Monday, January 18, 2016

Chứng khoán Việt Nam đỏ sàn theo gót thị trường châu Á

Chứng khoán Việt Nam đỏ sàn theo gót thị trường châu Á

Tăng điểm lúc đầu giờ sáng, song sự giảm dần của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến Vn-Index trượt theo đà giảm của chứng khoán châu Á đến hết phiên.
  • Trung Quốc đóng cửa sàn chứng khoán vì giá giảm mạnh

Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Vn-Index mất hơn 4,6 điểm xuống 574,4 điểm. Toàn sàn có 143 mã giảm, gần gấp đôi số mã tăng với thanh khoản gần 1.900 tỷ đồng. Đầu phiên sáng, một số cổ phiếu dầu khí trên sàn HoSE như GAS, PVD tăng nhẹ, hay một số bluechip khác cũng đang giữ giá xanh như BID, BVH, KDC… Tuy nhiên, đến chiều, các mã này quay đầu giảm điểm hoặc lùi về mức tham chiếu đã chặn đà tăng của thị trường. 

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm mạnh như MSN và VNM giảm 2.000 đồng, VCB giảm 700 đồng, MBB giảm 500 đồng, HAG giảm 300 đồng...

Bên sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa ngày cũng giảm 0,5 điểm xuống 79,45 điểm. Thanh khoản toàn sàn đạt hơn 454 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu tài chính trên sàn đều sụt như ACB và SHB giảm 100 đồng, KLS và BVS mất 100 đồng...

Thị trường chứng khoán lao dốc bất chấp thông tin giá xăng dầu giảm được phát ra từ 14h chiều nay cũng như việc chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 12, phản ánh sự tích cực hơn của các điều kiện sản xuất kinh doanh. Có thể thấy, thị trường bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến biến động lớn từ Trung Quốc.

Đầu giờ chiều nay, chỉ số CSI 300 của nước này mất 7%, khiến giới chức phải ra lệnh ngừng giao dịch đến hết ngày. CSI 300 gồm cổ phiếu các công ty có vốn hóa lớn niêm yết trên cả 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến. Trong khi đó, Shanghai Composite Index mất 6,85%.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Trung Quốc giảm tháng thứ 5 liên tiếp khi chỉ đạt 49,7 trong tháng 12, cho thấy sản xuất đang co lại. Đây là chuỗi giảm dài nhất từ năm 2009, bất chấp nước này đã nhiều lần giảm lãi suất và kích thích tài khóa.

Cơn hỗn loạn của Trung Quốc cũng kéo theo các thị trường chứng khoán trong khu vực đỏ lửa. Nikkei 225 của Nhật Bản hiện giảm 3%, Kospi Hàn Quốc giảm hơn 2%...

Phương Linh

Năm bứt phá của bất động sản

Năm bứt phá của bất động sản

Thanh khoản cao, giới đầu tư quay lại thị trường, đổ tiền vào tài sản cho thuê, mua bán sáp nhập sôi động... là những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh bất động sản 2015.
  • Nở rộ bất động sản 'độc, lạ' trong năm 2015

Thanh khoản căn hộ lập kỷ lục

Thống kê mới nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến hết tháng 11, số lượng giao dịch trên thị trường cả nước đạt 24.300 sản phẩm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại TP HCM, thanh khoản căn hộ lên đỉnh điểm trong quý II/2015 đạt hơn 10.000 sản phẩm - đánh dấu mức hấp thụ cao nhất một quý trong lịch sử, theo CBRE Việt Nam. Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, trong quý III/2015 giao dịch căn hộ 9 tháng đầu năm 2015 đạt xấp xỉ của cả năm 2009 - thời kỳ hoàng kim của phân khúc này. Đây cũng là con số giao dịch cao nhất kể từ năm 2007. 

Giới đầu tư rầm rộ quay lại thị trường

Không chỉ có lượng khách hàng nhỏ lẻ mạnh dạn rót tiền mua nhà, ngay cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức mua sỉ lô lớn cũng nhập cuộc nhanh chóng. Thậm chí nhiều quỹ đầu tư cũng đã xuất hiện và không ngần ngại rót hàng trăm triệu USD vào các dự án. Sự trở lại đầy hứng khởi của nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh góp phần đẩy thanh khoản của thị trường lên cao. Năm 2015, bất động sản TP HCM chứng kiến nhiều thương vụ mua một lúc dăm ba sàn đến cả chục sàn căn hộ trong một dự án. Đặc biệt, các quỹ đầu tư đến từ Singapore có động thái thâu tóm một lúc 10-30% sản phẩm trong các chung cư cao cấp. 

Hàng loạt thương vụ M&A nghìn tỷ về đích

Vingroup mua StarCity Centre (Trần Duy Hưng) từ Tập đoàn Đại Dương và dự án tại số 7 Đại Lộ Thăng Long, đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Gaw Capital Partners (Hong Kong) nhận chuyển nhượng lại 4 dự án bất động sản từ Indochina Land gồm Indochina Plaza Hanoi, Hyatt Regency Danang và 2 dự án đang phát triển khác tại Quảng Nam và TP HCM… Trong khi đó, ở miền Trung, dự án 4 tỷ USD do Vina Capital làm cổ đông chính đã được chuyển sang tay ông chủ mới là Tập đoàn Chow Tai Fook của một tỷ phú Hong Kong.

nam-but-pha-cua-bat-dong-san

Thị trường địa ốc đã có bước chạy đà hoàn hảo trong năm 2014 và tăng tốc, bứt phá ngoạn mục trong năm 2015. Ảnh: Lucas Nguyen

Đầu tư tài sản cho thuê trở thành xu hướng thời thượng

Ngoài căn hộ chung cư được đầu tư cho thuê rầm rộ trong suốt 12 tháng qua, thị trường bất động sản chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dòng sản phẩm tiêu dùng đặc thù. Đó là các dự án quy mô nhỏ như: phòng trọ cao cấp, căn hộ dịch vụ mini với khung giá thuê khá đa dạng từ vài triệu đồng mỗi căn một tháng đến cả nghìn USD. Cuối năm 2015, mô hình đầu tư nhà siêu nhỏ cho thuê giá rẻ đã được Công ty TNHH Lê Thành thí điểm để chuẩn bị cho dự án nhà ở xã hội cho thuê quy mô vài nghìn căn vào năm 2016. 

Bất động sản nghỉ dưỡng tăng tốc ấn tượng

Năm 2015 chứng kiến sự bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng ven biển cũng như miền núi. Dọc theo bờ biển, nóng nhất phải kể đến Phú Quốc với tổng số vốn đầu tư đăng ký ước tính 8 tỷ USD. Theo Ban quản lý huyện đảo này, đến đầu quý IV/2015 đã có 22 dự án đi vào hoạt động chiếm diện tích 1.286 ha với số vốn đầu tư 25.811 tỷ đồng. Trong khi đó, 14 dự án khác cũng đang được triển khai xây dựng với tổng diện tích 733ha, có lượng vốn đầu tư 11.383 tỷ đồng (gồm cả Sân bay Quốc tế Phú Quốc 905ha, vốn đầu tư 3.076 tỷ đồng).

Ngoài ra, các vùng ven biển từ Khánh Hòa, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Phan Thiết, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh hay các tỉnh miền núi như Sapa, Lào Cai cũng đều xuất hiện nhiều dự án nghỉ dưỡng đình đám. Sự trở lại của dòng sản phẩm second home này cho thấy niềm tin vào chu kỳ phát triển mới của bất động sản ngày càng lớn dần.

Bất động sản cao cấp tái xuất mạnh mẽ

Theo VNREA, trong năm 2015, nguồn cung căn hộ cấp cao chiếm một phần ba tổng số mở bán trên thị trường. Xét về số lượng căn hộ giao dịch được ở phân khúc này cũng đạt mức kỷ lục trong vòng 3 năm qua.

Nhiều quan điểm cho rằng việc nguồn cung căn hộ cao cấp bùng nổ có thể xem là con dao hai lưỡi. Một mặt đây là tín hiệu đánh dấu sự hồi phục của thị trường. Mặt khác nếu lệch pha cung cầu (căn hộ cao cấp vượt trội so với nhà ở trung cấp và bình dân) có thể khiến thị trường gặp một số trở ngại.

Trong báo cáo gần đây do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị về việc tăng trưởng mạnh của các giao dịch ở phân khúc cao cấp nhằm ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ.

Vũ Lê - Ngọc Tuyên

Ngân hàng Nhà nước: 'Doanh nghiệp ít chịu rủi ro tỷ giá với cơ chế mới'

Ngân hàng Nhà nước: 'Doanh nghiệp ít chịu rủi ro tỷ giá với cơ chế mới'

Thông qua công cụ phái sinh, cơ quan quản lý có thể đưa ra thông điệp điều hành cho doanh nghiệp, chẳng hạn vùng tỷ giá mục tiêu đến cuối tháng 3 tới được định hướng tăng khoảng 1%.
  • Tỷ giá bắt đầu theo cơ chế mới / Ngân hàng Nhà nước: Tỷ giá linh hoạt giúp giảm kỳ vọng găm giữ USD

Trong ngày đầu thực hiện điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - Bùi Quốc Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí để giải thích một số nội dung của chính sách này.

- Từ ngày 4/1, việc điều hành tỷ giá được thực hiện theo cơ chế mới: Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm hằng ngay, thay vì có thể duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhiều tháng như trước. Đâu là cơ sở để cơ quan điều hành đưa ra con số 21.896 đồng đổi một USD cho ngày đầu tiên?

- Để xác định mức giá này, Ngân hàng Nhà nước đã dựa trên 3 thành tố chính: Một là tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường liên ngân hàng, thứ hai là tỷ giá tham chiếu dựa trên biến động của các đồng tiền quốc tế, các đối tác thương mại đầu tư lớn với Việt Nam và cuối cùng diễn biến kinh tế vĩ mô.

ngan-hang-nha-nuoc-doanh-nghiep-it-chiu-rui-ro-ty-gia-voi-co-che-moi

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - Bùi Quốc Dũng trả lời báo chí chiều 4/1 về cơ chế tỷ giá mới. Ảnh: Anh Tú. 

Trong đó, tỷ giá bình quân gia quyền tính theo trọng số của các ngân hàng trên thị trường, được lấy theo giá đóng cửa giao dịch của phiên trước đó. Sở dĩ chọn bình quân gia quyền là bởi nếu lấy vào cuối giờ, có thể xảy ra tình trạng các ngân hàng thương mại lớn làm giá. Tỷ giá các đồng tiền quốc tế lại được lấy theo giao dịch gần nhất lúc 7 giờ sáng, bởi với nhiều đồng tiền, giờ đóng cửa ở nước này có thể lại là thời điểm bắt đầu giao dịch ở thị trường khác.

Nói chung với cách tính mới, tỷ giá trung tâm sẽ vừa thể hiện biến động trong nước, vừa phản ánh thị trường quốc tế. Thời gian tới, sẽ có những hôm thị trường trong nước tăng cao, giá quốc tế lại giảm thì tỷ giá trung tâm vẫn có thể giảm theo.

- Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại chọn các yếu tố nêu trên, thay vì những công cụ khác để tính tỷ giá trung tâm?

- Trên thế giới hiện có 2 cách xác định tỷ giá trung tâm. Nhóm các nước như Trung Quốc lấy tỷ giá đóng cửa hôm trước làm tham chiếu cho tỷ giá hôm sau. Nhược điểm của cách này là tỷ giá cuối giờ có thể là chủ quan, bị các tổ chức tín dụng lớn chi phối. Nhóm thứ hai như Singapore dựa chủ yếu vào các đồng tiền mạnh trên thế giới. Ưu điểm của phương pháp này là tỷ giá sẽ phản ứng nhanh với thị trường quốc tế nhưng lại khó phản ánh cung cầu trong nước.

Với Việt Nam, theo quan sát định tính trong năm 2015, tỷ giá cũng chịu chi phối nhiều bởi yếu tố tâm lý do các diễn biến trên quốc tế. Do vậy, lựa chọn cách kết hợp cả hai yếu tố nêu trên là để vừa đảm bảo tỷ giá linh hoạt, vừa phản ánh diễn biến thế giới cũng như cung cầu trong nước.

- Vậy những đồng tiền nào làm căn cứ tham chiếu tính tỷ giá trung tâm hiện nay?

- Dựa trên nhiều yếu tố, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn các đồng tiền làm căn cứ gồm: đôla Mỹ (USD), euro (EUR), nhân dân tệ (CNY), yên Nhật (JPY), đôla Singapore (SGD), won Hàn Quốc (KRW) và Đài tệ (Đài Loan), đồng bạt Thái Lan (THB). Những nước còn lại do mức đầu tư với Việt Nam khá nhỏ nên không ảnh hưởng đáng kể.

- Trước đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn đưa ra thông điệp về mức biên độ điều chỉnh của tỷ giá hằng năm để doanh nghiệp có căn cứ xây dựng phương án kinh doanh. Với cơ chế mới, thông điệp đó sẽ được đưa ra thế nào?

- Việc định hướng tỷ giá là khó nhất đối với chúng tôi khi xây dựng cơ chế mới. Không chỉ để tỷ giá lên xuống mà còn làm sao để quản lý hiệu quả. Để làm được việc này, chúng tôi sử dụng công cụ phái sinh.

Trước Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng chỉ có bán giao ngay (spot), nay đã có thể phái sinh. Như đợt ngày 31/12 vừa rồi, chúng tôi cho phép các ngân hàng mua kỳ hạn 3 tháng để cân bằng trạng thái ngoại tệ với giá bán cao hơn giá của ngày 31/12/2015 là 1%. Thay vì đưa ra biên độ thay đổi cứng, cách này giúp thị trường ngầm hiểu là vùng mục tiêu của tỷ giá đến cuối tháng 3 là khoảng 1%.

Như vậy, khi căng thẳng nguồn thu ngoại tệ cuối năm, các ngân hàng vẫn có thể mua kỳ hạn và short (bán ra) đôla để cân bằng trạng thái kinh doanh bình thường. Đến cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán bù đắp ngoại tệ. Không chỉ vậy, các ngân hàng có thể hủy giữa chừng, phí hủy chỉ mang tính tượng trưng.

- Doanh nghiệp sẽ có lợi gì khi tỷ giá được điều hành theo cách thức mới?

- Cơ chế tỷ giá mới biến động linh hoạt, giúp cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, mua bán cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra, vì tỷ giá tăng giảm hằng ngày nên mức biến động mỗi lần sẽ đỡ mạnh hơn. Nếu trước đây khi tỷ giá được cố định thời gian dài, lúc tăng 1-2% thì doanh nghiệp có thể thua lỗ về mặt tỷ giá. Với cách điều hành, này mức độ thay đổi nhỏ hơn rất nhiều.

Cơ chế tỷ giá mới áp dụng cũng có sự phối hợp với bán kỳ hạn giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, giúp thúc đẩy và khuyến khích các thành viên phát triển thị trường ngoại hối phái sinh.

Thanh Thanh Lan (ghi)

Chứng khoán Trung Quốc, căng thẳng Trung Đông đẩy giá vàng tăng

Chứng khoán Trung Quốc, căng thẳng Trung Đông đẩy giá vàng tăng

Những bất ổn trên sàn chứng khoán Trung Quốc và căng thẳng tại khu vực Trung Đông giữa Iran và Saudi Arabia đang đẩy nhu cầu kim loại quý này lên cao.

Vàng giao ngay mở cửa hôm nay đã tăng 0,6% lên 1.080,43 USD một ounce. Đến 7h45 (giờ Hà Nội), mỗi ouce vàng chạm 1.077,4 USD. Mức giá này quy đổi theo tỷ giá ngân hàng khoảng 29,2 triệu đồng một lượng (nếu chưa kể thuế phí). Hôm qua, thị trường trong nước chốt ngày ở 32,81-32,87 triệu đồng mỗi lượng.

chung-khoan-trung-quoc-cang-thang-trung-dong-dy-gia-vang-tang

Giá vàng tăng trong những phiên đầu năm do bất ổn kinh tế chính trị quốc tế. Ảnh: Anh Quân.

Trong phiên hôm qua, kim loại quý này thậm chí còn tăng 2,2% lên mức cao nhất 4 tuần sau những thông tin về số hợp đồng sản xuất được ký kết tại Trung Quốc tháng 12.

"Thêm những tín hiệu yếu từ Trung Quốc khiến giá vàng trở nên lạc quan hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để tự tin vào giá kim loại quý này trong dài hạn", Julius Baer - chuyên gia của Carsten Menke nói.

Việc chứng khoán Trung Quốc mất 7% trong phiên đầu tháng khiến toàn cầu lo ngại về đà tăng trưởng và ảnh hưởng phần nào đến chứng khoán châu Âu và Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc đóng cửa trong trạng thái hỗn loạn. "Vùng kháng cự đầu tiên của giá vàng nằm giữa 1.083 USD và 1.087 USD với mức tăng tiếp theo là 1.100 USD", MKS Group viết trong một thông báo.

Vàng miếng, thường được xem như một khoản đầu tư thay thế khi chính trị, kinh tế bất ổn, đang được hỗ trợ phần nào. Căng thẳng chính trị giữa Iran và Saudi Arabia cuối tuần trước cũng đang góp phần khiến giá tăng. Việc giáo xứ dòng Shiite bị xử tử đang thổi bùng lên cuộc bạo loạn tại khắp biên giới giữa Iran và Saudi Arabia. Hiện Saudi Arabia đã tuyên bố đóng cửa không phận và cấm vận kinh tế với Tehran. Năm ngoái, giá vàng mất 10% vì những lo ngại Mỹ tăng lãi suất.

Cùng với vàng, giá bạc cũng tăng 0,6% lên 13,95 USD một ounce sau khi đã kết thúc một năm giảm tới 11,7% trong 2015. Platinium cũng tăng 0,9% và palladium tăng 1,5%.

Thanh Thanh Lan

TP HCM sẽ đấu giá 23 'khu đất vàng'

TP HCM sẽ đấu giá 23 'khu đất vàng'

Năm nay, TP HCM sẽ đấu giá 23 'khu đất vàng' thuộc các quận, huyện trên địa bàn với tổng diện tích hơn 130.000 m2.

Theo Sở Tài Nguyên Môi trường TP HCM, 14 khu đất chưa hoàn tất thủ tục đấu giá năm 2015 sẽ chuyển sang năm nay có diện tích 95.400 m2, bao gồm khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1 (trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP HCM).

Cùng với đó là 9 khu đất được bổ sung đấu giá với diện tích gần 42.300 m2 tại các quận Thủ Đức (3 khu), quận 3, 1, 5, 7 và huyện Bình Chánh (2 khu), nâng tổng số khu đất dự kiến bán đấu giá trong năm nay lên 23 khu.

tp-hcm-se-dau-gia-23-khu-dat-vang

Năm nay TP HCM sẽ đấu giá tổng cộng  23 "khu đất vàng". Ảnh minh họa: Vũ Lê

Trong năm 2015, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên Môi trường thành phố đã triển khai đấu giá 28 khu đất với tổng diện tích 855.000 m2, trong đó, đã tổ chức bán đấu giá 7 khu đất với diện tích hơn 18.000 m2. Trong số này có 3 khu rộng hơn 9.500 m2 đã được đấu giá thành công với tổng giá trị 117 tỷ đồng và bàn giao cho đơn vị, cá nhân trúng đấu giá.

Hiện TP HCM vẫn còn khu đất 3.300 m2 tại 23 Lê Duẩn, quận 1 đã đấu giá thành công với số tiền 1.430 tỷ đồng, tuy nhiên, chưa bàn giao được do bên trúng đấu giá mới nộp 15% giá khởi điểm (giá khởi điểm là 558 tỷ đồng), nhưng chưa hoàn tất việc nộp tiền trong khi thời gian quy định đã hết.

Trước đó, vào tháng 6/2015 Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP HCM tổ chức công khai bán đấu giá quyền sử dụng đất của "khu đất vàng" 23 Lê Duẩn, quận 1 với mức khởi điểm là 558 tỷ đồng. Kết quả, một công ty thương mại dịch vụ khách sạn đã vượt qua 12 "đối thủ" khác để thắng đấu giá với số tiền kỷ lục 1.430 tỷ đồng.

Trung Sơn

VN-Index rơi 13,5 điểm đầu phiên chiều

VN-Index rơi 13,5 điểm đầu phiên chiều

Sau những phút giảm mạnh đầu phiên chiều, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/1, VN-Index giảm 9,2 điểm xuống còn 565 điểm. Toàn sàn có 194 mã giảm điểm, 24 mã giảm sàn, trong khi chỉ có 42 mã tăng điểm.
  • Chứng khoán Trung Quốc lại ngừng giao dịch

Tương tự, HNX-Index cũng giảm 1,5 điểm xuống 77 điểm. Toàn sàn có 154 mã giảm, 46 mã tăng điểm. Thanh khoản hai sàn ở mức khoảng gần 2.800 tỷ đồng.

Hầu hết các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn đều giảm điểm: VCB giảm 500 đồng, SSI giảm 600 đồng, FPT giảm 900 đồng, GAS giảm 1.800 đồng, BID giảm 900 đồng, BVH giảm 1.500 đồng, VNM giảm 2.000 đồng… Nhiều mã giảm sàn PVD, HHS, JVC, HAI, OGC…

Về cuối phiên dòng tiền quay trở lại đã giúp một số cổ phiếu tăng điểm: VIC tăng 500 đồng, HAG tăng 100 đồng, MSN tăng 1.500 đồng… Theo ông Nguyễn Thế Minh, tâm lý hoảng loạn đã khiến chỉ số VN-Index có thời điểm giảm sâu song quan sát vẫn chưa có sự bán tháo trên thị trường. Việc mua bán của khối ngoại vẫn được giữ vững, các quỹ ETF đang mua vào… chính là bệ đỡ kìm hãm đà lao dốc của các chỉ số.

Sáng nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã niêm yết tỷ giá nhân dân tệ ở mức 6,5646 nhân dân tệ đổi 1 USD, giảm 0,51% so với ngày hôm qua. Đây là mức giảm lớn nhất theo ngày tính từ đợt phá giá liên tiếp hồi giữa tháng 8 năm ngoái.

Triển vọng u ám của kinh tế thế giới đặc biệt là Trung Quốc cộng với những biến động ở Trung Đông đã đẩy nhà đầu tư vào thế phòng thủ. Hôm qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2015 xuống còn 2,9% từ mức 3,3% đưa ra hồi tháng 6/2015.

Trước những biến động này, VN-Index đã rơi hơn 8,53 điểm khi mở cửa sáng nay. Tính đến 9h30, toàn sàn chỉ có 21 mã tăng giá, trong khi có tới 146 mã giảm.

vn-index-roi-13-5-diem-dau-phien-chieu

Chứng khoán Việt Nam đỏ sàn theo Trung Quốc.

Tương tự, HNX-Index cũng đỏ sàn với mức giảm gần một điểm xuống 77,7 điểm. Toàn sàn có 87 mã giảm trong khi chỉ có 12 mã tăng điểm.

Hầu hết các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường đều trên đà giảm mạnh: VCB giảm 600 đồng, VIC giảm 800 đồng, SSI giảm 400 đồng, GAS giảm 600 đồng, FPT giảm 400 đồng, VNM giảm 2.000 đồng, BID giảm 300 đồng, BVH giảm 1.500 đồng, BMP giảm 3,000 đồng…

Một số mã cổ phiếu lớn khác cùng chung xu hướng giảm nhưng ở mức nhẹ hơn như KDC giảm 200 đồng, PVI giảm 300 đồng, MBB giảm 200 đồng, CTG giảm 100 đồng, VND giảm 300 đồng, HHS giảm 200 đồng, SHN giảm 400 đồng, ACB giảm 300 đồng…

Sau 30 phút hoảng loạn mở cửa, đà giảm của VN-Index đã được kìm hãm lại. Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn bao trùm thị trường.

Đến 10h30, đà giảm đã được hãm lại còn gần 6 điểm, chỉ số VN-Index đang ở mức 568,8 điểm. Toàn sàn có tới 159 mã giảm, trong khi chỉ 40 mã tăng điểm.

Tương tự, HNX-Index cũng giảm 0,67 điểm xuống còn 78 điểm. Toàn sàn có 105 mã giảm điểm, chỉ 24 mã tăng điểm. Thanh khoản hai sàn ở mức khá thấp, chỉ 960 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn bao trùm thị trường, hàng loạt các mã cổ phiếu lớn vẫn giảm điểm: VCB giảm 300 đồng, VNM giảm 2.000 đồng, BVH giảm 500 đồng, BMP giảm 3.000 đồng, HQC giảm 200 đồng, PVD giảm 1.100 đồng….

Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định rủi ro đến từ thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn rất lớn nên thị trường sẽ chưa thể sớm khởi sắc trở lại. Những cổ phiếu tăng trưởng chủ yếu sẽ chỉ đi vào câu chuyện cá biệt. Vì vậy, đơn vị này cho rằng nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát thị trường và hạn chế giải ngân tại thời điểm này.

Theo giới đầu tư, sở dĩ chứng khoán Việt Nam rơi điểm sâu là do ảnh hưởng của việc chứng khoán Trung Quốc dừng giao dịch. Phiên sáng nay, chỉ số CSI 300 trên sàn chứng khoán Trung Quốc giảm hơn 7%, khiến thị trường phải ngừng hẳn giao dịch.

Đây là lần thứ 2 trong tuần giao dịch tại Trung Quốc bị gián đoạn, từ sau khi quy định mới về ngừng giao dịch có hiệu lực. Hôm đầu tuần, thị trường nước này cũng sụt giảm mạnh sau báo cáo chỉ số sản xuất yếu kém và phải ngừng giao dịch sau phiên sáng.

Bạch Dương

Rau sạch của Vingroup nam tiến

Rau sạch của Vingroup nam tiến

VinEco Miền Nam đã chính thức được thành lập để đầu tư sản xuất nông nghiệp, trong đó có dự án 30ha rau sạch tại TP HCM.
  • Vingroup tặng rau quả sạch cho cư dân Vinhomes / Vingroup lãi gần 1.000 tỷ đồng

Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) vừa công bố việc góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco miền Nam với mục đích phát triển mạnh hệ thống đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp tại địa bàn phía Nam.

rau-sach-cua-vingroup-nam-tien

Rau sạch của Vingroup tại Vĩnh Phúc.

Theo đó, Vingroup đã quyết định tách Công ty Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco - công ty con mà tập đoàn sở hữu 70% vốn để thành lập một công ty mới là VinEco Miền Nam. Công ty mới này có vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng, Vingroup sở hữu 70%, tương đương 980 tỷ đồng vốn điều lệ.

Năm 2015, Vingroup mở đầu việc tiến vào nông nghiệp bằng một dự án rau sạch quy mô gần 25ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng tại Vĩnh Phúc. 

Theo đó Vingroup cung cấp các loại rau mầm cũng như rau ăn lá - củ - quả theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với sản lượng 3.500 tấn mỗi năm. Cuối tháng 9 vừa qua, Vingroup đã đưa những mẻ rau sạch đầu tiên ra thị trường.

Theo kế hoạch, VinEco cũng sẽ làm nhà kính thứ 2 rộng 30ha tại Củ Chi, TP HCM. Tiếp đó triển khai một loạt dự án nông nghiệp khác trên cả nước tại các địa bàn như: TP HCM, Quảng Ninh, Sa Pa (Lào Cai), Hải Dương, Thanh Hóa, Kon Tum,...

Bạch Dương

Công ty giao đồ ăn 300 triệu USD của doanh nhân gốc Việt

Công ty giao đồ ăn 300 triệu USD của doanh nhân gốc Việt

Tri Tran tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và là một trong hai nhà sáng lập của Munchery - hãng chuyên giao đồ ăn sẵn đến tận nhà.
  • Thiếu gia Australia gốc Việt lọt top 5 triệu phú U30 / Những start-up đắt giá của doanh nhân gốc Việt được mua lại

Tri Tran sinh ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong một gia đình có cha mẹ đều là giáo viên trường công. Năm 1986, khi mới 11 tuổi, anh cùng cả nhà sang Mỹ định cư.

Vượt qua quãng thời gian khó khăn ban đầu, Tri Tran có thành tích học tập xuất sắc khi còn học trung học và được nhận vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm kỹ sư trong một công ty phần mềm ở California (Mỹ) và kết hôn ở tuổi 23 với một cô gái người Việt.

Sau nhiều năm làm trong ngành công nghệ, Tran chợt nhận ra rằng vấn đề chế biến và thưởng thức những bữa cơm bổ dưỡng và ngon miệng quả là không đơn giản. Cả hai vợ chồng anh đều không có thời gian nấu cơm. "Khi 22 tuổi, tôi có thể mua đồ ăn sẵn. Nhưng khi lớn tuổi rồi, tôi không thể ăn chúng mỗi ngày được", anh nhớ lại trên Bloomberg.

cong-ty-giao-do-an-300-trieu-usd-cua-doanh-nhan-goc-viet

Tri Tran - đồng sáng lập Munchery. Ảnh: Bloomberg

Khi ấy, cả gia đình anh đang sống tại Union City, phía nam Oakland. Hàng xóm của họ từng là đầu bếp cá nhân, thường đến từng nhà khách hàng để nấu cơm, trữ vào hộp thủy tinh và cất trong tủ lạnh. Vì thế, chủ nhà chỉ cần hâm nóng lại trước khi ăn. Chỉ nấu cho 1 hoặc 2 nhà, người đầu bếp đã kiếm được 500-700 USD mỗi ngày. Vấn đề là "Ông ấy có thể nấu ngon nhưng chẳng có cách nào phục vụ nhiều người được", Tran cho biết.

Sau đó, anh chia sẻ ý tưởng về việc nấu ăn tại gia cho Chu - một người bạn và cũng là đồng nghiệp của mình. Năm 2010, Munchery ra đời, và cả Tran lẫn Chu đều xin nghỉ công việc đang làm khi đó.

Khởi đầu của Munchery cũng gặp nhiều khó khăn như các doanh nghiệp khác. Khi mới thành lập, Tri Tran còn phải tự mình lái xe để giao đồ ăn cho khách. Gia đình nhà vợ anh còn trêu rằng anh đến MIT học công nghệ chỉ để trở thành một nhân viên chuyển phát thức ăn. Munchery cũng từng bị chương trình cấp vốn nổi tiếng - Y Combination từ chối đầu tư năm 2011.

Thời gian đầu, họ bán rất nhiều loại đồ ăn. Các đầu bếp đều làm việc tự do, từ nhà hoặc nhà hàng của họ, sau đó bán online. Vì thế, cả chất lượng và dịch vụ khách hàng đều khó kiểm soát.

Sau này, Tran và Chu nhận ra họ cần kết nối các đầu bếp với nhau, do những người này còn vướng bận công việc hiện tại. Vì thế, Munchery thuê một gian bếp riêng và cam kết với những người này rằng đồ ăn của họ sẽ được bán rộng rãi, chứ không chỉ gói gọn trong không gian như các nhà hàng truyền thống.

Công ty từ đó liên tục thay đổi chiến lược. Họ cho khách hàng đăng ký gói dịch vụ vài bữa mỗi tuần và chọn thời gian giao hàng trước thông qua website của hãng. Đến năm 2012, họ đã được rót khoản vốn đầu tiên - 210.000 USD.

cong-ty-giao-do-an-300-trieu-usd-cua-doanh-nhan-goc-viet-1

Một trong những suất ăn của Munchery. Ảnh: Bloomberg

Munchery là một trong các hãng khởi nghiệp đang cố giải quyết thách thức về việc lên kế hoạch cho bữa ăn trong ngày chỉ qua một cú chạm nhẹ trên ứng dụng. GrubHub ở Mỹ, Just Eat ở châu Âu và Ele.me ở Trung Quốc đều là các dịch vụ kết nối người dùng Internet với các nhà hàng.

Nhiều người đã chỉ trích và gọi sự nổi lên của loại hình kinh doanh này là "nền kinh tế thực phẩm lười biếng". Nhưng Munchery thì khác. Họ thuê đầu bếp và tự làm ra món ăn và giao tới tận nơi cho khách hàng với mức giá hợp lý.

Công ty hiện có chi nhánh tại bốn thành phố, gồm San Francisco, Los Angeles, New York và Seattle. Khoảng hai chục món khai vị, món phụ và đồ ăn trẻ em được chuẩn bị mỗi ngày để khách hàng lựa chọn. Thực đơn này thay đổi theo ngày. Khách hàng có thể chón món trên website hãng hoặc qua ứng dụng điện thoại.

Sau khi chế biến xong, món ăn sẽ được giữ lạnh, đóng hộp và chuyển ra xe để giao tới khách hàng. Khách hàng chỉ cần làm nóng lại thức ăn là có thể dùng được.

Muchery đã cung cấp ra thị trường hơn 3 triệu bữa ăn kể từ năm 2010. Công ty đã huy động được hơn 115 triệu USD vốn đầu tư. Tran cho biết Munchery hiện là gian bếp độc lập chuyên cung cấp thực phẩm tươi chế biến sẵn lớn nhất tại các thành phố họ hoạt động.

Anh cũng hy vọng sẽ mở thêm ít nhất 10 chi nhánh nữa trong vài năm tới. Dù vậy, giống như nhiều doanh nghiệp khác trong mảng kinh doanh theo yêu cầu, Munchery vẫn chưa có lãi.

Tháng trước, Munchery đã huy động được 85 triệu USD, giúp công ty được định giá 300 triệu USD. Đây là con số khá ít ỏi so với chuẩn mực tại Silicon Valley. Nhưng dù sao nó cũng biến Tran thành triệu phú, ít nhất là trên giấy.

Minh Châu

VTV có thể dùng tiền cổ phần hóa để xây tháp truyền hình

VTV có thể dùng tiền cổ phần hóa để xây tháp truyền hình

Chính phủ sẽ xem xét vấn đề vốn cho dự án sau khi VTV trình phương án, kế hoạch đầu tư... và thu được tiền từ cổ phần hóa các đơn vị thành viên.
  • Công ty Nhật thiết kế tháp truyền hình kỷ lục cho Việt Nam / Tháp truyền hình Việt Nam có thể phá kỷ lục thế giới

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Đài truyền hình Việt Nam (VTV), trong đó đề cập đến việc sử dụng vốn cho dự án xây tháp truyền hình.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu khi có phương án đầu tư, kế hoạch nguồn vốn và kế hoạch triển khai dự án, VTV sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc đầu tư vốn từ số tiền mà VTV thu được sau cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Số tiền này cần được chuyển về quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước khi Chính phủ quyết định.

von-co-phan-hoa-co-the-duoc-vtv-su-dung-xay-thap-truyen-hinh

Dự án xây dựng tháp Truyền hình Việt Nam được dư luận hết sức quan tâm. Ảnh minh họa

Trước đó, sau khi VTV công bố ý tưởng xây dựng tháp truyền hình cao 636m, trong nhiều ý kiến thì nguồn tiền đầu tư được dư luận khá quan tâm. Khi đó, lãnh đạo nhà đài khẳng định tiền để xây tháp truyền hình Việt Nam sẽ được lấy từ nguồn xã hội hóa, Nhà nước không bỏ tiền ra để làm công trình.

Về phần cổ phần hóa các đơn vị thành viên, trong quý I năm nay, 2 đơn vị trực thuộc VTV là Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) và Công ty Dịch vụ truyền hình Viễn thông Việt Nam (VTVbroadcom) sẽ được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ tại VTVcab. Truyền hình Việt Nam cũng sẽ thoái một phần vốn tại Truyền hình Cáp SaigonTourist (SCTV) để chuyển đơn vị này thành công ty cổ phần.

Ngược lại, VTV sẽ tiếp tục duy trì phần vốn nhà nước tại Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV), đơn vị quản lý hệ thống truyền hình K+. Trước đó, lãnh đạo VTV từng cho biết có kế hoạch thoái vốn khỏi K+. Sau khi hoàn tất việc này, VTV chỉ quản lý nội dung, không có vai trò trong việc kinh doanh tại đơn vị.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, VTV sẽ tăng phần vốn Nhà nước tại VTVcab bằng cách chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Truyền thông quảng cáo Đa phương tiện (SmartMedia) sang cho đơn vị này.

Thành Tâm

Bộ Tài chính lý giải việc giá xăng dầu giảm chậm so với thế giới

Bộ Tài chính lý giải việc giá xăng dầu giảm chậm so với thế giới

Dù giá dầu thô giảm hơn 40% nhưng giá xăng chỉ giảm khoảng 12%, điều này theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là hợp lý bởi dầu thô chỉ là một nguyên liệu đầu vào và để có xăng dầu cần qua nhiều khâu với các chi phí khác.
  • Bộ Tài chính giục doanh nghiệp vận tải giảm cước theo xăng dầu / Bộ Tài chính: 'Nhập khẩu xăng dầu lợi hơn 2 tỷ USD nhờ giá giảm'

Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 10/1, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ về nguyên nhân giá xăng dầu giảm chậm so với giá dầu thô trên thế giới.

- Thưa Bộ trưởng, năm qua, người dân đánh giá cao việc giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến giá dầu thế giới với tổng mức điều chỉnh lớn và số lần giảm là 18 lần. Nhưng vẫn có ý kiến băn khoăn, vì sao giá dầu thô giảm tới hơn 40% nhưng giá xăng bán lẻ trong nước chỉ giảm khoảng 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%?

bo-tai-chinh-ly-giai-viec-gia-xang-dau-giam-cham-so-voi-the-gioi

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. 

- Giữa giá dầu thô và giá bán lẻ là 2 khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không thể đồng nhất về mặt tỷ lệ giảm giá. Bởi lẽ, dầu thô là nguyên liệu đầu vào của giá xăng dầu bán lẻ. Để có xăng dầu ta phải thông qua chế biến, lưu thông, dự trữ rồi cả những chi phí khác như thuế liên quan đến xăng dầu. Theo chúng tôi tính toán, chi phí bán lẻ dầu thô trong giá xăng khoảng 40%, trong giá dầu là 50% nên không thể tính chênh lệch giá dầu thô giảm 40% thì giá bán lẻ xăng dầu cũng phải giảm tương ứng vì những chi phí sản xuất, lưu thông là những chi phí tương đối cố định, thậm chí có thời điểm tăng lên. Như vậy, chúng tôi đánh giá, năm qua việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với diễn biến giá dầu thô thế giới.

Cụ thể, so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia thì giá xăng và dầu của Việt Nam còn đang thấp hơn tương đối nhiều.

- Định hướng điều hành giá xăng dầu năm nay như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi vẫn kiên định điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến giá xăng dầu thế giới trong quá trình điều hành. Ngoài ra, trong điều hành, tiếp tục đảm bảo tính minh bạch cao hơn. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra thực hiện giá bán lẻ xăng dầu theo quy định của Chính phủ.

- Giá dầu thô thế giới giảm mạnh được coi là một cú sốc vào ngân sách nhưng cuối năm, Bộ Tài chính vẫn công bố chỉ số cân đối ngân sách và bội chi đạt chỉ tiêu. Bộ Tài chính đã có những chính sách gì để có thể vượt qua được một năm khó khăn như vậy?

- Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách và triển khai các pháp luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực trong 2015, ví dụ như Luật sửa 5 luật thuế, Biểu thuế tài nguyên, thuế Bảo vệ môi trường, thuế Tiêu thụ đặc biệt..., qua đó điều chỉnh chính sách thu, tăng thu nội địa, giảm thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tập trung vào cải cách thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; tăng cường công tác thanh kiểm tra về thuế, chống thất thu, chống nợ đọng, chống chuyển giá. Đến nay, kết thúc 2015 đã thu được gần 40.000 tỷ tiền nợ thuế của năm 2014 chuyển sang.

Cũng phải nói thêm rằng, điều hành ngân sách được thực hiện với tinh thần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để đảm bảo cân đối ngân sách. Triển khai đồng bộ quyết liệt công tác quản lý giá cả thị trường theo cơ chế giá thị trường và đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thô giảm sâu, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các ngành, các địa phương quản lý đầu vào, giảm chi phí sản xuất kinh doanh qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, tăng trưởng kinh tế cũng là tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Với các giải pháp đồng bộ như vậy, kết thúc 2015, tổng thu ngân sách đã vượt so với dự toán Quốc hội giao đầu năm gần 8% và không phải sử dụng khoản 10.000 tỷ thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bù đắp hụt thu ngân sách trung ương do giá dầu giảm, từ đó giữ được bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 theo kế hoạch đã đề ra.

- Theo ông, năm 2016, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước tác động đến vấn đề cân đối thu chi ngân sách như thế nào?

- Như chúng ta đã biết, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách với giá dầu thô là 60 USD một thùng nhưng gần đây giá chỉ còn dưới 35 USD một thùng. Bên cạnh đó, việc cắt giảm lộ trình thuế quan 2016 theo các cam kết quốc tế cũng giảm thu ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là 2 yếu tố tác động trực tiếp vào tình hình ngân sách trung ương năm 2016. Trước tình hình đó, chúng tôi đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản khác nhau về giá dầu thô năm 2016 là 55 USD, 50 USD, 45 USD, 40 USD, 35 USD một thùng và đến nay là 30 USD một thùng để làm cơ sở điều hành ngân sách hợp lý cho năm 2016.

bo-tai-chinh-ly-giai-viec-gia-xang-dau-giam-cham-so-voi-the-gioi-1

Giá dầu thô lao dốc là một trong những thách thức lớn của ngành tài chính.

Bên cạnh đó, phát huy những giải pháp hiệu quả trong năm 2015 như: cắt giảm chi, điều chỉnh chính sách thu, tăng cường thanh kiểm tra chống thất thu, chống nợ đọng... năm 2016, những giải pháp này tiếp tục được thực hiện. Đặc biệt, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc điều hành chính sách giá cả, giá xăng dầu xuống thì phải điều hành thật tốt để điều hành chi phí đầu vào của sản xuất, của nền kinh tế, của doanh nghiệp cũng phải giảm theo. Từ đó giảm chi phí đầu vào sản xuất các sản phẩm của Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, đó cũng là tiền đề quan trọng nhất để tăng thu.

- Một doanh nghiệp chia sẻ là đã xây dựng được một nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu nhờ nguồn vốn huy động được từ thị trường chứng khoán. Đơn vị này muốn Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục có các chính sách phát triển các thị trường vốn trong và ngoài nước như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn trong tiến trình hội nhập?

- Thị trường chứng khoán năm qua tăng 6,1% trong khi các nước trong khu vực giảm sút. Quy mô vốn hóa thị trường năm qua cũng lên tới 57% GDP. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, qua thị trường chứng khoán huy động được 299.000 tỷ đồng vốn trái phiếu cho đầu tư phát triển.

Để đảm bảo thị trường ổn định và phát triển trong năm tới, Bộ Tài chính đang triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó có tập trung khơi thông nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua thực hiện tốt, quyết liệt và hiệu quả Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Bộ sẽ chuẩn bị các điều kiện nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức cận biên lên mức mới nổi. Tiếp đến là giảm thủ tục và triển khai đăng ký mã số trực tuyến đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhóm giải pháp tiếp theo là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó tập trung tăng nguồn cung và chất lượng nguồn cung cho thị trường. Điểm mấu chốt và hàng hóa quan trọng nhất chính là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã làm một bước rất tốt về số lượng cổ phần hóa 96% theo Đề án được phê duyệt. Nhưng về chất lượng, có những doanh nghiệp bán số lượng cổ phần rất thấp so với Đề án phê duyệt. Do đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường chứng khoán, qua đó phải tăng cường thanh kiểm tra tạo tính minh bạch, niềm tin của nhà đầu tư.

Kỳ Duyên (ghi)

Nhà đầu tư Nhật muốn biết gốc rễ sự việc tại JVC

Nhà đầu tư Nhật muốn biết gốc rễ sự việc tại JVC

Cổ đông lớn nhất của JVC cho biết đang gặp khó khăn trong việc tìm hiểu nguyên nhân cựu Chủ tịch bị khởi tố, sau khi thị trường có nhiều tin đồn về hành vi sai trái của ông Hướng.
  • Cơn bão JVC và những câu hỏi lớn / Lỗ hổng công bố thông tin từ vụ JVC

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư chia sẻ về định hướng phát triển chiều nay (6/7), các cổ đông của công ty, chủ yếu là cổ đông ngoại đều bày tỏ muốn biết chuyện gì đang xảy ra với Công ty Thiết bị y tế Việt Nhật (Mã CK: JVC) sau khi Chủ tịch kiêm Giám đốc Lê Văn Hướng bị tạm giam.

Đại diện quỹ đầu tư DI (nắm gần 20% vốn công ty) cho biết ông trực tiếp sang Việt Nam nhằm mục đích tìm hiểu chính xác sự việc xảy ra và có hướng giải quyết cụ thể. "DI không biết lý do cụ thể tại sao ông Hướng bị tạm giam, mặc dù chúng tôi đã nghe rất nhiều tin đồn khác nhau, trong đó có tin đồn việc ông Hướng thay đổi tem trên các thiết bị", vị này nói. Ông cũng chia sẻ nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong việc đào sâu gốc rễ vấn đề và đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ.

Thông tin về tình hình hoạt động của công ty sau khi cựu Chủ tịch ông Lê Văn Hướng bị bắt, ông Kyohei Hosono - Chủ tịch đương nhiệm của JVC cho hay sự vắng mặt của ông Hướng đã khiến công ty gặp một số khó khăn. "Ông Hướng đã thiết lập được mối quan hệ mật thiết với các bệnh viện tại Việt Nam và có kỹ năng bán hàng tốt nên sự vắng mặt này chắc chắn ảnh hưởng đến JVC", vị này cho biết.

Do đó, công ty quyết định tái cơ cấu bộ máy và thay đổi phương pháp quản lý bán hàng để đưa hoạt động kinh doanh trở lại quỹ đạo. Thay vì áp dụng mô hình gia đình trị trước đây, những mối quan hệ của ông Hướng sẽ được JVC chuyển giao cho đội ngũ bán hàng hiện tại. Ngoài ra, JVC cũng tích cực đi thăm các bệnh viện để khẳng định công ty vẫn tiếp tục hoạt động.

Với sự hỗ trợ của nhà đầu tư Nhật Bản, lãnh đạo JVC tin tưởng công ty sẽ hoạt động bình thường trở lại. Hiện khoảng 90% nhà cung cấp của JVC là công ty Nhật Bản như: Hitachi, Fujifilm, Konica…

Đại diện Hitachi cho biết đã hợp tác với JVC trong hơn 10 năm và đây là đối tác quan trọng nhất đưa sản phẩm của công ty vào thị trường Việt Nam. "Chính phủ Nhật Bản cam kết tài trợ vốn ODA cho Việt Nam, và y tế là một trong số những lĩnh vực trọng điểm. Từ góc nhìn này, tôi rất tin tưởng Hitachi và JVC sẽ tiếp tục hợp tác tốt đẹp với nhau", ông nói.

Trong tháng 6/2015, JVC đã lâm vào biến cố khi từ một công ty có chỉ số tăng trưởng tốt, được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm thì bỗng dưng cổ phiếu bị bán tháo và giảm sàn nhiều phiên liên tiếp. Nguyên nhân là do thông tin cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc bị bắt, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

Theo văn bản JVC gửi lên Ủy ban chứng khoán, ông Lê Văn Hướng bị Công an Hà Nội khởi tố về tội lừa dối khách hàng. Ngay sau đó, công ty đã có những thay đổi về nhân sự và liên tục trấn an cổ đông. Hiện cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo trên sàn TP HCM.

Đóng cửa phiên hôm nay, giá cổ phiếu JVC tiếp tục tăng trần phiên thứ ba liên tiếp lên 9.200 đồng, sau 15 phiên giảm sàn.

Huyền Thư

Truy thu thuế 26 nghệ sĩ hơn 6 tỷ đồng

Truy thu thuế 26 nghệ sĩ hơn 6 tỷ đồng

Đây là số tiền mà các văn nghệ sĩ phải nộp thêm vào ngân sách nhà nước sau khi Cục Thuế TP HCM yêu cầu kê khai bổ sung quyết toán thuế tính đến ngày 31/10.
  • 5 nghệ sĩ bị truy thu thuế hơn 2 tỷ đồng / Cát-xê khủng, siêu sao đóng thuế bèo

Cục Thuế TP HCM cho biết vừa lật lại hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân của 26 nghệ sĩ và truy thu 6,3 tỷ đồng, tính đến ngày 31/10. Trong đó, một nghệ sĩ bị truy thu số thuế lên đến 700 triệu đồng chỉ trong năm 2014.

Ngoài ra, hai nghệ sĩ khác bị truy thu hơn 500 triệu đồng, trong đó một người bị truy thu từ năm 2010 đến 2014 và một người bị truy thu từ 2012 đến 2014. Những trường hợp phổ biến khác phải nộp thêm từ 100 đến 300 triệu đồng.

26-nghe-si-bi-truy-thu-thue-hon-6-ty-dong

Cục Thuế TP HCM cho rằng, các nghệ sĩ nên lấy hóa đơn chứng từ nếu đơn vị chi trả thu nhập đóng thay phần thuế 10% để thực hiện quyết toán thuế sau này. Ảnh: Lệ Chi.

Lãnh đạo Cục Thuế cho biết, khi đưa ra danh sách tra soát trên, Cục đã có khảo sát, nghiên cứu kỹ càng. Đồng thời cho rằng dù số lượng truy thu thuế thu nhập cá nhân này không nhiều, nhưng qua đó đánh động đến các đối tượng khác và nâng cao nhận thức về nghĩa vụ thuế.

Theo nhận định của Cục Thuế TP HCM, giới văn nghệ sĩ hiện nay đã thực hiện nghĩa vụ thuế có phần nghiêm túc hơn so với những năm trước và đóng góp số thu vào ngân sách nhà nước ngày càng cao. Trong năm 2014, Cục Thuế cũng đã truy thu 4,4 tỷ đồng tiền thuế của 7 nghệ sĩ.

Ngoài giới nghệ sĩ, theo đại diện Cục Thuế TP HCM, nhiều đối tượng khác như bác sĩ, giảng viên, người có thu nhập cao... sau khi được mời đến, đã tự giác kê khai và nộp thêm khoảng 35 tỷ đồng vào ngân sách năm 2014.

Hoài Thu

Người mua nhà lo dự án vượt tiến độ

Người mua nhà lo dự án vượt tiến độ

Không chỉ giới đầu cơ, nhiều người có nhu cầu mua nhà để ở cũng vừa mừng vừa lo khi nhiều dự án đang được chủ đầu tư thực hiện vượt xa so với tiến độ ban đầu.
  • Nhà chậm tiến độ, rao lỗ hàng tỷ đồng không ai mua

Anh Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) mua 4 căn hộ có diện tích trên 80m2, tầng đẹp tại dự án ở Linh Đàm để đầu tư kiếm lời từ khi chủ đầu tư bắt đầu mở bán đợt đầu vào giữa năm ngoái. Sau khi đặt cọc và đóng tiền giai đoạn một, anh đăng thông tin rao bán để kiếm khoản chênh. Đến nay, nhà đầu tư này mới bán được 2 căn, trong khi chủ đầu tư xây nhanh, nên số tiền đến nay anh phải đóng đã tương đương 60% giá trị. 

"Nếu từ nay đến cuối năm, chủ đầu tư bàn giao nhà, tôi phải nộp 1,6 tỷ nữa. Trong khi đó nhà rao bán lâu rồi mà chưa giao dịch được, cũng không biết huy động tiếp tiền ở đâu", anh Nguyên cho hay.

a5-2591-1433925267.jpg

Nhiều dự án được xây dựng khá nhanh khiến nhà đầu tư phải xoay tiền liên tục để thanh toán. Ảnh minh họa: N.T

Nhà đầu tư này cũng chia sẻ, khoản tiền chênh hiện nay không được nhiều như giai đoạn trước, chỉ khoảng vài chục triệu đồng mỗi căn. "Vì thế, tính ra số tiền chênh thu được cũng chẳng đáng kể so với khoản lãi mà tôi phải phải huy động để nộp. Đó là căn hộ của tôi còn ở vị trí đẹp, dễ bán, chứ mấy dự án thanh khoản kém thì còn khó khăn hơn", anh Nguyên nói.

Cuối năm ngoái anh Chiến (Đống Đa) cũng quyết định đầu tư lướt sóng một số căn hộ tại quận Hoàng Mai, Hà Đông có mức giá trên dưới 20 triệu đồng một m2. Anh tính toán trong khoảng nửa năm sẽ bán được 2 căn, lãi được một khoản chênh cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, hiện dự án xây vượt tiến độ, số tiền nộp mỗi căn khoảng 50%, trong khi nhà đã rao bán nhưng chưa có người mua. Do đó, gần đây, khách hàng này liên tục phải làm đơn xin gia hạn nộp tiền. 

"Gia hạn cũng chỉ được 15 ngày, sau đó sẽ phải chịu lãi phạt nên tôi vẫn phải cố xoay sở để nộp cũng như xúc tiến việc bán hàng gấp", anh Chiến nói. 

Nhiều người mua nhà để ở cũng xoay sở không kịp với các kế hoạch nộp tiền cho những dự án vượt tiến độ. Vợ chồng chị Khánh mua một căn hộ tại một dự án thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Dự kiến ban đầu đến giữa năm 2016 chủ đầu tư mới bàn giao nhà. Nghiên cứu tiến độ đóng tiền thấy cũng phù hợp với khả năng xoay sở của gia đình (6 đợt, mỗi lần cách nhau 3-4 tháng) nên vợ chồng chị chọn mua căn hộ 70m2, 2 phòng ngủ. Tuy nhiên, dự án được chủ đầu tư xây dựng nhanh, đến nay vượt khoảng 2 tháng so với dự kiến ban đầu  Gia đình chị liên tục phải xoay tiền để nộp.

"Do xác định từ đầu là sẽ không vay ngân hàng nên tôi không làm thủ tục. Giờ nghe nói có thể cuối năm nay chủ đầu tư đã bàn giao nhà, tôi còn 30% nữa tức là khoảng gần 600 triệu đồng nhưng giờ chưa kịp xoay nên có thể sẽ phải thay đổi kế hoạch", chị Khánh lo ngại.

Tiến độ dự án chậm từng là nỗi ám ảnh của nhiều khách hàng khi trong giai đoạn khủng hoảng, thị trường liên tục xảy ra những vụ kiện cáo xung quanh câu chuyện này. Để vực lại lòng tin, nhiều chủ đầu tư hiện cam kết chịu phạt nếu tiến độ không đảm bảo, thậm chí là chịu phạt theo ngày nếu không bàn giao đúng hạn.

Ông Lê Anh Vũ - Trưởng phòng Marketing Công ty BIC Việt Nam nhận định việc cam kết tiến độ cho dự án là nhằm xây dựng uy tín của chủ đầu tư. Vị này cũng cho biết, hiện nay đa số người mua nhà vay ngân hàng nên những người lo sợ việc tiến độ dự án không nhiều.

"Nếu có lo lắng về tiến độ quá nhanh thì tôi nghĩ chủ yếu là giới đầu tư lướt sóng. Còn đa số người mua nhà để ở muốn nhà xây xong càng sớm càng tốt", ông Vũ nói. 

Về việc giới đầu cơ sẽ khó tham gia vào các dự án như trên, ông Vũ cho biết đây cũng cho rằng đây là điều bản thân các chủ đầu tư mong muốn. "Các chủ đầu tư cũng muốn bán nhà đến tay những người có nhu cầu thực để ở. Còn giới đầu cơ muốn tham gia vào thị trường phải chuẩn bị một nguồn tài chính dồi dào chứ không thể làm ăn chộp giật nhưng vẫn được hưởng chênh cao như trước đây được", vị này nhận định.

Ngọc Tuyên

Newer Posts Older Posts Home