Tuesday, April 14, 2015

Thầy giỏi không cần sách giáo khoa?

Sách giáo khoa mới có tính bền vững như thế nào hay đưa vào một vài năm rồi chờ thay mới, sách chú trọng phát triển đến kỹ năng tự học, tư duy cho học sinh không? Thầy giỏi không cần sách giáo khoa?
Đó là nhiều băn khoăn của các nhà giáo, quản lý các trường phổ thông về sách giáo khoa (SGK) mới được đặt ra với lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại chương trình tập huấn một số vấn đề về chương trình và SGK vừa diễn ra ở TPHCM.

"Không thầy đố mày… hiểu sách" 
Ông Nguyễn Hoàng Việt, hiệu trưởng Trường THPT Minh Đức, quận Tân Phú lo lắng đến tính bền vững của SGK, nhất là thời gian qua chúng ta đã qua một số lần thay đổi, mỗi lần thấy bàn làm sách mới toàn nghe tiền tỉ mà xót cả ruột.

Ông Nguyễn Hoàng Việt cho rằng SGK viết khó hiểu là một trong những nguyên nhân buộc nhiều học sinh phải “cậy” thầy cô bằng việc học thêm.
Theo ông Việt, thời gian sử dụng SGK phải được từ 10 - 15 năm, mang tính bền vững. SGK phải mang tính tự học, HS cầm sách có thể tự tìm hiểu. Bản thân ông dạy Toán, nhiều vấn đề trong sách thầy xem còn thấy khó truyền đạt cho học trò thì làm sao các em có thể tự học để phát triển tư duy.
“SGK không thể tự học được, đọc không hiểu đã tạo ra tình thế “không thầy đố mày làm nên”, nhiều HS buộc phải đi học thêm. Sách phải chú trọng đến tính thực tế nhiều hơn, đừng quá hàn lâm”, ông Việt nó.
Đại diện Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai bày tỏ, Bộ đã có SGK chuẩn để dạy học, bây giờ lại chuẩn bị thay đổi. Nên đội ngũ giáo viên (GV) rất quan tâm sách mới sẽ đổi mới ở mức độ nào so với khung chương trình chúng ta đang có. Liệu có cho phép thầy cô tham khảo SGK để sử dụng các tài liệu, các loại sách khác để đưa vào chương trình khi dạy học trò không? Rồi SGK đổi mới đảm bảo việc thi cử cho các em như thế nào?
Ông Phạm Văn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9 cho hay, thời gian gần đây TPHCM đang rất tích cực đưa tích hợp vào các bài dạy, các môn học. Vậy sắp tới chúng ta có tích hợp luôn trong SGK không hay lại "mạnh ai nấy làm"?
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chỉnh phủ về đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông, từ năm học 2018 – 2019 sẽ bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học, THCS và THPT.

Thầy giỏi không cần sách giáo khoa? 
Trước những thắc mắc của quản lý, GV về SGK mới, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay sắp tới quản lý các trường trung học sẽ phải điều hành đội ngũ GV trong bối cảnh nhiều bộ SGK và đa dạng hóa tài liệu dạy học. Nhà trường có thể quy định chọn một bộ SGK bắt buộc để dạy HS nhưng giáo viên, HS có thể chọn SGK, tài liệu khác nhau trong việc dạy học.
 
Một thầy giáo giỏi có thể không cần sách giáo khoa, chỉ cần nắm rõ chuẩn chương trình để dạy học sinh.
“Thậm chí một thầy giáo giỏi không cần SGK, người thầy có thể tự biên soạn bài dạy miễn là đảm bảo mục tiêu giáo dục và chuẩn chương trình đã đề ra. Việc thi cử, đánh giá sẽ bám theo chuẩn chương trình nên không phải lo chúng tôi học sách này mà ông lại thi sách kia”, ông Thống cho hay.
PGS Đỗ Ngọc Thống nói rằng, với tốc độ phát triển xã hội đòi hỏi chúng ta không thể duy trì chương trình của một bộ sách quá lâu. Chỉ do nước mình nghèo nên mỗi lần thay đổi lại gặp nhiều vấn đề. Về tính thống nhất, hệ thống khái niệm, tính liên tục, làm sao để HS tự học là điều chúng ta cần khắc phục khi xây dựng SGK.
Sách SGK sắp tới sẽ có một số môn học tích hợp cùng với việc tích hợp một số nội dung theo chủ đề. Và việc tích hợp này có chương trình cụ thể nên không có chuyện ai muốn làm thế nào thì làm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay, lâu nay chúng ta chỉ có một bộ SGK, cứ dạy học theo SGK mà có khi GV, hiệu trưởng và cả giám đốc Sở cũng không biết đến chương trình. Nhưng sắp tới có thể có nhiều bộ SGK, còn kiểm tra, đánh giá dựa theo chương trình với các mục tiêu, yêu cầu cần đạt nên người dạy phải nắm được chương trình.
"SGK sẽ chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chương trình, còn GV phải đạt được mục tiêu là nắm được quá trình hình thành năng lực của học trò, giúp HS vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề hiệu quả", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Monday, April 13, 2015

Tan máu bẩm sinh, bệnh chỉ di truyền với con trai

Cả 3 đứa con trai của anh Nguyễn Văn Trường (Nam Định) đều mắc bệnh máu khó đông nên không thể cầm nếu chảy máu.
Đều đặn mỗi tháng một lần, anh Trường lại đưa 3 con trai lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Hà Nội, điều trị. Cả 3 con anh đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh (tên khoa học là Hemophilia). Cháu lớn nhất 11 tuổi đã 6 tháng nay không thể đi lại vì khớp biến dạng; cháu nhỏ nhất mới 3 tuổi rưỡi.
"Lúc cháu 6 tháng tuổi chơi đồ chơi vô tình cắn vào lưỡi làm chảy máu. Vợ chồng tôi không thể cầm được máu cho cháu đành đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu, mới biết con bị bệnh tan máu bẩm sinh", anh Trường bùi ngùi chia sẻ về cậu con trai đầu.
Cậu con trai thứ hai của anh tiếp tục được chẩn đoán mắc bệnh tan máu. Lần này các bác sĩ Viện Huyết học về tận nhà anh Trường tư vấn hai vợ chồng không nên sinh thêm con nữa. Tuy nhiên anh chị lại sinh lần thứ ba vì đi siêu âm bác sĩ bảo là con gái - cháu sẽ không bị bệnh. Thế nhưng ông trời dường như không chiều lòng người khi đứa con thứ ba lại tiếp tục là con trai.
Anh Trường cho biết, cả nhà bên ngoại có đến 22 người bị bệnh tan máu hoặc mang gene bệnh.
Trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh có thể chảy máu không cầm được chỉ với vết thương rất nhỏ. Ảnh: N.Phương.
Đồng cảnh ngộ với anh Trường, chị Vũ Thị Lụa 38 tuổi ở Nam Định ước "giá như mình biết bệnh của con sớm hơn thì có lẽ đã không sinh tiếp cậu con trai thứ hai". Lúc biết cậu con trai đầu bị tan máu bẩm sinh thì chị cũng đang mang bầu. Hemophilia là bệnh lý di truyền cho con trai, nên chị tiếp tục sinh trai nữa thì cháu cũng sẽ mang căn bệnh này.
Hemophilia hay máu khó đông là bệnh rối loạn chảy máu do thiếu yếu tố cần thiết để làm đông máu. Gene sản xuất yếu tố đông máu chỉ nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X, có tính di truyền. Nam giới (có bộ nhiễm sắc thể XY) khi nhận X bệnh từ mẹ thì chắc chắn sẽ biểu hiện bệnh. Còn nữ giới (bộ nhiễm sắc thể XX) chỉ biểu hiện thành bệnh khi cả hai nhiễm sắc thể này đều trục trặc, nghĩa là cả bố và mẹ cùng mang gene bệnh. Nếu bé gái đó chỉ chứa một nhiễm sắc thể X bệnh thì sẽ không biểu hiện ra ngoài tuy vẫn có thể truyền cho con. Vì thế, bệnh máu khó đông hầu như chỉ thấy ở nam giới, còn nữ giới rất ít bị vì xác suất cả bố và mẹ cùng mang gene bệnh là rất thấp.
"Chỉ cần làm xét nghiệm gene chẩn đoán gene bệnh là có thể lựa chọn để thế hệ sau sinh ra khỏe mạnh. Tuy nhiên không phải người bệnh nào cũng biết được điều này", bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa điều trị Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) cho biết.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiện quản lý 1.300 bệnh nhân, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, nhiều người là anh em trong gia đình. Việt Nam có khoảng 6.000 bệnh nhân Hemophilia, trong đó gần 40% bệnh nhân được phát hiện và chăm sóc thường xuyên.
Những người bị bệnh khó đông máu có thể bị xuất huyết không thể kiểm soát do một chấn thương rất nhỏ, chảy máu vào các khớp và cơ bắp gây đau dữ dội và dẫn tới tàn tật, chảy máu vào não có thể gây tử vong. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đầy đủ, bệnh nhân có thể sống như người bình thường.
Theo bác sĩ Mai, hiểu biết của người bệnh và một số cán bộ y tế còn thấp, nhiều người đến viện muộn và điều trị chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, các chế phẩm máu chỉ có tại viện gây khó khăn cho bệnh nhân vì phải đi cả quãng đường xa để được truyền các yếu tố đông máu.
Viện đang đề xuất để bệnh nhân có thể truyền các chế phẩm này tại tuyến cơ sở, thậm chí là tại nhà, có phương án điều trị dự phòng cho trẻ dưới 15 tuổi với những trường hợp nặng. Cụ thể, bệnh nhân sẽ bổ sung định kỳ các yếu tố đông máu để trong cơ thể lúc nào cũng đủ các yếu tố này, không xuống quá thấp.
Các cặp vợ chồng trước khi cưới nên đi khám để được tư vấn và tầm soát các bệnh di truyền. Đối với người bị rối loạn cầm máu và đông máu, khi bị chấn thương cần vào viện ngay. Trẻ mắc bệnh máu khó đông cần tránh các vận động mạnh gây chấn thương.
Những trường hợp chảy máu khó cầm hoặc thường xuyên bị bầm tím, đau khớp thì nên nghĩ tới bệnh máu khó đông. Một khi đã được chẩn đoán bệnh thì nên đi khám định kỳ 6 tháng một lần, không tiêm bắp, châm cứu hay massage, tránh sử dụng các thuốc gây chảy máu như aspirin, tập thể dục cơ khớp để giảm chảy máu.

Luật sắp có hiệu lực, giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa chốt cơ quan quản lý

Ngày 1/7 Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa chốt giao lĩnh vực này cho bộ nào quản lý, dẫn đến sự chồng chéo trong dự thảo thông tư hướng dẫn của hai bộ Giáo dục và Lao động.
Sau gần 3 năm chuẩn bị, ngày 27/11/2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015. Tuy nhiên, luật chỉ được 274 trên tổng số 412 đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, đạt 55,13% - tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay.
Theo Luật Giáo dục năm 2005, giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và dạy nghề do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Tuy nhiên, trong dạy nghề lại có các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Như vậy, hệ thống giáo dục Việt Nam có 2 trình độ trung cấp, 2 trình độ cao đẳng và do 2 cơ quan quản lý nhà nước.
Để khắc phục bất cập nêu trên, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới bao gồm: trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Các trung tâm kỹ thuật, tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề được thống nhất thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trường trung cấp chuyên nghiệp và trường trung cấp nghề thống nhất thành Trường trung cấp; cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề thống nhất thành Trường cao đẳng. Như vậy, trình độ cao đẳng đã được tách khỏi giáo dục đại học, và giáo dục đại học chỉ còn các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thay mặt Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Tuy nhiên, trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ Lao động; 99/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 29,4%) đề nghị giao cho Bộ Giáo dục; 96/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 28,6%) đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và 27/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 8%) có ý kiến khác.
Như vậy, ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này còn chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% đại biểu nhất trí. Lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ đã trao đổi và thấy rằng vấn đề này chưa đủ chín muồi để xem xét sửa đổi trong thời điểm lúc bấy giờ. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đã xin đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật dạy nghề hiện hành là giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Trước đó, trong phiên thảo luận về dự Luật Dạy nghề sáng 5/11/2014 có tới 18/20 đại biểu đề nghị khi thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp thì cần giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất về mặt nhà nước, không giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Đại biểu Trần Minh Diệu nhận định, việc giao cho bộ nào quản lý phải căn cứ trên chức năng hoạt động của bộ đó. Vì vậy, giao cho Bộ Giáo dục quản lý là thống nhất về mặt luật pháp. Ông cho rằng báo cáo của Thường vụ Quốc hội lý giải giao cho Bộ Lao động là vì một số lý do, trong đó có việc trước kia Bộ Giáo dục quản lý một số ngành nghề chưa tốt. Hiện nay, Bộ Giáo dục nhiều việc, giao thêm giáo dục nghề nghiệp sẽ là gánh nặng - là cách giải trình chưa thực sự thuyết phục.
"Không thể nói bộ nào nhiều việc hơn bộ nào. Nhiều việc hay ít việc phụ thuộc vào quy mô bộ máy xác định theo chức năng nhiệm vụ được giao. Do vậy không thể nghĩ rằng Bộ Giáo dục nhiều việc hay ít việc hơn Bộ Lao động. Tôi đề nghị Bộ Lao động chỉ là cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, tương tự nhiều bộ ngành khác đã và đang thực hiện. Còn việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý giáo dục thuộc về chức năng của Bộ Giáo dục", bà Diệu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng không đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội cho rằng lĩnh vực nghề nghiệp trước kia giao cho Bộ Giáo dục thì ít được quan tâm, sau khi giao cho Bộ Lao động thấy phát triển lên. "Chúng ta không thể nào so sánh một cách khập khiễng giữa hai thời kỳ khác nhau, sự quan tâm đầu tư của nhà nước khác nhau, thì làm sao có kết quả giống nhau được. Việc quản lý yếu là do con người chứ không phải do hệ thống giáo dục quốc dân", bà Bé nói.
Nữ đại biểu này cũng không thống nhất với Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu giao cho Bộ Giáo dục thì sẽ làm tăng gánh nặng cho bộ này. "Nếu giao cho Bộ Lao động thì không nặng sao? Trong khi bộ này cũng đang phải làm rất nhiều việc về an sinh xã hội, lo cho con người từ lúc sinh ra cho tới lúc trở về với đất mẹ. Hiện nay Bộ này có nhiều việc làm chưa tốt mà giao thêm việc này nữa thì lẽ nào không nặng? Trong khi đó, nếu giao cho Bộ Lao động thì Bộ này sẽ đẻ thêm bộ phận quản lý nhà nước, trong khi Bộ Giáo dục đã có bộ phận quản lý từ lâu", đại biểu Bé nói.
Đến nay đã gần 5 tháng kể từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua và chưa đầy 3 tháng nữa luật sẽ có hiệu lực, tuy nhiên Chính phủ vẫn chưa chốt sẽ giao lĩnh vực nghề nghiệp cho Bộ nảo quản lý. Chính vì vậy, hai Bộ Giáo dục và Lao động đã có sự chồng chéo khi đưa ra dự thảo thông tư lấy ý kiến nhân dân.
Theo đó ngày 10/2, Bộ Lao động công bố dự thảo thông tư "Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp".
Đến ngày 17/3, Bộ Giáo dục công bố dự thảo thông tư "Quy định điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường cao đẳng".
Như vậy, chỉ có một đối tượng là các trường cao đẳng, nhưng hai bộ đều đang đặt dưới sự quản lý của mình. Dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục thì quy định thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng thuộc Bộ trưởng Giáo dục, còn theo dự thảo thông tư của Bộ Lao động thì thẩm quyền đó thuộc về Bộ trưởng Lao động.

Mourinho than khổ vì quá giỏi

Chiến lược gia người Bồ Đào Nha khẳng định trình độ huấn luyện của ông ngày càng cao qua thời gian.
Mourinho thể hiện sự tự tin về trình độ huấn luyện. Ảnh: Reuters.
"Tôi nghĩ mình gặp một rắc rối, đó là ngày càng giỏi hơn trong mọi mặt công việc kể từ khi bắt đầu nghiệp cầm quân", Jose Mourinho nói trên tờTelegraph. "Tôi đạt được đột phá trên nhiều khía cạnh khác nhau như đọc trận đấu, chuẩn bị lực lượng, huấn luyện hay tâm lý học... Tôi thấy mình ngày càng giỏi hơn".
Mourinho được xem là một trong những huấn luyện viên hay nhất thế giới trong một thập niên qua. Mourinho đã giành chức vô địch ở cả bốn quốc gia ông từng làm việc là Bồ Đào Nha, Anh, Italy và Tây Ban Nha. Chiến lược gia 52 tuổi cũng là một trong số ít huấn luyện viên từng vô địch Champions League với hai đội bóng khác nhau.
Danh hiệu mới nhất trong số 21 chiến tích của Mourinho là chiếc Cup liên đoàn Anh vừa giành được với Chelsea. Thành tích này có được sau hai mùa giải liên tiếp "Người đặc biệt" trắng tay ở Real và Chelsea.
Cup liên đoàn nhiều khả năng không phải danh hiệu cuối cùng của Mourinho trong mùa giải năm nay. Chelsea hiện đang hơn đội thứ hai Arsenal tới bảy điểm và thi đấu ít hơn một trận tại Ngoại hạng Anh.
Trước đó Chelsea bị loại ở Champions League bởi luật bàn thắng sân khách trước PSG ở vòng 1/8.
Bảo Lam

Dàn huấn luyện viên The Voice 2015 ra mắt

Thu Phương từ Mỹ về nước giữ vai trò huấn luyện viên sân chơi âm nhạc cùng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm và Tuấn Hưng. Họ có buổi ghi hình đầu tiên tại TP HCM, chiều 13/4.
Thu Phương diện váy đen xuất hiện trong buổi ghi hình đầu tiên của chương trình The Voice 2015.
Nữ ca sĩ tự tin thể hiện trong vai trò huấn luyện viên âm nhạc. Thu Phương chia sẻ, chị được chồng ủng hộ tinh thần tối đa để toàn tâm toàn ý tham gia chương trình. Ảnh: Maison De Bil.
Dàn huấn luyện viên của mùa giải thứ ba ra mắt thí sinh. Không như mọi năm, năm nay vòng "Giấu mặt" không có nhiều khán giả đến xem. Bốn giám khảo đến buổi ghi hình khá thầm lặng.
Họ có 2 ngày 13 và 14/4 để chấm thi vòng "Giấu mặt", tìm thí sinh cho đội mình. Ảnh: Maison De Bil.
Mỹ Tâm xuất hiện đầu tiên, cô vui vẻ đứng chụp ảnh với Mr. Đàm.
Mỹ Tâm là người lên tiếng xác nhận vai trò huấn luyện viên sau cùng của chương trình.
Đàm Vĩnh Hưng là gương mặt quen thuộc của chương trình "Giọng hát Việt" qua các mùa.
Tuấn Hưng từ Hà Nội vào thực hiện buổi ghi hình.
MC Mỹ Linh lần đầu dẫn The Voice.

Bữa sáng trong hẻm đậm chất Sài Gòn

Bạn có thể dễ dàng thưởng thức một tô bún bò nóng hổi, ăn nhanh ổ bánh mì hay ngồi nhâm nhi ly cà phê khi len lỏi vào những con hẻm trong Sài thành.
Nhắc đến món ăn sáng phổ biến nhất ở thành phố này, không thể không kể đến cơm tấm. Người Sài Gòn chọn món này cho bữa sáng với quan niệm một khởi đầu "chắc bụng" và đầy đủ dinh dưỡng cho cả ngày làm việc. 
Cơm tấm ngon không chỉ đến từ sự hòa hợp giữa hạt cơm, miếng sườn, nước mắm... mà còn nhờ không gian ngồi ăn với khói thịt nướng tỏa thơm phức.
Ở một con hẻm khác trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, người dân lại có hứng thú đặc biệt với bánh mì chả cá. Mùi thơm hấp dẫn của chả cá như lan tỏa khắp con hẻm nhỏ. 
Món ăn chỉ đơn giản với bánh mì kẹp chả cá chiên, một ít rau thơm, đồ chua và tương ớt nhưng theo lời anh Khánh - khách ruột của xe bánh mì này - chả cá phải luôn tươi ngon và được chiên nóng ngay tại chỗ.
Một ổ bánh mì chả cá giá chỉ 10.000 đồng, rất hợp túi tiền nhiều người. 
Nếu thong thả thời gian, bún bò Huế cũng là lựa chọn bổ dưỡng để bắt đầu ngày mới. Thưởng thức một tô bún bò hẻm, bạn sẽ ngồi ăn ngay cạnh nồi nước dùng thơm lừng, thỉnh thoảng trò chuyện với người bán hàng. 
Một tô bún bò Huế thường lôi cuốn với mùi thơm đặc trưng từ nước dùng hầm sả, xương bò và rất nhiều phần thịt gân, bắp, nạm, gầu…Bún bò ăn kèm rau muống chẻ, thơm, thêm ớt hoặc chanh để tăng thêm sự hấp dẫn.
Kết thúc bữa sáng, bạn nên ghé con hẻm trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận để thưởng thức ly cà phê vợt, vốn chỉ còn rất ít người bán ở Sài Gòn.
Cô Ba - chủ quán - kể rằng thời chưa có phin, người Hoa thường dùng vợt để chế cà phê. Theo cách này, cà phê nguyên chất được cho vào vợt và chế nước sôi liên tục để chắt ra những giọt đậm đà nhất.
Đến quán, bạn có thể gọi một ly cà phê sữa hoặc đen, dùng nóng hay đá, sau đó chọn chỗ ngồi ngay trên con hẻm.
Ông Hải, 50 tuổi, ở quận Phú Nhuận chia sẻ: "Cái hay của những quán này là khách dù khác về địa vị xã hội nhưng khi ngồi vào cà phê hẻm là ai cũng như nhau". Kết thúc bữa ăn sáng, thư thả trò chuyện trước giờ làm việc bên ly cà phê vợt là cách khởi đầu ngày mới trọn vẹn.

NASA tuyển người chỉ để nằm trên giường

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ trả 18.000 USD cho người nhận công việc nằm trên giường trong 10 tuần và thực hiện các bài kiểm tra khác trong hơn ba tháng.
Phi hành gia ngủ trong môi trường không trọng lực. Ảnh: Barcroft Media
Theo NASA, ứng cử viên phải là công dân Mỹ và có sức khỏe ổn định. Các nhà khoa học sẽ kiểm tra và thực hiện nghiên cứu với những người được lựa chọn trong 70 ngày, nhằm mô phỏng tác động của các bài tập thể dục đối với phi hành gia. Trong môi trường không trọng lực, họ sẽ bị ảnh hưởng chức năng xương, cơ bắp và hệ thống tim mạch.
Tình nguyện viên được chia thành hai nhóm, gồm những người tập thể dục và không tập thể dục, sống trong môi trường bình thường khoảng 2-3 tuần đầu tiên.
Ở giai đoạn thứ hai, tình nguyện viên được đưa đến Trung tâm Nghiên cứu của NASA tại Houston, bang Texas. Họ sẽ có 10 tuần nằm trên giường, cơ thể hơi nghiêng về phía sau, chân hướng lên trên. Trong giai đoạn này, mọi chuyển động đều hạn chế, họ chỉ có thể đi vệ sinh trong bô nhựa và tắm rửa bằng một vòi hoa sen khi vẫn nằm trên giường.
RT cho hay, người tham gia vẫn đọc sách hay xem phim vì những hoạt động này không tiêu tốn năng lượng. Tuy nhiên, họ có thể bị đau khớp vì nằm yên một vị trí trong thời gian dài. Đây là ý tưởng mô phỏng trải nghiệm của phi hành gia trong các chuyến bay không gian.
Ở giai đoạn thứ ba, các nhà nghiên cứu triển khai 14 ngày luyện tập các bài tập đạp xe, đi bộ... nhằm kiểm tra tác động của hoạt động thể dục thường xuyên với khả năng thích nghi của cơ thể.

Giá xăng dầu chưa giảm

Giá cơ sở giảm không đáng kể nên cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên mức bán lẻ tối đa đối với xăng, song yêu cầu giảm sử dụng quỹ bình ổn.
Hiện giá bán lẻ tối đa đối với xăng RON 92 vẫn ở mức 17.286 đồng một lít, trong khi mức bán ra phổ biến của các doanh nghiệp là 17.280 đồng.
Theo tính toán của Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá cơ sở đối với xăng RON 92 hiện ở mức 18.277 đồng, giảm so với kỳ tính giá trước đó là 29 đồng. Tuy nhiên, các mặt hàng dầu lại cao hơn 129-217 đồng. Do diễn biến này, cơ quan điều hành yêu cầu giảm mức sử dụng quỹ Bình ổn giá đối với xăng các loại từ 1.020 đồng hiện tại xuống còn 991 đồng từ 15h ngày 13/4 và không thay đổi giá bán.
Ngược lại, mức sử dụng quỹ đối với các mặt hàng dầu được tăng từ mức 0-5 đồng mỗi lít hoặc kg, lên 134-217 đồng. Giá bán tối đa đối với các mặt hàng này cũng không đổi.
Trao đổi với VnExpress trước đó, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết, thị trường thế giới thời gian qua diễn biến phức tạp, song việc điều chỉnh giá bán lẻ vẫn được cơ quan điều hành theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất giảm tối đa chi phí đầu vào, cũng như đảm bảo đời sống của người dân.
Lần điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 26/3, giá xăng cũng được giữ nguyên, trong khi giá dầu hỏa và ma dút với mức 110-250 đồng mỗi lít. Nếu tính theo chu kỳ, việc điều chỉnh lẽ ra được thực hiện vào ngày 10/4, song do rơi vào ngày cuối tuần nên theo Nghị định 83, thời điểm này sẽ không tính vào chu kỳ 15 ngày.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 2 lần giảm và một tăng kỷ lục (1.600 đồng mỗi lít)

iPhone 5C khoá mạng có thể âm thầm trừ tiền trong tài khoản

Một số người dùng iPhone 5C giá rẻ xách tay từ Nhật than thở việc điện thoại thường xuyên bị trừ tiền gửi tin nhắn 2.500 đồng mà không rõ lý do.
Anh Quốc (quận 10, TP HCM), một người mới mua iPhone 5C khoá mạng Docomo cho biết, "chỉ cần tháo SIM ra gắn lại, hay tắt máy đi mở lên rồi kích hoạt chế độ Facetime hoặc iMessage (2 ứng dụng gọi điện và nhắn tin miễn phí của iOS) là tài khoản của SIM âm thầm trừ tiền". Sau khi tra lại thông tin cước, anh Quốc cho rằng việc tài khoản bị trừ tiền vì chiếc iPhone 5C tự gửi tin nhắn tới một số máy lạ đầu số +81 (Nhật). Phí phải trả cho những tin nhắn này lên tới 2.500 đồng và chỉ khi nào tài khoản trên SIM còn dưới 2.500 đồng thì việc tự gửi tin nhắn này mới thôi.
Trên một số diễn đàn công nghệ, hiện tượng tài khoản điện thoại của một số người dùng iPhone 5C khoá mạng Docomo tự động bị trừ tiền cũng đã có người phản ánh nhiều. Bên cạnh đó, họ còn kêu ca về những phiền phức gặp phải khi sử dụng điện thoại nhiều như lỗi về danh bạ, kiểm tra tài khoản...
Tuy nhiên, cũng có nhiều người đang dùng iPhone 5C khoá mạng cho hay không bị tự động trừ tiền trong tài khoản và sử dụng các tính năng như iMessage, Facetime bình thường.
Một chia sẻ của thành viên daohoa24 trên diễn đàn ChoiMobile về việc bị trừ tiền liên tục trong tài khoản khi dùng iPhone 5C khoá mạng.
Anh Đào Huy Việt, một người kinh doanh iPhone lâu năm cho hay việc âm thầm trừ tiền như phản ánh của người dùng đã xuất hiện từ thời iPhone 4, 4S hay 5 hàng lock. Khác với iPhone quốc tế, iPhone khoá mạng (lock) là hàng được Apple cung cấp dành riêng cho các nhà mạng tại từng thị trường vì vậy không thể thay và sử dụng SIM nhà mạng khác nếu không mở khoá. Khi về Việt Nam, những dòng máy bán giá rẻ như iPhone 5C Docomo buộc phải sử dụng với SIM ghép và bật tính năng Roaming mới vào được mạng, vì SIM ghép sẽ đánh lừa điện thoại là vẫn đang dùng SIM ở Nhật. Vì thế, nhiều tính năng như kiểm tra tài khoản *101#, *102# không dùng được, danh bạ phải lưu thêm đầu +84.
Lý giải sâu hơn về việc này, anh Xuân Việt, một kỹ thuật viên chuyên về iPhone, cho hay đó là do người dùng kích hoạt 2 tính năng Facetime và iMessage. Thông thường, ngay cả với iPhone quốc tế, khi người dùng kích hoạt tính năng này để sử dụng lần đầu thì cũng mất tiền. Trên iOS khi kích hoạt tính này, Apple có đưa ra một thông báo về việc có thể bị trừ tiền phí. Thông thường cước phí là 2.000 đồng mỗi lần kích hoạt và tuỳ vào đầu số quốc gia.
Việc kích hoạt iMessage hoặc Facetime có thể bị tính phí khi kích hoạt bằng số điện thoại. Để tránh mất tiền, người dùng có thể sử dụng Apple ID để đăng ký. Việc trừ tiền có thể gặp phải cả trên máy quốc tế (World) lẫn khoá mạng (lock).
Còn việc những chiếc iPhone 5C khoá mạng tự động trừ tiền và gửi nhiều tin nhắn, anh Việt, cho biết đó là do sản phẩm sử dụng SIM ghép nên việc kích hoạt iMessage và Facetime có thể gặp trục trặc và không thành công, điện thoại phải gửi tin nhắn liên tục để kích hoạt. Sau khi tháo SIM hay khởi động lại máy, iPhone lại yêu cầu kích hoạt lại iMessage và Facetime nên việc trừ tiền có thể diễn ra liên tục cho đến khi tài khoản cạn tiền. Để tránh mất tiền, người dùng nên tắt hai tính năng trên của Apple hoặc có thể sử dụng Apple ID để kích hoạt và sử dụng thay vì sử dụng số điện thoại. Với những dòng máy khoá mạng, nếu là người dùng iPhone lâu hoặc có kiến thức công nghệ, những lỗi trên hay việc trừ tiền có thể khắc phục bằng cách can thiệp vào iOS sau khi bẻ khoá Jailbreak. 
Tuy vậy, phần lớn những chiếc iPhone 5C giá rẻ vừa ồ ạt về Việt Nam đều chạy iOS 8.1.3 và chưa có biện pháp Jailbreak. Ngoài ra, những chiếc iPhone lock thường đi kèm với một số dịch vụ riêng của các nhà mạng và cần gửi tin nhắn để kích hoạt. Khi về Việt Nam, iPhone khoá mạng có thể tự động gửi tin nhắn ra các đầu số nước ngoài để kích hoạt các dịch vụ đó khiến người dùng bị trừ tiền oan. 
SIM ghép giúp đánh lừa iPhone 5C Docomo là vẫn sử dụng SIM của nhà mạng tại Nhật, thay vì nhà mạng tại Việt Nam.

iPhone khoá mạng như mẫu 5C giá rẻ "làm mưa làm gió" thị trường xách tay thời gian qua thường có nhiều hạn chế và phù hợp với người biết về công nghệ. Khác với iPhone hàng quốc tế, iPhone khoá mạng có chất lượng không đồng đều vì thường đi theo đường xách tay. Ngoài những rủi ro như có thể bị "trừ tiền oan", người mua có thể gặp nhiều hạn chế khi vướng lỗi về phần cứng. Vì máy bán ra thông thường hàng đã qua sử dụng, không còn bảo hành từ Apple và chỉ được nơi bán tự chịu trách nhiệm.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hillary Clinton

Từ một luật sư danh tiếng, bà Hillary Clinton trở thành phu nhân thống đốc bang rồi bà chủ Nhà Trắng trước khi trở lại đường đua, tranh chức tổng thống Mỹ năm 2016.
Bà Hillary, tên khai sinh đầy đủ là Hillary Diane Rodham, chào đời năm 1947 ở thành phố Chicago, bang Illinois trong một gia đình có ba chị em. Sau bà là hai em trai. Ngày trẻ, Hillary say mê các môn thể thao như trượt băng, quần vợt, ba lê, bóng chuyền và bóng ném. Ảnh chụp Hillary những năm 1960 khi bà còn là một thiếu nữ. Ảnh: Everett Collection/Rex Features.
Năm 1969, Hillary học trường luật thuộc Đại học Yale sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân danh dự chuyên ngành khoa học chính trị của Đại học Wellesley. Ảnh: Sky News.
Hillary Rodham và Bill Clinton gặp nhau tại Đại học Yale khi cả hai là sinh viên ở đây. Năm 1975, hai người kết hôn và chuyển về bang Arkansas sống khi Bill xúc tiến chiến dịch vận động tranh cử vào quốc hội Mỹ. Trong thời gian này, Hillary làm việc cho một công ty luật chuyên đảm nhận các vụ án về quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: Guardian.
Bà trở thành phu nhân thống đốc bang Arkansas năm 1978. Chelsea, con gái duy nhất của vợ chồng bà, chào đời hai năm sau đó. Ảnh: Donald R. Broyles/AP.
Ông Bill Clinton tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 42 của Mỹ năm 1993. Phu nhân Hillary trở thành bà chủ Nhà Trắng đầu tiên có học vị thạc sĩ, cũng như thành công trong nghề nghiệp chuyên môn. Ảnh: Sky News.
Biểu cảm của phu nhân Hillary và con gái Chelsea lúc trông thấy nhiếp ảnh gia bị ngã khi đang chụp ở phía trước ngôi đền tình yêu nổi tiếng Taj Mahal ở Ấn Độ tháng 3/1995.
Năm 1998, gia đình Clinton trở thành mục tiêu của công luận khi tổng thống thừa nhận có quan hệ tình ái với nữ thực tập sinh Nhà Trắng, Monica Lewinsky. Lúc đầu, bà Hillary cho rằng những cáo buộc chống lại chồng bà đến từ "âm mưu của cánh hữu". Sau khi có chứng cớ rõ ràng, bà bày tỏ vững tin vào sự bền vững của hôn nhân với chồng. Về sau, cả hai thú nhận trong hồi ký đó là thời kỳ khó khăn và nhiều đau đớn.
Trong ảnh, gia đình Clinton rời Nhà Trắng đi nghỉ tháng 8/1998. Ảnh: Sky News.
Năm 2000, bà Hillary giành ghế đại diện cho New York tại thượng viện Mỹ. Khi quyết định chạy đua vào thượng viện, bà dọn về sống ở New York và là đệ nhất phu nhân Mỹ đầu tiên tranh cử một chức vụ dân cử. Ảnh: Kathy Willens/AP.
Bà Hillary tỏ ra quan tâm đến chiếc ghế tổng thống. Năm 2007, bà thành lập ủy ban thăm dò để ứng cử tổng thống và luôn dẫn đầu trong giai đoạn đầu của chặng đua giành đề cử từ đảng Dân chủ. Theo sau bà là thượng nghị sĩ Barack Obama, đại diện bang Illinois, và cựu thượng nghị sĩ John Edwards đến từ Bắc Carolina. Tuy nhiên sau đó, bà thất bại trước ông Obama khi không có đủ số phiếu cần thiết. Bà tuyên bố chấm dứt cuộc vận động tranh cử và ủng hộ ông Obama. Ảnh: Matt Campbell/EPA.
Tháng 12/2008, Tổng thống mới đắc cử Barack Obama cho biết ông sẽ đề cử bà Hillary Clinton làm ngoại trưởng Mỹ khi ông nhậm chức vào năm sau. Tháng 1/2009, bà Hillary được thượng viện phê chuẩn và trở thành Ngoại trưởng thứ 67 của nước này. Trong ảnh, ông Bill Clinton và con gái Chelsea có mặt trong lễ nhậm chức của bà Hillary. Ảnh:Sky News.
Vợ chồng bà Hillary hạnh phúc trong lễ cưới của con gái năm 2010. Chelsea Clinton kết hôn với nhân viên ngân hàng Marc Mezvinsky và đón con gái đầu lòng tháng 9/2014. Ảnh: Barbara Kinney/AFP.
Bà Hillary từ chức Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 2/2013. Người kế nhiệm bà là thượng nghị sĩ John Kerry. Ảnh: Robyn Beck/AFP.
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ hôm qua không tổ chức họp báo lớn mà đăng tuyên bố chính thức trở lại đường đua vào Nhà Trắng trên trang cá nhân. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2016, bà Clinton sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ảnh: Sky News.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm việc tại Tây Ninh

Chiều 12/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và công tác đối ngoại.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao các bộ, ngành nghiên cứu, hỗ trợ Tây Ninh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và tăng cường đối ngoại. Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và tăng cường đối ngoại.
Đặc biệt, tốc độ phát triển kinh tế của Tây Ninh đạt mức cao so với bình quân của cả nước. Tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối ngoại với các tỉnh biên giới của Campuchia.
Thời gian tới, Tây Ninh cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-TPHCM -Mộc Bài (Tây Ninh), đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hàng lang kinh tế nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong kết nối kinh tế với các nước ASEAN và không gian hội nhập rộng lớn hơn của đất nước, qua đó tạo động lực phát triển chung của cả nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2020, toàn tuyến có quy mô kinh tế khoảng 200-220 tỷ USD (chiếm tới khoảng 70% tổng GDP quốc gia) và chiếm khoảng 80% dân số đô thị tăng thêm trong cả nước ở thời kỳ từ nay đến năm 2020; phấn đấu chiếm khoảng 46% khối lượng vận tải biển và khoảng 70% khối lượng hàng hóa vận chuyển Bắc-Nam vào năm 2020. Thu hút khoảng 9,0-9,5 triệu khách quốc tế và 40-41 triệu khách nội địa với doanh thu đạt 15-16 tỷ USD.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu, hỗ trợ Tây Ninh nhằm tăng cường quảng bá tiềm năng thế mạnh của địa phương, thúc đẩy thương mại qua biên giới; đồng thời cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh về vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực biên giới, đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu…
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hải Minh
Trong quý I/2015, kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt mức tăng trưởng 9,4% so với 8,2% cùng kỳ năm 2014; kim ngạch xuất khẩu tăng 19,2% trong khi giá trị hàng nhập khẩu tăng 37,3% chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 800 triệu USD, tăng 62,4% so với cung kỳ.
Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục được quan tâm và thực hiện tốt. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Tây Ninh duy trì tốt mối quan hệ với các địa phương của Campuchia, hỗ trợ các tỉnh bạn thực hiện một số công trình hạ tầng nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa giữa hai bên.
Hải Minh

Chiến dịch 'ngoài kế hoạch' giải phóng Trường Sa 1975

Khi các cánh quân trên đất liền ồ ạt tiến về Sài Gòn, lực lượng đặc công hải quân bất ngờ nhận lệnh giải phóng quần đảo Trường Sa trong tay quân đội Việt Nam Cộng hòa, bởi "nếu chậm, có thể quân đội nước ngoài xâm chiếm trước".
Tháng 3/1975, sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ. Ngoài thời cơ thống nhất đất nước, Bộ Tổng tham mưu đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn nhận cần gấp rút giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa - vùng lãnh hải có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế và quân sự mà quân đội Việt Nam Cộng hòa đang nắm giữ.
Khi đó, Trường Sa có 11 đảo có người ở do quân đội của ba nước và vùng lãnh thổ đóng giữ, gồm: Đài Loan chiếm giữ Ba Bình; Philippines giữ Thị Tứ, Vĩnh Viễn, Bến Lạc, Nam Côn, Song Tử Đông; chính quyền Việt Nam Cộng hòa đóng giữ Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và mới đặt bia chủ quyền ở đảo An Bang, chưa có người ở. Lực lượng quân đội Sài Gòn đóng giữ ở đây gồm khoảng 150 lính bảo an, thuộc Tiểu đoàn 371 Phước Tuy.
Bộ đội đặc công trên đảo Trường Sa năm 1975. Ảnh tư liệu.
"Sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc ngày 19/1/1974 càng cho thấy tầm chiến lược của những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió biển Đông. Cần tổ chức giải phóng kịp thời phần đất này. Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm, tình hình sẽ rất phức tạp... Theo thăm dò, triển vọng ở đây có dự trữ dầu lửa lớn. Có thể thấy biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại kể từ thế kỷ 21", Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ vấn đề và gọi đây là "một sự kiện đặc biệt diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu".
Quân ủy Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo chính quyền Sài Gòn đang chiếm giữ. Kiến nghị ngay lập tức được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975. Chính ủy Hải quân Hoàng Trà được điều về làm việc cạnh Bộ Tổng tham mưu, kiến nghị về nhiệm vụ của hải quân trong trận tổng giao chiến cuối cùng. Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về các đảo, quần đảo thuộc vùng biển Việt Nam, Cục Quân báo nắm tình hình biển Đông.
Giải phóng các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ trong quần đảo Trường Sa trở thành một hướng tiến công chiến lược trên biển, nhằm phối hợp với các hướng tiến công trên bộ vào Sài Gòn. 
Về thời cơ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò: "Nếu đối phương đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay, nếu nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại. Trên mặt trận biển Đông, hành động của Hải quân cũng phải thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".
Khó khăn lớn nhất cho Hải quân là giải phóng các đảo trên một vùng biển rộng lớn với lực lượng nhỏ bé, xung quanh là sự lăm le của một số nước, trong đó có tàu của Hạm đội 7 Mỹ. Vị tổng tư lệnh lo lắng đặt câu hỏi: "Thời cơ giải phóng là như vậy, nhưng cách đánh thì sao? Trong tình hình vũ khí, phương tiện của ta còn kém hơn cả đối phương về số lượng và trình độ hiện đại?".
Nhiệm vụ được giao cho Đoàn 126, Quân chủng Hải quân. Đoàn đặc công nổi danh với hàng trăm trận đánh chìm tàu chiến của Mỹ ở Đông Hà - Cửa Việt làm lực lượng chủ công, phối hợp với đội đặc công nước của Tiểu đoàn 471 và Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 28, Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Tàu vận tải quân sự của Trung đoàn 125 được giao nhiệm vụ chở quân. Thượng tá Mai Năng, Trưởng Đoàn 126 là chỉ huy trận này.
Ông Mai Năng giờ là thiếu tướng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công. Nhớ lại ngày lên gặp Phó tư lệnh hải quân Hoàng Hữu Thái nhận nhiệm vụ ở quân cảng Đà Nẵng cuối tháng 3/1975, ông kể: "Giở hải đồ ra, chúng tôi thấy khoảng cách giữa các đảo trong quần đảo tương đối xa nhau. Từ Song Tử Tây đến An Bang khoảng 230 hải lý, các đảo còn lại đều cách nhau trên 10 hải lý".
Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ phải giải phóng đồng loạt 6 đảo. Ông Năng phân tích, đặc công nước chỉ chuyên đánh tàu, đánh cảng, hoạt động ở vùng cửa biển, chưa bao giờ đánh đảo. Địa bàn Trường Sa rộng lớn, chưa thông thuộc địa hình, không thể trinh sát trước, đặc công muốn đánh thì mắt phải thấy, tai phải nghe, tay phải sờ, chân phải đến. Phương án được thống nhất là không đánh đồng loạt vì lực lượng mỏng và không có quân dự bị, mà đánh và rút kinh nghiệm ở đảo đầu tiên giải phóng được rồi phát triển ra các đảo khác, trinh sát đến đâu, đánh đến đó.
Đảo Sơn Ca được giải phóng ngày 25/4/1975. Ảnh tư liệu.
Ngày 9/4/1975, Cục Quân báo phát hiện chính quyền Sài Gòn bắt đầu rút quân khỏi các đảo. Quân ủy Trung ương lập tức gửi điện tối khẩn cho các ông Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Hoàng Hữu Thái. "Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước đang có ý đồ xâm chiếm", nội dung bức điện nêu. Cùng thời điểm này trên đất liền, các cánh quân lớn đang hành quân thần tốc tiến vào thị xã Xuân Lộc, chọc thủng tuyến phòng ngự cuối cùng của cửa ngõ phía đông Sài Gòn.
Một ngày sau, các tàu vận tải 673, 674, 675 của Quân chủng Hải quân cải trang thành tàu đánh cá nước ngoài, chở theo các chiến sĩ đặc công rời quân cảng Đà Nẵng tiến về Trường Sa. Sau 3 ngày lênh đênh, đoàn tàu đến nơi, cách Song Tử Tây vài km vờ đánh cá để trinh sát tình hình.
Trong các đảo ở Trường Sa mà quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ, Nam Yết là mạnh nhất, có sở chỉ huy chung và khoảng 60 binh sĩ; Song Tử Tây có khoảng 40 và mỗi đảo còn lại khoảng 20 người, được trang bị vũ khí bộ binh, cối... Hạn chế lớn nhất của đội quân đóng giữ ở đây là lực lượng mỏng, khả năng ứng cứu từ đất liền ra hoặc giữa các đảo với nhau không dễ dàng, tinh thần hoang mang do thất bại liên tiếp từ đất liền.
Quân chủng Hải quân chọn đánh Song Tử Tây trước vì đây là chỗ yếu nhất và để thăm dò phản ứng của đối phương, làm bàn đạp tấn công các đảo còn lại. 
4h30 sáng 14/4, các tàu vận tải bí mật áp sát Song Tử Tây, 3 mũi đặc công cùng đổ bộ. Bị đánh bất ngờ, lính trên đảo chống trả yếu ớt. Sau 30 phút giao tranh, đặc công hải quân làm chủ Song Tử Tây, 6 lính Việt Nam Cộng hòa tử trận, 33 người bị bắt sống, 2 lính đặc công hy sinh.
Rạng sáng 14/4, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên đỉnh cột trước bia chủ quyền trên đảo. Sau đó, một bộ phận chiến sĩ ở lại phòng thủ, số khác đưa tù binh, thương binh về Đà Nẵng bàn giao.
Bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa do Hải quân Việt Nam Cộng hòa dựng năm 1956. Ảnh: Nam Anh. 
Thực hiện chiến thuật vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, ngày 25/4, bộ đội hải quân chiếm Sơn Ca; ngày 27/4 làm chủ Nam Yết và Sinh Tồn; ngày 28/4 chiếm Trường Sa Lớn và An Bang. 
"Đúng như anh Văn nhận định, sáng 29/4, một số tàu lạ tiến vào gần các đảo, khi nhìn thấy cờ của quân giải phóng thì quay đầu bỏ đi. Nếu chúng tôi chậm vài tiếng đồng hồ trong việc làm chủ, tình hình sẽ phức tạp hơn", tướng Năng nói và cho hay đây là trận đánh lớn có ý nghĩa nhất với lực lượng đặc công khi góp phần giải phóng một vùng lãnh hải lớn, tạo nên tuyến phòng thủ đất nước từ xa. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng này vẫn nguyên giá trị và tính thời sự trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hôm nay.
"Nhờ chớp thời cơ có lợi, tiến công giải phóng được 6 đảo trên, chúng ta mới có bàn đạp để từng bước mở rộng phạm vi đóng giữ ra các đảo, bãi cạn khác như ngày nay (9 đảo, 21 bãi cạn, 33 điểm đóng quân), củng cố thế đứng vững chắc trên toàn bộ quần đảo vốn được xác định là lá chắn phòng thủ từ xa phía sườn đông của Tổ quốc", thượng tướng Nguyễn Văn Hiến, Đô đốc hải quân đánh giá.

33 điểm đóng quân của Việt Nam tại huyện đảo Trường Sa bao gồm:
- Tại 9 đảo với 10 điểm đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh (2 điểm đảo A, B), An Bang, Trường Sa Đông, Trường Sa.
- Tại 12 bãi cạn nửa nổi nửa chìm với 23 điểm đảo (đảo đá): Đá Nam, Đá Thị, Đá Lớn (3 điểm đảo A, B, C), Cô Lin, Len Đao, Tốc Tan (3 điểm đảo A, B, C), Núi Le (2 điểm đảo), Tiên Nữ, Thuyền Chài (3 điểm đảo A, B, C), Đá Tây (3 điểm đảo A, B, C), Đá Đông (3 điểm đảo A, B, C), Đá Lát.

Hoàng Phương - Nguyễn Đông

3 bà cháu bị sát hại: Nghi phạm lầm lì không khai

Hơn 1 ngày sau khi bắt, Mai Thị Vóc, người phụ nữ đã cầm dao chém chết 3 bà cháu ở Nam Định, công an vẫn chưa lấy được lời khai do nghi phạm luôn giữ thái độ lầm lì, không trả lời câu hỏi của điều tra viên.
Chị Nguyễn Thị Thơm (bìa phải) vẫn chưa hết bàng hoàng và đau đớn trước cái chết của mẹ chồng và 2 con trai
Đến chiều ngày 12-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Nam Định vẫn chưa có kết luận nào về nguyên nhân vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Hải Tân (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) vào sáng ngày 11-4 khiến 3 bà cháu bị chém chết cùng một lúc.
Được biết, nghi phạm Mai Thị Vóc (SN 1975, người chém chết 3 bà cháu) đã được di lý từ Hải Hậu về trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, đến cuối ngày 12-4, công an vẫn chưa lấy được lời khai, do nữ nghi phạm luôn giữ thái độ lầm lì, không trả lời các câu hỏi của điều tra viên.
Thông tin từ gia đình nạn nhân cho biết anh Đỗ Văn Kiên (con của người bà Ngọc bị chém chết và là cha của 2 bé trai bị chém chết) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu. Sau khi ổn định vết thương, hiện anh Kiên đã được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ án mạng người phụ nữ hàng xóm chém chết 3 bà cháu
Có mặt tại xã Hải Tân, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy người dân xôn xao về vụ án mạng đau lòng trên. Cho đến giờ người dân nơi đây cũng không biết do nguồn cơn từ đâu mà người phụ nữ trên có thể hành động dã man đến vậy. Tại gia đình nạn nhân, rất đông người thân và hàng xóm đến động viên, chia sẻ mất mát đau thương với anh Kiên, chị Nguyễn Thị Thơm (SN 1985, là vợ anh Kiên và là mẹ của 2 cháu trai bị chém chết).
Chị Thơm vẫn đang trong tình trạng vô cùng đau đớn trước cái chết thương tâm của các con và mẹ chồng. Theo chị Thơm, gia đình chị và gia đình bà Vóc sống cạnh nhau và không có mâu thuẫn gì. Chị Thơm cũng cho rằng thời gian gần đây bà Vóc có nhiều thay đổi bất thường sau ngày mẹ chồng qua đời. “Tôi không ngờ tai họa lại ập đến với gia đình tôi” - chị Thơm đau đớn.
“Kể từ ngày qua mẹ chồng qua đời tháng 2-1015, bà Vóc thay đổi nhiều lắm, rất ít nói, lầm lì, có nhiều hành động không bình thường và hay cáu gắt, chửi bới chồng con, hàng xóm” - một người thân của gia đình nạn nhân cho biết.
Góc nhà nơi bà Ngọc bị Mai Thị Vóc truy đuổi tới và chém chết
Nguyên nhân về vụ thảm sát chưa được xác định, song bước đầu cơ quan chức năng nhận định bà Mai Thị Vóc có dấu hiệu trầm cảm. Tuy nhiên, người phụ nữ này chưa hề đi khám bệnh nên không có bệnh án tâm thần.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 11-4, tại nhà anh Đỗ Văn Kiên và chị Nguyễn Thị Thơm đã xảy ra một vụ án mạng đau lòng khi bà Mai Thị Vóc (SN 1975, hàng xóm và là anh em họ hàng), bất ngờ chạy sang nhà anh Kiên lấy dao truy sát cả gia đình anh khiến mẹ anh là bà Ngọc và 2 con trai Đỗ Thành Đạt (8 tuổi), Đỗ Công Minh (3 tuổi) tử vong ngay tại chỗ, anh Kiên bị trọng thương được đưa đi cấp cứu do bị chém nhiều nhát và đùi và vùng mặt.