế rằng đó là người nhà, anh em họ hàng của họ. Bắt trẻ em phải làm việc mưu sinh là điều đáng lên án. Để hạn chế được tình trạng bắt trẻ em phải làm việc nhiều giờ trong ngày, ngoài việc kiểm tra của các cơ quan Nhà nước, thì những người dân sống gần các cơ sở nghi có sử dụng lao động trẻ em cần mạnh dạn trình báo với chính quyền địa phương để phối hợp xử phạt.
Những con số biết nói
Theo báo cáo của bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thực trạng lao động trẻ em từ kết quả cuộc điều tra quốc gia được thực hiện từ năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% số trẻ em trên cả nước. Trong số đó, 55% số lao động trẻ em không được đi học, tỉ lệ các em phải làm việc bình quân trên 42 giờ/tuần (6 tiếng/ngày) chiếm tới hơn 32% số lao động trẻ em với tỉ lệ trên 96% không được đến trường. Trẻ em cũng có độ tuổi bắt đầu làm việc khá sớm, phổ biến từ 12 tuổi trở lên.
Mới đây, bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tỷ lệ thất nghiệp quý II năm 2014 ở Việt Nam hiện nay chỉ có 1,84%. ở các nước phát triển tỷ lệ thất nghiệp 7-8%. Dó đó tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam khiến nhiều chuyên gia cho rằng quá phi lý, phản ánh thiếu chính xác và không thực tế. Bản tin cập nhật thị trường lao động số 2, quý II do bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 1/7 cả nước có hơn 1,045 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, đặc biệt, trong đó có tới 162.400 người có trình độ đại học trở lên.
Một số vụ việc liên quan đến sử dụng lao động trẻ em, trẻ em bị bóc lột sức lao động được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây khiến dư luận rấc bức xúc như vụ giải cứu 21 lao động trẻ em từ 12 – 16 tuổi đến từ các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Giang... làm việc tại hai xưởng may (quận Tân Phú, TP. HCM). Gần đây, hai lao động trẻ em ở Thanh Hóa bị bóc lột sức lao động tại bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam). Đầu năm nay tỉnh Đắk Lắk cũng phát hiện 85 trẻ em (từ 9-17 tuổi) tại các huyện Lăk, Krông Bông, Krông Păk. Với thủ đoạn tinh vi “cò” lao động về tận quê, các vùng sâu vùng xa rao tìm lao động lương cao để dụ dỗ trẻ em đưa vào TP.Hồ Chí Minh để làm việc tại các xưởng may hoặc cơ sở kinh doanh.
PV

Monday, October 13, 2014

Những sai lầm của mẹ khiến bé lùn tịt

Làm mẹ ai cũng muốn con cái có vóc dáng đẹp và khỏe mạnh, chị em sẵn lòng chi rất nhiều tiền để có thể dành những điều tốt đẹp nhất cho những đứa con thân yêu của mình. Cũng chính vì điều này đã vô tình các bà mẹ làm kìm hãm sự phát triển của các bé khi cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm để tăng chiều cao mà không quan tâm đến các thực phẩm khác.

Ngày nay, các bà mẹ vẫn hay truyền nhau câu nỏi “nuôi con chiều dài chứ không ai nuôi con chiều ngang”. Có thể thấy được, vấn đề cải thiện chiều cao cho thế hệ sau đang rất được xã hội quan tâm. Chị em không tiếc tiền mua sữa ngoại, thuốc bổ sung canxi, vitamin D, cho bé ăn nhiều tôm cua hải sản…chỉ để con sau này có chiều cao lý tưởng.

Tuy nhiên, một số bà mẹ dường như đã quá lạm dụng thực phẩm để ‘nhồi nhét’ . Việc nuôi con không theo kiến thức khoa học sẽ chỉ ‘lợi bất cập hại”.

Liên quan đến vấn đề tăng chiều cao cho trẻ, tất cả các bà mẹ đều biết rằng để con phát triển chiều cao, ta cần bổ sung cho bé những thực phẩm giàu canxi. Tuy nhiên, bổ sung như thế nào và liều lượng ra sao không phải bà mẹ nào cũng rõ..

Xin liệt kê ra đây những lỗi “kinh điển” của các bà mẹ Việt bất cẩn chúng ta:

1. Chỉ ninh xương nấu cháo cho con

Lỗi “khổ lắm nói mãi” này thực ra vẫn rất nhiều bà mẹ Việt mắc phải. Vì muốn con hấp thụ canxi để phát triển chiều cao, nhiều mẹ thường mua xương ống ninh lấy nước nấu cháo cho con ăn hàng ngày.

Trên thực tế, trong xương có nhiều canxi nhưng đều ở dạng vô cơ rất khó hấp thụ. Khi ninh nấu dù tốn bao nhiêu giờ, lượng canxi này vẫn tồn tại trong xương là chính chứ không hòa tan ra nước dùng. Muốn trẻ hấp thụ canxi từ xương, có lẽ mẹ phải cho bé ăn…nguyên khúc.

2. Vỏ tôm không chứa nhiều canxi như mẹ tưởng

Rất nhiều bà mẹ không tiếc tiền mua hẳn loại tôm sú 400.000 – 500.000 VND một kg để rim hoặc hấp luộc cho con ăn cả vỏ rồi ‘ôm mộng’ cơ thể bé sẽ hấp thụ thêm được nhiều canxi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực chất vỏ tôm không có chất canxi. Vỏ tôm cấu tạo từ chitin, tương tự như vỏ của con giun đũa, côn trùng. Thực sự nó không có nhiều giá trị dinh dưỡng so với thịt tôm. Ăn nhiều vỏ tôm có thể gây trĩ nhưng ăn ít thì cũng có tác dụng như một loại chất xơ chống táo bón. Nguồn canxi chính của tôm lại chủ yếu ở thịt, chân và càng. Nếu ăn phải vỏ tôm, hệ tiêu hóa của trẻ cũng không hấp thụ được và sẽ bài tiết ra ngoài. Đối với trẻ nhỏ nên bóc vỏ tôm để trẻ không bị hóc hay đau miệng do vỏ dày đâm phải.

Lượng canxi trong vỏ tôm rất ít, lại là loại canxi khó tiêu (ảnh minh hoạ)

Nếu mẹ quá “tiếc” vỏ tôm, có thể xay nhuyễn rồi đun lấy nước ngọt dùng quấy bột, nấu cháo cho trẻ sẽ có tác dụng tăng hương vị, ngọt nước.

3. Ăn váng sữa thay sữa

Trẻ biếng ăn sữa thì nhiều nhưng hiếm có bé nào lại biếng ăn…váng sữa. Với quan niệm “váng sữa là những gì tinh tuý nhất của sữa”, nhièu mẹ Việt thường cho con ăn vô tội vạ và lạm dụng loại thực phẩm này. Tuy nhiên trên thực tế, để làm ra chỉ 1 kg váng sữa người ta phải cần tới 100kg sữa. Trong khi đó, nhiều loại váng sữa nhập khẩu từ Đức, Pháp… lại có thành phần chủ đạo là “sữa nguyên chất”, “sữa nguyên kem”, hoặc ghi chung chung là sữa. Tên gọi “váng sữa” chỉ là tên Việt hoá của các sản phẩm hiên có trên thị trường. Váng sữa nhiều chất béo và chỉ nên dành cho các bé suy dinh dưỡng, cần tăng cân chứ không có tác dụng thay thế sữa tươi. Cho con ăn váng sữa thay sữa là mẹ đã gián tiếp hạn chế chiều cao trẻ.

4. Cho trẻ ăn quá nhiều thịt bò

Mẹ biết rằng thịt bò chứa rất nhiều sắt, nhiều protein và rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, sự thật là, những người hay ăn thịt bò lại là những người thiếu canxi nghiêm trọng. Bởi vì bản thân thịt bò chứa rất ít canxi. Đồng thời, trong thịt bò còn giàu các nguyên tố có tính axit, chủ yếu là phốt pho, lưu huỳnh và clo – nguyên nhân khiến máu có tính axit. Khi trong máu có axit cơ thể phải dùng canxi trong thực phẩm và canxi trong xương để trung hòa, từ đó tăng sự bốc hơi canxi và giảm hấp thụ canxi trong cơ thể. Cho nên, nếu bé đang thiếu canxi mẹ nên cho bé ăn vừa đủ thịt bò, bổ sung thêm các loại hải sản và thịt trắng khác.

Thịt bò nhiều axit khiến cơ thể phải dùng canxi để trung hoà, dẫn đến mất canxi ở trẻ nếu ăn quá nhiều (ảnh minh hoạ)

5. Nấu cải bó xôi cùng với hải sản

Đậu, khoai lang và cải bó xôi là những thực phẩm có chứa rất nhiều axit Phytic. Axit này sẽ liên kết với canxi trong cơ thể tạo thành muối. Kết quả là canxi chẳng được hấp thụ vào cơ thể bé mà thậm chí vì lý do sức khỏe, cơ thể trẻ sẽ còn “trục xuất” các hợp chất muối mới này dưới hình thức chất thải. Do vậy, nếu mẹ đã mua tôm, cua hay các loại hải sản cho con ăn thì mâm cơm hôm đó của bé nên tránh có đậu, đậu phụ, khoai lang và rau cải bó xôi. Nếu không sẽ chỉ là phí hoài.

6. Sữa chua hộp và sữa chua nước là như nhau

Hiện nay trên thị trường, ngoài những loại sữa chua lên men từ sữa nguyên chất được đóng hộp dạng dẻo còn có rất nhiều những loại sữa chua dạng nước được gọi với cái tên thông dụng là “sữa uống lên men”. Sữa chua dạng nước có thành phần chủ yếu là sữa bò hoặc bột sữa, đường, axit chua, axit chanh hoặc axit táo, hương liệu, chất bảo quản… Nhiều phụ huynh tin rằng sữa chua và sữa chua dạng nước đều tốt cho sức khỏe của trẻ và giúp bé phát triển chiều cao.

Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị dinh dưỡng của 2 loại sữa chua này hoàn toàn khác biệt. Dinh dưỡng trong sữa chua dạng nước chỉ bằng 1/3 so với sữa chua nguyên chất, do đó, không thể dùng thay thế cho nhau. Nếu muốn con tang chiều cao tốt, mẹ nên ưu tiên cho bé ăn sữa chua hộp.

7. Cho con uống nhiều nước uống có ga

Bọt khí trong nước uống có ga chứa chất hóa học “ăn mòn” canxi của xương, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao của bé. Con bạn có thể bị lùn hơn so với ngưỡng chiều cao mà bé có thể đạt được nếu như mẹ cho bé uống nước có ga quá nhiều.

Các chuyên gia y tế khuyên mẹ nên thay loại đồ uống này. Chẳng hạn mẹ có thể cho bé uống nước chanh, hay cam… đây là loại thức uống rất tốt cho thể chất và tinh thần của bé, lại chứa nhiều vitamin C, D, A – tốt cho quá trình chuyển hóa, hỗ trợ hấp thu canxi cho cơ thể.

Để trẻ phát triển khỏe mạnh và đạt được vóc dáng như ý, các bà mẹ nên cho con ăn đa dạng thực phẩm với nhiều loại vitamin khác nhau, không nên chỉ tập trung vào một vài loại thực phẩm. Điều này không những không có lợi mà vô hình còn gây hại cho trẻ.

Người dùng Windows 10 sẽ được nâng cấp miễn phí

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, sắp tới Microsoft sẽ không còn lựa chọn nào ngoài việc cung cấp cho khách hàng những phiên bản nâng cấp miễn phí sau Windows 10.
Trong hội nghị công nghệ hàng năm, theo Michael Silver - Chuyên gia công nghệ của tổ chức nghiên cứu thị trường toàn cầu (Gartner), "nếu Microsoft muốn người dùng tiếp tục nâng cấp và sử dụng sản phẩm của họ trong tương lai, thì hãng sẽ phải cung cấp miễn phí những bản cập nhật đó. Đây là cách duy nhất để mọi việc có thể ‘'thuận buồm xuôi gió'' theo tính toán của công ty."

Như vậy, sau khi Windows 10 ra mắt, người dùng có thể sẽ không còn phải suy nghĩ về chuyện tiền bạc mỗi khi bản cập nhật hoặc nâng cấp xuất hiện. Bên cạnh đó, Microsoft còn đặt niềm tin vào Windows 10 sẽ trở thành biểu tượng cho một hệ điều hành hoàn hảo trong khoảng thời gian lâu dài hơn, khác với vòng đời 3 năm như thường lệ (từ Windows 7 lên Windows 8).

Theo những nhà phân tích tại các diễn đàn và hội thảo công nghệ uy tín, đây gần như là một hệ quả tất yếu để Microsoft có thể duy trì được vị trí độc tôn của mình như một nhà cung cấp nền tảng hệ điều hành hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, việc miễn phí nâng cấp này cũng sẽ gây những ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp PC. Khi mà từ trước tới nay, mỗi phiên bản hệ điều hành mới xuất hiện lại tạo nên những "cú hích" tăng trưởng về doanh số bán hàng.
Đồng nghiệp của Michael Silver, Stephen Kleynhans còn cho biết thêm, "rất nhiều công ty đã và đang thể hiện sự e ngại về vấn đề họ không thể bắt kịp nhịp độ cập nhật càng ngày càng nhanh của Windows (bản cập nhật liên tục xuất hiện, từ phiên bản Windows 8 rồi đến 8.1,…). Bởi vậy Microsoft đã quyết định "chiều lòng" các doanh nghiệp và người dùng bằng cách, thay vì thực hiện cập nhật hàng năm cho sản phẩm, thì tới đây hãng sẽ tiến hành cập nhật theo từng tháng một và hứa hẹn sẽ bắt đầu từ phiên bản Windows 10 trở đi. Bằng cách này, các công ty sẽ có thể dễ dàng theo dõi sự cập nhật của Microsoft hơn thay vì phát hành rải rác theo từng năm như trước."

Có thể thấy, đây là một tín hiệu tích cực về sự tương tác đang ngày một tăng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Hi vọng rằng, trong tương lai, việc sở hữu Windows bản quyền sẽ không chỉ còn là mơ ước của đại đa số người sử dụng PC.

Hoàng Anh

Theo ComputerWorld

Monday, October 6, 2014

Đồng hồ thông minh chạy được Windows 95

Chiếc đồng hồ thông minh Samsung Gear Live vẫn chạy trơn tru hệ điều hành Windows 95 của Microsoft.

Windows 95 hồi sinh trên smartwatch?
Chuyện tưởng như đùa này có được thực hiện nhờ phần mềm aDosBox. Ứng dụng Android này có thể tạo ra môi trường giả lập cho phép hệ điều hành x86 (trong trường hợp này là Windows 95) có thể chạy trên nền kiến trúc ARM. Thiết bị được chọn thử nghiệm là chiếc đồng hồ thông minh Gear Live (chạy Android Wear). Với cấu hình phần cứng gồm màn hình 1.6 inch, vi xử lý 4 nhân Qualcomm Snapdragon 400, RAM 512 MB, bộ nhớ trong 4 GB, Gear Live tỏ ra mạnh mẽ hơn nhiều so với những chiếc PC cách đây 20 năm.
Có lẽ bạn sẽ tự hỏi làm cách nào để thao tác trên Windows 95 với một màn hình nhỏ như vậy? Độ phân giải màn hình sẽ ảnh hưởng một phần đến khả năng hiển thị nhưng nhìn chung các tính năng cơ bản của hệ điều hành Windows 95 đều có thể hoạt động trên Gear Live. Dù vậy, máy vẫn hoạt động khá chậm chạp.

Tất nhiên đây chỉ là một thử nghiệm vui và nhà sản xuất cũng không khuyến cáo người dùng chuyển qua dùng Windows 95 cho Gear Live. Nguyên nhân chính là bởi các tính năng được thiết kế riêng cho smartwatch gần như không thể hoạt động với hệ điều hành đã nhiều năm tuổi của Microsoft. Nhưng dù sao đây có thể là một gợi ý để Microsoft tung ra một phiên bản hệ điều hành Windows dành riêng cho các smartwatch trong tương lai.

Minh Trung

Theo Phonearena

Saturday, October 4, 2014

IS tung video chặt đầu con tin người Anh

Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 3/10 đã tung một video quay cảnh con tin người Anh Alan Henning bị chặt đầu. 
Con tin người Anh Alan Henning trước khi bị hành quyết. 
Đoạn video, được tổ chức theo dõi khủng bố SITE tìm thấy trên mạng, bắt đầu với một thông tin về việc quốc hội Anh bỏ phiếu cho phép các cuộc không kích chống lại IS tại Iraq vào tuần trước.
Sau đó, đoạn video chuyển sang hình ảnh của con tin Henning, người đang quỳ gối trên sa mạc và mặc bộ quần áo màu vàng giống tù nhân, trong khi một phiến quân đội khăn trùm kín mặt tay cầm dao đứng cạnh anh.
Henning giải thích trước ống kính máy quay rằng, với tư cách là một công dân Anh, anh đã bị buộc phải trả giá cho cuộc bỏ phiếu tại quốc hội. Tiếp đến, phiến quân, người cũng nói giọng Anh giống kẻ giết người trong đoạn video hành quyết con tin Anh David Haines trước đó, đã nói vài lời gửi tới Thủ tướng Anh David Cameron.
"Máu của David Haines đã ở trên tay ông, Cameron. Alan Henning sẽ bị giết, nhưng máu của anh ta ở trên tay quốc hội Anh", tên phiến quân chùm đầu tuyên bố, trước khi cắt cổ con tin Henning.
Đoạn video kết thúc với lời đe dọa sát hại một con tin khác, nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig.
Thủ tướng Cameron đã xác nhận đoạn video có vẻ là thật và lên án cực lực vụ giết người.
Ông Cameron cũng tuyên bố Anh sẽ làm tất cả những gì có thể để "truy lùng những kẻ giết người này và đưa chúng ra công lý".
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ngay lập tức lên án vụ hành quyết nhân viên cứu trợ người Anh.
Henning, một tài xế taxi 47 tuổi từ Salford, bố của 2 con, đang chuyển hàng cứu trợ tới Syria vào tháng 12/2013 thì bị các phiến quân IS bắt giữ làm con tin.
Trước đó, IS cũng đã công bố các video quay cảnh hành quyết 2 nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff, và nhân viên cứu trợ người Anh David Haines.
Nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig. 
Các phiến quân đe dọa rằng Kassig, từ Indiana, sẽ là con tin phương Tây tiếp theo phải chết trừ khi Mỹ chấm dứt chiến dịch ném bom IS.
Kassig, người trong độ tuổi 20, là một cựu binh sĩ Mỹ từng phục vụ tại Iraq. Anh này đã trở lại Trung Đông để tìm cách thành lập một tổ chức nhân đạo.
Kassig từng được báo chí phương Tây phỏng vấn vào năm 2012 trước khi mất tích.
Trong một tuyên bố, gia đình Kassig cho hay anh này đã cải sang đạo hồi và tự lấy tên là Abdul Rahman Kassig.
Mỹ và một liên minh gồm các quốc gia Ả-rập và phương Tây, trong đó có Anh, đang tiến hành một chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Iraq và Syria.

An Bình
Theo AFP, BBC

Chữ “nhẫn” ở Đại tướng là bản lĩnh cao cường

“Theo tôi có được chữ “nhẫn” là phẩm chất rất quý, nhưng ở Đại tướng phải hiểu chữ này ở tầm cao hơn. Ở đây là bản lĩnh của Đại tướng mà người phương Tây dùng hình ảnh ẩn ý là “núi lửa phủ tuyết””.
Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí vào thời điểm một năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo Giáo sư Vũ Minh Giang chữ nhẫn ở Đại tướng là bản lĩnh cao cường
Theo Giáo sư Vũ Minh Giang chữ "nhẫn" ở Đại tướng là bản lĩnh cao cường

Thưa Giáo sư, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trương “đánh chắc, tiến chắc”, nhưng khi phát đi mệnh lệnh vào những ngày tháng 4 năm 1975 ông lại viết “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Là nhà nghiên cứu lịch sử, Giáo sư bình luận như thế nào về hai chỉ đạo có tính lịch sử mang tinh thần khác nhau này?
Đó chính là thiên tài của người làm quân sự. Nếu chỉ có một phong cách - đi đâu cũng “chậm chắc” thì có thể bỏ mất thời cơ. Vào những ngày tháng 4 năm 1975, không chỉ riêng Đại tướng mà cả Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy ý chí xâm lược của người Mỹ bị đánh bại. Họ không còn có tinh thần để quay lại thì ta phải quyết đánh thần tốc để tránh thay đổi tương quan trên chiến trường.
Cái tài của người cầm quân là lúc cần tính toán thì phải hết sức thận trọng, nhưng khi thời cơ đến cho giải phóng miền Nam mà đánh chắc tiến chắc có thể quân Ngụy rút từ Tây Nguyên về, co cụm lại lúc đó lối đánh trên có khi lại thất bại. Thời cơ đến chúng ta đánh nhanh là đẩy nhanh quá trình tan rã của quân địch.
Chúng ta đã ca ngợi vai trò cá nhân kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc kháng chiến, nhưng khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của một phóng viên nước ngoài “Vị đại tướng nào có vai trò quyết định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói... “Đại tướng nhân dân”. Đại tướng luôn là người khiêm tốn, thưa Giáo sư?
Người ta thường nói đó là sự khiêm tốn, khiêm nhường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng từ góc độ nghiên cứu, tôi thấy Đại tướng nói như vậy là thật lòng, nói đúng sự thật lịch sử.
Ở chiến dịch Điện Biên Phủ người Pháp đã tính toán sai vì họ chỉ nghĩ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nghĩ đến số lượng quân chỉ vài chục ngàn người của ta. Họ “thách” Đại tướng đánh bởi họ tính rằng khu vực đó chúng ta không thể huy động được hậu cần cho bộ đội khi hậu phương cách đó tới vài trăm kilomet. Từ đó, người Pháp cũng nghĩ nếu chiến tranh kéo dài thì chúng ta cũng tự thất bại.
Tôi còn nhớ một lần trả lời phỏng vấn, Đại tướng có nói những tướng lĩnh của Pháp không kém. Họ tính đúng hết, duy chỉ có một điều không nghĩ đến đó là chúng ta còn có một Đại tướng nữa - đó là “Đại tướng nhân dân”. Hàng trăm ngàn người, bằng tất cả phương tiện thô sơ như bè, mảng, xe thồ, gánh gạo kìn kĩn lên Điên Biên Phủ tiếp tế cho chiến trường.
Trong chiến tranh nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi là hậu cần, hậu phương, thiếu cái đó thì người có tài mấy cũng thua. Do vậy, dùng hình tượng “Đại tướng nhân dân” hay nhân tố quyết định là đúng với sự thật lịch sử.

Bên cạnh tài cầm binh, khi nói về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp người ta còn nói đến cả những lúc gian truân, những khúc quanh. Theo Giáo sư, có phải trong những lúc đó, cách ứng xử của Đại tướng, chữ “nhẫn” mà Đại tướng đề cao đã càng làm nên sự vĩ đại ở con người ông, thưa Giáo sư?
Theo tôi có được chữ “nhẫn” là phẩm chất rất quý, nhưng ở Đại tướng phải hiểu chữ này ở tầm cao hơn. Ở đây là bản lĩnh của Đại tướng mà người phương Tây dùng hình ảnh ẩn ý là “núi lửa phủ tuyết”. Khi ông “nhẫn” không phải vì cá nhân ông, không phải là chỉ nhịn mà vì đại cục, đại nghĩa. Ý thức, trách nhiệm của ông với tổ chức, với Đảng rất cao và thấy được cái đó mới thấy sự vĩ đại của chữ “nhẫn”. Ông có bản lĩnh cao cường vì trách nhiệm đối với sự nghiệp của cả dân tộc, đất nước.
Với góc độ của một nhà sử học, ông đánh giá như thế nào về vị trí, vai trò lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử Việt Nam hiện đại?
Những nhà sử học cho rằng Đại tướng là người chỉ huy quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Còn nhân dân muốn nâng Đại tướng lên một tầm nữa đó là Anh hùng dân tộc - tức là cùng hàng những người đánh thắng quân Mông Nguyên, quân Thanh như Đức Thánh Trần, Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Hoàn cảnh lịch sử đã sinh ra những con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và có những ý kiến cho rằng, phải khá lâu nữa, lịch sử mới lại có những con người có vai trò, vị trí lớn như vậy trong lòng người dân, thưa Giáo sư?
Những người ở cương vị cao đều là kiệt xuất, nhưng đến độ thiên tài thì không thường xuyên có. Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thiên tài - và chắc chắn không thường xuyên xuất hiện những người như vậy. Phải có hoàn cảnh lịch sử nhất định, có những chu kỳ nhất định mới có những người như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tên tuổi các tướng lĩnh như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… đã in những dấu ấn hào hùng. Theo ông, có nét tương đồng nào giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những tướng tài kiệt xuất trong lịch sử dân tộc?
Một cách rất tự nhiên, khi nghĩ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tôi hay liên tưởng tới Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đó là những vị tướng thấu hiểu vai trò của dân và khi rời bỏ cõi đời thì cả hai ông đều sống trong lòng dân.
Khi mắc trọng bệnh, Trần Quốc Tuấn đưa ra lời khuyên cho vua Trần Nhân Tông: “Ta thắng được giặc dữ là trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận vậy nên hãy khoan thư sức dân, đó chính là kế sâu dễ bền gốc, là thượng sách giữ nước”. Ý tưởng đó làm tôi liên hệ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên cũng rất xúc động nghe lời đáp từ của con trai cả Đại tướng cách đây một năm: Tất cả vinh quang mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dành cho Đại tướng chính là tình cảm của nhân dân dành cho Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Ý đó là rất đúng, ông chỉ hiện thân một con người với hình tượng của toàn dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có nét giống Nguyễn Trãi ở tài văn. Còn sự táo bạo trong cách đánh thần tốc của Đại tướng khiến chúng ta liên tưởng đến Quang Trung, khi hành quân thần tốc ra Bắc, đánh tan 29 vạn quân Thanh.
Theo tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người mà không thể so sánh hơn bằng với Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi hay Quang Trung... mà là sự tiếp thu, kế thừa sự nghiệp của bậc tiền nhân.
Những ngày Quốc tang Đại tướng một năm trước mang đến những rung cảm thiêng liêng trong hàng triệu trái tim người Việt Nam đương thời. Với Giáo sư, điều gì đọng lại nhiều nhất trong những ngày quốc tang Đại tướng ?
Sự ra đi của Đại tướng dù không đột ngột, nhưng khiến tôi rất xúc động. Còn điều đọng lại trong tôi cùng với hình ảnh thân quen, vĩ đại của Đại tướng còn có sự bừng tỉnh hơn về sức mạnh ý thức dân tộc, chủ nghĩa yêu nước. Tôi nghĩ rằng, có thể nhiều người xếp hàng vào viếng Đại tướng ở Hoàng Diệu không biết nhiều đến sự nghiệp của Đại tướng nhưng người ta thấy đây là hiện thân của một con người mà kẻ thù cũng phải kính nể. Điều này truyền cho các thế hệ không chỉ đương thời, kế cận mà cả thế hệ rất trẻ sau này.
Qua chuyện này, tôi mới chợt nhớ hình như trong huyết quản mỗi con người Việt Nam chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc rất mãnh liệt và có dịp lại bùng lên. Điều đó tiếp tục được chứng minh ở sự việc giàn khoan Hải Dương - 981...

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chọn Võ Nguyên Giáp là người đứng đầu quân đội ta, chắc chắn đã phát hiện ra cái cái thiên bẩm của ông Võ Nguyên Giáp về mặt quân sự, nhưng còn cần hơn rất nhiều là cái chất nhân văn ở con người ấy.

Xin cảm ơn ông!

Phân tầng đại học: Sẽ rất "nguy hiểm" cho sự phát triển của các trường!

“Cần cân nhắc thật kỹ các tiêu chí để phù hợp với thực trạng nền giáo dục hiện nay, bởi để đạt được các tiêu chí chất lượng cao nhiều trường “rất dễ rơi vào tầng 5” mà không cần đánh giá kiểm định chất lượng. Như thế là rất "nguy hiểm" cho sự phát triển của các trường...”.

Đó là ý kiến góp ý của PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi khi trao đổi với PV Dân trí về dự thảo Nghị định Quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.
PGS. TS Nguyễn Văn Nhã.

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo xin ý kiến góp ý về phân tầng đại học với 5 thứ hạng và 3 tiêu chí, là người làm và nghiên cứu GDĐH nhiều năm qua, ông thấy nội dung của Dự thảo Bộ đưa ra như thế nào, có phù hợp với thực tế nền GDĐH Việt Nam hiện nay?

Việc cơ quan quản lý có dự kiến phân tầng các trường ĐH là phù hợp với xu hướng thế giới đang xếp hạng các trường ĐH tiên tiến, đó là một dấu hiệu tích cực trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền GD Việt Nam.
Trong dự thảo ban đầu lần này dự kiến 5 tầng (mỗi tầng lại còn chỉ rõ khoảng số lượng các trường cụ thể 10 hoặc 20%...) theo cá nhân tôi không thể định tính dự kiến như thế được. Bởi lẽ cứ theo các tiêu chí của loại trường thì số lượng các trường ở mỗi tầng có thể nhiều hoặc ít, thậm chí hoặc không có trường nào được nằm ở tầng như thế mới thực sự là đánh giá khách quan, không lệ thuộc ý kiến chủ quan trong phân tầng.
Một điều cần lưu ý nữa là những ĐH như ĐH quốc gia, ĐH vùng có nhiều trường ĐH thành viên với chức năng nhiệm vụ khác nhau (có trường là ĐH nghiên cứu, có trường chỉ đơn thuần đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề…) thì nằm ở tầng nào. Cần cân nhắc thật kỹ các tiêu chí để phù hợp với thực trạng nền giáo dục hiện nay, nghĩa là để đạt được các tiêu chí chất lượng cao nhiều trường “rất dễ rơi vào tầng 5” mà không cần đánh giá kiểm định chất lượng. Như thế là rất "nguy hiểm" cho sự nghiệp phát triển của nhà trường.
Cần cân nhắc thật kỹ các tiêu chí để phù hợp với thực trạng nền giáo dục hiện nay, bởi để đạt được các tiêu chí chất lượng cao nhiều trường “rất dễ rơi vào tầng 5” mà không cần đánh giá kiểm định chất lượng.
Như ông nói, việc phân tầng, xếp hạng rất “nguy hiểm” hiện nay cho sự nghiệp phát triển của nhà trường. Tại sao lại như vậy?

Chúng ta đã và đang triển khai kiểm định chất lượng các trường ĐH theo bộ tiêu chí của Bộ GD-ĐT hoặc của AUN… một số trường đánh giá trong, đánh giá ngoài cho thấy kết quả ở mức khá khiêm tốn, nay triển khai phân tầng (dự kiến 10 năm mới xếp hạng lại - Điều 11) nghĩa là 2 hoặc 3 nhiệm kỳ của Hiệu trưởng khác nhau đấy.
Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về xếp hạng nhà trường này? Hay cả 2-3 hiệu trưởng ấy? Còn xếp loại (dự kiến 2 năm/lần - điều 13) thì mấy cơ quan được phân công nhiệm vụ này có đủ sức đi 1 vòng các trường đánh giá hết không? Có thể là quá sức hoặc không cụ thể, chính xác mà đánh giá không chính xác thì nguy hiểm thật đấy chứ.

Có ý kiến cho rằng, chỉ nên phân biệt hai loại trường đại học, gắn với hai loại mục đích đào tạo khác nhau. Loại thứ nhất là những trường đại học tinh hoa, có mục đích đào tạo những nhân tài cho đất nước, và loại thứ hai là những trường đại học đại chúng, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực, hay nói cách khác là người lao động thông thường. Còn ý kiến của ông?

Hẳn chúng ta đều biết mỗi kiểu xếp hạng các trường ĐH trên thế giới có tiêu chí riêng, rô bốt vào trang web tiếng Anh của trường tự động phân tích số liệu rồi công bố xếp hạng, rất khách quan nhưng vì tiêu chí do họ đặt ra khác với tiêu chí (thói quen quản lý) của Việt Nam nên không ít ý kiến chưa hài lòng cách xếp hạng như vậy.
Chúng ta nay mới bắt đầu, hẳn không tránh khỏi khó khăn, nhưng càng phân nhiều loại (muốn rạch ròi từng tầng từng bậc) thì chắc khó khăn càng nhiều. Vấn đề là các tiêu chí đưa ra phải đạt mức độ “tâm phục khẩu phục” thì không hề đơn giản, nhất là bộ phận chịu trách nhiệm làm công tác phân tầng đó có chuyên nghiệp thực sự hay không, có độc lập với cơ quan quản lý hay không…cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Tuy nhiên, nếu Bộ vẫn thực hiện với phương án mình đưa ra, với số lượng khoảng 450 trường ĐH, CĐ, việc xếp hạng các cơ sở được thực hiện theo chu kỳ 2 năm một lần như dự thảo đưa ra, theo ông cần phải xếp hạng như thế nào?

Ta nhẩm thử con số: Mỗi trường được đánh giá ngoài nhanh cũng mất 5-7 ngày, thảo luận với lãnh đạo nhà trường nhanh là 10 ngày; chắc không thể xếp hạng kịp theo cách làm cũ! Chắc chắn phải dùng đến công nghệ đánh giá xếp loại tiên tiến mà thế giới đang sử dụng, tôi tin thế.
Có thể giai đoạn đầu, một số trường sẽ “chưa muốn phân tầng”, nhất là các trường ngoài công lập chưa được hưởng chính sách ưu đãi, đầu tư của Nhà nước, cho dù nếu không tham gia phân tầng thì cũng chịu “ẩn dật” (như không tham gia cuộc thi Hoa hậu nào đó, thì tự an ủi là biết đâu mình đẹp hơn các cô đoạt giải mà!).

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, nhu cầu nhân lực khá đa dạng, hệ thống GDĐH nước ta khá rộng lớn, do đó việc phân tầng là hết sức quan trọng. Cần lưu ý, hệ thống GDĐH cần được phân tầng về chức năng chứ không chỉ về chất lượng, vì đào tạo tầng nào cũng cần bảo đảm chất lượng theo quan niệm chất lượng là sự trùng hợp với mục tiêu. Trong thời gian qua, sự quản lý của ngành GD chưa theo các định hướng đó, cho nên mọi loại trường đều chạy theo số lượng để đào tạo ra hàng loạt sinh viên kém chất lượng như nhau. Ông nghĩ sao?

Việc phân tầng các ĐH là thuộc tính bản chất của chính trường ĐH đó, tôi nghĩ, mỗi Hiệu trưởng đều biết (có thể chưa thật cụ thể chi tiết) trường mình đang nằm ở tầng nào (như 1 anh ra dự hội đình làng đã tự biết đâu là chiếu trên và ai sẽ ngồi chiếu đó vậy!), chẳng qua cơ quan quản lý chưa phân tầng cụ thể, chứ định tính cũng đã có, ví dụ cả nước chỉ có 2 ĐHQG, 5 ĐH vùng, 10 ĐH trọng điểm...
Bên cạnh đó, cũng có nhiều cách phân tầng phân loại theo quy mô, theo truyền thống 100 năm trở lên, theo lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu... cho dù có hay chưa có phân tầng, kiểm định thì các Hiệu trưởng (dù trường to hay bé) đều đang hết sức cố gắng, tâm huyết và có trách nhiệm để xây dựng và phát triển thương hiệu của nhà trường.
Vấn đề quan trọng, theo tôi, là cơ chế chính sách cần xem lại, phân cấp và giao trách nhiệm cho các trường (trực tiếp là Hiệu trưởng) cần rõ ràng minh bạch, khi đó hệ thống giáo dục đại học thực sự là trăm hoa đua nở!

Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh (thực hiện)

Việt Nam khó có thể quan sát giai đoạn toàn phần của "Mặt trăng máu"

Với thời tiết và vị trí Mặt trăng ở quá thấp so với chân trời đông, khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, Việt Nam sẽ khó có thể xem được giai đoạn toàn phần. Đó là khẳng định của anh Đặng Tuấn Duy - chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM.
Khó quan sát được giai đoạn nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam?
Theo anh Duy, vào chiều tối ngày 08/10 khi Mặt trăng mọc dần lên ở chân trời đông sẽ xuất hiện hiện tượng nguyệt thực toàn phần, hay còn gọi là mặt trăng máu (Blood Moon). Đây là lần thứ hai trong năm nay, hiện tượng này xuất hiện, lần đầu là ngày 15/4 nhưng Việt Nam không quan sát được giai đoạn toàn phần.
Theo tính toán, bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng trong khoảng thời gian 58 phút 50s, từ 17h25ph tới 18h24ph (theo Eclipses During 2014, F. Espenak, Observer’s Handbook- 2014, Royal Astronomical Society of Canada và NASA’s GSFC). Thời điểm cực đại của nguyệt thực toàn phần diễn ra vào lúc khoảng 17h54ph (giờ VN). Trừ Châu Âu, châu Phi và một phần nhỏ khu vực châu Á không quan sát được, thì các vùng còn lại đều có thể quan sát được nguyệt thực lần này (toàn phần hay một phần).
Quan sát thuận lợi nhất cho sự kiện đặc biệt lần này là các nước ở khu vực châu Mỹ và Úc và khu vực Đông Á. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, người dân khó có thể quan sát được pha toàn phần, bởi thời tiết và vị trí Mặt trăng so với chân trời đông.
Ảnh mô phỏng các diễn biến của nguyệt thực, (Việt hóa bởi HAAC)
Lý giải cho điều này, anh Duy cho biết: "Theo tiến trình này, ở Việt Nam sẽ không quan sát được một số giai đoạn của nguyệt thực. Lúc nguyệt thực toàn phần đạt cực đại (17h54-17h55) thì Mặt trăng đang ở rất sát chân trời hướng đông và chuẩn bị mọc (chỉ lên cao có 4.3 độ so với chân trời). Để quan sát được chúng ta cần ở vị trí quan sát thật trống ở hướng đông và chân trời ít mây. Tháng 10 vẫn là mùa mưa ở Việt Nam nên thực tế rất khó quan sát được nguyệt thực ở giai đoạn toàn phần, bởi nguyệt thực toàn phần kết thúc lúc 18h24ph thì Mặt trăng cũng chỉ lên cao được 11 độ, trong khi chân trời luôn có rất nhiều mây. Thực tế, ở Việt Nam chúng ta khả dĩ chỉ quan sát được nguyệt thực một phần từ sau 18h24ph tới khoảng 19h34ph khi nguyệt thực một phần kết thúc, thời điểm Mặt trăng đã lên cao hơn so với chân trời (khoảng 27 độ)."
"Thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng với việc quan sát nguyệt thực lần này. Nếu trời trong, không mưa và vùng quan sát hướng đông trống trải, bạn hãy thu xếp thời gian quan sát hiện tượng đáng chú ý này. Nếu trời nhiều mây ở chân trời đông và có mưa, việc quan sát nên dừng lại. Nhưng hy vọng trời trong, sẽ có thể quan sát được giai đoạn một phần, nếu may mắn có thể xem được toàn phần.” Anh Duy chia sẻ thêm.

Thời điểm lý tưởng để ngắm nguyệt thực?
Hiện tượng trăng máu sẽ diễn ra từ chiều 8/10

Tại Việt Nam, theo các tính toán của NASA: Nguyệt thực nửa tối (penumbral eclipse) sẽ bắt đầu từ lúc 15h15ph khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất, nhưng Nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì Mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút. Thời điểm mà chúng ta nên bắt đầu quan sát là 16h14ph, Mặt trăng sẽ bắt đầu vào vùng bóng tối của Trái đất bắt đầu giai đoạn nguyệt thực một phần (partial eclipse), màu sắc của vùng bóng trái đất in trên mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần.
Nguyệt thực toàn phần (total eclipse) sẽ bắt đầu vào lúc 17h25ph và toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 17h54ph cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ, đẹp nhất. Do có màu đỏ mà người ta hay gán tên gọi “trăng máu” cho hiện tượng này.
Chúng ta sẽ tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 18h24ph. Sau đó mặt trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 19h34ph và kết thúc nguyệt thực một phần.
Hãy lưu ý, nguyệt thực chỉ đáng chú ý từ khi pha một phần bắt đầu, bởi khi diễn ra nguyệt thực nửa tối, Mặt trăng chỉ tối hơn một chút so với trăng tròn thông thường, và hầu như không có gì khác biệt. Cũng qua quan sát bóng của Trái đất phủ lên bề mặt Mặt trăng mà chúng ta biết Trái đất có dạng hình cầu.
Khi quan sát nguyệt thực, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt nào. Tuy nhiên quan sát nguyệt thực sẽ thú vị hơn khi sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ, để nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của Mặt Trăng.

Quốc Phan

Friday, October 3, 2014

Osin bắt cóc con gái 3 tuổi của chủ nhà

Biết chủ nhà khá giả, Loan mang con gái 3 tuổi của họ đi rồi đòi 100 triệu đồng để chữa bệnh.
Ngày 3/10, Công an quận Tân Bình (TP HCM) tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Loan (42 tuổi, ngụ Vĩnh Long) để điều tra hành vi Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, Loan giúp việc nhà và chăm sóc con gái 3 tuổi cho chị Thu (35 tuổi) ở đường Sông Thương (phường 2, quận Tân Bình). Tối 1/10, chị Thu về nhà nhưng không thấy con và Loan đâu nên gọi điện tìm kiếm.
Loan và bé gái khi chưa xảy ra vụ bắt cóc. Ảnh: Gia đình cung cấp
Nghe điện, Loan bảo đã mang bé gái đến KCN Sóng Thần (Bình Dương) và yêu cầu chị Thu phải cho tiền chữa bệnh và trả nợ. Sau khi thoả thuận, osin ra giá 100 triệu đồng mới đưa bé gái về. Loan nhắn số tài khoản cho chị Thu chuyển tiền vào.
Vụ việc được gia đình báo với công an. Xác định tính nghiêm trọng của vụ án, cảnh sát quận Tân Bình vào cuộc điều tra và lần ra dấu vết Loan đang ở quận Bình Tân chứ không phải ở địa bàn Bình Dương.
Sáng 2/10, hàng chục trinh sát đã ập vào phòng 103 của khách sạn trên đường Tên Lửa (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) bắt Loan, giải thoát bé gái. Một người phụ nữ khoảng 40 tuổi khác cũng có mặt tại đây nhưng chỉ nhận là bạn cùng quê, được Loan nhờ thuê khách sạn giúp.
Khai với cơ quan điều tra, Loan cho biết quá trình làm việc biết chị Thu và chồng người Đài Loan khá giả. Do cần tiền chữa bệnh và trả nợ nên bà ta nảy sinh ý định mang bé gái đi để “xin tiền” chứ không có ý định làm hại bé.
Theo chị Thu, thường ngày Loan rất thương con gái mình nên chị rất tin tưởng.
Tên người mẹ được thay đổi.
Quốc Thắng - vnexpress

NHA trước vòng 7: Ngóng đại chiến Chelsea - Arsenal

Tâm điểm của giải Ngoại hạng Anh cuối tuần này chính là cuộc đại chiến giữa hai “người hàng xóm thù địch” Chelsea và Arsenal trên sân Stamford Bridge. Kết quả của trận derby thành London này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hành trình chinh phục ngôi vương của hai đội ở mùa giải này. 

Mourinho - Wenger: Thù cũ chồng nợ mới 
Trận derby giữa hai nửa xanh – đỏ của thủ đô London chủ nhật này (5/10) sẽ rất đáng chú ý không chỉ bởi nếu thắng trong trận đấu này, Chelsea hoặc Arsenal sẽ tiến một bước quan trọng trên con đường giành lại vị thế đế vương đã bị mất từ lâu vào tay những người Manchester mà còn là màn tái ngộ đầy duyên nợ giữa hai huấn luyện viên thành công vào loại bậc nhất ở giải Ngoại hạng hiện nay: Jose Mourinho và Arsene Wenger.
Kể từ mùa đầu tiên “Người đặc biệt” cập bến Premier League (2004-2005), ông và Wenger đã tỏ ra chẳng ưa gì nhau. Nếu như Mourinho thường hay mỉa mai Arsenal dưới thời Wenger là đội bóng thiếu bản lĩnh để chinh phục những danh hiệu lớn thì “Giáo sư” người Pháp cũng không chịu kém cạnh khi “phản pháo” lại rằng những lời lẽ của Mourinho là “ngớ ngẩn và vô lễ”.
Liệu Arsenal có thể lần đầu tiên khiến Chelsea nếm mùi thất bại ở mùa giải này?
Trận “Super Sunday” tới đây sẽ là dịp không thể tốt hơn để hai huấn luyện viên tài ba này chứng tỏ trước đối thủ rằng đội bóng của họ xứng đáng là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch, nhất là khi cả Chelsea và Arsenal sẽ xung trận với niềm hưng phấn cao độ sau khi đều vừa giành thắng lợi quan trọng ở Champions League.
Khoảng cách giữa “The Blues” với “Pháo thủ” hiện đang là 6 điểm. (Chelsea dẫn đầu với 16 điểm, trong khi Arsenal hiện xếp thứ 4 với 10 điểm). Vì thế, thầy trò Wenger sẽ phải quyết thắng ngay tại sào huyệt của kình địch nếu không muốn bị bỏ lại đằng sau trong cuộc đua vô địch. Tuy nhiên, họ sẽ gặp phải thử thách cực lớn trước đội quân thiện chiến đang bất bại từ đầu mùa của Mourinho.
Bộ đôi Diego Costa – Cesc Fabregas đang có phong độ cực cao ở giải Ngoại hạng trong khi phía bên kia chiến tuyến, các “Pháo thủ” cũng sẵn sàng nhả đạn với ngòi nổ mang tên Danny Welbeck. Việc vừa lập hat-trick giúp Arsenal đánh bại Galatasaray 4-1 trong trận đấu vừa qua sẽ khiến tiền đạo người Anh được các hậu vệ Chelsea chăm sóc đặc biệt.
Nửa xanh thành London sẽ có thuận lợi không nhỏ khi bên cạnh những yếu tố như sân nhà hay khoảng cách điểm số, họ còn được lịch sử ủng hộ. Trong 5 lần gặp nhau gần nhất, Chelsea thắng tới 4 và 1 trận kết thúc với tỉ số hòa. Tuy nhiên, Arsenal sẽ chiến đấu tới cùng để chứng tỏ thành London và giải Ngoại hạng mùa này không chỉ của riêng Chelsea.

Khi các đại gia phải “vượt chướng ngại vật”.
Nếu như Chelsea và Arsenal phải giải quyết ân oán trong cuộc chiến nội bộ thủ đô London thì Man City, MU và Liverpool cũng được dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn với các đối thủ của họ ở vòng 7 này.
Ở trận đấu muộn nhất ngày thứ bảy (4/10), ĐKVĐ Manchester City sẽ phải hành quân đến thành phố Birmingham để làm khách của Aston Villa. Tuy Man xanh đang xếp thứ 3 trong khi Villa xếp thứ 6 nhưng khoảng cách giữa hai đội chỉ là 1 điểm, chính vì thế, chỉ một kết quả sảy chân cũng sẽ khiến đội quân của Pellegrini bị chính đội chủ nhà vượt lên trên BXH và hoàn toàn có nguy cơ họ bị Chelsea nới rộng khoảng cách lên tới 8 điểm sau khi kết thúc vòng đấu.
Một động lực nữa để Man xanh quyết thắng là họ sẽ có cơ hội vươn lên thứ 2 nếu đội nhì bảng Southamton mất điểm khi gặp Tottenham một ngày sau đó.
Man City đang khao khát chiến thắng để tiếp tục bám đuổi đội đầu bảng Chelsea 
Trong khi Man City phải làm khách thì MU và Liverpool lại được thi đấu trên sân nhà để tiếp những đối thủ khó nhằn. Tại “Nhà hát của những giấc mơ”, thầy trò Van Gaal sẽ phải chạm trán Everton – đội bóng có sở thích ngáng chân những đại gia giải Ngoại hạng.
Cũng chính đội bóng áo xanh thành Liverpool đã hạ đo ván “Moyes’s United” tới 2 bàn không gỡ ở lần chạm trán gần nhất của hai đội ở lượt về mùa giải trước để rồi sau đó “Người được chọn” đã phải tủi hổ rời Old Trafford chỉ sau 10 tháng kế vị Sir Alex Ferguson.
Tuy vậy, thành tích của Everton trong thời gian qua cũng không được tốt khi họ đã chỉ biết hòa và thua ở 4 trận đấu liên tiếp tại tất cả các đấu trường nhưng không phải vì thế mà “Quỷ đỏ” có thể xem thường họ. Mùa này, đội chủ sân Goodison Park đã cầm hòa được cả hai đại gia Arsenal và Liverpool.
Di Maria và Falcao được kỳ vọng sẽ khỏa lấp chỗ trống mà Rooney để lại trên hàng công "Quỷ đỏ" ở trận đấu sặp tới gặp Everton 
Hơn nữa, MU ở trận đấu tới sẽ phải chịu nhiều tổn thất về mặt lực lượng, đặc biệt là sự thiếu vắng thủ quân Rooney do bị treo giò nhưng người hâm mộ vẫn kỳ vọng với bộ đôi tiền đạo Van Persie – Falcao cùng việc quay trở lại sơ đồ 4-4-2 quen thuộc, “Quỷ đỏ” sẽ rửa được hận trước đội quân của HLV Roberto Martinez.
Khó khăn nhất ở trong nhóm Big 5 ở thời điểm hiện tại có lẽ là Liverpool. Vòng này, thầy trò Brendan Rodgers sẽ được thi đấu trên sân nhà để tiếp West Brom – đội bóng hơn họ 4 bậc và cách 1 điểm. “Lữ đoàn đỏ” vừa chịu thất bại bất ngờ 0-1 trên sân của Basel ở loạt trận thứ 2 vòng đấu bảng Champions League. Vòng trước, họ cùng để tuột mất 2 điểm trong trận derby Merseyside với Everton ngay trên sân nhà ở đúng phút cuối.
Chuỗi trận thất vọng với Liverpool liệu sẽ chấm dứt ở vòng đấu này? 
Trận hòa tai hại đó đã kéo Liverpool xuống tận vị trí thứ 14, chỉ hơn nhóm 3 đội bóng cuối bảng 3 điểm. Những thành tích bết bát trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về hiệu quả của những bản hợp đồng mới của “The Kop”.
Hàng thủ với những tân binh như Lovren, Manquillo hay Moreno vẫn bộc lộ những điểm yếu chết người trong khi hàng công với những cái tên như Balotelli hay Markovic chưa bao giờ cho thấy họ xứng đáng với sự kỳ vọng và số tiền lớn mà Liverpool đã phải bỏ ra trên thị trường chuyển nhượng.
Nếu tiếp tục mất điểm trước West Brom, tham vọng vô địch của Liverpool sẽ ngày càng xa vời và chiếc ghế nóng của Brendan Rodger cũng sẽ thực sự bị đe dọa.