Bập bẹ tiếng Anh vẫn được học, nhưng không đạt thì đóng tiền học lại. Có những trường rởm chỉ cần ghi danh vào là nhận được tấm bằng đóng dấu đỏ chói. Hiện đã có một số trường dạng này xuất hiện tại Việt Nam.
Chương trình cử nhân cao đẳng công nghệ thông tin của trường Saigontech (phân hiệu chính thức tại Việt Nam của trường Houston Community College, Texas, Mỹ) thì tiếng Anh không phải là điều kiện bắt buộc để xét tuyển. Trong khi chương trình lại được quảng cáo là người học sẽ học hoàn toàn bằng tiếng Anh với các giảng viên nước ngoài.
Nhân viên trường giải thích, năm đầu tiên người học sẽ chỉ tập trung học ngoại ngữ, cho đến khi đạt yêu cầu, nếu chưa đạt phải đóng tiền học lại với giá 1.500 USD/năm.
Theo các chuyên gia, để có thể theo học được các chương trình nước ngoài thì yêu cầu tối thiểu đối với người học là phải đạt điểm TOEFL trên 500. Với thời gian trong vòng 1 năm để một người từ chỗ tiếng Anh chỉ bập bẹ đến chỗ đạt điểm số trên là điều không thể thực hiện được.
Các chương trình giảng dạy hiện có tại Việt Nam, mặc dù trường quảng cáo là 100% của nước ngoài nhưng thực tế nó đã được giảm nhẹ đi rất nhiều.
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính là trình độ ngoại ngữ của người học không đủ để tiếp thu và thời lượng dành cho các môn học là quá ngắn.
Một du học sinh cho biết, cũng cùng một môn học đó, của cùng một trường nhưng tại nước sở tại họ đào tạo trên 3 tháng, nhưng tại Việt Nam thì được rút ngắn xuống chỉ còn 1 đến 1,5 tháng. Với thời gian như vậy, chỉ riêng việc đọc giáo trình thôi cũng không đủ nói chi đến việc thảo luận, khơi gợi vấn đề, viết bài luận.
Cách dạy và học kể trên, không khác cách đào tạo tồn tại ở Việt Nam: đọc, chép. Chỉ có giá học phí là khác.
Nhiều trường đã cho bê nguyên xi chương trình của nước ngoài nhưng giảng bằng tiếng Việt. Có trường mời giảng viên ngoại quốc dạy kèm theo phiên dịch. Phổ biến nhất là họ cho mời các giảng viên Việt kiều…
Có những cơ sở sau khi ký kết với đối tác lại hoàn toàn khoán trắng việc đào tạo cho họ, chỉ chờ đến kỳ thu tiền phần trăm. Qua tìm hiểu, tỷ lệ phần trăm trong các chương trình liên kết cũng khá cao nên nhiều trường tìm cách để thu hút càng đông học viên càng tốt bằng cách giảm điều kiện đầu vào.
Hầu hết các đại học nước ngoài vào liên kết với Việt Nam đều ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Chẳng hạn như tại Mỹ, chỉ tính riêng trường đào tạo kinh doanh thôi đã có hơn 3.000 trường, nhưng cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của Mỹ chỉ công nhận 300 trường đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Có những trường chỉ cần ghi danh vào là nhận được tấm bằng đóng dấu đỏ chói. Hiện đã có một số trường dạng này xuất hiện tại Việt Nam dưới hình thức đào tạo online, trực tuyến.
Người học chỉ cần có mở một tài khoản nhất định, trường đào tạo không cần biết người đó có học hay không, cuối khoá vẫn có bằng tốt nghiệp đóng dấu quốc tế hẳn hoi.
Phần lớn các trường này do chưa xây dựng được uy tín tại nước mình nên đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt tại bản xứ, thị phần không cao, nên giải pháp được chọn lựa là mở rộng ra quốc tế, và những nước được nhắm đến thường thuộc về thế giới thứ ba, trong đó có Việt Nam.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
No comments:
Post a Comment